Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Để Trở Thành Con Người Có Trách Nhiệm Trong Công Việc - Kỹ Năng Nhà Tuyển Dụng Nào Cũng Cần

Mặc dù ai cũng mơ ước phóng xe mui trần bạt mạng một chiều hoàng hôn, bạn chỉ có thể là James Dean mới làm được điều đó mà thôi. Sự thật là cư xử trách nhiệm mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và cho phép chúng ta phát triển bản thân, tạo dựng những mối quan hệ ý nghĩa, và tiến xa trong công việc. Bạn có nhớ chú rùa nhỏ đã chết vì bạn quên cho ăn không? Đừng để việc này tái diễn. Nếu bạn muốn trở nên có trách nhiệm, hãy thực hiện những điều dưới đây.

2 Phần: Phát triển Kỹ năng Chịu trách nhiệm | Phát triển Thói quen Chịu trách nhiệm

Các bước

  1. Hiểu rằng trách nhiệm phải do nỗ lực để có được. 

Nó không phải thứ bạn nghiễm nhiên được hưởng. Nếu ai đó lưỡng lự giao thêm trách nhiệm cho bạn, có lẽ là do bạn vẫn đang thờ ơ với trách nhiệm đã có. Bạn có thể nghĩ: "Trách nhiệm của mình hiện nay thật nhỏ bé/tẻ nhạt/ngu ngốc/…, và nếu mình được giao nhiều thử thách hơn, mình sẽ đón nhận nó nghiêm túc hơn," nhưng đó là đặc tính của những người vô trách nhiệm; họ chỉ làm những việc mang tính thách thức, vui vẻ, mới lạ, và khi những tính chất đó không còn nữa, họ mất đi hứng thú.  

2Cho dù bạn đang ở nơi làm, trường học, hay hoạt động ngoại khóa, bạn cần phải chứng minh rằng bạn có thể giải quyết những việc nhỏ trước khi được giao những trách nhiệm lớn hơn.  

3. Ngừng viện cớ. Trong bất cứ tình huống nào cũng có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Người vô trách nhiệm có xu hướng đổ lỗi lên những yếu tố này, và lấy chúng ra làm lý do. Bất cứ khi nào bạn đưa ra một cái cớ, nó sẽ theo kiểu "Mình không chịu trách nhiệm về việc này bởi vì…" và thực ra bạn đang nói "Mình chẳng có trách nhiệm gì". Hãy chú ý tới cách bạn nghĩ và nói: bạn có thấy mình đang viện cớ không? Những cái cớ này có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là "Mình sẽ/đáng ra sẽ, nhưng...".

  • Lần tới khi bạn thấy mình đang viện cớ, hãy thay đổi lời lẽ của mình. Hãy thừa nhận tại sao bạn đã không làm được việc ấy. Có phải bạn đã quá lười, quá mệt, hay muốn làm một việc gì đó vui thú hơn? Thừa nhận nó cũng không sao. Trên thực tế, tốt hơn cả là trung thực thừa nhận lý do đã không làm gì trước khi bạn tiếp tục.

  4. Thừa nhận lỗi lầm. Tận dụng triệt để lỗi lầm là một cách chứng tỏ trách nhiệm. Việc này không chỉ biến thời gian sai lầm thành kinh nghiệm đáng quý mang tính bước ngoặt mà còn tránh cho bạn khỏi phí phạm tương lai bằng cách đảm bảo bạn sẽ không lặp lại việc đó lần nữa. Một trong những điểm then chốt của việc chịu trách nhiệm là khả năng nói: "Mình đã làm hỏng lần này. Mình sẽ không tái diễn nữa."

  • Lần tới khi bạn gặp tình huống tương tự, hãy nhắc nhở bản thân về những sai lầm của lần trước, và đảm bảo rằng bạn sẽ không mắc phải nữa.

  5. Ngừng đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của mình. Một cách khác để chịu trách nhiệm là ngừng đổ lỗi lên những người xung quanh. Hãy tự nhắc bản thân rằng bạn trượt bài kiểm tra môn toán bởi vì bạn đã không học bài, chứ không phải vì giáo viên ghét bạn; bạn phản bội bạn trai vì bạn chọn như thế, mà không phải do anh ấy không quan tâm đầy đủ đến bạn; bạn đi làm muộn do không kịp dậy sớm, không phải do giao thông tồi tệ. Đương nhiên cuộc sống không công bằng, và rủi thay, một vài người gặp trắc trở hơn số còn lại. Bạn có thể buộc tội cha mẹ không yêu thương mình đủ nhiều và góp phần đẩy bạn vào con đường đen tối, nhưng bạn không thể thay đổi cuộc đời cho tới khi bạn chịu trách nhiệm về hành động của mình và cố gắng thay đổi nó.  

