Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Học Đại Học Để Làm Gì Và Làm Thế Nào Để Tận Dụng Tối Đa Quãng Thời Gian Đại Học?

Khi mình quyết định quay lại trường học, bạn bè đã hỏi mình: học đại học để làm gì nữa. Với nhiều người, bằng đại học chỉ là công cụ để để xin việc. Lúc đấy, mình đã làm giám đốc sáng tạo của Cốc Cốc, ở nhà công ty cấp, đi lại công ty trả tiền taxi. Bố mẹ cố gắng thuyết phục mình chịu khó ở nhà làm ăn một vài năm rồi lập gia đình. Quê mình vẫn còn quan niệm con gái càng học cao càng khó lấy chồng.
Bản thân mình cũng đã cân nhắc rất nhiều việc có nên học đại học hay không.
 
Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn suy nghĩ của mình về mục đích của việc học đại học. Qua đó, mình hy vọng có thể giúp những bạn đang và sẽ học đại học tận dụng tối đa năm tháng sinh viên.
 
Có cần bằng đại học hay không?
 
Mình nhận ra từ khá sớm rằng chúng ta không cần bằng đại học để có việc làm đủ sống. Từ hồi học cấp ba, mình đã bắt đầu đi làm thêm, bắt đầu từ việc dịch báo cho VTC News, biên tập cho saga.vn, sau đó làm cho baomoi.com (giờ thuộc VNG), VCCorp, rồi được mời sang Malaysia làm việc. Nhiều người thành đạt mà không học đại học hoặc bỏ học đại học giữa chừng như Nguyễn Ngọc Tư, Gào, Nguyễn Hà Linh (chủ chuỗi cà phê Cộng).
 
Ngược lạ, mình cũng hiểu được rằng bằng đại học chưa đủ để đảm bảo cho chúng ta có công ăn việc làm. Mình biết nhiều bạn dành bốn, năm năm trên giảng đường đai học để rồi khi ra trường lại phải nhờ bố mẹ xin việc. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ lạm phát bằng cấp -- một tấm bằng đại học thực sự chẳng làm bạn nổi bật lên được bao nhiêu.
 
Vậy, giá trị của việc học đại học nằm ở đâu?
 
Xây dựng các mối quan hệ
 
Đại học là quãng thời gian đầu tiên mà bạn phải tự chịu trách nhiệm về các mối quan hệ của mình. Khi học trường phổ thông, mối quan hệ thầy trò vẫn là mối quan hệ người lớn - trẻ con. Các thầy cô giáo vẫn chọn nói những chuyện quan trọng trực tiếp với phụ huynh qua các buổi họp phụ huynh hay gọi điện về nhà.
 
Tương tự, mối quan hệ bạn bè vẫn phải diễn ra dưới con mắt giám sát của các bậc phụ huynh. Bạn đi chơi với ai, ở đâu thường phải xin phép bố mẹ. Mình biết gia cảnh mỗi người mỗi khác, nhưng từ kinh nghiệm bản thân thì mình thấy phần đông học sinh Việt Nam là như thế.
 
Đại học là cơ hội tuyệt vời để bạn xây dựng mối quan hệ với những người cùng đam mê, chí hướng. Bạn có thể gặp họ qua các lớp bạn học, qua các câu lạc bộ sinh viên, qua các buổi nói chuyện của người trong ngành. Nếu bạn đam mê viết, bạn có thể tham gia lớp dạy văn. Nếu bạn muốn trở thành kiến trúc sư, bạn chắc chắn sẽ gặp rất nhiều người đam mê kiến trúc ở trường kiến trúc. Nếu bạn quan tâm đến công nghệ xanh, bạn có thể tham gia câu lạc bộ môi trường. Những người bạn có chung đam mê, chí hướng này có thể trở thành những người trợ thủ đắc lực cho kế hoạch khởi nghiệp của bạn, giúp bạn tìm việc như giới thiệu bạn vào công ty họ làm, giúp bạn định hướng sự nghiệp. Facebook được xây dựng bởi Mark Zuckerberg và bạn anh khi còn đang học ở Harvard. Snapchat được tạo bởi Evan Spiegel và hai người bạn học cùng Stanford. Ở Việt Nam, anh Nguyễn Hoà Bình thành lập công ty chodientu.vn (bây giờ trở thành tập đoàn NextTech với hàng chục sản phẩm cho hàng chục triệu người sử dụng) khi còn học năm hai với những bạn bè học đại học của mình.
 
