Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Để Ứng Tuyển Thành Công 1 Chương Trình Management Trainee - Trọn Bộ Bí Kíp & Đề Thi Bạn Cần Biết

A/ TỔNG HỢP ĐỀ THI MANAGEMENT TRAINEE

Các bạn vui lòng download TẠI ĐÂY

B/ CHIA SẺ TRẢI NGHIỆM THI MANAGEMENT TRAINEE

I/ CÁI NHÌN CHUNG VỀ MANAGEMENT TRAINEE PROGRAM (MTP)

1. Tổng quan

Hãy bắt đầu với việc tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao các tập đoàn đa quốc gia lại có thể xây dựng được một bộ máy lãnh đạo không chỉ đủ năng lực và kiến thức để hiểu rõ cấu trúc của tập đoàn với quy mô khu vực hoặc toàn cầu mà còn giữ chân được họ làm việc cho công ty hàng chục năm trời, thậm chí có những người cả đời chỉ gắn với duy nhất một công ty?”.

Câu trả lời chính là cách họ xây dựng và nuôi dưỡng nhân tài, họ hướng tới chiến lược “ngắt ngọn và làm tư tưởng” các sinh viên ưu tú vừa rời khỏi ghế nhà trường. Đây là đối tượng vừa thừa và vừa thiếu (thừa nhiệt huyết, tinh thần học hỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm) và bằng cách nhắm vào đối tượng này các công ty sẽ đạt được 2 mục đích. Một là, có lớp lãnh đạo ưu tú để training và kế thừa. Hai là, đối tượng này thường có xu hướng trung thành và gắn bó với công ty trong thời gian dài, lý do thì đơn giản vô cùng vì đấy có thể là công ty đầu tiên mà họ làm việc (giống như con gà nở ra thì nhìn thấy ai đầu tiên sẽ coi đấy là mẹ), ngoài ra đây cũng là nơi dạy dỗ họ rất nhiều và có các chính sách đãi ngộ tốt khiến họ rất khó (hoặc không có nhu cầu) chuyển sang một môi trường khác – đây cũng là một trong những lý do chủ yếu mà các MNCs chỉ muốn tuyển fresh graduates (dưới 2 năm kinh nghiệm) cho các chương trình MT, vì các đối tượng này vẫn chưa va chạm nhiều và có xu hướng gắn bó với tổ chức hơn.

Thực tế, MT là một chương trình giúp các MNCs nuôi dưỡng nhân tài, cung cấp cho họ kiến thức toàn diện và giúp học thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp và cùng với đó là cống hiến nhiều nhất có thể cho công ty chủ quản – 1 case win – win tuyệt vời. Tuy nhiên, để có thể trở thành “tinh hoa” của các MNCs thì các bạn phải trải qua một quy trình tuyển dụng vô cùng gắt gao, như một MTP của công ty FMCG thì số lượng đăng ký trong năm đó là 3000 application tuy nhiên số lượng tuyển vào thường không quá 15 người cho toàn bộ các phòng ban (tỷ lệ chọi là: 1 chọi 180 – 200 ứng viên).

Sau khi đỗ MT, bạn sẽ được luân phiên làm việc ở các phòng ban khác nhau để có cái nhìn tổng quát cũng như giúp bạn hợp tác tốt hơn với các mảng khác của công ty khi trở thành leader, quá trình này thường mất từ 6 tháng – 2 năm tuỳ công ty. Với lộ trình rõ ràng, những MTers sẽ được kỳ vọng trở thành lãnh đạo cấp cao của công ty sau 5 – 10 năm làm việc, một quá trình “fast-track” hơn rất nhiều nếu so sánh là bình thường bạn phải mất gấp 1,5 lần thời gian đó để được tham gia vào hàng ngũ này.

2.  Lợi ích khi tham gia MTP

Đó là cơ hội học hỏi rất nhiều KỸ NĂNG trong quá trình tham gia thi tuyển và nếu bạn được chọn thì đây sẽ là bệ phóng lý tưởng cho con đường phát triển sự nghiệp của bạn.

