Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

CV Cho Người Ít Kinh Nghiệm - Cơ Hội Với Tất Cả Mọi Người

Bạn là một sinh viên mới ra trường và kinh nghiệm làm việc là con số không tròn trĩnh? Bạn là một sinh viên năm 2, năm 3 đang muốn tìm một cơ hội thực tập tốt? Hay bạn muốn thử sức ở một công việc không phải chuyên ngành của mình? Nhưng bạn đang lo lắng không biết viết gì vào CV do thiếu kinh nghiệm. Ở bài viết này, Câu lạc bộ Nguồn nhân lực (HRC FTU) sẽ hướng dẫn bạn có được 1 CV chuẩn dù chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.

Hãy thử nghiệm 7 phương pháp sau đây, những khuyết điểm về kinh nghiệm của bạn sẽ được che lấp:

1. Bắt đầu bằng những kỹ năng bạn có

Có thể bạn không có được một danh sách thật dài các yếu tố mà công ty yêu cầu, nhưng kỹ năng thì ai cũng có. Bạn làm tốt những việc gì? Nếu không nghĩ ra hãy thử hỏi bạn thân hay bất kỳ ai từng làm việc chung với bạn xem, họ chính là những người hiểu rõ bạn nhất, chỉ sau mình bạn thôi. Nếu họ nói bạn là một người teamwork tuyệt vời, chắc hẳn là bạn đã chứng tỏ cho họ thấy bạn làm việc nhóm thật hiệu quả, hay bạn có tố chất của một nhà lãnh đạo trong tương lai, khả năng giải quyết tình huống của bạn thật xuất sắc, … Những lời khuyên như thể sẽ giúp bạn biết được mình đang ở đâu và tự tin hơn vào khả năng của chính mình.

Ví dụ: Bạn đang ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Marketing, hãy thể hiện rằng bạn có khả năng design tốt qua một số ấn phẩm, các bài viết truyền thông chuẩn mực khi bạn làm các dự án của CLB hay dự án nhóm, … Tất cả những kỹ năng mà bạn cho rằng phù hợp với vị trí ứng tuyển hãy đưa vào CV, chất lượng của CV sẽ được cải thiện đáng kể đó.

2. Thử suy nghĩ rộng hơn nữa xem sao

Bạn đã biết mình có một số kỹ năng tốt, những giờ lại lo lắng vì chúng không liên quan đến vị trí mình ứng tuyển? Đối với một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn nên suy nghĩ vượt khỏi những yêu cầu từ công việc đó. Chỉ vì bạn không nhận được thù lao cho việc bạn làm không có nghĩa là nó ít giá trị. Bạn từng làm một dự án nghiên cứu trong đại học, hay tham gia vào một công việc bán thời gian?

Ví dụ: Bạn từng đi dạy gia sư, đi làm nhân viên lễ tân, hãy cho NTD thấy bạn đã cải thiện tác phong, giao tiếp và khả năng truyền tải như thế nào. Hay bạn từng tham gia một chương trình từ thiện với vai trò người gây quỹ và bạn huy động được một số tiến khá lớn để ủng hộ người nghèo, nó đơn giản là trong bạn đã tồn tại những phẩm chất phù hợp với vị trí “Huy động vốn” cho công ty.

Mặc dù có những công việc không liên quan trực tiếp đến vị trí bạn mong muốn, nhưng những kỹ năng mà bạn đạt được qua những công việc trên đây cũng sẽ có giá trị cho CV của bạn. Vì thế hãy dành chút thời gian để liệt kê những kỹ năng mà các hoạt động trước đây mang lại cho bạn nhé.

3. Thêm vào bất kỳ giải thưởng, chứng nhận nào của bạn

Bạn từng đạt học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc khi còn trên ghế giảng đường, bạn đạt thành tích tốt tại các môn học liên quan đến vị trí mình ứng tuyển, hoặc bạn từng tham gia các cuộc thi cho sinh viên, hay bạn từng đạt giải thưởng giá trị thời học phổ thông?  Đừng ngần ngại đưa những thành tích đó vào CV một cách khéo léo, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng đáp ứng và có thể phát triển tốt trong công việc của họ.

Ví dụ: Bạn đang ứng tuyển vào vị trí “ Chuyên viên Kế toán”, hãy tận dụng những thành tích chứng tỏ bạn là một người có khả năng tính toán tốt như Giải Toán Quốc gia, quốc tế, Olyimpic Toán sinh viên, … Hoặc bạn yêu chứng khoán? Hãy thể hiện cho NTD thấy niềm đam mê của bạn với những con số và các đồ thị phức tạp. 