6. Ngừng than thở. Than thở là một thói quen vô dụng của người vô trách nhiệm. Nếu bạn chẳng làm gì ngoài việc than thở về sếp, về thời tiết, hay về mức giá cao quá đáng của cốc cà phê latte tại Starbucks, bạn sẽ không thể tiến xa được. Than thở là một cách để đổ lỗi cho thế giới về những vấn đề của bạn thay vì đi tìm giải pháp và học được rằng bạn có thể thay đổi những gì. Có lẽ bạn không thể thay đổi giá cà phê latte của Starbucks, nhưng bạn có thể sắm máy pha cà phê cho riêng mình và pha cà phê mỗi sáng với chi phí rẻ hơn.

  • Mỗi khi bạn mở miệng than phiền, hãy ngừng lại và thay vào đó nói một điều tích cực. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nó thay đổi nhãn quan của mình như thế nào.

  7. Ngừng đóng vai nạn nhân. Thế giới không phải ở đó để chống lại bạn. Nếu bạn muốn bắt đầu có trách nhiệm thì hãy ngừng việc nghĩ rằng tất cả mọi người đều muốn làm khó bạn. Cảnh sát giao thông không phạt bạn lái xe quá tốc độ bởi vì họ quyết tâm phạt bạn; họ làm vậy vì bạn đã vi phạm luật. Sếp bạn không từ chối tăng lương bởi vì họ muốn thấy bạn thất bại; họ làm vậy vì kết quả của bạn chưa xứng đáng, hay đơn giản chỉ vì công ty không thể trả nhiều hơn.  

8. Chấp nhận những gì ngoài tầm kiểm soát. Hiểu rằng có những điều trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta cũng quan trọng không kém như việc chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Bạn không thể chịu trách nhiệm cho thói rượu chè của bạn thân; bạn không thể chịu trách nhiệm cho thất bại của toàn bộ công ty trừ khi đó hoàn toàn là lỗi của bạn; bạn không thể chịu trách nhiệm cho việc bạn cùng nhà không trả nổi tiền thuê đúng hạn. Tập trung vào những việc bạn có thể kiểm soát, và đừng cố giải quyết mọi vấn đề của thế giới, nếu không bạn sẽ chỉ đau đầu mà thôi.  

  Phần 1: Phát triển Kỹ năng Chịu trách nhiệm    

1. Thực hành kỷ luật. Nếu bạn muốn trở nên trách nhiệm thì bạn phải thực hành tính kỷ luật. Điều này không có nghĩa bạn phải có đạo đức nghề nghiệp của một nhà khoa học tên lửa hay lịch biểu của một sĩ quan quân đội, mà nó có nghĩa là bạn phải có khả năng biết được công việc cần phải làm thế nào, bao lâu thì xong, và không thoái thác bất kỳ một phần việc nào để vui vẻ trước. Để kỷ luật bạn cần phải xác định mục tiêu và hoàn thành nó mà không bị phân tâm. Hãy lập một danh sách những việc cần làm dễ xử lý hàng ngày và cố hoàn thành càng nhiều càng tốt.

  • Thưởng cho bản thân khi hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn bằng cách đi chơi và vui vẻ. Đừng vì kỷ luật mà thôi vui chơi.

2. Tự nhắc bản thân về mục tiêu cuối cùng để giữ động lực. Ôn luyện cho bài thi sinh học sắp tới chẳng vui vẻ gì, nhưng hãy nghĩ tới lúc bạn được điểm 'A' trong lớp sẽ tuyệt thế nào -- và nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn bao nhiêu đến mục tiêu cuối cùng là trở thành bác sĩ.   3. Học cách giải quyết những vấn đề khó khăn. Nếu bạn muốn thực sự có trách nhiệm thì bạn phải biết cách xử lý tất cả những thử thách trong cuộc sống, mà không chỉ là vượt qua bài thi toán lần tới. Điều này có nghĩa là biết cách xử trí khi bi kịch hay khó khăn ập tới. Bạn sẽ phải hành xử trách nhiệm trước những tin khủng khiếp, giữ bình tĩnh, và là chỗ dựa cho những người cần bạn. Và thậm chí cả khi tình huống không hẳn khủng khiếp, nhưng cực kỳ căng thẳng, như thất bại của một dự án chủ chốt tại nơi làm, bạn vẫn phải học cách giữ vững tinh thần trong tình huống khắc nghiệt.