Do được các MNCs đầu tư vô cùng nhiều về cả mặt chi phí lẫn nhân sự không chỉ trong khâu tổ chức thi tuyển mà còn trong khâu đào tạo sau đó (thường MT sẽ có các chương trình đào tạo riêng và người đào tạo là các nhân viên từ cấp độ Middle Management của công ty trở lên) nên đây có thể coi là chương trình đem lại nhiều lợi ích nhất có thể cho một sinh viên mới ra trường

từ khâu thi tuyển cho tới khâu trúng tuyển. Như 1 MT đã chia sẻ thì đây là những gì bạn ấy học được từ MTP:

Trong quá trình thi:

-                Học cách tự thiết lập lộ trình riêng cho bản thân, xây dựng chiến lược để giải quyết vấn đề (ở đây là thi tuyển MT). Như bạn ấy chia sẻ, trong quá trình thi tuyển, bạn ấy xây dựng phần chiến lược này khá đầy đủ, từ việc viết CV thế nào cho hợp lý, chiến lược phỏng vấn ra sao – phần này sẽ nói kỹ hơn ở sau.

-                Có cơ hội học hỏi các tư duy giải quyết vấn đề, phân tích, trình bày,… thông qua việc xử lý và giải quyết các case studies theo chuẩn thi tuyển quốc tế (MT là chương trình được các MNCs áp dụng 1 mô hình chuẩn cho nhiều quốc gia).

-                Nhận được feedback về bản thân từ các assessor chất lượng (các assessor tham gia đánh giá MT thường từ cấp độ middle management trở lên).

-                Được cọ xát, học hỏi từ các ứng viên vô cùng tài năng từ trong và ngoài nước (bạn ấy đã vô cùng choáng khi vào vòng assessment day và gặp rất nhiều “Quái vật”, đối thủ của bạn ấy vô cùng giỏi và những ngày assessment day vẫn luôn là những ngày mà bạn ấy nhớ nhất)

Sau khi thi (nếu bạn đỗ):

-                Được học hỏi các kỹ năng phát triển cá nhân, khả năng lãnh đạo, tư duy tiếp cận và giải quyêt vấn đề.

-                Hiểu biết về các kỹ năng kinh doanh, tổng quát và cấu trúc từng bộ phận của công ty và rộng hơn là cả nền công nghiệp mà bạn đang tham gia.

-                Được ưu tiên và thăng tiến nhanh hơn (so với con đường nghề nghiệp thong thường), hoặc được cân nhắc làm các vị trí quản lý, trưởng nhóm sau khi kết thúc quá trình training (từ 6 tháng – 2 năm tuỳ công ty) do như đã đề cập, đây là chương trình được hoạch định để nuôi dưỡng các bạn trở thành lãnh đạo tương lai của công ty.

-                Chương trình training dựa trên phương pháp 70/20/10: 70% học từ công việc, 20% học từ Mentor và 10% là học thong qua các khoá đào tạo chính quy của công ty.

-                Sau 2-3 năm xoay vòng, kết thúc chương trình MT, bạn có thể sẽ được lên được vị trí Assistant manager hay Manager. Sau 7-8 năm, bạn có thể lên được những vị trí cao hơn nữa ở cấp Executive hay Head of department.

Còn nếu bạn trượt thì bạn cũng đã học được những điều trên rồi, còn chưa kể là lại có motivation rất lớn để tham gia vào các môi trường khắc nghiệt hơn nữa trong tương lai.

II. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN CHUNG CỦA MANAGEMENT TRAINEE

Vòng 1: VÒNG HỒ SƠ (APPLICATION)

Application form, cánh cửa đầu tiên cần bước qua, hay còn gọi vui là “vòng gửi xe.” Mốc thời gian này thường cố định qua các năm, nên khi đã biết trước, bạn hãy sắp xếp công việc hợp lí nhất cho giai đoạn này. Tránh tình trạng sau này tiếc nuối: “Chết rồi, hồi đó bận quá, không kịp nộp đơn.”

