Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[Học Bổng Chính Phủ] Các Bước Xin Học Bổng: Chuẩn Bị, Lập Hồ sơ, Chuẩn Bị Phỏng Vấn (Phần 2)

 

[Học Bổng Chính Phủ] Những Yếu Tố Cần Thiết Khi Xin Học Bổng Và Cách Lựa Chọn Học Bổng (Phần 1)

Phần 2: Các bước xin học bổng chính phủ

Bài viết này sẽ không bao gồm thông tin về các thủ tục. Bạn sẽ phải tự tìm hiểu về các thủ tục cần thiết liên quan đến một bộ hồ sơ học bổng.

Mình không đảm bảo những ai tuân theo quy trình này sẽ được học bổng, nhưng mình chắc chắn những người đó sẽ tận dụng được tối đa 4 yếu tố (ngoại trừ sự may mắn) mà mình đã nêu ở bài trước. Hiển nhiên, tận dụng được càng nhiều thì khả năng hồ sơ tốt và được chọn càng cao. 

Từ khi có ý tưởng du học đến khi chính thức nhận được học bổng, một quy trình xin học bổng bài bản và hoàn chỉnh cần có 3 bước:

(1) chuẩn bị trước khi làm hồ sơ,

(2) làm hồ sơ, và

(3) chuẩn bị phỏng vấn.

Thời gian cần thiết cho các bước này lần lượt là: tối thiểu 3 năm cho bước chuẩn bị, khoảng 2 tháng cho bước làm hồ sơ và 1 tuần cho bước chuẩn bị phỏng vấn.

  1. Chuẩn bị

Một hồ sơ tốt đều cần có bước chuẩn bị được đầu tư tối thiểu 3 năm, 3 năm của nỗ lực làm việc và chất xám. Để hiểu được lý do, hãy điểm qua những tiêu chí cơ bản mà các ban xét duyệt hồ sơ thường sử dụng để đánh giá ứng viên:

  • Thành tích học tập và nghiên cứu (nếu có) được thể hiện qua bảng điểm (hoặc GPA) và giấy chứng nhận (đối với một số học bổng như Erasmus Mundus hay Endeavour, thành tích học tập chưa tốt có thể được hỗ trợ bởi một quá trình làm việc giàu thành tích ở ngành liên quan)
  • Bài luận cá nhân (personal statement, letter of motivation, statement of purpose, study objectives)
  • Thư giới thiệu (letter of recommendation, reference, reference letter)
  • Tiêu chí đặc thù của học bổng hoặc của khóa học (có thể là phẩm chất cá nhân, thành tích hoạt động xã hội, khả năng sử dụng ngôn ngữ, v.v…)

Những tiêu chí trên được mình tổng hợp dựa trên các thông báo chính thức và kinh nghiệm ứng tuyển 5 học bổng: Erasmus Mundus (EM), Học bổng Song phương Việt-Bỉ (BBS), Học bổng Chevening, Học bổng Australia Awards (AAS), và Học bổng Fulbright.

Đối với học bổng tài năng (merit-based), sức nặng của các tiêu chí lần lượt như sau (theo thứ tự giảm dần về mức độ quan trọng):

  1. Thành tích học tập (hoặc làm việc)
  2. Thư giới thiệu
  3. Tiêu chí đặc thù của học bổng
  4. Bài luận cá nhân

Thực tế, thành tích học tập luôn là “ngôi sao” của những hồ sơ học bổng tài năng. Trong nhiều chương trình thuộc EM, ban xét duyệt công khai với ứng viên là thành tích học tập chiếm tới 40% “weighting”. Điều tương tự xảy ra đối với Endeavour 2016:

<Nguồn trích dẫn: 2016 Round Endeavour Applicant Guidelines>

The selection criteria for all categories of the Endeavour Scholarships and Fellowships are the same. The following are the selection criteria and their relative weighting:

  1. record of high-level academic achievement and/or relevant work experience in the applicant’s chosen field of study (40%)
  2. well-defined study, research and/or professional programme (20%)
  3. statement on how the international study, research or professional development opportunity would further the applicant’s academic and/or professional career (20%)
  4. statement on how the international study, research or professional development opportunity will benefit Australia and the applicant’s potential to foster ongoing collaboration and cooperation with their home and host country (10%)
  5. statement in support of the applicant’s service to the community. Unpaid service within the applicant’s field of expertise or community service (10%).  

