Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Học Cách Tiếp Cận Để Bắt Đầu Với Marketing Từng Bước Một (Step By Step)

Với sự phát triển của công nghệ, những khái niệm mới về digital marketing, martech và tầm quan trọng của bộ phận marketing ở mỗi doanh nghiệp khiến marketing càng trở thành một từ khóa hot cho nhiều bạn trẻ bắt đầu sự nghiệp.

Nhưng khi bắt đầu, cho dù bạn đã đăng ký theo học ngành marketing ở trường đại học thì liệu bạn đã đi đúng hướng, học đúng cách? Trong bài viết này, tôi sẽ không đưa ra những khái niệm về học thuật, bởi tôi nghĩ điều đó nên để tự bạn tìm hiểu và khám phá. Như tiêu đề bài viết, tôi nói về “Học cách học để bắt đầu với Marketing”. Tiếp tục nào!

Step 1: Tìm ra lý do thực sự khiến bạn muốn bắt đầu với marketing

Tôi sẽ mở đầu bằng việc giới thiệu cho bạn một lý thuyết mà tôi rất tâm đắc, khi áp dụng vào nhiều vấn đề khác nhau thì tôi thấy vẫn đúng. Đó là thuyết “Vòng tròn vàng” (tiếng Anh: Golden Circle) do tác giả Simon Sinek giới thiệu tại TED Talks.

Tại sao tôi giới thiệu Golden Circle với bạn? Bởi vì tôi biết bạn đang nghĩ đến việc bạn muốn làm gì đó trong marketing, có thể là SEO, social media, copywriting, đại loại vậy. Nhưng bạn biết không, đó chỉ là kết quả – điều bạn muốn làm. Và, bạn đã (hoặc đang) tìm cách học các kiến thức, kỹ năng, tiếp nhận càng nhiều càng tốt để làm được công việc đó. Điều đó không sai nhưng tôi tin chắc rằng, chừng nào bạn chưa tìm ra lý do khiến bạn thực sự muốn làm, niềm tin của bạn, tầm nhìn của bạn với ngành nghề thì có lẽ bạn sẽ khó có thể trở thành một người làm marketing tài năng. Hãy xem video của Simon Sinek để biết thêm điều mà tôi đang nói với bạn, bạn sẽ được truyền cảm hứng.

Step 2: Học như thế nào để có kiến thức làm marketing?

Thật không dễ dàng gì để nhận ra kiến thức về marketing là vô cùng đồ sộ nếu bạn chỉ biết đến và luôn quẩn quanh những kỹ năng công cụ đơn thuần. Trước đây, tôi không theo học chuyên ngành marketing nên tôi cũng không được dạy bài bản kiến thức nền tảng về ngành này. Tôi học mọi thứ về marketing từ sách, internet, những người xung quanh và trải nghiệm thực tế.

Có thể giống bạn, tôi bắt đầu với quảng cáo Facebook rồi sau đó tìm hiểu thêm content marketing, email marketing, landing page, analytics,… Với digital marketing, có khoảng 22 kỹ năng để trở thành full-stack marketer, và khi tôi tự học đến kỹ năng thứ 16 – 17 thì tình cờ tôi phát hiện có điều gì đó chưa đúng. Một câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi: Mình đã thực sự biết và hiểu về bức tranh ngành marketing? Câu trả lời là: Chưa.

Step 2.1: Tìm ra bức tranh tổng thể về marketing và biết về sự tồn tại của các yếu tố

Bước đầu tiên trong chữ HOW không phải việc bạn tùy chọn một kỹ năng để học thật giỏi mà là bạn nên tìm ra bức tranh tổng thể về marketing và biết về sự tồn tại của các yếu tố trong đó. Làm sao ư? Nó đây.

Thật choáng ngợp với rất nhiều thuật ngữ và các mũi tên thể hiện mối liên quan phải không nào? Nếu bạn có thời gian và đủ kiên trì, tôi khuyên bạn nên tìm hiểu về từng yếu tố (mặc dù có thể chỉ là khái niệm) trong bức tranh phía trên để biết tầm quan trọng của chúng. Thông qua đó, bạn cũng sẽ có được một góc nhìn tổng quan về marketing.