Một điều rất quan trọng nữa là khi nộp đơn ứng tuyển trực tuyến cho các chương trình MT thì các bạn không nộp qua 1 trang web thứ 3 (như Careerlink, Jobstreet, Vietnamworks, …) nhé, mà nên nộp thẳng cho công ty mà bạn muốn ứng tuyển.

Những gì cần chuẩn bị:

-                Cập nhật lại CV sao cho đẹp hơn, thông tin chắt lọc, giá trị hơn. Nộp CV kiểu công ty đa quốc gia, bạn nên nộp đúng 1 trang A4 là tốt nhất, sạch sẽ, gọn gàng, đúng trọng tâm chuyên môn của mình, có con số hẳn hoi, hình CV phải sáng sủa, tươi tắn, kiểm tra chính tả chỉn chu, cấm sai một chữ. CV nộp file pdf tuyệt đối không nộp file word để tránh chuyện khác hệ điều hành các kiểu khiến nhà tuyển dụng không mở được file.

Phần Reference nên có người uy tín càng tốt. Viết động từ nên dùng thể quá khứ (CV tiếng Anh). Đặc biệt là có con số (100h gọi điện thoại cho khách hàng, bán hàng doanh số 20 triệu...)

-                File scan pdf bảng điểm chính thức từ trường Đại học

-                Bạn dự kiến sẽ nộp bao nhiêu công ty ? Nộp đại trà hay chỉ chọn lọc? Lựa chọn là do bạn, nhưng ngay từ đầu, hãy tìm động lực cho bản thân thật rõ ràng. Vì sao bạn muốn vào công ty đó? Bạn đánh giá cao điểm nào của công ty kia?

-                Tự viết ra 1 file word, tạm đặt tên là “Reflection”. Trong 4 năm qua, bạn đã làm những gì, ở đâu, với ai, tham gia cái gì, tổ chức nào... Có những chuyện vui buồn gì đã xảy ra, bạn đã hành động ra sao, mọi người suy nghĩ hoặc nhận xét gì về những điều đó. Để hoàn thành file này, chắc cũng tốn kha khá thời gian để nhớ lại và viết xuống hết.

Đặc biệt, có nhiều bạn thắc mắc có nên viết Cover Letter không? Và câu trả lời của nhân vật từng trải là CÓ. Vì CV chỉ là tóm lược thông tin về bản thân bạn, nó chưa thể hiện được nhiều về mặt tính cách, trải nghiệm, cách bạn nhìn nhận và giải quyết vấn đề,…Như bạn ấy thì Cover letter bao giờ cũng sẽ nói về hành trình thay đổi tư duy, trải nghiệm kiến tạo lên CLB và đam mê của mình với vị trí/công ty mà bạn ấy đang apply. “Việc viết Cover letter tốt không chỉ giúp mình gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng mà còn giúp mình self-reflect lại bản thân rất tốt, mình nắm được điểm mạnh, điểm yếu và câu chuyện mình sẽ dung để sell bản thân là gì, từ đó giúp mình chuẩn bị tốt hơn trong các vòng phỏng vấn sau.”

VÒNG 2: TEST TUYỂN DỤNG (APTITUDE TEST)

Rất nhiều bạn chủ quan với vòng này vì nghĩ nó chỉ đơn thuần là bài test IQ thì đơn giản, nhung bạn đừng nên chủ quan, vì thứ nhất, Reasoning Test gồm rất nhiều dạng, không chỉ là câu hỏi IQ thông thường; thứ hai, với số lượng hồ sơ cực lớn lên đến hàng nghìn, chỉ cần mắc 1 sai lầm nhỏ là bạn hoàn toàn có thể bị loại. Mình đã từng chứng kiến không ít bạn ra khỏi phòng thi mới phát hiện ra mình sai những lỗi rất ngớ ngẩn.