Đối với học bổng tiềm năng, thành tích học tập của bạn thường chỉ cần đạt một điều kiện cần và không cần cao. Ví dụ, học bổng Chevening yêu cầu ứng viên phải có bằng tốt nghiệp đại học tương đương Second Class Honour ở Vương quốc Anh (tức là GPA trên 7.0), bạn đạt và bạn được xét duyệt công bằng với một người có GPA cao hơn. Giữa 2 người, một người có GPA cao và bài luận khá, một người có GPA thấp và bài luận xuất sắc, Chevening sẽ đánh giá cao người thứ hai hơn. Ví dụ: người viết có điểm GPA 7.6/10 – có lẽ là thấp đến mức bất cứ ứng viên nào thuộc ngành kinh tế hoặc xã hội cũng có điểm cao hơn. Nhưng mà mình vẫn được Chevening chọn Lý do chỉ có thể là mình có một bài luận tốt vì học bổng Chevening không yêu cầu nộp CV và cũng chẳng có chỗ nào cho các bạn thể hiện thành tích (ngoại trừ bảng điểm) đâu.

Đối với học bổng tài năng-tiềm năng, yếu tố sức nặng (weighting) phụ thuộc vào từng quy trình xét duyệt của học bổng cụ thể. Ví dụ, học bổng Fulbright và AAS đều là dạng tài năng-tiềm năng. Tuy nhiên, nếu vòng hồ sơ đầu tiên của Fulbright xét tính cạnh tranh của toàn bộ hồ sơ bao gồm cả bài luận, phẩm chất đặc thù, thành tích học tập và khả năng ngôn ngữ, thư giới thiệu thì vòng screening (vòng duyệt hồ sơ đầu tiên do người Việt Nam thực hiện) của AAS coi thành tích học tập, cụ thể là điểm GPA là yếu tố tiên quyết. Có nghĩa là rất có thể một bộ hồ sơ có SOP viết cực tốt nhưng GPA dưới 8.0 sẽ bị loại, trong khi một bộ hồ sơ SOP kém hơn nhiều nhưng tốt nghiệp Giỏi với GPA 8.4 sẽ được chọn. (Gì chứ về SOP thì tác giả rất tự tin rằng mình viết hay hơn nhiều người trong target group 3 của AAS, cơ mà tác giả vẫn bị loại từ vòng gửi xe)   

Vậy thì 3 năm chuẩn bị cho học bổng tiềm năng được dùng để làm gì? 

Các bạn hãy dùng 3 năm đó để vừa nỗ lực làm việc, vừa suy nghĩ về ngành mà bạn đang làm. Hãy dành ít nhất 1 năm cuối ở trường đại học để nghiền ngẫm và hệ thống lại những lý thuyết mà bạn đã có được để xác định con đường lâu dài mà bạn định phát triển. 2 năm tiếp theo là thời gian để bạn tích lũy kinh nghiệm, phát hiện những hiện tượng, những vấn đề cần được giải quyết trong ngành và thử sử dụng những lý thuyết học được để giải quyết nó. Khi những lý thuyết và kinh nghiệm làm việc của bạn không thể nào giải quyết những vấn đề mà bạn phát hiện, đó là lúc bạn cần đi học thêm. Nếu đi học thêm mãi ở Việt Nam mà chưa có được cái bạn cần, đó là lúc bạn cần xin học bổng để du học.

Nói nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản, nhưng để có thể tìm ra vấn đề và nhận ra khoảng cách không thể bù đắp giữa kiến thức và vấn đề còn tồn tại trong ngành, bạn sẽ phải luôn luôn quan sát, luôn luôn động não và trăn trở về những gì đang xảy ra xung quanh mình. Quá trình này cũng sẽ giúp bạn khẳng định niềm đam mê đối với một công việc mà bạn đã chọn. Và, chắc chắn các ban xét duyệt học bổng tiềm năng muốn tìm kiếm những con người có động cơ và đam mê như vậy để trao học bổng.

