Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Đừng Rối, Đã Có Cách Để Vượt Qua Câu Hỏi Phỏng Vấn Về Điểm Yếu

Bạn có từng trải qua hoàn cảnh này chưa? Trong buổi phỏng vấn, mọi sự diễn ra đều tốt đẹp và trơn tru cho đến khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi hóc búa này: Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì? Trừ khi bạn đã chuẩn bị kỹ càng, còn không, thì ngay cả những ứng viên giàu kinh nghiệm nhất cũng trở nên lúng túng.

Bạn nghĩ điểm yếu của bạn là gì? Khó khăn ở đây là, bạn đang muốn tạo ấn tượng tốt nhất có thể với nhà tuyển dụng và phô diễn hết những phẩm chất ưu việt của bản thân chứ không phải nói về những điểm yếu. Cho nên, theo bản năng tự nhiên, bạn sẽ nói rằng: Tôi chẳng hề có bất kỳ khuyết điểm nào cả!

Thế nhưng, cả bạn và nhà tuyển dụng đều biết chắc rằng điều này là không thể. Vậy thì, bạn sẽ nói dối hay áp dụng chiến thuật để vượt qua câu hỏi này?

Trước khi tôi đi sâu khám phá những thủ thuật để giúp bạn xử lý câu hỏi này, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi chẳng hề thích thú gì khi phải hỏi những câu hỏi hóc búa thế này cả. Theo tôi, những câu hỏi kiểu này chỉ cho thấy người phỏng vấn hẳn là một kẻ giao tiếp kém, thiếu kinh nghiệm và không giàu trí tượng tượng. Khi phỏng vấn các ứng viên, tôi luôn cố gắng tạo nên một bầu không khí thoái mái và tự nhiên để tìm hiểu thêm về những kinh nghiệm trước đây cũng như những kỳ vọng về công việc của ứng viên tôi đang phỏng vấn. Tôi muốn nghe những câu chuyện chân thực hơn là những câu trả lời đã được trù tính từ trước.

Lý do một số nhà tuyển dụng hỏi về khuyết điểm của bạn là để có một cái nhìn sâu sắc về cách mà bạn tự nhận thức bản thân. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” sẽ không cung cấp cho nhà tuyển dụng bất kỳ thông tin đặc sắc nào vì các ứng viên, lẽ dĩ nhiên, sẽ luôn đưa ra một câu trả lời khuôn mẫu và đại khái. Những câu trả lời rập khuôn nhất mà tôi từng được nghe là “Tôi là người cầu toàn” hay “Tôi làm việc vô cùng chăm chỉ”. Đừng có trả lời như thế, chúng chỉ thể hiện rằng bạn không hề nghiêm túc khi chuẩn bị câu trả lời. Và, một nhà tuyển dụng đại tài sẽ nén cười vào mặt bạn và quay bạn mòng mòng cho đến khi họ tìm ra điểm yếu thực sự của bạn.

Vậy nên nếu bạn nhận được một câu hỏi có chủ đích như thế này, hãy trả lời nó theo cách tương tự nhưng phải thật cân nhắc và trung thực. Sau đây là một số chiến lược bạn có thể sử dụng để ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Tập trung vào các kỹ năng cần thiết cho công việc để né tránh câu hỏi

Thông thường, trước khi ứng tuyển, chúng ta thường xem xét các kỹ năng cần thiết và cân nhắc xem chúng ta đã có những kỹ năng đó chưa hoặc có thể nhanh chóng phát triển những kỹ năng này không. Tận dụng cơ hội này để chỉ ra rằng bạn chắc chắn đã cân nhắc. Bạn có thể trình bày như thế này: “Đây hẳn là một câu hỏi khó rồi. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Trước khi ứng tuyển vào vị trí này, tôi đã đánh giá những kỹ năng quan trọng mà bản thân cần có để làm việc hiệu quả. Tôi cho rằng công việc này cần các kỹ năng X, Y và Z và tôi hội đủ những tố chất trên. Vai trò mới này đòi hỏi tôi phải gánh trách nhiệm mới như X. Công việc cũ trước đây thực sự đã hạn chế cơ hội để tôi có thể hoàn thiện những kỹ năng này. Nhưng mà, tôi học hỏi rất nhanh và sẽ tập trung phát triển hết những kỹ năng này.”

Kể về những khuyết điểm không đáng kể, không ảnh hưởng đến công việc

Nếu như nhà tuyển dụng vẫn khăng khăng tìm cho ra điểm yếu, bạn nên kể về những khuyết điểm không đáng kể, ít ảnh hưởng đến vị trí bạn đang nhắm đến. Bạn thừa nhận rằng bạn nhận thức rõ về bản thân và có những khuyết điểm, như bất cứ ai, nhưng chúng chẳng gây ra bất lợi cho công việc. Ví dụ, nếu đang xin vào vị trí thợ làm vườn, bạn có thể nói rằng bạn phải vật lộn với việc nói trước công chúng.

Tránh phát biểu chung chung

Thay vì đưa ra những phát biểu chung chung đại loại như “Tôi độc đoán”, có lẽ bạn sẽ muốn mô tả cụ thể hơn theo một tình huống cụ thể, chẳng hạn “Khi đương đầu với quá nhiều áp lực trong dự án, tôi có thể trở nên độc đoán”. Bằng cách này, bạn chỉ ra rằng đó không phải là một điểm yếu thực sự mà nó chỉ xảy ra trong tình huống đó thôi.

Nói về việc hoàn thiện bản thân trong quá khứ

Thay vì kể về những khuyết điểm hiện tại, bạn hãy nói về khả năng tự đánh giá, tìm ra những nhược điểm và cách giải quyết chúng. Hãy đưa ra một hoặc hai ví dụ trước đây về cách bạn xác định “nhu cầu hoàn thiện bản thân” (một thuật ngữ tích cực hơn là từ “điểm yếu”) và cách bạn cải thiện những mặt đó. Trả lời tương tự như thế này: “Không ai là hoàn hảo cả. Tôi luôn quan tâm đến việc cập nhật các kỹ năng và tìm kiếm những phản hồi có tính xây dựng để hoàn thiện hơn nữa. Tôi nhận thấy ở vị trí cũ, kỹ năng truyền thông xã hội của mình chưa phát huy được khả năng vốn có của nó, do vậy, tôi đã đăng ký một khóa học để rèn giũa kỹ năng này. Giờ thì tôi tự tin rằng tôi có thể giúp đỡ những đồng nghiệp khác ở lĩnh vực này”.

Những khuyết điểm cần tránh đề cập trong câu trả lời

Sau cùng, tôi xin đề cập đến một vài điểm yếu mà bạn nên tránh đề cập đến bởi vì chúng đều là những kỹ năng thiết yếu trong công việc:

  • Thiếu tinh thần làm việc nhóm
  • Không chấp nhận đóng góp từ người khác
  • Không chủ động và làm việc độc lập
  • Không đáng tin cậy

Bạn có đồng quan điểm với tôi về vấn đề này không? Hay có bất cứ chiến lược mới mẻ nào mà bạn muốn giới thiệu? Bạn có đồng tình rằng đây chính là câu hỏi “xương” nhất hay không? Nếu không phải, bạn nghĩ câu hỏi nào hóc búa hơn? Chia sẻ quan điểm của bạn cho tôi nhé.

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,070 lượt xem