Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Đặt Mục Tiêu Nghề Nghiệp Năm 2018 Dễ Dàng Hơn Với Quy Tắc "SMART"

Những ngày cuối năm vừa qua, dù phải loay hoay với rất nhiều công việc nhưng Vui Vẻ vẫn không quên dành thời gian lên một “to-do list” dài ngoằng cho năm 2018. Đơn giản là vì cứ mỗi khi năm mới đến thì Vui Vẻ lại có thói quen tự vạch ra và cố gắng đạt được những mục tiêu nghề nghiệp vượt trội hơn năm cũ. Nếu bạn đang băn khoăn không biết đặt mục tiêu nghề nghiệp sao cho đúng đắn và cách đạt được chúng thì hãy xem qua bài viết này nhé!

S – Specific (mục tiêu phải cụ thể)

Khi đặt mục tiêu, bạn hãy nêu rõ một cách chi tiết mức độ mà bạn muốn hoàn thành thay vì chỉ nói chung chung. Ví dụ, không nên ghi “nhận được một vị trí công việc tốt hơn ở công ty mới”, thay vào đó là “vào tháng A bắt đầu tìm việc, vị trí mới có mức lương thấp nhất là X, tháng B sẽ nhận được việc,…”

M – Meaningful (mục tiêu phải có ý nghĩa)

Mục tiêu đặt ra phải khiến cho bạn/cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn, đặc biệt là sự nghiệp. Nếu không, đó là mục tiêu vô nghĩa. Do đó hãy luôn cân nhắc, xem xét kĩ càng từng vấn đề và mức ảnh hưởng của chúng để lựa chọn mục tiêu sao cho đúng đắn.

A – Attainable (mục tiêu có thể đạt được)

Dĩ nhiên mục tiêu luôn là những điều tốt đẹp mà hiện tại bạn chưa thể đạt được. Thế nhưng bạn cần phải hiểu bản thân mình, biết vị trí/khả năng của mình đang ở đâu để đặt mục tiêu sao cho phù hợp với năng lực chứ không phải hiện tại muốn có gì mà vẫn chưa nắm được trong tay thì sẽ xem đó là mục tiêu.

R – Relevant ( mục tiêu thực tế)

Mục tiêu khác ước mơ ở chỗ, mục tiêu là điều thực tế mà chỉ cần cố gắng hết mình bạn sẽ làm được, còn ước mơ thì đôi lúc lại là những điều quá xa vời, phi thực tế.

T – Time-bound (mục tiêu có thời gian hoàn thành cụ thể)

Đừng quên đính kèm thời gian và sắp xếp trình tự các mục tiêu sao cho hợp lý. Một mục tiêu có thời gian rõ ràng sẽ tạo cho bạn động lực cũng như hỗ trợ bạn đề ra chiến lược hiệu quả để đạt được nó.

LÀM GÌ ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỌI MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP ĐÃ ĐỀ RA?

1. Định hướng sự nghiệp cho bản thân

Mức độ đạt được mục tiêu phụ thuộc vào việc bạn đánh giá mục tiêu đó sẽ ảnh hưởng tới định hướng nghề nghiệp của mình ra sao. Ví dụ bạn muốn tương lai sẽ thăng chức làm Trưởng Phòng thì các mục tiêu nhỏ hiện tại như đạt KPI của dự án X, đề xuất ý tưởng mới cho sự kiện Y cần được hoàn thành một cách xuất sắc như vượt cả KPI đã đề ra hay ý tưởng của bạn mang lại doanh thu/lợi ích cực lớn cho công ty.

2. Sắp xếp mục tiêu hợp lý

Suốt một năm sẽ có hàng loạt các mục tiêu đề ra nhưng bạn phải biết mục tiêu nào quan trọng nhất để giành nhiều sự ưu tiên cho nó. Nếu không hệ thống hóa chúng, sẽ có lúc bạn rơi vào trạng thái stress vì có quá nhiều mục tiêu cần đạt nhưng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu.

3. Có chiến lược rõ ràng

Đừng bỏ qua bước lên kế hoạch đạt mục tiêu có thời gian cụ thể để theo dõi được tiến độ của bạn thân như biết được mình đã hoàn thành những gì, cần làm gì tiếp theo, bao lâu nữa sẽ đạt được mục tiêu,..

4. Suy nghĩ lạc quan

Trước khi bắt tay hoàn thành “to-do list”, hãy luôn lạc quan và nghĩ rằng bản thân sẽ cố gắng làm tốt hết mình dù kết quả có ra sao đi nữa. Đừng bao giờ cho phép nỗi sợ thất bại làm bạn nản chí.

5. “Thất bại là mẹ thành công”

Đối với Vui Vẻ, đặt ra 10 mục tiêu mà đạt được từ 7 trở lên đã là tốt lắm rồi. Thất bại là chuyện bình thường và hãy biến những thất bại làm động lực để bạn cố gắng hơn. Nếu bạn biết cách học hỏi từ những sai lầm, không ngừng theo đuổi ước mơ, sở hữu nghị lực bền bỉ thì chắc chắn sẽ có lúc thành công mỉm cười với bạn.

Theo http://hrinsider.vietnamworks.com/

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,324 lượt xem