Một điều cuối cùng rất quan trọng trước khi làm hồ sơ xin học bổng: các bạn cần giỏi tiếng Anh. Thực ra, không cần xin học bổng các bạn cũng nhất thiết phải giỏi tiếng Anh. Giỏi cả nghe, nói, đọc, viết chứ không phải chỉ có nói và nghe. Trên quan điểm dài hạn mà nói, bạn nên luôn tích lũy kiến thức tiếng Anh ngay từ khi còn học đại học để khi tốt nghiệp đại học đã có một vốn liếng kha khá đủ để thi được IELTS 6.5 bất cứ khi nào mà không cần ngồi luyện thi. Đừng để đến khi làm hồ sơ mới cuống lên cày cuốc để thi IELTS. Bạn nào bảo tự học tiếng Anh để có thể thi được 6.5 mà không cần luyện thi là việc khó khăn thì mời gặp bạn Hoàng Đức Long =)(Mình cực kì ghét lũ lười)  

2. Lập hồ sơ xin học bổng

Lập hồ sơ xin học bổng bao gồm 2 việc chính là viết bài luận và viết thư giới thiệu. Việc viết bài luận cho hồ sơ xin học bổng là một quá trình rất hại não, nhất là khi bạn ứng tuyển học bổng tiềm năng. Mình bỏ ra 8 tuần để hoàn thiện toàn bộ các bài luận cần thiết cho hồ sơ học bổng Chevening. Ứng viên của học bổng Fulbright bỏ ra 3 tháng cho 2 bài luận Personal Statement và Study Objectives là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn có bước chuẩn bị tốt (như mình đã nói ở trên), vì khi đó bạn đã có hết những ý tưởng cần thiết trong đầu rồi. Vấn đề bây giờ là viết nó ra như thế nào.Để viết tốt, các bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  1. Họ hỏi gì thì ta trả lời đó: hãy đọc kĩ đề bài mà ban xét duyệt yêu cầu đối với bài luận. Họ hỏi về academic achievements thì viết về cái đó, đừng viết về professional skills hay extracurricular activities. Theo kinh nghiệm của mình, có 4 dạng bài luận với yêu cầu khác nhau:Personal Statement (PS): viết về sự phát triển của cá nhân bạn, bao gồm những sự kiện quan trọng đã ảnh hưởng đến nhân cách, nguyện vọng, đam mê, kĩ năng của bạn. Một số học bổng hoặc khóa học yêu cầu bạn nêu cả những dự định học tập và sự nghiệp tương lai.Study Objectives (SO): viết về những mục tiêu nghiên cứu và học tập trong tương lai, nguồn gốc của những mục tiêu này và sự liên quan giữa kinh nghiệm học tập và lao động của bạn với những mục tiêu tương lai.Letter of Motivation: tổng hợp cả Personal Statement và Study Objectives. Tùy từng học bổng mà Letter of Motivation sẽ thiên về PS hơn SO, hoặc ngược lại.Bài luận dạng câu trả lời: một số học bổng như AAS và Chevening yêu cầu ứng viên trả lời 4 câu hỏi mà họ cho sẵn. Các câu hỏi có thể về: động cơ xin học bổng, khả năng học tập, phẩm chất lãnh đạo, dự định tương lai, v.v…
  2. K.I.S.S: Keep It Short and Simple. Từ ngữ súc tích và càng đơn giản, càng phổ biến càng tốt. Cần súc tích vì những điều bạn muốn nói bao giờ cũng rất nhiều trong khi lượng từ được phép dùng luôn khá ít. Chevening cho phép mỗi câu trả lời không quá 300 từ. Fulbright cho phép mỗi bài luận không quá 1000 từ. AAS yêu cầu mỗi câu trả lời không quá 2000 kí tự kể cả dấu cách và xuống dòng.
  3. Hãy viết những suy nghĩ chân thành và có cơ sở của bạn. Có nghĩa là bạn phải thật sự tin tưởng vào điều bạn định viết thì mới viết. Đừng viết những gì bạn đoán, hãy viết những gì bạn suy luận có bằng chứng.
  4. Hãy viết những điều mà chỉ có bạn mới có thể viết. Đừng viết những điều mà ai trong cùng ngành với bạn cũng có thể nghĩ đến. Trước khi viết, hãy thử nghĩ: “Viết như thế này thì có thật sự khác biệt không, hay cũng chỉ giống như một vài bạn nào đó?” Để thật sự khác biệt, các bạn hãy nêu trải nghiệm và suy luận cá nhân của mình, bởi vì trải nghiệm của mọi người không bao giờ giống nhau. Hãy viết càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt.
  5. Đừng biến bài luận thành một bài khoe thành tích. Thành tích của bạn đã được thể hiện rất rõ qua CV (nếu họ yêu cầu bạn nộp). Ngay cả khi không có CV, việc khoe thành tích cũng không tạo ấn tượng tốt với người duyệt vì chẳng ai thích một đứa chỉ nói về những cái “được” của bản thân. Thay vào đó, hãy cân bằng những cái “được” đó bằng những cái “mất”. Hãy kể những khó khăn bạn đã gặp và bạn vượt qua khó khăn như thế nào. Mọi thành tích đều có cái giá phải trả nhất định và người ta muốn biết về những cái giá đó trong bài luận của bạn. Việc nói về những khó khăn bạn đã vượt qua cũng chứng tỏ được đam mê, ý chí, và nguyện vọng cống hiến cho ngành hoặc cho xã hội của bạn.
  6. Mỗi sự việc bạn nêu trong bài luận đều phải liên kết với nhau theo cách: sự việc này là lý do cho sự việc kia. Ví dụ: bạn học trong trường thấy kiến thức về corporate social responsibility không đủ => bạn phải đi học thêm ở ngoài qua training hay workshop => nhưng lý thuyết suông không đủ => bạn đi thực tập hoặc đi làm bán thời gian/toàn thời gian để lấy kinh nghiệm.
  7. Rất rất cần có một người “cứng” về khả năng viết luận tiếng Anh để duyệt bài luận cho bạn. Tốt nhất, bạn hãy đi học những lớp học viết luận và tư duy phản biện để vừa biết cách viết, vừa có người sau này sẽ duyệt bài luận cho bạn.