Và bạn biết gì không? Đề test của rất nhiều công ty thường được xây dựng theo phong cách của GMAT ( bài thi chuẩn mà nhiều trường đại học sử dụng làm một tiêu chí đánh giá trong điều kiện tuyển sinh đầu vào cho trình độ Thạc sĩ). Vì vậy, lời khuyên đầu tiên dành cho bạn chuẩn bị tham gia vòng thi này là hãy luyện tập thật kỹ.

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài luyện tập trên mạng. Những trang khá uy tín là:https://www.indiabix.com/, http://www.practiceaptitudetests.com/ hay http://www.numericalreasoningtest.org/, Có rất nhiều dạng câu hỏi trong Aptitude test, nhưng thường gặp nhất là: Numerical reasoning test, Verbal reasoning test, Situational judgement test, Diagrammatic test.

Tiêu chí vượt qua vòng này khá đơn giản. Nhà tuyển dụng đã có sẵn mức điểm sàn, vượt lên mức đó thì bạn qua vòng này. Hoặc tùy nhà tuyển dụng muốn lấy bao nhiêu phần trăm thí sinh vào vòng tiếp theo, họ sẽ lấy điểm từ trên xuống dưới.

Với phần này, cách duy nhất để chuẩn bị là luyện tập thật nhiều để quen tay quen mắt thôi. Còn trong lúc thi, Khó ở đây là việc canh thời gian, nhiều bạn vì lo tập trung câu khó mà điền không kịp các câu dễ hoặc quên điền trắc nghiệm các câu mình không biết, bỏ trống uổng lắm, nhớ điền hết dù không biết.

VÒNG 3: PHỎNG VẤN SƠ BỘ ( INITIAL INTERVIEW)

Khoảng 1 tuần sau, nếu như bạn đậu, bạn sẽ nhận được email mời phỏng vấn, rớt là sau 2 tuần không có thông tin gì phản hồi và có thư cảm ơn.

Chuyện chuẩn bị cho ngoại hình chắc không cần nói, chỉ cần ăn mặc nghiêm túc, chỉnh tề, lịch sự, đầu tóc gọn gàng, mày râu cũng cạo tỉa cẩn thận.

LUÔN! Lời khuyên là LUÔN chuẩn bị tất cả các câu hỏi, câu trả lời có thể xảy ra trước khi đến vòng phỏng vấn này. Bạn phải hiểu mục tiêu vòng phỏng vấn là gì? Bạn nên phải dành thời gian ở nhà để liệt kê tất cả các câu hỏi sẽ có thể xảy ra và câu trả lời của riêng bạn để khi vào đấy, bạn có đủ tự tin để trả lời suôn sẻ.

Trước mỗi buổi phỏng vấn, có 3 thứ bạn sẽ muốn đọc qua: thông tin cơ bản về công ty – sản phẩm – thương hiệu, file những câu hỏi phỏng vấn thường gặp & câu trả lời bạn đã viết nháp ra và application form mình đã nộp trước đó.

Khi vào phỏng vấn, hãy nhớ những điều sau:

-                Thái độ tự tin, tươi cười và bình tĩnh. Nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đánh giá bạn chỉ trong 5 giây đầu, vì thế đừng tỏ ra quá lo lắng hay sợ hãi nhé, họ cũng không ăn thịt bạn đâu

-                Giao tiếp bằng mắt (không nhìn chằm chằm nhé)

-                Luôn thành thật khi trả lời các câu hỏi. Đừng nói không thành có, vì đối với các nhà tuyển dụng, việc phát hiện ứng viên nói dối không có gì khó khăn cả.

-                Thể hiện bản thân là người có quyết tâm và cam kết làm cũng như đóng góp lâu dài cho chương trình MT nói riêng và công ty nói chung.

