Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Học Cách Suy NGhĩ Thông Suốt Và Tự Tin Trước Áp Lực

“Vậy, Susan, kết quả của chị cho thấy chị là người phù hợp với vị trí hỗ trợ mở rộng thị trường, nhưng chị đã cân nhắc về những vấn đề sẽ gặp phải với khách hàng của chúng ta chưa? Chắc chắn chị phải nhớ đến thất bại ở Dallas vào năm ngoái khi chúng ta thử nghiệm sản phẩm mới chứ?”

Ôi trời! Nếu bạn là Susan, chắc hẳn bạn cũng phải áp lực lắm đấy! Bạn phải trả lời câu hỏi và làm nguôi đi mối lo ngại của CEO về sự mất niềm tin ở khách hàng. Bạn sẽ làm gì nào? Bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ nói như thế nào? Làm gì đây nếu bạn chẳng nghĩ ra được điều gì để nói?

Đây không phải là trường hợp hiếm. Bất cứ khi nào bạn buộc phải thu hút đám đông khi dự một cuộc họp, trình bày một đề xuất, bán một ý tưởng, hoặc trả lời câu hỏi sau một buổi thuyết trình, diễn đạt suy nghĩ của mình là một trong những kỹ năng quan trọng cần có. Suy nghĩ thông suốt là một kỹ năng đáng ao ước và khi bạn làm chủ được nó rồi, những phản hồi khôn ngoan và sắc sảo sẽ ngay lập tức làm bạn tự tin hơn vào những gì mình đang nói.

Khi bạn có thể giải thích những suy nghĩ và ý tưởng thành một bài diễn thuyết mạch lạc, bạn mới có thể chắc chắn rằng những ý tưởng của mình được mọi người thấu hiểu. Bạn cũng sẽ hài lòng với sự tự tin, tính thuyết phục, và độ đáng tin cậy của bản thân.

Tự tin là chìa khóa giúp bạn học cách suy nghĩ thông suốt. Khi bạn trình bày một thông tin nào đó, đưa ra ý kiến hay gợi ý, hãy đảm bảo rằng bạn biết mình đang nói về cái gì và bạn đã chuẩn bị đầy đủ thông tin về nó. Điều này không có nghĩa là bạn phải biết tất cả mọi thứ trên đời, nhưng nếu bạn tự tin vào kiến thức của mình về chủ đề đó, bạn sẽ giữ được bình tĩnh không bị hoảng loạn thậm chí cả khi bất ngờ bị buộc phải ngồi vào ghế nóng.

Học cách tư duy thông suốt

Bí quyết để suy nghĩ thông suốt là luôn có tinh thần chuẩn bị: Học một vài kỹ năng và chiến thuật, chuẩn bị cho các tình huống có thể đặt bạn dưới áp lực. Nhờ vậy mà khi đối mặt với một tình huống bất ngờ và phải tranh luận, bạn có thể an tâm với các chiến thuật và sự chuẩn bị của mình, thế nên hãy luôn trong tư thế sẵn sàng khi suy nghĩ về quan điểm của mình và chuẩn bị câu trả lời. Đây là một số mẹo nhỏ và các chiến lược dành cho bạn:   

1. Thư giãn

Việc này hoàn toàn trái ngược với những gì bạn cảm thấy khi gặp áp lực, nhưng để giọng bạn bình tĩnh và cho não “làm việc”, bạn phải thư giãn hết mức có thể . Hít thở thật sâu, dành một vài giây suy nghĩ tích cực và động viên bản thân. Bạn cũng có thể thử gồng cơ (đùi, chân, bắp tay) một chút rồi thư giãn.