Về cấu trúc bài luận, không thể có một cấu trúc hoàn hảo, áp dụng được với mọi bài luận vì yêu cầu nội dung của mỗi bài luận khác nhau. Nhưng thường xuyên chúng ta sẽ được yêu cầu viết một personal statement nói về những mốc quan trọng của cuộc đời và dự định tương lai. Dưới đây là cấu trúc và nội dung mà mình đã áp dụng với bài personal statement gửi cho học bổng Fulbright, Đại học KU Leuven và Đại học Nottingham. 

  1. Mở đầu là một cái “hook”. Đây là điểm nhấn đầu tiên, nhất thiết phải gây ấn tượng với người đọc. Điểm nhấn này có thể là một trải nghiệm công việc hoặc một sự việc mà bạn vô tình phát hiện. Các sự việc này phải liên quan đến vấn đề cốt lõi mà bạn muốn giải quyết trong tương lai. Ví dụ về “hook” của mình:

    The building’s design was supposed to be environment-friendly and based on the curves of the Vietnamese “ao dai”. Yet Lotte Center Hanoi’s architecture actually results in pollution and hints at nothing of Vietnamese culture.

    Ai đã từng nhìn thấy cái Lotte Center Hanoi sẽ rất bất ngờ và thấy ngay cái sự việc này rất tréo ngoe :)) Thế là đủ cho một cái hook.Và sau đó mình diễn giải để liên kết sự việc này với vấn đề mình muốn giải quyết trong tương lai:

    As I had the chance to see Lotte’s initial concept proposals, its unexpected failure compounded my concern for architectural sustainability in Vietnam. Truth be told, Lotte Center is only one example among many buildings failing to follow environmentally and culturally sustainable schemes. The situation moved me to address its two causes: the lack of rational design approaches and the fact that investors are unaware of the long-term benefits of sustainable architecture.