Step 2.2: Nhận ra một số keywords nền tảng cốt lõi

Nhìn vào sơ đồ phía trên, ta có thể thấy keyword Marketing Mix là nổi bật nhất. Nhưng tại sao? Marketing Mix (marketing hỗn hợp) là một khái niệm cơ bản và quan trọng trong marketing, là tập hợp các công cụ tiếp thị được doanh nghiệp sử dụng để đạt được trọng tâm tiếp thị trong thị trường mục tiêu. Đó là về việc đưa đúng sản phẩm vào đúng nơi, vào đúng thời điểm và đúng mức giá cả.

Khái niệm 4P’s được một nhà tiếp thị nổi tiếng, E. Jerome McCarthy, đề nghị phân loại vào năm 1960. Từ đó, thuật ngữ Marketing Mix thường được gắn liền với 4P’s, và được sử dụng rộng rãi. Sau này, có thêm sự mở rộng từ 4P’s thành 7P’s, việc mở rộng không có nghĩa 4P’s không còn giá trị cốt lõi mà bởi 7P’s phù hợp hơn khi áp dụng vào một số ngành, nhất là các ngành dịch vụ.

Khi tri thức ngày càng nâng cao, nhiều nghiên cứu và tính ứng dụng thực tế được thực hiện, Marketing Mix có thêm nhiều biến thể khác như 4C’s, 5I’s, 7S, AIDA, SOSTAC,… Nhưng nhìn chung, mọi sự chuyển đổi hay mở rộng của các marketing models đều được dựa trên giá trị cốt lõi của 4P’s và 7P’s.

 

Step 2.3: Tiếp cận với digital marketing

Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể và những keywords mang tính học thuật nền tảng, khái quát,… thì bạn khó có thể làm được thứ gì thiết thực vì ngày nay chẳng ai cho một người mới bước vào ngành, còn chưa biết một kỹ năng gì ngồi vạch chiến lược rồi lên kế hoạch triển khai các chiến dịch cả. May mắn thay, digital marketing là một cánh cửa giúp bạn tiến sâu vào trong marketing hiện đại nói riêng và marketing nói chung. Digital marketing là một phần của marketing chứ không phải là một ngành riêng biệt, tách khỏi marketing.

Tiếp cận như thế nào cho đúng?

Trong 4P’s có một chữ P là bắt đầu của từ Promotion. Promotion Mix là gì? Promotion Mix (hay còn gọi là Marketing Communications – Marcom) là tập hợp các công cụ mà người làm marketing có thể sử dụng để truyền tải thông điệp hoặc tương tác với người dùng và tác động đến quyết định mua hàng của họ.

Advertising: Là phương thức quảng cáo đại chúng, phủ nhiều loại đối tượng hoặc không phân biệt, nhằm mục đích lan truyền thông điệp hoặc nhận diện thương hiệu trên diện rộng. Ví dụ: TVC truyền hình, bảng biển quảng cáo tấm lớn (pano, billboard),…

Direct marketing: Là phương thức quảng cáo cũng có độ phủ nhưng có nhắm chọn đối tượng, không đại chúng như advertising. Direct marketing cũng thường hay được gọi là direct response. Ví dụ: Facebook Ads, Google Adwords, SMS, Email,…

Sales promotion: Là các hoạt động nhằm mục đích khuyến khích và kích thích người dùng mua sản phẩm bao gồm discount, vouchers, coupons, phối hợp trưng bày sản phẩm (dễ thấy nhất là ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị), hàng cho dùng thử, trả góp,…

Personal selling: Là phương thức tiếp cận người dùng trực tiếp thông qua các nhân viên bán hàng hoặc tư vấn viên.

Public relations: Là các hoạt động nhằm mục đích xây dựng một hình ảnh đồng nhất của thương hiệu không chỉ đối với khách hàng mà còn với những nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.

Khi đã biết được những yếu tố bên trong promotion mix, bạn sẽ thấy rằng digital & traditional chỉ đóng vai trò là phương tiện để truyền tải thông điệp đến với người dùng, khách hàng. Và cho dù là với kênh online hay offline thì đều phải trải qua 3 bước như hình:

Creative: Tạo ra các nội dung phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Nội dung truyền tải cần dễ hiểu, xúc tích mang thông điệp rõ ràng.