4. Hãy làm chúng ấn tượng và nổi bật

Đầu tiên bạn nên thử tưởng tượng một bức tranh tổng thể về công việc tại vị trí đó xem sao, rồi hãy quyêt định nên đưa những thông tin nào là thích hợp và ấn tượng nhất. Sau khi quyết định được nên đưa thông tin nào vào, giờ là lúc bạn làm chúng thực sự nổi bật. Đây là một điều quan trọng trong bất kỳ CV ứng tuyển vào vị trí nào. Bằng cách chia nhỏ mỗi dự án mà bạn tham gia thành các mục tiêu, công việc bạn thực hiện, kết quả có định tính, định lượng và bài học bạn đạt được từ dự án đó, những kỹ năng của bạn sẽ được thể hiện rõ ràng nhất.

Ví dụ: Bạn đang ứng tuyển một vị trí Thực tập viên Marketing, hãy thử trình bày CV theo mẫu sau:

Câu lạc bộ ABC, thành viên Ban truyền thông

  • Thiết kế các ấn phẩm truyền thông cho sự kiện X của CLB, được mọi người đánh giá là có dấu ấn và truyền tải được thông điệp từ chương trình.
  • Viết các bài viết truyền thông chất lượng cho sự kiện Y, thu hút được 1000 sinh viên đăng ký tham dự.

5. Luôn tập trung vào những điểm tích cực

Bạn đã có cho mình một danh sách kỹ năng khá đẹp rồi, chắc hẳn đến đây các bạn sẽ thắc mắc nên đưa những thông tin nào vào trước đúng không? Câu trả lời là bạn nên đưa những thành tích mà bạn thấy nổi bật và tự tin nhất. Nếu các thành tích đó đều đều như nhau, bạn có thể xem xét nên đưa các thành tích học tập của mình vào trước. Nhớ rằng hãy luôn đưa những thông tin tích cực nhất cả về học tập lẫn kinh nghiệm của bạn vào CV nhá, NTD sẽ không muốn thấy một ứng viên hay kể những thiếu xót của mình đâu

6. Tính cách của bản thân – Tại sao không?

Trong trường hợp bạn cảm thấy CV của mình còn ngắn, đừng ngại bổ sung một vài tính cách nổi bật của bản thân. Đó có thể là sở thích hay những tài lẻ của bạn. Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy nó không liên quan đến công việc, sự thật là từ những đặc điểm đó có thể nói cho nhà tuyển dụng thấy một số đặc điểm về con người và tính cách của bạn.

Hoặc bạn cũng có thể viết một bản cover letter để mô tả rõ hơn những tính cách của bạn với Nhà tuyển dụng, một phần cũng là để bộ hồ sơ của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn. Một bản cover letter sẽ giúp bạn thể hiện rõ hơn đam mê và sự phù hợp của bạn với công việc này. Nhưng hãy thật khéo léo để đưa những đặc điểm thật phù hợp có thể thể hiện được tính cách của bạn. 

7. Cuối cùng, hãy thể hiện thật chuyên nghiệp trong CV

Thay vì viết cả một đoạn văn thật dài cho mỗi thông tin mà bạn đưa vào thì hãy trình bày nó thật ngắn gọn và dễ nhìn. Sử dụng ngôn ngữ thật ngắn gọn, súc tích, tránh sự dài dòng, luẩn quẩn, đặc biệt là hạn chế sử dụng ngôn từ quá bóng bảy. Ngôn ngữ chuyên nghiệp nhất là dùng những từ ngữ phổ thông, không nên sử dụng các từ địa phương trong CV. Đặc biệt là với CV bằng Tiếng Anh, hãy thống nhất trong cách dùng từ, dùng các thì phù hợp; dùng thống nhất một loại ký hiệu đầu dòng từ đầu đến cuối của CV.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết cách trình bày CV của HRC này nhé.

Điều cuối cùng mà HRC muốn nhắn nhủ tới các bạn là hãy luôn nhớ: ai cũng có những khuyết điểm, thiếu sót, những điểm không phù hợp với công việc họ ứng tuyển. Vì vậy hãy tự tin thể hiện những phẩm chất của mình trong CV để chứng minh cho NTD thấy bạn là một ứng viên tiềm năng. Chúc các bạn thành công.

Nguồn : hrc.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

10,106 lượt xem