Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hé Lộ 5 "Cửa" Bạn Phải Qua Trong Vòng Phỏng Vấn

Buổi phỏng vấn đầu tiên của bạn sắp đến và bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong căn phòng kia? Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn những gì? Bạn phải nói gì bây giờ? Hãy cùng đi tìm bí mật phía sau cánh cửa phòng phỏng vấn nhé!

Tuy rằng tất cả các cuộc phỏng vấn xin việc đều khác nhau, nhưng đa số thường sẽ có cấu trúc tương tự và đi theo một tiến trình nhất định. Bài viết này sẽ giúp bạn hé mở phần nào cánh cửa phòng phỏng vấn bằng cách cho bạn thấy quy trình phổ biến nhất của một cuộc phỏng vấn xin việc, để bạn có thể biết trước mình nên mong chờ điều gì khi nhận được một lời mời phỏng vấn.

Phần 1: Mở đầu

 Khi bước vào phòng phỏng vấn, bạn thường sẽ bắt gặp một mở đầu khá quen thuộc. Nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi một số câu hỏi đơn giản để giúp ứng viên thoải mái hơn, mời ứng viên dùng trà hoặc cà phê và giới thiệu chính xác cách mà cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra.

Phần 2: Thông tin về công ty và công việc

 Khi cả hai chính thức bước vào cuộc phỏng vấn cũng là lúc quá trình phỏng vấn xin việc của bạn thực sự bắt đầu. Bước tiếp theo của cuộc phỏng vấn là phần giới thiệu của người phỏng vấn về công ty cũng như vị trí bạn đang ứng tuyển. Cụ thể hơn, người phỏng vấn có thể nói cho bạn về những gì công ty làm, giá trị của công ty, số lượng nhân viên hoặc những mảng việc cụ thể mà vị trí đó đảm nhiệm. Nói chung, đó thường sẽ là những thông tin bạn đã biết từ trước nhưng để đảm bảo tính chính thức, nhà tuyển dụng sẽ truyền đạt lại với bạn trong quá trình phỏng vấn.

 Phần 3: Câu hỏi của nhà tuyển dụng

Sau khi cung cấp một số thông tin về công ty và vị trí bạn đang ứng tuyển, người phỏng vấn bạn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi. Nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn tự giới thiệu bản thân, hỏi về một số chủ đề liên quan tới những công việc hoặc hoạt động bạn đã tham gia, về sự nghiệp của bạn, v.v. Đây là phần quan trọng nhất của cuộc phỏng vấn, vì bạn phải thuyết phục được nhà tuyển dụng mình là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí họ đang tìm kiếm. Thời lượng dành cho phần này sẽ rất khác nhau tùy vào từng công ty. Đôi khi nó chỉ kéo dài nửa tiếng, nhưng cũng có trường hợp bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi trong vòng một tiếng rưỡi.

 Một số câu hỏi thường gặp trong phần này có thể kể đến là:

  • Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

Những câu hỏi như thế này thường khiến ứng viên thừa nhận một điểm yếu nào đó mà họ đang gặp phải. Denham, một chuyên gia tuyển dụng, chia sẻ kinh nghiệm của ông: “Tôi có xu hướng nói có và kèm theo những giải pháp để cải thiện điểm yếu ấy”. Sau đó, dẫn dắt bằng một ví dụ về cách bạn thực hiện những ưu tiên và thiết lập những giới hạn cho bản thân mình. Và hãy nhớ rằng, “Điều cần tập trung trong buổi phỏng vấn là nên trả lời dựa trên những điểm mạnh của bạn”.

  • Đâu là mức lương mà bạn nghĩ mình xứng đáng được trả?

“Người nói đến tiền sẽ là kẻ thua cuộc”. Nếu bạn là người đầu tiên thốt ra một con số, dù con số đó có thể thấp hơn so với mức nhà tuyển dụng dự định, thì hãy coi chừng. Hãy chờ đợi nhà tuyển dụng đưa ra một khoảng và khi họ hỏi bạn con số cụ thể, hãy lựa chọn mức lương cao hơn ngưỡng trung bình mà họ cung cấp.

  • Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?

Hãy nhìn lại hồ sơ của mình và chọn ra từ 3 - 5 điều bạn muốn nhấn mạnh với nhà tuyển dụng. Lựa chọn những phẩm chất có thể thể hiện khả năng làm việc của bạn, và đặc biệt, bạn phải chứng minh điều đó dựa trên những kết quả đã đạt được trong công việc.

  • Bạn không thích điều gì ở công việc gần đây nhất của bạn?

Nhà tuyển dụng có thể đang trông đợi một câu trả lời thể hiện điểm yếu của bạn. Hãy cố gắng trả lời câu hỏi này theo cách: “Tôi không cảm thấy mình đã được thử thách đủ khi ở vị trí cũ”. Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bạn đủ sẵn sàng cho mọi thử thách mà họ đem đến cho bạn trong khoảng thời gian sắp tới.

  • Bạn thấy mình sẽ ở đâu trong vòng 3 - 5 năm nữa?

Câu trả lời tệ nhất có thể cho câu hỏi này chính là: “Tôi thực sự không biết nữa”. Dù bạn có thực sự không biết thì cũng đừng thú nhận điều đó. Để gây ấn tượng tốt, hãy thử trả lời như sau: “Tôi đã tự đánh giá bản thân mình rất nhiều lần, và những gì tôi học được từ bản thân mình chính là những điều tôi muốn cam kết cho công việc này, cũng như xây dựng sự nghiệp của mình từ đây”.

Phần 4: Thời gian dành cho những câu hỏi của bạn

 

Khi nhà tuyển dụng đã có đủ thông tin mình cần, sẽ đến phiên bạn đặt câu hỏi cho họ. Ở thời điểm này, một số người sẽ nói rằng họ không có câu hỏi nào và do đó bỏ qua luôn phần này của buổi phỏng vấn, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn đặt ít nhất một câu hỏi. Bằng cách đó, bạn sẽ thể hiện mình là một ứng viên đã chuẩn bị tốt, thực sự nghiêm túc và tâm huyết với vị trí này, cũng như đem lại cho nhà tuyển dụng cơ hội hỏi thêm một vài điều nếu họ cần.

 Bạn nên chuẩn bị trước khi đến buổi phỏng vấn để sẵn sàng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Nội dung những câu hỏi này có thể liên quan tới công việc, cũng có thể về điều kiện làm việc hoặc bất cứ thứ gì về vị trí hoặc công ty bạn đang ứng tuyển.

Phần 5: Kết thúc

 Nếu bạn đã đặt câu hỏi và những câu hỏi đó đã được nhà tuyển dụng trả lời đầy đủ, vậy thì bạn đã hoàn thành buổi phỏng vấn rồi! Để khép lại buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể nhận xét khái quát về phần thể hiện của ứng viên và thông báo về những bước tiếp theo của quá trình ứng tuyển. Buổi phỏng vấn sẽ chính thức kết thúc khi bạn bắt tay với người phỏng vấn mình, cảm ơn họ, nói lời chào tạm biệt và ra về.

Buổi phỏng vấn cũng có thể diễn ra theo một (vài) cách khác…

Dù rằng đa số các buổi phỏng vấn sẽ trải qua trình tự ở trên, vẫn có một số công ty đi theo quy trình phỏng vấn hoàn toàn khác. Một số yếu tố có thể được thêm vào, một vài câu hỏi bất ngờ bạn không lường trước, thứ tự các phần có thể được sắp xếp lại và một số phần bị bỏ qua hoàn toàn. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho tất cả mọi thứ để không bao giờ bị choáng ngợp trước những gì diễn ra trong vòng phỏng vấn và thể hiện thật thành công nhé!

Theo hrc.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

714 lượt xem