  • Học cách xử lý những vấn đề khó khăn cần luyện tập. Bạn sẽ không thể giải quyết một tình huống khắc nghiệt ngay lần đầu tiên. Nhưng khi bạn phát triển bản thân, bạn sẽ học cách bình tĩnh và suy nghĩ lý trí trong tình huống khủng hoảng.

  4. Thành thạo làm nhiều việc cùng lúc. Làm nhiều việc cùng lúc là một kỹ năng chủ yếu của người có trách nhiệm. Nếu bạn muốn thực sự có trách nhiệm thì bạn phải có khả năng điều phối các việc quanh mình. Có trách nhiệm nghĩa là chăm sóc con cái, thành công ở nơi làm, và nhớ thanh toán hóa đơn đúng hạn vào một ngày nhất định. Mặc dù bạn không thể hoàn thành mọi thứ cùng một lúc, bạn cũng không thể vì việc này mà hoàn toàn bỏ qua việc khác.

  • Khi làm nhiều việc cùng lúc, quan trọng là phải lên ưu tiên rõ ràng. Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng thanh toán hóa đơn nói chung là quan trọng hơn ra tiệm làm tóc.

  5. Học gắn kết. Mặc dù bạn không nên gắn kết với một người hay một việc chẳng vì lý do gì, bạn cũng không nên sợ cam kết tới mức thậm chí không thể tới lớp yoga hơn một lần mỗi tháng trước khi bạn thấy nó là "quá nhiều" cho mình. Gắn bó với một điều gì đó, cho dù là công việc của bạn ở tờ báo trường hay mối quan hệ mới, sẽ giúp bạn học cách quan tâm tới những điều ngoài bản thân, và phát triển những thói quen cũng như việc làm lành mạnh đối với điều đó.

  • Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những vận động viên ở trường trung học trên thực tế có thành tích học tập ở trường tốt hơn. Sự gắn kết với thể thao khiến họ phát triển một thói quen hàng ngày giúp hoàn tất công việc.

6. Học cách quản lý tiền bạc. Quản lý tiền bạc là một phẩm chất quan trọng của người có trách nhiệm. Nếu bạn thấy mình sống giật gấu vá vai hay băn khoăn không biết mỗi tháng tiền đi đâu hết, thì bạn cần ngồi lại với đống hóa đơn và lên danh sách những thứ không thật sự cần chi. Chịu trách nhiệm với tài chính của mình giúp bạn lên kế hoạch, biết điều độ, và tránh xa cơn mua sắm bốc đồng.

  • Lên ngân sách giải trí hàng tháng. Ví dụ bạn có thể chi khoảng 7 triệu cho những thú vui mỗi tháng. Hãy ghi nhớ con số này mỗi khi bạn ra ngoài ăn uống, mua vé hòa nhạc, hay đi chơi đêm với bạn bè. Nếu bạn hết tiền trước ngày cuối tháng, bạn có thể phải lên kế hoạch cho những buổi tối quanh quẩn ở nhà để bù vào một thời gian.
  • Tự hỏi bản thân xem đâu là điều bạn thực sự cần làm và đâu là điều bạn thực sự muốn làm, bạn có cần váy mới cho một dịp đặc biệt, hay thay vì vậy nên thay dầu cho xe của bạn?

  7. Hãy nhất quán. Trách nhiệm của bạn sẽ chẳng có ý nghĩa mấy nếu nó theo kiểu được thì được mà không được thì thôi. Nếu bạn muốn trở nên có trách nhiệm thì bạn phải tìm ra một lịch biểu phù hợp với mình và theo sát nó. Đừng học mười tiếng liên tục rồi nghỉ cả ba tuần; thay vào đó, hãy dành một hai tiếng mỗi ngày xem giáo trình. Đừng gọi lại cho bạn bè ngay trong lúc bạn bè cần mình rồi lặn mất tăm vài tuần; thay vài đó, nếu chuyện thực sự quan trọng hãy gọi lại cho cô ấy trong vòng một hay hai ngày.

  • Nhất quán sẽ giúp bạn thiết lập một lịch biểu để hỗ trợ hoàn thành mọi việc.

