Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Để Thành Thạo Một Ngôn Ngữ Mới, Bạn Hoàn Toàn Làm Được

2 Phần:Bắt đầu với những điều cơ bản | Thực hành ngôn ngữ

Học một ngôn ngữ mới có thể là công việc gian nan, nhưng nếu tuân theo một số phương pháp nhất định, bạn sẽ nhanh chóng học được bất cứ ngôn ngữ nào. Tuy rằng sẽ không có phép màu nào có thể giúp bạn trong việc này, nhưng với sự cần cù và chịu khó thực hành, bạn sẽ thành thạo ngôn ngữ đó chỉ trong thời gian ngắn.

Phần1: Bắt đầu với những điều cơ bản    

1. Biết về cách học của mình. Đây là điều quan trọng nhất mà bạn cần biết khi bắt đầu học một ngoại ngữ. Mỗi người có một cách học khác nhau, đặc biệt là khi học ngoại ngữ. Bạn sẽ phải biết mình học có hiệu quả nhất với cách nào, chẳng hạn như lặp lại, viết ra các từ vựng hoặc nghe người bản xứ nói.

  • Xác định xem liệu bạn thuộc mẫu người học bằng thị giác, thính giác hay vận động. Có một mẹo để tìm ra điều này: Bạn hãy chọn vài từ trong tiếng mẹ đẻ của bạn và đọc qua vài lần. Nếu có thể nhớ được những từ đó vào ngày hôm sau thì có lẽ bạn là người học bằng thị giác. Nếu không, bạn hãy nhờ ai đó đọc lên vài lần những từ mà bạn không nhìn thấy. Nếu hôm sau bạn nhớ được những từ đó thì rất có thể bạn là người học bằng thính giác. Nếu cách này không có tác dụng, bạn thử đọc và viết ra các từ đó, đọc lại thành tiếng, nghe người khác đọc, liên hệ với ký ức và cảm nhận chúng. Nếu hôm sau bạn có thể nhớ được những từ đó, có lẽ bạn là người học bằng cách vận động.  
  • Nếu trước kia từng học ngoại ngữ, bạn hãy nhớ lại những gì bạn đã học và cố gắng tìm ra điều gì có hiệu quả nhất đối với bạn. Điều gì giúp ích cho bạn, điều gì không? Bạn nhận thấy những phần nào trong quá trình học là dễ? Những phần nào là khó? Khi đã tìm ra những điều này, bạn có thể sẵn sàng bắt tay vào học.  

2. Học cách phát âm. Ngay cả khi ngôn ngữ bạn định học có cùng bảng chữ cái với ngôn ngữ bạn đang sử dụng thì cũng không có nghĩa là cách phát âm của chúng sẽ giống nhau. (Bạn cứ hỏi người Anh cách phát âm chữ ”t” đi thì biết).

  • Việc học bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế có thể giúp ích cho bạn, vì hầu hết các từ điển đều sử dụng bảng ký hiệu này.
  • Học viện Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp miễn phí các tài liệu học ngôn ngữ, trong đó bao gồm các bản ghi âm dạy cách phát âm, ứng dụng Duolingo và trang web cung cấp nhiều ngôn ngữ khác nhau và các lời khuyên hữu ích về cách phát âm.

  3. Chú ý đến ngữ pháp. Đây có lẽ là phần quan trọng nhất của ngôn ngữ bên cạnh từ vựng. Chẳng hạn như câu "Paul want Mary go store" có thể diễn đạt được nội dung, nhưng hoàn toàn không đúng trong tiếng Anh. Nếu không chú ý đến ngữ pháp, những câu bạn nói ra sẽ khó hiểu.

  • Xem xét về cấu trúc của ngôn ngữ và cách sử dụng giống (giống đực, giống cái, giống trung). Việc nắm được cấu trúc của ngôn ngữ sẽ giúp bạn hiểu được cách thức các từ ngữ kết hợp với nhau như thế nào khi bắt đầu học từ vựng.
  • Đảm bảo biết cách diễn đạt câu hỏi, câu khẳng định và câu phủ định ở thì quá khứ, hiện tại và tương lai khi sử dụng 20 động từ quy tắc và bất quy tắc thông dụng nhất.