2. Lắng nghe

Hẳn ai cũng biết rằng để có thể tư duy thông suốt, đầu tiên bạn cần lắng nghe thật kĩ. Tại sao bạn cần phải biết lắng nghe? Để đảm bảo rằng bạn hiểu hết câu hỏi hoặc yêu cầu trước khi phản hồi lại. Nếu bạn trả lời quá sớm, bạn liều lĩnh dẫn mình vào lối tư duy không cần thiết hay không phù hợp. Để giúp bạn rèn luyện khả năng nghe của chính mình, hãy nhớ là:

  • Nhìn thẳng vào người hỏi.
  • Quan sát ngôn ngữ hình thể cũng như những gì được nói đến.
  • Cố gắng làm sáng tỏ những gì được gợi ý bằng câu hỏi hay các yêu cầu: Có phải họ đang công kích mình không, hay là một yêu cầu thích đáng để lấy thêm thông tin, hay là một bài kiểm tra? Tại sao người này lại hỏi điều này và ý định của họ là gì?

Hãy nhớ rằng người hỏi đưa ra câu hỏi vì họ cảm thấy hứng thú với những gì bạn nói. Một vài hứng thú có thể coi là tích cực – chỉ đơn giản là muốn biết nhiều hơn thôi – và một số thì lại tiêu cực – họ muốn thấy bạn quằn quại trả lời câu hỏi. Dù là cái nào đi nữa thì đây cũng là một đặc ân và bạn nên trả lời bằng niềm vui để không làm họ thất vọng.

3. Yêu cầu lặp lại câu hỏi

Nếu bạn đang cảm thấy quá áp lực, hãy nhờ họ hỏi lại lần nữa. Cách làm này sẽ giúp bạn có thêm chút thời gian để suy nghĩ về câu trả lời. Lúc đầu người ta thường nghĩ điều này có vẻ chỉ khiến bản thân trông ngớ ngẩn và không hiểu câu hỏi. Nhưng không phải vậy. Chính vì hỏi lại mà khán giả sẽ nghĩ rằng bạn đang quan tâm và sẽ đưa ra một câu trả lời phù hợp. Điều này cũng cho người hỏi cơ hội để sắp xếp lại câu hỏi và đưa ra những ý đúng trọng tâm hơn. Nhớ rằng người hỏi cũng có tư duy thông suốt mới có thể đặt ra câu hỏi, thế nên khi bạn cho họ cơ hội thứ hai, câu hỏi có thể sẽ gãy gọn và rõ ràng hơn.

Bằng cách yêu cầu lặp lại câu hỏi bạn cũng có cơ hội để đánh giá lại ý định của người hỏi. Nếu nó cụ thể hơn và dễ hiểu hơn, có thể là người hỏi đang muốn học hỏi nhiều hơn từ bạn. Nếu câu hỏi lại càng khó nhằn và có xu hướng gây gỗ hơn trước thì người hỏi chỉ đang muốn gây khó dễ thôi. Với trường này, gợi ý tiếp theo sẽ rất hữu dụng.

4. Chiến thuật ngưng lại trước khi trả lời

Thỉnh thoảng bạn cần nhiều thời gian để suy nghĩ mạch lạc và bình tĩnh trở lại mới có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng được. Những người sáng suốt sẽ tránh thốt lên ngay những gì xuất hiện trong ý nghĩ đầu tiên. Thường thì đây chỉ là một lời bình luận phòng ngự thôi, và nó làm bạn trông lo lắng và không vững chắc hơn là tự tin và điềm tĩnh.

  • Tự lặp lại câu hỏi

Điều này sẽ cho bạn thêm thời gian để suy nghĩ và làm rõ những gì được hỏi. Nó sẽ giúp bạn sắp xếp lại ý câu hỏi nếu cần thiết và suy nghĩ về nó tích cực hơn. “Mình đã cân nhắc tác động lên khách hàng như thế nào để đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục có những trải nghiệm tích cực suốt thời gian mở rộng này?”