  2. Thân bài 1: hãy kể một câu chuyện, có thể bắt đầu từ bất cứ thời điểm nào nhưng muộn nhất cũng phải là thời điểm bạn bắt đầu học đại học. Với mình, thân bài bao gồm các sự kiện từ thời gian học đại học cho đến khi đi làm và kết thúc ở dự định đi du học. Mạch câu chuyện của mình thế này:Học ở trong trường và phát hiện ra vấn đề: lý thuyết thiết kế kiến trúc dạy ở đại học chưa khoa học

=> ( – ) không thích tí nào nhưng phải cố để sau này còn có khả năng để đi học thêm

=> (+) đạt được thành tích học tập tốt, ít nhất là hơn bạn đồng môn

=> ( – ) nhưng lý thuyết trong trường hóa ra không áp dụng được nhiều trong thực tế, gây ra nhiều khó khăn trong công việc

=> (+) cố gắng hết sức và làm quen được với môi trường chuyên nghiệp, rèn luyện được nhiều kỹ năng như quản lý thời gian, làm việc trong áp lực

=> ( – ) tuy nhiên công việc thiết kế bàn giấy khiến mình ít kinh nghiệm thực tế thi công

=> (+) vào cơ quan nhà nước và được làm trong dự án Lotte Center Hanoi, học được nhiều kiến thức mới về thi công và rèn luyện được kĩ năng lãnh đạo

=> ( – ) nhưng vấn đề lý thuyết mà mình phát hiện ngay từ khi còn đi học đại học vẫn tồn tại và không cách nào dùng kinh nghiệm hay lý thuyết mới để bù đắp được

=> (*) muốn đi học thạc sỹ ở nước ngoài

Bạn có thấy mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân của nó không? Ngoài ra, mình còn cân bằng bài luận bằng cách khó khăn và thành tích phù hợp để câu chuyện trở nên tự nhiên hơn nhiều.

3. Thân bài 2: những dự định của bạn khi đi học và sau khi đi học. Hãy nói lý do bạn chọn trường đó và ngành học đó. Với mình, lý do đó là 3 lợi ích sau:

– Học thuật: ngành đó và trường đó phù hợp với những vấn đề lý thuyết mà mình đã nói ở trên.

– Kĩ năng tư duy: được làm quen với tư duy phản biện, tư duy mới trong kiến trúc.

– Cơ hội network: có cơ hội xây dựng mối quan hệ với các ứng viên xuất sắc của Fulbright, những người sau này có khả năng giúp mình thực hiện những dự định tương lai.

Cụ thể mình đã viết phần này như thế nào, các bạn có thể xem trong link này

https://www.dropbox.com/s/gkerpd0a1iblcbo/Hoang%20Duc%20Long%20Personal%20Statement.doc?dl=0

Còn đây là bài mình viết cho học bổng Chevening:

https://www.dropbox.com/s/5g83lea6cdt6z34/Chevening%20application%20answers.docx?dl=0 (4 câu trả lời, mỗi câu đều 300 chữ không hơn không kém một từ)

4. Kết luận: tóm lại một cách đơn giản bloh blah gì cũng được, vì nếu bạn viết tốt những phần trên thì phần này nên đơn giản để cho não người đọc còn kịp thư giãn.

Về thư giới thiệu, các bạn nên chọn những người có nhiều thời gian làm việc với mình nhất. Mình không muốn nói nhiều về phần này vì không phải ai cũng có khả năng tham gia ở mức độ nào đó vào nội dung thư giới thiệu. Chỉ khuyên các bạn nên chọn người có càng nhiều cơ hội và thời gian làm việc với bạn càng tốt. Không quan trọng địa vị, chỉ cần là giảng viên hoặc người quản lý trực tiếp cũng được. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn quen những người thực sự rất có uy tín đối với ban xét duyệt học bổng thì nên xin thư giới thiệu của những người đó. Về nội dung thư giới thiệu, hãy đảm bảo nguyên tắc: “nói có sách, mách có chứng.” 

3. Chuẩn bị phỏng vấn

Nếu bạn đã vượt qua vòng hồ sơ và được phỏng vấn, cơ hội của bạn đã rất cao rồi vì thường thì số lượng người được phỏng vấn chỉ cao cấp 2 – 3 lần số ứng viên sẽ được chọn thôi. Với Chevening năm nay, họ đã dự tính có khoảng 20 trên tổng số trên dưới 70 người được chọn.Mục đích của vòng phỏng vấn gồm có:

  1. Khẳng định ứng viên là người đã viết hồ sơ xin học bổng.
  2. Tìm hiểu những thông tin khác về ứng viên mà bài luận chưa thể hiện được.