8. Đáng tin là một phẩm chất của người có trách nhiệm mà mọi người có thể tin cậy. Nếu không ai đề nghị bạn cho đi nhờ xe hay giúp đỡ ở trường hoặc công ty vì họ biết bạn sẽ khiến họ thất vọng, bạn nói sẽ giúp đỡ và sau đó quên tiệt, hay bạn không phải là loại người họ có thể tin tưởng dù là nhiệm vụ đơn giản nhất, thì có lẽ bạn có vấn đề. Hãy cố hành động đi đôi với lời nói và trở thành người đáng tin cậy.

  • Nếu bạn muốn mọi người thực sự nhìn nhận bạn nghiêm túc và coi bạn là người có trách nhiệm, thì bạn cần phải cho họ đi nhờ xe khi bạn đã hứa, xuất hiện khi bạn nói sẽ có mặt, và khiến mọi người nghĩ về bạn là một người nhất quán trong lời nói và việc làm.

9. Nhận phản hồi nghiêm túc. Đây là một phần của việc trở thành người có trách nhiệm, đó là cởi mở với phê bình và thừa nhận khi ai đó phản hồi hợp lý giúp bạn tiến bộ. Nếu bạn muốn có trách nhiệm ở trường, hãy lắng nghe giáo viên khi họ bảo bạn những điểm cần cải thiện. Nếu bạn muốn có trách nhiệm ở công ty, hãy lắng nghe cấp trên khi họ đề cập đến những điểm bạn cần phải nỗ lực. Nếu bạn bè nói về một khiếm khuyết bạn có thể khắc phục một cách hợp lý thì đừng thẳng thừng bác bỏ vì bạn nghĩ bạn đã giấu kín được nó.

  • Phản hồi có thể giúp bạn trở nên có trách nhiệm hơn và quản lý cuộc sống tốt hơn.

 

Phần 2: Phát triển Thói quen Chịu trách nhiệm   1. Bắt đầu từng bước một. Đối với các nhiệm vụ, hãy hành động trách nhiệm, cố gắng hết mình khi công việc đã bắt đầu vào guồng. Nếu bạn cảm thấy bị đè nghiến dưới sức ép của những phần trách nhiệm dang dở, hãy bắt đầu với những phần việc nhỏ hay dễ làm trước. Có thể gạch chúng ra khỏi danh sách sẽ làm bạn thấy nhẹ nhõm, khiến bạn hào hứng chuyển qua những trọng trách lớn hơn. Rất nhanh bạn sẽ thấy việc làm tròn trách nhiệm giúp bạn thấy dễ chịu và mang lại giá trị cho một ngày của mình.  

2. Lên danh sách tất cả những cách bạn muốn để trở nên có trách nhiệm hơn, để trở thành một người bạn tốt hơn, chăm sóc xe của mình cẩn thận hơn, là một sinh viên giỏi hơn, để mắt kỹ hơn đến con cá vàng. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ xoay quanh bản thân sau đó phát triển dần dần.  

3. Giúp đỡ người khác. Giúp những người khác đạt được mục tiêu của họ, hay thậm chí chỉ cần giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn, là một cách tuyệt vời để phát triển thói quen của một người có trách nhiệm. Một khi đã lo được cho bản thân mình, bạn nên đặt mục tiêu giúp đỡ ông bà, người già cả, bạn bè, hay thậm chí là những người trong cộng đồng cần trợ giúp. Biến nó thành việc làm hàng tuần có thể giúp bạn trở thành chỗ dựa tin cậy cho người khác và phát triển thành một lịch biểu bạn muốn thực hiện. Để ý tới những người khác sẽ khiến bạn trở nên trách nhiệm hơn.

  • Hãy nhớ rằng bạn chỉ nên giúp người khác sau khi thấy rằng bạn đã hoàn thành tất cả trách nhiệm của mình. Đừng hấp tấp chạy qua hỗ trợ quán súp nếu bạn chưa làm bài tập hay những việc hàng ngày khác.

4. Tránh trì hoãn. Đây là một đặc điểm nổi bật của những người vô trách nhiệm, và bạn sẽ muốn tránh xa nó như tránh dịch bệnh. Nếu bạn có bài kiểm tra quan trọng tuần này, hãy dành cả tuần chuẩn bị cho nó; hay thậm chí bắt đầu xem qua trước vài tuần. Đừng thức muộn vào đêm hôm trước, nốc một loạt Red Bull cho tới khi bạn bắt đầu thấy hoa mắt. Hãy lập kế hoạch để xử lý mục tiêu sớm sủa, và làm dần dần mỗi lúc một ít.