Sau khi phỏng vấn, đừng quên cám ơn người phỏng vấn trước khi ra về, đồng thời gửi follow-up email sau đó. Ngoài ra, 1 tip rất hay đó là bạn có thể hỏi về feedback của phỏng vấn viên ngay sau buổi phỏng vấn, sẽ có rất nhiều phỏng vấn viên đưa ra cho bạn những feedback “cực chất” và đây là những lời khuyên hữu hiệu cho các buổi phỏng vấn sau đó của bạn.

VÒNG 4: ASSESSMENT CENTER (GROUP DISCUSSION)

Vòng này sẽ đưa ra bạn một game hoặc một case giải quyết tình huống cụ thể hoặc phỏng vấn THEO NHÓM.

Đối với nhiều thí sinh thì đây là vòng thi khó nhất, vì không chuẩn bị trước được câu hỏi, mà phải tùy cơ ứng biến thôi. Nói vậy, nhưng nếu có thời gian rảnh, thì cũng nên xem qua hoặc suy nghĩ về vài thứ: - Barem và tiêu chí chấm điểm. Mỗi công ty sẽ xây dựng mô hình năng lực (Competencies Model) cho nhân viên của họ, đây cũng sẽ là thước đo để đánh giá, lựa chọn ứng viên. Nói dễ hiểu hơn, có công ty sẽ thích những bạn “hổ báo”, ăn to nói lớn để bảo vệ quan điểm cá nhân.Có những công ty sẽ ưu tiên chọn những bạn biết lắng nghe, từ tốn đưa ra ý kiến riêng. Bạn có thể tìm hiểu sơ lược ở đây: https://www.assessmentday.co.uk/assessmentcentre/index.html

Khi làm việc nhóm, vai trò bạn có thể đóng góp là gì? Điểm mạnh của bạn là gì?

Thử tưởng tượng xem, nếu bạn gặp một nhóm nói quá nhiều, bạn sẽ làm thế nào? Nếu bạn bị cả nhóm phản bác ý kiến, bạn sẽ theo đuổi ý tưởng đó đến cùng hay nghe theo các bạn còn lại?

Nhân vật trải nghiệm đã có cơ hội vào được vòng cuối của Unilever, Prudential, Nestle, BAT và bạn ấy để ý thấy 1 điều rằng hầu hết các ứng viên ở vòng cuối đều là du học sinh và họ phải nói là cực kỳ cực kỳ xuất sắc. Những candidates được chọn cũng hầu hết là du học sinh (lý do thì sẽ được diễn giải ở dưới). Đây là phần theo bạn ấy đánh giá là nhiều thứ để học hỏi nhất, học hỏi từ các ứng viên khác, từ feedback của ban giám khảo cho tới học hỏi từ bản thân trong quá trình xử lý case studies nên các bạn cố gắng vào tới vòng này, đảm bảo khi trở ra (dù đỗ hay trượt) thì cũng sẽ trở thành 1 con người khác.

Quay trở lại việc tại sao trong vòng Group Discussion hay AC thì các bạn du học sinh lại có tỷ lệ pass cao hơn. Cái này theo bạn ấy nhận xét là do khả năng ngôn ngữ, interpersonal skills cũng như critical thinking của các bạn có vẻ tốt hơn so với các bạn sinh viên trong nước. Cụ thể như những skills như teamwork, active listening, communication, time management, problem, critical, logical thinking,…thường không được tốt cho lắm và bị lép vế hoàn toàn khi so sánh với các bạn du học sinh.

Sau khi nhân vật trải nghiệm fail một số chương trình và hỏi han từ các bạn pass là làm thế nào mà bạn ý có thể giải quyết các case này, case kia 1 cách nhanh chóng và tốt như vậy thì câu trả lời là các bạn ý đã được học cách xử lý case studies và practice rất nhiều lần ở môi trường Đại học nước ngoài rồi nên khi làm những cái này đều cảm thấy bình thường và không bị ngợp.