Kết quả của học bổng sẽ phụ thuộc vào kết quả của vòng phỏng vấn lẫn chất lượng bài luận.Đối với học bổng phát triển, các câu hỏi của vòng phỏng vấn sẽ xoay quanh các vấn đề sau:

  1. Tại sao lại là nước chúng tôi?
  2. Tại sao lại là ngành này?
  3. Tại sao lại là trường này?
  4. Tại sao lại là học bổng này?
  5. Những khó khăn bạn sẽ gặp phải khi đi du học?
  6. Dự định tương lai của bạn có ích gì cho Việt Nam và nước chúng tôi?
  7. Các câu hỏi liên quan đến tố chất đặc biệt của ứng viên, hoặc tố chất đặc thù mà học bổng yêu cầu ở ứng viên.

Trong trường hợp bạn trả lời ngắn gọn, tự tin, đầy đủ, logic các câu hỏi cơ bản (4 câu đầu tiên) thì ban phỏng vấn thường sẽ không hỏi nhiều câu hỏi khác vì nội dung họ cần biết đã được trả lời quá rõ rồi. Nếu bạn không quản lý câu trả lời tốt, bạn có thể sẽ được hỏi những câu nằm ngoài dự kiến của mình. Khi đó nội dung câu hỏi sẽ liên quan đến nội dung câu trả lời trước đó của bạn. Tuy nhiên, nếu ban phỏng vấn cảm thấy thú vị với bất cứ một vấn đề nào bạn đã nói thì họ vẫn có thể hứng lên và hỏi bất cứ câu nào. Nhưng thật ra, nếu bạn có thể trả lời tốt cả 4 câu đầu tiên thì mình tin bạn có đủ cơ sở để trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến những dự định của mình.

Khi phỏng vấn, hãy lắng nghe câu hỏi, dừng lại 10 – 30 giây để suy nghĩ và trả lời thật chậm rãi. Nói chậm và rõ ràng để dễ kiểm soát những gì bạn nói và giữ bình tĩnh cho bản thân.

Đây là bản câu trả lời mà mình đã chuẩn bị cho Chevening.https://www.dropbox.com/s/m1gka958wcs513d/Interview%20preparation.docx?dl=0 

Khi đi phỏng vấn, gần như các câu hỏi của họ đã được mình chuẩn bị câu trả lời, và mình đã nói được tất cả những gì mình muốn nói. Cũng nhờ sự chuẩn bị kĩ càng nên hôm đó mình rất tự tin. Chưa kể hôm đó một người trong ban phỏng vấn còn ấn tượng với “personalised British English accent” :”> (cái này là yếu tố phụ thôi chứ bạn nói Vietnamese English cũng chả có vấn đề gì đâu)

Cuối buổi phỏng vấn bạn sẽ được đặt câu hỏi cho ban phỏng vấn. Bạn có thể hỏi bất cứ vấn đề gì. Mình đã hỏi là năm nay liệu sẽ chọn bao nhiêu người :)) Khi được phỏng vấn xong, nhớ bắt tay, cảm ơn và chào từng người trong ban phỏng vấn. 

Phần việc còn lại lúc này là chờ đợi. Thời gian chờ đợi có thể là vài tuần đến vài tháng tùy học bổng. Chevening đã bắt mình chờ 2 tháng rưỡi. Số lượng người được chọn thực tế là 33 

Theo lời của political officer của British Embassy, người đã tham gia quá trình xét duyệt của Chevening nhiều năm nay, năm 2015 chứng kiến một số lượng lớn nhất ứng viên được chọn để tham gia khóa đào tạo thạc sỹ tại Anh, và cũng là năm mà chất lượng ứng viên Việt nam cao nhất.

33 is the highest ever number of full-time students. And we have had the highest ever standard of scholars as well.

Điều này có nghĩa là với các học bổng phát triển (như Chevening và Fulbright), chất lượng ứng viên hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới số lượng người được chọn và kinh phí chứ không nhất định phải tuân theo con số đã định sẵn. Đó cũng là lý do mà một số học bổng phát triển chỉ nêu con số dự định chứ không bao giờ khẳng định sẽ chọn số lượng đó. 

Nguồn: Long D.Hoang

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

8,398 lượt xem