4. Học thuộc lòng 30 từ và cụm từ mỗi ngày. Như vậy, trong vòng 90 ngày bạn sẽ thuộc được khoảng 80% ngôn ngữ đó. Bắt đầu với những từ thông dụng nhất. Học thuộc lòng là một phần quan trọng trong việc học ngoại ngữ, và có nhiều cách học.

  • Bạn có thể luyện tập viết mỗi từ hàng chục lần. Cách này sẽ giúp bạn quen với việc sử dụng từ đó.  
  • Dùng từ mới trong các câu khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn luyện tập với các từ và dễ nhớ từ hơn khi cần sử dụng.
  • Đừng quên tiếp tục thực hành các từ vựng khi bạn chuyển sang học thuộc các từ khác. Nếu không tập luyện, bạn sẽ quên những từ đã học.

5. Học bảng chữ cái. Đặc biệt là khi học một ngoại ngữ có hệ thống chữ viết khác lạ, bạn sẽ phải biết mặt các chữ cái và cách viết của nó.

  • Thử liên tưởng hình ảnh và âm thanh của từng chữ cái, từ đó bộ não sẽ tạo ra đường đi dễ dàng để nhớ các chữ cái và âm thanh kèm theo nó. Ví dụ: Trong tiếng Thái, chữ "า" được phát âm là "ah." Nếu là nam, bạn có thể tưởng tượng chữ này như dòng chảy khi bạn đi tiểu vào gốc cây và kèm theo đó là tiếng thở ra nhẹ nhõm khi bạn vừa “trút bầu tâm sự”. Sự liên tưởng có thể đơn giản hoặc ngớ ngẩn thế nào là tùy bạn, miễn là nó giúp bạn ghi nhớ.[3]
  • Bạn cũng có thể phải làm quen với cách đọc từ phải sang trái hoặc từ trên xuống dưới. Hãy bắt đầu với những thứ đơn giản và dần dần tiến tới những tài liệu khó hơn như sách hoặc báo.

  Phần 2: Thực hành ngôn ngữ    

1. Nghe. Việc luyện nghe thông qua các bộ phim hoặc chương trình truyền hình, các khóa học ngôn ngữ âm thanh hoặc âm nhạc có thể giúp bạn nhớ được các từ đang học. Nhưng chỉ nghe thôi thì cũng không giúp được nhiều. Bạn cần lặp lại các từ và tự nói với mình.

  • Một phương pháp gọi là "shadowing" (tạm dịch: bắt chước) được những người biết nhiều thứ tiếng xem là một kỹ thuật hữu hiệu. Bạn hãy đeo tai nghe vào và bước ra ngoài, vừa nghe vừa bước nhanh. Lặp lại thành tiếng và rõ ràng những gì bạn đang nghe khi bước đi. Lặp lại, lặp lại và lặp lại. Điều này sẽ giúp bạn kết nối sự vận động (di chuyển) với ngôn ngữ và điều chỉnh lại sự tập trung để không bị ám ảnh về việc học thuộc lòng.[4]
  • Sử dụng sách nói hoặc các bài học ngoại ngữ ghi âm. Bạn có thể nghe những tài liệu này trên đường đi làm hoặc khi chạy bộ trong công viên. Cách này sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng nghe. Nghe lại sau mỗi quãng ngắn khoảng 30 giây đến 1 phút cho đến khi bạn cảm thấy đã hiểu hoàn toàn. Đôi khi bạn cần phải nghe lại bài học hơn hai lần để hiểu được toàn bộ nội dung.
  • Xem các chương trình truyền hình và phim không kèm phụ đề. Có thể đó là các bộ phim truyền hình nhiều tập, các bản tin thời sự, thậm chí cả các chương trình mà bạn biết là đã được lồng tiếng. Đây là một cách thú vị để thực hành và áp dụng kiến thức của bạn.
  • Nghe những bản nhạc hát thứ tiếng bạn đang học. Đây là một cách thú vị, dễ dàng, và hy vọng là sẽ giúp bạn thích thú với những công việc bạn đang làm. Bạn chỉ cần mở nhạc khi rửa bát hoặc khi đi dạo ngoài trời và chú ý vào những từ ngữ trong bài hát. Có thể bạn sẽ muốn nghe những bài hát cổ điển vì chúng thường có phần lời dễ hiểu.  