Transmit: Quá trình sử dụng các công cụ, kỹ năng, lợi thế,… để truyền tải được nội dung thông điệp đến với đối tượng muốn hướng tới.

Audit: Đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo dựa vào các tiêu chí được đặt ra trong kế hoạch.

Step 2.4: Chọn một kỹ năng, đi sâu vào nó và dần học hỏi kỹ năng khác

Như tôi có chia sẻ ở phía trên, trong digital marketing có khoảng 22 kỹ năng quan trọng. Tôi không có ý định khuyên bạn chỉ học tốt một thứ và hãy quên 21 kỹ năng còn lại trong suốt quá trình làm nghề. Nếu tôi nói vậy, tức là tôi muốn hủy hoại bạn. Vấn đề ở đây là, bạn sẽ không thể nào học hết được tất cả các kỹ năng cùng một lúc và cùng giỏi, điều đó dường như là không thể – trừ khi bạn là một thiên tài.

Trước tiên, ít nhất 1 – 2 năm đầu (nếu perfect thì có thể từ sau 6 tháng), bạn nên tập trung vào một loại kỹ năng duy nhất, và mau chóng thành thạo hoặc trở thành chuyên gia trong kỹ năng đó. Ví dụ: Bạn thích Facebook Ads, bạn bắt đầu với nó thì trong 1 năm, bạn cần biết được mọi ngóc ngách, các vấn đề cần làm trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook.

Lý do đơn giản để giải thích điều này là bạn sẽ có được một nền tảng, năng lực tốt với kiến thức bạn học và kỹ năng bạn làm trong nhiều năm. Đó là tiền đề để bạn học tiếp kỹ năng khác nhằm phát triển bản thân. Hay chí ít, bạn không có duyên học được những kỹ năng khác thì bạn vẫn có thể tìm kiếm được một công việc ở mức lương khá với kỹ năng sẵn có. Một lời khuyên là, kỹ năng bạn muốn học tiếp nên liên quan tới kỹ năng bạn đang có sẵn, bởi điều đó sẽ giúp học được kỹ năng mới nhanh hơn.

Step 2.5: Nhìn về tương lai và dịch chuyển bản thân

Cuộc sống luôn luôn phát triển và có nhiều sự thay đổi nhanh chóng đến khó lường. Với marketing nói chung và digital marketing nói riêng cũng vậy. Tương lai, với sự phát triển của MarTech, chúng ta cũng cần phải dịch chuyển tâm thế, mở rộng suy nghĩ, cố gắng tiếp nhận nhiều luồng tư duy, kiến thức mới một cách tích cực nhất.

Thế giới đang quan tâm đến việc kết hợp marketing và technology để giải quyết bài toán nâng cao hiệu suất. Công nghệ ngày càng là yếu tố không thể tách rời marketing, nhiều nền tảng dựa vào công nghệ được xây lên nhằm mục đích phục vụ các hoạt động đo lường, phân tích, quản lý dữ liệu, quảng cáo,… cho ngành marketing. Năm 2017, Marketing Technology Landscape ghi nhận 5,381 giải pháp từ 4,891 công ty trên toàn thế giới. Vấn đề ở đây không phải là marketing, không phải là technology, mà là marketing technology management (MarTech). Làm sao để sử dụng một số giải pháp nhất định mà vẫn đạt hiệu quả cao? Câu trả lời chính là ở việc chọn lọc giải pháp, kết hợp và quản lý.

Dưới đây là mô hình 6C’s. Đây là kết quả nghiên cứu sau 7 năm của Scott Brinker. Nếu bạn quan tâm hơn về nó, hãy tìm hiểu!

 

Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ hình dung ra phần nào đó về marketing, có thể là một chút định hướng hoặc cách tiếp nhận kiến thức. Nội dung được viết dựa theo trải nghiệm cá nhân, có thể đúng với tôi nhưng với bạn thì chưa chắc. Điều đó còn phụ thuộc vào tư duy và lối suy nghĩ của bạn.

Chúc bạn học được nhiều kiến thức về marketing và thành công với ngành này!

Theo brandsvietnam.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,672 lượt xem