Nếu không học đại học, bạn vẫn có thể gặp những người như thế, nhưng sẽ phải phụ thuộc vào may mắn nhiều hơn. Ví dụ, mình thích viết creative non-fiction, dịch nôm na là viết về những điều có thật nhưng một cách sáng tạo, đại loại như hồi ký, tiểu sử, popular science (viết về khoa học cho đám đông). Mình luôn muốn tìm người có cùng đam mê này với mình để có thể đọc bài viết của nhau cùng tiến bộ, nhưng không gặp ai trong suốt 3 năm đi du lịch và 5 năm làm việc. Vậy nhưng năm thứ nhất đại học, mình đăng ký học lớp creative non-fiction và gặp luôn 15 người khác muốn học về cái này.
 
Đại học cũng là quãng thời gian để bạn xây dựng mối quan hệ với những người đã thành đạt. Gíao sư đại học thường là những người rất thành công trong ngành của họ. Mối quan hệ tốt với giáo sư có thể giúp đỡ bạn rất nhiều trong sự nghiệp sau này của bạn, như giới thiệu bạn đến các công ty trong ngành, viết thư giới thiệu khi bạn nộp đơn tìm việc, nhận bạn làm nghiên cứu. Danh vị sinh viên cũng cho bạn lý do để bạn tiếp cận người thành đạt để xin thực tập, làm trợ lý, hay chỉ để thăm quan văn phòng của họ.
 
Một số doanh nhân thành đạt chia sẻ với mình rằng họ thích sinh viên, nhất là những bạn sinh viên năng động chủ động tìm kiếm cơ hội. Vậy nên các vị CEO, chủ tịch tập đoàn làm lương cả vài ngàn đô một giờ mới chịu khó đến các trường đại học để nói chuyện. Nếu bạn muốn tìm hiểu con đường của ai đó, bạn hoặc câu lạc bộ sinh viên bạn tham gia có thể mời người thành đạt đó đến nói chuyện ở trường của bạn.
 
Khám phá đam mê của bản thân
 
Ở Việt Nam, các trường đại học thường là các trường chuyên ngành như trường Y, trường Dược, trường Sư phạm. Các trường đa ngành như RMIT còn rất ít. Đây cũng là một trong những lý do khiến mình quyết định không nộp đơn thi đại sau khi tốt nghiệp cấp ba. Ở tuổi 17, 18, mình chưa biết mình muốn gì. Mình cũng chưa đủ trưởng thành để có thể trả lời câu hỏi: nếu chẳng may mình nộp đơn vào trường Sư phạm xong rồi lại nhận ra mình không thích dạy học thì phải làm sao?
 
Ở Mỹ, các trường đại học đa ngành là số đông. Stanford có đến cả trăm ngành khác nhau, từ văn học đến khoa học máy tính đến sinh học người (human biology). Khi nộp đơn vào đại học, mình chọn ngành của mình là undecided (chưa quyết định). Mình biết rất nhiều sinh viên Stanford khi nộp đơn cũng chọn undecided như mình. Sinh viên được phép học các môn mình muốn trước khi phải chọn ngành vào cuối năm thứ hai.
 
Theo quan điểm của Mỹ, đại học là khoảng thời gian để bạn khám phá đam mê và năng lực của bản thân. Sinh viên được khuyến khích học môn các ngành khác nhau để mở rộng góc nhìn của bản thân. Năm đầu, mình học phải đến chục ngành khác nhau, từ địa chất cho đến mật mã học, những môn tưởng như chẳng có liên quan gì đến ngành mình học bây giờ nhưng giúp mình hiểu rõ hơn về bản thân và về thế giới xung quanh. Trước khi vào đại học, mình nghĩ mình thích ngành khoa học xã hội như viết lách, nhân loại học. Khi học thử lớp học máy tính ở trường, tự nhiên mình lại thích và giờ theo đuổi ngành này.
 
Tuy ở Việt Nam không có sự linh hoạt về ngành/môn học như thế, mình vẫn tin rằng đại học mang đến cho bạn vô số cơ hội để khám phá bản thân. Bạn có thể đăng ký học nhiều môn đa dạng nhất có thể. Bạn có thể tham gia các câu lạc bộ sinh viên để làm những việc mà bạn nghĩ mình sẽ không bao giờ làm. Bạn có thể gặp gỡ người có suy nghĩ, niềm tin, và hoàn cảnh gia đình khác biệt với bạn để học hỏi cách nhìn nhận của họ. Bạn có thể giao lưu với sinh viên các trường khác, tham gia cá chương trình giao lưu, liên thông, và ngồi học ké lớp học của các trường khác, dĩ nhiên là nếu được cho phép.
 
Với mục đích này, khi chọn trường mà chưa biết bạn muốn theo đuổi ngành nào, rất có thể bạn sẽ muốn chọn một ngôi trường với nhiều môn, ngành khác nhau. Bạn có thể lên website của trường để tìm hiểu (hy vọng trường có website), hoặc hỏi các anh chị đi trước. Bạn trai mình làm nghiên cứu robot có áp dụng lý thuyết maximum entropy trong ngành robot vào cuộc sống: nếu bạn chưa biết điểm đến của mình là gì, hãy theo đuổi một con đường cho phép bạn khám phá nhiều điểm đến nhất có thể.
 