2. Đọc thật nhiều bằng thứ tiếng mà bạn đã chọn để học. Bắt đầu bằng những cuốn sách đơn giản và chuyển sang những cuốn khó hơn khi trình độ đã khá hơn. Tự thách thức mình đọc mà không dùng từ điển và tự đoán nghĩa của những từ đó.

  • Sách thiếu nhi là điểm khởi đầu tuyệt vời, vì chúng được thiết kế để dạy trẻ em học đọc và hiểu tiếng mẹ đẻ. Là người mới học, bạn nên bắt đầu từ mức dễ.  
  • Tìm những cuốn sách mà bạn thích khi đọc bằng tiếng mẹ đẻ và đọc bằng ngôn ngữ bạn đang học. Những kiến thức sẵn có của bạn về nội dung cuốn sách sẽ giúp bạn giải mã các từ mới và giữ được sự hứng thú khi đọc.
  • Đọc báo hoặc các tạp chí thông dụng bằng ngôn ngữ bạn muốn học. Chọn một chủ đề mà bạn quan tâm. Tạp chí là một nguồn rất hay để học các thành ngữ thông dụng được đặt trong ngữ cảnh. Các bài viết trong báo và tạp chí bao gồm nhiều đề tài, và nói chung thường ngắn hơn nhiều so với sách.
  • Bạn có thể mua một cuốn từ điển uy tín của ngôn ngữ bạn muốn học, hoặc dùng từ điển miễn phí trên mạng. Tô đậm trong từ điển mỗi khi gặp một từ mới, chép lại từ đó kèm định nghĩa của nó và câu ví dụ vào vở. Sau đó, bạn hãy học trong vở. Hoạt động này sẽ giúp bạn nghiền ngẫm về ngôn ngữ đang học.
  • Đôi khi một cuốn từ điển bằng hình ảnh có thể giúp ích khi bạn học những danh từ thông dụng trong một số ngôn ngữ. Ví dụ, bạn có thể sử dụng từ điển bằng hình ảnh để học tiếng Nhật, vì nhiều từ tiếng Nhật mang nhiều nghĩa khác nhau, cũng tương tự như tiếng Việt.

3. Nói chuyện với người bản xứ. Nếu không nói, bạn sẽ rất khó học tốt và nhớ được ngôn ngữ đó. Có những chương trình giúp kết nối những người học ngoại ngữ và những người bản xứ thông qua ứng dụng Skype. Nếu không có điều kiện, bạn hãy tìm trong thành phố hoặc thị trấn bạn ở. Có thể bạn sẽ gặp ai đó giới thiệu người có khả năng giúp bạn thực hành. Trường dạy ngoại ngữ là nơi rất tốt để bắt đầu.

  • Học vài thành ngữ, tục ngữ và các cách diễn đạt. Khi đạt đến trình độ cao hơn, bạn hãy học vài thành ngữ, thậm chí tiếng lóng trong ngôn ngữ đó. Cho dù không mấy khi sử dụng, nhưng điều này sẽ giúp bạn nhận ra và hiểu nghĩa khi đọc được ở đâu đó hoặc nghe người khác nói.
  • Đừng xấu hổ nếu bạn nói chưa đúng. Điều này cần phải có thời gian tập luyện.
  • Cần phải nhấn mạnh thêm là bước này rất quan trọng. Nếu không tập nói thì bạn sẽ không thể thành thạo được. Bạn có thể nói chuyện với người bản xứ, tìm một người bạn cùng học với mình và thực hành với họ, tương tác với chương trình truyền hình trên ti vi, v.v…

4. Thực hành. Đừng ngại ngần nói ở nơi đông người và nói với người bản xứ. Điều này sẽ có ích cho việc cải thiện độ lưu loát của bạn. Bên cạnh đó, bạn đừng ngại để người khác sửa nếu bạn phát âm sai. Đâu có ai biết được tất cả mọi thứ. Hãy hoan nghênh sự phê bình có tính xây dựng và kiểm tra kiến thức của mình mỗi khi có dịp giao tiếp.

