Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hiểu Về Khoa Học Thần Kinh Giúp Bạn Thuyết Trình Tốt Hơn

Thời gian qua, các nhà khoa học đã rất nỗ lực nghiên cứu và tìm hiểu về cách thức trí óc con người hoạt động. Mọi kết quả rút ra được đều giúp nhân loại hiểu rõ hơn về mình, hỗ trợ mọi ngành nghề, đặc biệt là vận dụng trong thuyết trình – một nhiệm vụ khó khăn cần đi sâu vào việc hiểu tâm lý người nghe.

Trong Hội thảo trực tuyến về sử dụng khoa học thần kinh để xây dựng một bài thuyết trình hiệu quả, tiến sỹ Carmen Simon đã đưa ra các bước vận dụng những kiến thức về khoa học thần kinh có thể giúp khán giả ghi nhớ lâu hơn và ấn tượng hơn trong bài thuyết trình. Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Thứ nhất, phải THU HÚT sự chú ý của khán giả.

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Não bộ có thói quen giảm sự tập trung chú ý vào những sự việc quá quen thuộc và nhàm chán. Các nhà làm phim Hollywood đã vận dụng triệt để kiến thức này để đẩy mạnh cảm xúc nơi khán giả. Nếu như những cảnh quay Hollywood kéo dài đến 10s vào thập niên 30 – 40, thì sau năm 2000 đã giảm xuống còn 4s. Thước phim thay đổi nhanh hơn, đoạn đối thoại chứa đựng nhiều cảm xúc hơn được đánh giá là đem lại cảm giác mới mẻ và hứng thú cho người xem hơn thông thường. Chính vì thể, hãy ứng dụng kiến thức này vào bài thuyết trình bằng những mẹo đơn giản:

  • Thêm nhiều đoạn “cut” vào bài thuyết trình: Nghiên cứu chỉ ra rằng 3 phút là thời gian cần thiết để thay đổi hình thức hoặc nội dung thuyết trình. Những hình thức thuyết trình đơn giản cho bạn để linh hoạt thay đổi đó là hoạt động thuyết trình độc thoại, tương tác với khán giả (Q&A) hoặc xây dựng tình huống mô phỏng vấn đề đang trình bày (bằng cách trình chiếu đoạn video, diễn hoạt cảnh..)… Áp dụng mẹo đơn giản này sẽ giúp bài thuyết trình của bạn sinh động hơn và không làm người xem cảm thấy “chán ngán”.

  • Tạo hứng thú và động lực cho người nghe: Việc kích thích hoocmon dopamine (tác nhân thúc đẩy cảm giác phấn khích trong não bộ) thông qua các hoạt động xen kẽ giữa bài thuyết trình là cách đơn giản để thu hút sự chú ý từ khán giả. Chẳng hạn như việc chơi trò chơi, đố vui có quà tặng (như vé xem phim, voucher mua hàng,…) khi khán giả trả lời đúng câu hỏi; đưa ra các tình huống để người xem dự đoán cách giải quyết…

Thứ hai, phải DUY TRÌ sự chú ý của khán giả.

Đây là bước quan trọng để dẫn dắt khán giả đồng hành cùng bạn trong suốt bài thuyết trình. Bạn có thể duy trì sự chú ý của người nghe bằng những cách sau:

  • Kích thích giác quan bằng việc sử dụng những màu sắc ấn tượng, thường xuyên thay đổi font chữ, kích thước hình ảnh, âm thanh trong bài thuyết trình;

  • Não bộ có xu hướng quan tâm hơn tới những điều gợi sự gần gũi.Đó là lý do mà chúng ta sẽ nghĩ tới trời mưa khi quan sát một bức ảnh bầu trời âm u. Chính vì thế, xuyên suốt bài thuyết trình, bạn cần đưa ra những ví dụ thực tế (và thêm vào một chút hài hước) cho khán giả liên tưởng và ấn tượng với vấn đề đang trình bày.

  • Đặt mình vào vị trí người nghe để kết nối cảm xúc. Sự giao tiếp trực tiếp sẽ giúp cho bài thuyết trình trở nên hiệu quả hơn, trở thành một cuộc trao đổi, thảo luận giữa những người bạn, những người đồng nghiệp. Giọng điệu và cung cách trình bày là một phần quyết định, do đó hãy luôn nhìn vào mắt người nghe khi nói, kể chuyện thay vì thuyết giảng và hãy luyện tập để không phải nhìn vào giấy khi thuyết trình.

Thứ ba, giúp khán giả GHI NHỚ.

Não bộ càng xử lý và tư duy nhiều thì khả năng ghi nhớ lại càng lâu hơn. Để khiến cho khán giả phải suy nghĩ, cách tốt nhất là đặt ra những câu hỏi, ví dụ: “Bạn có cảm nhận gì?”, Bạn thấy như thế nào về vấn đề trên? Điều này có ý nghĩa gì với bạn? Bạn sẽ làm gì nếu…?.v.v.. Hãy xen lẫn những câu hỏi trên vào giữa các phần của bài thuyết trình, và cũng đừng quên tương tác với khán giả xem họ nghĩ như thế nào nhé!

Ngoài ra, quá trình hỏi và đáp giữa người nói và người nghe cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự ấn tượng và ghi nhớ nơi khán giả. Khi kết thúc một nội dung hoặc kết lại bài thuyết trình, bạn có thể hỏi và giải đáp thắc mắc, góp ý từ người theo dõi bên dưới. Với những câu hỏi bạn thấy chưa giải đáp được ngay thì cũng cần hồi đáp thẳng thắn, xin phép trao đổi sau buổi thuyết trình thay vì ậm ừ và im lặng.

Với việc áp dụng hiệu quả kiến thức về khoa học thần kinh, bất cứ ai dù không chuyên cũng sẽ thuyết trình được một cách thu hút và ấn tượng. Chúc các bạn vận dụng tốt những kiến thức này nhiều hơn trong việc nói trước đám đông và công việc chuyên môn của mình nhé!

Theo blog.generali-life.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,296 lượt xem