  • Điều này áp dụng cho cả việc nhỏ lẫn việc lớn. Một người có trách nhiệm làm những gì họ hứa sẽ là thậm chí nếu không muốn cắt tỉa bãi cỏ hay gọi lại cho bạn bè. Chỉ có thế thôi. Nếu bạn muốn được nhìn nhận có trách nhiệm hơn, hãy nghĩ về những trách nhiệm bạn đã có và thực hiện chúng nghiêm túc hơn, cho dù chúng có vẻ vô vị thế nào chăng nữa. Hãy coi đó là một cách chịu đựng gian khổ để hưởng thành quả sau này.

  5. Chủ động. Khi bạn thấy cần thực hiện hay thay đổi điều gì, đừng đợi người khác làm; hãy là người tạo ra sự khác biệt tích cực. Đứng ra chịu trách nhiệm sẽ khiến bạn thấy mạnh mẽ, nó sẽ lan tỏa và cải thiện nhiều mặt trong cuộc sống của bạn. Đương nhiên, đừng nhảy vào làm điều gì đó quá sức, nhưng hãy lãnh trách nhiệm khi biết rằng mình có thể giải quyết nó, mà không phải vì không ai dám làm. Thói quen "chủ động" này sẽ giúp bạn tiến xa ở nơi làm cũng như ở trường.

  • Nếu bạn cùng phòng không làm việc nhà, đừng đợi đến lúc họ bắt tay vào làm. Hãy tự mình làm rồi nói chuyện đó sau.

  6. Trở thành người đặt mục tiêu. Hãy đặt ra một vài mục tiêu bạn muốn đạt được. Chúng có thể dài hơi như việc trở thành bác sĩ, hơi trừu tượng như trở thành một người bạn tốt hơn, hay ngắn hạn như thu xếp giường chiếu hàng ngày hoặc chạy bộ 5 km trong vòng một tháng. Dù chúng có là gì đi nữa, hãy viết ra, rồi vạch kế hoạch bạn sẽ xử lý chúng thế nào. Đây là một thói quen tuyệt vời và sẽ giúp bạn luôn hướng đến mục tiêu và biết mình cần phải làm những gì. Nếu bạn không có bất cứ mục tiêu nào, bạn sẽ không có động lực nhấc tay làm bất cứ việc gì.

  • Hãy viết những mục tiêu này lên trên mảnh giấy cất trong ví, hay treo trên bàn, để chúng tạo cảm hứng mà không phải gây áp lực cho bạn.
  • Đặt ra những mục tiêu thực tế. Đừng mơ ước trở thành Tổng thống Mỹ trong bốn năm nữa.

  7. Đặt ra những công việc hàng ngày. Người có trách nhiệm có lịch biểu hàng ngày phù hợp với mình. Hãy thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng và đi ngủ vào một khung giờ mỗi tối. Cố gắng ăn đúng giờ. Hãy tập luyện giãn cách đều đặn thay vì chạy vài ngày sau đó nằm ì ra cả tuần. Hãy chọn thời điểm thích hợp nhất để hoàn thành những công việc nhất định, trả lời email, đọc sách, và làm việc nhà. Nếu bạn cố làm nháo nhào tất cả mọi thứ cùng lúc, nó sẽ trở nên quá sức và còn mất thời gian hơn.

  • Có lịch biểu hàng ngày sẽ giúp bạn quản lý công việc cũng như vui chơi tốt hơn và giúp bạn làm chủ cuộc sống.
  • Bạn không cần phải theo sát lịch biểu hàng ngày như kiểu bị ám ảnh nếu có việc bất ngờ xảy đến, nhưng hãy giữ mọi thứ điều độ nhất ở mức có thể.

  8. Có trách nhiệm với đồ đạc của mình. Đây là một đặc tính nữa của người có trách nhiệm. Hãy nhớ khóa xe, đổ đầy xăng, và biết xe của mình đậu ở chỗ nào. Hãy dán nhãn tất cả các sổ ghi chép và cất chúng an toàn trong ngăn tủ. Móc chìa khóa vào một chùm và giữ nó trong người. Cất kính râm vào bao đựng và tự nhắc bản thân rằng nếu làm mất nó, bạn sẽ không mua lại trong vòng sáu tháng để được một bài học. Bạn không thể là người trách nhiệm nếu cứ sáu tháng một lần bạn lại thay máy tính xách tay, điện thoại, và những vật dụng khác của mình.