  • Tiếp tục xem phim và các chương trình truyền hình. Giả sử như bạn đang học tiếng Anh và thích bóng đá, vậy thì bạn hãy xem đá bóng trên kênh nói tiếng Anh để thứ tiếng đó in vào đầu bạn. Nhớ hét bằng tiếng Anh vào màn hình ti vi khi mọi việc không diễn ra như ý bạn nhé.
  • Tự thách thức mình suy nghĩ bằng ngôn ngữ mà bạn đang cố gắng học.

Lời khuyên

  • Chọn một ngoại ngữ mà bạn thích nhất. Những thứ tiếng dễ học nhất đối với người nói tiếng Anh thường là tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý. Tuy nhiên đối với người Việt thì tiếng Nhật bản, Hàn Quốc và Trung Quốc khá dễ vì có sự tương đồng nhất định.
  • Sử dụng các nguồn tài liệu, sách báo và các chương trình khác là cách tối ưu để kết hợp mọi yếu tố cơ bản trong việc học ngoại ngữ.
  • Ngay khi đã nghe được ở mức độ căn bản, tốt nhất là bạn hãy xem một bộ phim bạn thích và đã từng xem, lần này nghe bằng ngôn ngữ đang học. Phụ đề cũng nên viết bằng ngôn ngữ đó. Nếu thấy quá khó, ban đầu bạn hãy thay thế một trong hai yếu tố trên bằng tiếng mẹ đẻ.
  • Đọc những cuốn sách thú vị viết bằng ngôn ngữ đang học, ưu tiên truyện cười và truyện tranh, chẳng hạn như truyện tranh anime, họa báo, tạp chí, hoặc bất cứ tài liệu nào bạn thấy đặc biệt lý thú. Điều này sẽ giúp bạn có động lực để tiếp tục đọc/tìm kiếm cho đến khi bạn hiểu được những điều viết trong đó, nhất là những truyện cười. Bạn cũng có thể đọc sách thiếu nhi, vì những truyện thiếu nhi thường quen thuộc với mọi người và các từ ngữ cũng dễ học.
  • Tìm những bài hát mà bạn yêu thích và nghe đi nghe lại. Đến một lúc nào đó bạn sẽ hiểu lời bài hát và sau đó có thể cố gắng hiểu phần phỏng vấn.
  • Cố gắng đến thăm đất nước nói thứ tiếng bạn đang học và nói chuyện với dân bản xứ, chẳng hạn như các tài xế hoặc người bán hàng.
  • Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng học ngoại ngữ như "Duolingo"; đây là một công cụ hữu ích.
  • Lập thời gian biểu ghi rõ thời gian bạn dành cho việc học ngôn ngữ mới và các chương trình/tài liệu nào sẽ sử dụng cho từng ngày trong tuần. Ví dụ, bạn có thể quyết định: vào thứ hai và thứ tư sẽ dùng phần mềm Rosetta Stone, thứ ba và thứ năm dùng Pimsleur, thứ sáu dùng sách ngữ pháp. Bạn nên tập luyện ít nhất hai ngày một lần để duy trì tiến trình học.
  • Cố gắng thư giãn khi học một ngôn ngữ mới, điều đó sẽ giúp bạn nhớ được những điều đã học.
  • Nếu có điều kiện, bạn nên theo một khóa học ngoại ngữ hoặc thuê một gia sư dạy kèm. Một người thầy thực sự (thay vì một chương trình) sẽ hữu ích vì bạn có thể hỏi những thắc mắc cụ thể, và họ có thể cho bạn biết bạn đã tiến bộ đến đâu.
  • Thử chuyển đổi ngôn ngữ trong điện thoại của bạn sang thứ tiếng đang học. Thao tác này có thể thực hiện trong phần cài đặt.
  • Đọc thật nhiều về ngôn ngữ mà bạn đang học cũng là một lời khuyên hữu ích. Ví dụ như nếu bạn học tiếng Tây Ban Nha thì cũng nên đọc cả về đất nước Tây Ban Nha.

Theo wikihow.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,953 lượt xem