Thử sức bản thân
 
Đại học là khoảng thời gian mà bạn có thể ngã đau mà không sợ bị hậu quả lâu dài. Bạn rất có thể chưa có sự nghiệp, chưa có tiền, cũng như chưa phải gánh trên vai trách nhiệm gì. Nói nôm na là bạn chưa có gì để mất.
 
Cách đây mấy năm, mình nhận ra rằng khi mình đã bắt đầu có tí sự nghiệp, mình bắt đầu sợ. Mình sợ rằng nếu mình theo đuổi một ý tưởng điên rồ, mình sẽ thất bại và mất hết tất cả mọi thứ. Nhưng mình cũng thấy mình còn quá trẻ để làm đi làm lại những gì mình đã quen thuộc. Mình muốn thử sức, muốn làm tới đi, muốn đi đến khi gục ngã để biết mình có thể đi xa được đến đâu.
 
Đại học cho mình một môi trường hoàn hảo để làm những thứ đó. Mình học một lớp khó nhằn – lý thuyết trò chơi nâng cao – và bị điểm kém nhưng rồi nhận ra rằng lý thuyết trò chơi không phải thế mạnh của mình. Mình đang theo đuổi một dự án mà nếu đang đi làm chắc chắn mình sẽ không dám theo đuổi. Nhưng vì ở trong môi trường đại học, mình có thể làm để nếu thấy nó có tiềm năng thì mình mang ra ngoài xã hội, còn nếu thất bại thì cùng lắm là mình được một bài học.
 
Nhiều lớp học ở Stanford, thầy cô không chấm điểm dự vào sự thành bại của dự án bạn theo đuổi, mà dựa vào việc bạn nỗ lực đến đâu và học được gì từ dự án đó. Khá nhiều công ty khởi nghiệp thành công ở Mỹ bắt đầu là dự án trong môi trường đại học, ví dụ như Skybox Imaging (Stanford, được Google mua lại với giá US$500M), DoorDash (Stanford, đã được đầu tư US$187M), Catalant (Harvard, đã được đầu tư US$75M).
 
Hãy học một lớp khó nhằn. Hãy theo đuổi một dự án điên rồ. Hãy xin thực tập ở công ty lớn. Hãy làm những điều không tưởng để xem giới hạn của bản thân mình ở đâu. Đừng làm mọi chuyện vì tiền. Bạn sẽ còn cả đời để kiếm tiền cơ.
 
Và dĩ nhiên, học
 
Trừ khi bạn học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ, thì đại học là quãng thời gian cuối cùng bạn có thể dành toàn bộ thời gian vào việc học. Sau khi làm một vài năm, mình thèm có được thời gian cho bản thân chỉ để học, để giao du với những người cũng muốn học, để thấy mình của ngày hôm nay đỡ ngu hơn mình của ngày của hôm qua.
 
Dĩ nhiên, bạn có thể học mà không cần ngồi trên ghế nhà trường. Đi làm cũng sẽ cho bạn nhiều bài học, nhưng thường đó là học bị động – bạn tự động được bài học. Đi làm là bán thời gian của bạn để đổi lấy tiền lương, chứ đâu công ty nào cho bạn muốn học gì thì học. Bạn cũng có thể học các khoá học trên mạng, tuy nhiên môi trường học tập trên mạng khó để mang lại tinh thần cùng nhau học hỏi như khi ngồi trong lớp học.
 
Tóm lại, mình quyết định học đại học vì những mục đích sau:
  • Xây dựng mối quan hệ với những người cùng đam mê, chí hướng.
  • Khám phá đam mê của bản thân.
  • Thử sức để biết giới hạn của mình đến đâu.
  • Học.
Làm thế nào để tận dụng tối đa quãng thời gian đại học:
  • Giao lưu học hỏi từ bạn bè. Hãy xây dựng những tình bạn có thể duy trì cả đời.
  • Xây dựng mối quan hệ với giáo sư: học tốt trong lớp của họ, chịu khó xin giáo sư lời khuyên/xin làm việc cùng.
  • Đăng ký học nhiều môn đa dạng.
  • Tham gia các câu lạc bộ sinh viên.
  • Chủ động lên kế hoạch cho các dự án.
  • Chủ động tiếp cận những người thành đạt để tìm hiểu con đường của họ.
  • Thử sức với những dự án điên rồ.
  • Học hỏi thật nhiều.
Hy vọng bài viết này đã có ích cho bạn!
Theo Facebook Huyền Chíp

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

16,574 lượt xem