Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Độc Tài Có Khác Biệt So Với Cứng Rắn?

Ai cũng muốn có sếp dễ tính. Và nếu sếp tôi vừa dễ tính, vừa tôn trọng đóng góp của tôi và luôn thử thách để giúp tôi đi lên trên bậc thang sự nghiệp, thì đó là điều rất đáng hoan nghênh.

Bài viết trên trang BBC Việt Nam, dịch từ BBC Capital

Nhiều người cho rằng những người sếp khó tính thường là những kẻ độc tài.

Tuy nhiên điều họ không hiểu là sếp dễ tính chưa chắc đã là sếp tốt.

Tôi đã nhìn thấy nhiều nhà lãnh đạo miệng thì cứ yêu cầu nhân viên phải làm tốt nhưng trong bụng vẫn lo mình không được cấp dưới yêu mến. Họ muốn được cấp dưới tôn sùng và muốn làm bạn với cấp dưới.

Đây là thể loại sếp luôn sợ rằng nếu họ đề ra những chỉ tiêu trong công việc, điều đó sẽ gây tổn thương cho lòng tự trọng của cấp dưới. Kết quả là đội ngũ lao động trở nên dễ tự mãn, khiến hiệu suất công việc đi xuống.

Tôi đã chứng kiến những lãnh đạo xuất sắc, dù là trong lĩnh vực nghiên cứu hay cố vấn, bước vào công sở và chỉ tập trung cao độ vào kết quả. Những vị sếp này không cần được yêu mến, họ đòi hỏi một cách không thoả thiệp, và nhân viên của họ biết điều này.

Ông trùm bất động sản Mỹ Bill Sanders là một ví dụ. "Tất cả mọi người đều biết rằng Bill yêu cầu hiệu quả," Ronald Blankenship, cựu chủ tịch và CEO của Verde Realty, một quỹ đầu tư bất động sản và là một cộng tác lâu năm của Sanders, nói.

"Nếu bạn làm việc với ông, bạn hãy sẵn sàng xem công việc là trọng tâm duy nhất."

Những lãnh đạo giỏi này không ngại đề ra các quy tắc và họ không hề do dự. Điều nghịch lý là sự cứng rắn của họ, thường đi kèm với tầm nhìn xa, thường khiến họ dược tôn trọng nhiều hơn thay vì ít đi.

Trên thực tế, điều họ nhận lại còn nhiều hơn thế: Sự tôn trọng, sự trung thành và thậm chí sự yêu mến.

Tất nhiên khó tính khác với xúc phạm. Làm sao để bạn biết mình sắp mắc hội chứng 'sếp dễ tính'? Hãy nhìn vào những câu hỏi này và ghi lại những lần bạn trả lời 'có'.

  • Trong năm qua, bạn đã bao giờ hạ sự kỳ vọng đối với một nhân viên nào đó khi họ không thể đáp ứng được tiêu chuẩn bạn đưa ra?
  • Trong năm qua bạn đã bao giờ không trừng phạt những cử chỉ xấu?
  • Bạn đã bao giờ thưởng cho một nhân viên dù họ không thể đạt được chỉ tiêu, chỉ vì họ đã 'rất cố gắng'?
  • Bạn có đưa ra những mục tiêu mù mờ cho nhân viên mình? Những mục tiêu rõ ràng thường rất cụ thể, có thể đo đếm, có thể đạt được và có thời hạn, còn các mục tiêu mù mờ thì không.
  • Bạn có ngại đưa ra những nhận xét tiêu cực vì sợ làm ai đó tổn thương?
  • Khi phải đưa ra những nhận xét tiêu cực, bạn có nhận ra mình đang nói giảm nói tránh?
  • Sếp bạn và các quản lý khác có xem bạn là người mềm mỏng?
  • Bạn có phải là người thường tự mãn?

Nếu bạn trả lời 'có' trước nhiều hơn ba câu hỏi phía trên, có lẽ bạn đang bắt gặp hội chứng 'sếp dễ tính'. Trong trường hợp đó, có lẽ bạn nên thay đổi cung cách của mình.

Nếu bạn muốn được tôn trọng, thay vì chỉ được yêu mến:

  • Hãy đề ra các chỉ tiêu cho nhân viên bạn, quan sát hiệu suất của họ, những gì bạn đã làm để khiến họ phải đạt những chỉ tiêu đề ra và ghi chép vào một cuốn sổ tay.
  • Với mỗi bản báo cáo, hãy nhìn lại những chỉ tiêu đề ra, liệu chúng có đủ tham vọng, đủ rõ ràng hay chưa? Đừng hạ thấp kỳ vọng chỉ vì một ai đó không đạt chỉ tiêu.
  • Liệu có cách nào đó để đề ra chỉ tiêu một cách rõ ràng và minh bạch giữa tập thể? Điều này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và cũng khiến bạn khó do dự hơn khi quy trách nhiệm một ai đó.
  • Hãy làm quen với việc đưa ra nhận xét tiêu cực: Tránh bị xúc động và tập trung vào sự thật, hãy đưa ra tín hiệu về những nhận xét tiêu cực để đối tượng nghe không bị bất ngờ. Tập trung vào giải pháp làm sao để cải thiện vào lần tới thay vì chỉ lên án những gì đã xảy ra.

Sếp dễ tính có thể tự nghĩ tốt về bản thân nhưng họ không mang lại hiệu quả cao như những sếp cứng rắn hơn.

Nếu bạn làm việc cho một sếp dễ tính, đừng tự mãn quá nhanh. Nếu bạn không nâng cao kỹ năng của mình và phát triển bản thân, bạn không chỉ đang giẫm chân tại chỗ mà thực sự đang tụt lùi.

Trong môi trường ngày nay, nơi mà sự cạnh tranh đến từ mọi phía, đây không phải là công thức làm nên thành công.

Theo bbc.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,296 lượt xem