Đối với vòng AC thì có những điều sau, theo quan điểm của bạn ấy, mà bạn cần phải chú ý:

-                Đừng quá tập trung vào KẾT QUẢ mà bỏ qua QUÁ TRÌNH. Với nhiều chương trình MT, họ đôi khi không hướng tới việc bạn ra được kết quả cuối cùng như thế nào mà quan tâm hơn đến quá trình bạn xử lý các case đấy ra sao và thể hiện các kỹ năng như teamwork, leadership, problem solving,… như thế nào.

-                Hãy luôn xung phong làm leader nhưng đừng aggressive quá mà hãy persuasive. Đừng bao giờ xếp mình vào dạng chỉ để hỗ trợ người khác, nếu vậy bạn không phù hợp với MT vì MT chỉ tập trung tuyển những người làm Future Leader.

-                Nếu không làm leader, hãy là thành viên tích cực. Tích cực ở đây là bạn phải thể hiện mình có những constructive hoặc critical ideascho nhóm, đừng lấn át, chê bai hay là kẻ phá bĩnh, hãy thể hiện ra mình là 1 mắt xích quan trọng và hỗ trợ cho nhóm đi đến phương án tốt nhất.

-                Hãy luôn chú ý đến thời gian. Nhân vật từng trải chia sẻ bạn ấy đã từng trải qua kinh nghiệm đau thương là chỉ để discuss 1 vấn đề nhỏ nhưng cả nhóm dành đến 30% quỹ thời gian để nói về cái đấy chỉ vì kỹ năng decision making và time management kém.

-                Trước khi bắt đầu xử lý vấn đề gì, hãy đưa ra quá trình làm việc (framework) cho nó trước. Bằng cách này nó sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro về mặt quản lý thời gian không tốt hay không biết cách bắt đầu từ đâu.

VÒNG 5: PHỎNG VẤN CHỌN (FINAL INTERVIEW/IN-DEPTH INTERVIEW)

Chúc mừng bạn nếu bạn đến được tới vòng này. Vòng này còn gọi là vòng phỏng vấn chuyên sâu. Khác với vòng phỏng vấn đầu, vòng In-depth Interview sẽ phỏng vấn với những câu hỏi gợi mở để hiểu sâu hơn về tính cách, con người bạn. Bạn có thể cảm nhận họ hỏi những câu hỏi rất đời thường về sở thích này nọ, nhưng thật ra để bạn cảm thấy thoải mái bộc lộ tính cách bản thân hơn. Cả những câu hỏi chung chung như định nghĩa về thành công, tố chất của người lãnh đạo cần gì . Cũng tùy thuộc vào vị trí cần tuyển, họ sẽ hỏi chuyên sâu hơn về công việc.

Tùy vào khả năng “điêu luyện” của nhà phỏng vấn, họ sẽ xoay bạn ít hay nhiều, nhưng điều quan trọng luôn “đề phòng cảnh giác” lí do họ hỏi những câu hỏi và bạn cần đưa ra những câu trả lời như thế nào cho đúng cái họ cần.

Một số câu họ cũng có thể sẽ hỏi như:

-                Bạn muốn mức lương như thế nào?

-                Bạn có chấp nhận chuyển nơi công tác?

-                Bạn mong muốn gì ở công việc này?

-                Bạn thấy tương lai bạn ở công ty như thế nào?

Bạn có thể tham khảo thêm tại: https://hrc.com.vn/thong-tin/ky-nang-xin-viec.html

III/ KẾT

“Fail to prepare, is prepare to fail.”

Đề bài thì không thể biết trước, khó khăn thì thế nào cũng sẽ có. Thứ duy nhất chúng ta kiểm soát được, chính là sự chuẩn bị của bản thân. Chính vì vậy, trải nghiệm rồi trải nghiệm và trải nghiệm sẽ là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất đến một vị trí trong mơ trong một tập đoàn đa quốc gia.

Nguồn: HRC, Impactus, SAPP, IndiaBix.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,531 lượt xem