  • Đừng đặt máy tính gần những đồ uống nóng, và đừng đùa với máy tính xách tay bên ngoài một tiệm café nhộn nhạo; hãy ngồi yên trong đó cho an toàn.
  • Cài đặt ứng dụng tìm kiếm "Find my iPhone" và đảm bảo rằng bạn có thể khóa hay xóa thông tin khỏi các thiết bị Apple nếu chúng bị mất trộm.

  9. Đặt mục tiêu có mặt sớm ở tất cả mọi nơi. Đến sớm khoảng 5 phút là tốt nhất.

  • Để mọi người thấy bạn say xỉn sẽ khiến họ coi bạn không đáng tin và sẽ khiến họ khó có thể tôn trọng bạn hay nghĩ là bạn có khả năng đảm nhận trách nhiệm.
  • Một người có trách nhiệm điển hình sẽ kiểm soát được việc liên lạc trao đổi của mình. Nó sẽ giúp bạn đỡ bị giống như đang cuống cuồng giữa 80 triệu nhiệm vụ khác nhau và không thể chấn chỉnh được bản thân.

Lời khuyên

  • Hãy nghĩ về hậu quả của việc vô trách nhiệm. Bạn sẽ để tuột danh hiệu hoàn hảo của mình? Bạn sẽ đánh mất cơ hội ngàn năm có một? Chính suy nghĩ về hậu quả đẩy bạn tiếp tục đi tới.
  • Tự chăm sóc bản thân và tránh xa công chuyện của người khác, cũng như tránh xa rắc rối và tập trung ở trường.
  • Hãy lên tiếng khi bạn thấy những điều không đúng đắn hay nếu bạn nghĩ điều mình nói có khả năng cải thiện tình hình.
  • Nếu bạn ra ngoài cùng bạn bè buổi đêm, hãy xác định thời gian trở về nhà cụ thể.

*Không làm gì sẽ dẫn tới vô trách nhiệm. Những người hoạt động hàng ngày có trách nhiệm hơn những người chỉ dành cả ngày chẳng làm gì nên chuyện. Hãy bắt đầu có ý thức dần và tham dự vào những gì đang diễn ra tại nhà hay nơi làm, và bạn sẽ tự khắc trở nên có trách nhiệm hơn.

  • Hãy trở về nhà sớm hơn giờ giới nghiêm một chút.
  • Tránh lao lực. Nếu bạn không quen đối phó với những thách thức của cuộc sống, bạn có thể làm quá đà, vắt kiệt sức mình, và lấy nó làm lý do bao biện cho những hành động tiếp theo. Hãy điều tiết bản thân và để ý về lâu dài.
  • Nếu Mẹ bạn nhờ giúp một danh sách những việc cần làm thì không có nghĩa là bạn phải làm tất cả chúng ngay lập tức.
  • Tránh bừa bãi và tự dọn vệ sinh cho bản thân.
  • Thể hiện trách nhiệm ở trường bằng cách làm bài tập về nhà và học hành cho kiểm tra thi cử.

Cảnh báo

  • Hãy nhớ rằng cuộc sống là bất công. Nếu bạn thực sự bị ngược đãi và hành hạ vì sắc tộc, tầng lớp, tôn giáo, xuất thân… bạn khó có thể khắc phục hoàn toàn tình hình, nhưng đừng bỏ cuộc chỉ bởi vì bạn thiếu may mắn. Luôn luôn có lựa chọn cho bạn. Bạn đi bao xa, đúng hay sai tùy thuộc vào bạn, nhưng hãy nhớ rằng nếu bạn cố gắng thì bạn sẽ luôn nhận được sức mạnh và phẩm giá. Đừng bỏ cuộc nơi bản thân và giấc mơ của mình. Giấc mơ của bạn CHỈ LÀ giấc mơ của bạn mà thôi và không ai có thể tước đoạt nó khỏi bạn. Bạn có thể khởi đầu không mấy suôn sẻ, và mắc một vài sai lầm, nhưng bản thân bạn thì không phải là sai lầm. Hãy tha thứ cho bản thân và nỗ lực để giành sự tin tưởng và tôn trọng, bởi vì thế giới này chỉ dần tốt đẹp lên nếu bạn cải thiện nó. Hãy hỗ trợ cộng đồng cũng như tình nguyện thực hiện những công việc cộng đồng.

Theo wikihow.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,791 lượt xem