  • Thu nhỏ phạm vi tập trung

Bạn đặt câu hỏi cho bản thân ở đây không chỉ để làm rõ ý, mà còn đưa câu hỏi cào một phạm vi có thể kiểm soát được. “Bạn cảm thấy hứng thú với những tác động lên khách hàng mà tôi đã cân nhắc. Những tác động nào mà bạn thấy hứng thú nhất: mức độ sản phẩm sẵn có hay dịch vụ tại cửa hàng?”

  • Yêu cầu minh bạch

Một lần nữa, nó sẽ buộc người hỏi cụ thể và càng bám chặt câu hỏi hơn nữa. “Khi anh muốn biết tôi đã làm thế nào để phân tích tác động khách hàng, có phải ý anh là một bản phân tích chi tiết hay là danh sách những công cụ và phương pháp tôi đã dùng?”

  • Hỏi định nghĩa

Tiếng lóng và thuật ngữ chuyên môn có thể là một rắc rối đối với bạn. Yêu cầu người hỏi làm rõ các từ và ý tưởng để chắc chắn rằng bạn đang nói về cùng một thứ.

5. Dùng sự im lặng làm lợi thế của bạn

Mọi người thường có suy nghĩ rằng im lạng kéo dài sẽ tạo sự xa cách và không thoải mái. Thế nhưng, nếu bạn biết im lặng một cách thông minh, nó sẽ giúp bạn điều khiển được suy nghĩ và sự tự tin vào khả năng của mình để trả lời thật chính xác và chuyên nghiệp. Khi vội trả lời bạn sẽ thường thúc ép từ ngữ của mình hơn. Hãy dừng lại một tí để tập hợp các suy nghĩ lại và hãy dùng não của mình làm chậm lại các hoạt động trong cơ thể.

6. Bám vào một chủ điểm và một thông tin bổ trợ

Có một rủi ro cao là, dưới áp lực, bạn sẽ phải trả lời câu hỏi với quá ít hay quá nhiều thông tin. Nếu bạn trả lời quá ngắn, có nguy cơ cuộc trò chuyện sẽ chuyển thành một cuộc tra hỏi. (Bạn sẽ nhận được một câu hỏi khác, và người hỏi sẽ kiểm soát chặt chẽ cách mở ra câu chuyện). Khi trả lời quá dài, bạn có nguy cơ mất đi sự quan tâm của mọi người, để tai này lọt tai kia vì quá nhàm chán, hoặc lỡ nói ra những điều tốt hơn là không được nói ra. Hãy nhớ rằng, bạn không được yêu cầu phải diễn thuyết về chủ đề này. Người hỏi muốn biết điều gì đó. Hãy tôn trọng điều đó và đưa ra cho họ một câu trả lời với đủ thông tin hỗ trợ.

Kỹ thuật này sẽ giúp bạn tập trung. Thay vì cố gắng tập hợp hết các ý tưởng đang chạy trong đầu bạn, khi chọn một điểm chính và một thông tin hỗ trợ sẽ cho phép bạn trả lời chính xác và bình tâm hơn. Nếu không biết câu trả lời thì hãy thừa nhận điều đó. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu bạn cứ bịa đặt mọi thứ lên. Bạn cuối cùng sẽ trông thật ngu ngốc và điều này sẽ làm giảm mức độ tự tin khi bạn cần suy nghĩ thông suốt trong tương lai. Thường thì chẳng có vấn đề gì nếu bạn không biết cái gì đó. Chỉ cần bạn chắc chắn rằng sẽ cập nhật, tra cứu thông tin sớm nhất có thể sau khi được người ta hỏi.

 

7. Chuẩn bị những trường hợp “nếu như”

Với một chút lo xa, bạn có thể dự đoán các loại câu hỏi mà có khả năng sẽ được chất vấn. Làm được thế thì bạn có thể chuẩn bị thử trước một vài câu trả lời cho tình huống giả định đó. Giả sử bạn đang trình bày doanh thu tháng cho đội quản lý. Rất có thể là báo cáo của bạn sẽ bao gồm hầu hết các câu hỏi mà đội ngũ quản lý có thể có, nhưng có thể vẫn có những câu hỏi khác bạn dự đoán được chứ? Có gì khác biệt trong tháng này? Những câu hỏi mới sếp có thể hỏi? Bạn sẽ đáp ứng như thế nào? Bạn có thể cần thêm thông tin gì để có câu trả lời chi tiết hơn?

Cụ thể, hãy dành thời gian để suy nghĩ và soạn thảo những câu hỏi khó mà mọi người có thể hỏi, chuẩn bị và tập luyện thật tốt để phản biện thật thỏa đáng.

8. Luyện tập truyền tải từ ngữ rõ ràng

Cách bạn truyền tải điều gì đó cũng gần như quan trọng như nội dung của nó. Nếu bạn lầm bầm trong miệng hoặc cứ vài từ thì lại “umm” với “ah”, thì sự tự tin vào bản thân lại càng giảm dần. Bất cứ khi nào bạn nói chuyện với người khác, hãy cố gắng tập luyện với họ những kỹ năng sau:

  • Nói giọng mạnh mẽ và chắc chắn. (Đừng nhầm lẫn với to tiếng nhé!)
  • Hãy dừng lại ở những điểm quan trong để nhấn mạnh nó hoặc để chậm nhịp bài nói xuống.
  • Thay đổi giọng nói của bạn và chú ý đến cách khán giả lĩnh hội thông điệp của bạn thông qua cách nhấn âm.
  • Có giao tiếp bằng mắt và ngôn ngữ hình thể với người nghe một cách phù hợp.
  • Chú ý đến ngữ pháp.
  • Tùy theo tình hình mà điều chỉnh mức độ trịnh trọng.

9. Tổng kết và dừng lại

Kết thúc câu trả lời của bạn với một tuyên bố ngắn gọn. Sau đó, cố gắng đừng bổ sung thêm thông tin gì nữa. Có thể tóm tắt xong sẽ có khoảng thời gian im lặng, thế nhưng đừng mắc sai lầm phổ biến lấp đầy khoảng không im lặng bằng cách đưa vào nhiều thông tin hơn! Đây là thời điểm những người khác đang hấp thụ thông tin bạn cung cấp, nếu bạn cứ cố đưa thêm thông tin nữa, bạn có thể sẽ gây ra nhầm lẫn và công lao phản biện nãy giờ của mình thành công cốc!

Hãy nhớ sử dụng các từ cho biết bạn đang tóm tắt (ví dụ “kết luận”, “cuối cùng”) hoặc nêu lại ngắn gọn câu hỏi và câu trả lời của bạn. Ví dụ: “Tôi đã làm gì để phân tích tác động của khách hàng? Tôi đã xem xét chi tiết các tình huống của Dallas và phân tích những tình huống đó nếu nó xảy ra với công ty chúng tôi.”

10. Những điểm chính

Không ai thích phải đưa ra câu trả lời ngay tại chỗ hoặc trả lời các câu hỏi không mong đợi. Sự không chắc chắn có thể gây ra căng thẳng. Sự căng thẳng đó không cần thiết phải vượt quá tầm kiểm soát và bạn có thể áp dụng các kỹ năng vừa đưa ra để giữ bình tĩnh khi suy nghĩ trong các trường hợp này.

Về cơ bản, tư duy thông suốt có nghĩa là phải kiểm soát được tình hình. Đặt ra câu hỏi, kéo thời gian cho chính mình, và nhớ dựa vào một quan điểm chính và làm quan điểm đó được công nhận. Khi bạn có thể đánh trúng vào lĩnh vực chính cần quan tâm, bạn sẽ trả lời như một chuyên gia và để lại ấn tượng tốt với khán giả, thậm với cả chính bạn bằng sự tự tin và bình tĩnh của bản thân.

Theo ieltsplanet.info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,922 lượt xem