Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hướng Dẫn Giao Tiếp: 4 Lối Suy Nghĩ Trong Giao Tiếp (Phần 1)

Social briefing 1: Khuôn mẫu hành vi giao tiếp cũ còn có tác dụng?

“Hướng dẫn giao tiếp” sẽ chủ yếu tập trung vào những lời khuyên thiết thực giúp bạn cải thiện khả năng tương tác với người khác. Nhưng trong những số đầu tiên này chúng ta sẽ bàn đến một cấp độ cao hơn, bắt đầu bằng hai câu hỏi sẽ giúp bạn có một cái nhìn chính xác hơn về cách bạn giao tiếp, và cách để bạn có thể giao tiếp tốt hơn.

Chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi đầu tiên, và kỳ sau sẽ là câu hỏi thứ hai. Sau đây là câu hỏi:

        Khuôn mẫu hành vi giao tiếp kiểu cũ của bạn còn có tác dụng không?

Cách ta tương tác với người khác phần lớn được hình thành khi ta còn trẻ, và một phần là vì những gì đã xảy đến với ta trong khoảng thời gian ấy.

Có thể bạn là một đứa trẻ vừa chuyển đến trường mới, để gây ấn tượng với bạn cùng lớp, khiến họ thích bạn, bạn xây dựng cho mình một khiếu hài hước với tinh thần hướng ngoại và trở thành chú hề của lớp.

Hoặc bạn trải qua một thời kỳ thử theo phong cách “Goth” hay tính tình thanh niên nghiêm túc, bạn né tránh mọi thứ, thờ ơ, ít nói, từ chối tham gia trò chuyện tán gẫu và luôn hỏi những câu hỏi “lắt léo” và khiêu khích.

Hoặc bạn rất nổi tiếng, không bao giờ phải bắt chuyện để kết bạn vì người khác luôn chủ động làm bạn với bạn, và bạn dần trở nên thỏa mãn với việc chờ người khác tiếp cận mình.

Những hành vi này đều rất ổn ở thời niên thiếu của bạn, nhưng bạn nên xem lại liệu chúng còn có tác dụng khi bạn trưởng thành hay không.

Có thể những câu đùa mỉa mai, châm biếm từng khiến bạn học cười lăn cười bò, nay lại có thể trở nên xúc phạm, trẻ con, hay nghiêm túc thái quá. Hoặc có thể hình ảnh chú hề của lớp đầy sức sống kia được xem là quá tăng động, thực chất lại ngăn cản người khác gắn kết với bạn một cách sâu sắc hơn và hiểu được con người thật của bạn.

Thói quen bỏ qua những cuộc trò chuyện tán gẫu để nhảy thẳng vào bàn luận nghiêm túc sẽ khiến người khác nghĩ bạn thật tự phụ và vô duyên.

Bạn nổi tiếng ở trường trung học không có nghĩa bạn cũng sẽ là hot boy, hot girl ở công ty mới tại một thành phố mới, và bạn có thể sẽ phải chờ tới mười đời thì người khác mới chủ động làm quen với bạn và rủ bạn đi chơi.

Dù những thói quen giao tiếp cũ của bạn không còn có tác dụng trong cuộc sống mới nữa, đôi lúc ta rất khó nhận ra được điều ấy vì nhiều lý dó.

Một trong số đó là, những hành vi đã ăn sâu vào con người của bạn khiến bạn cảm thấy rất thoải mái và thân thuộc, giống như đôi giày mà bạn thường đi. Bạn gắn kết với chúng rất sâu sắc. Ở một lúc nào đó trong cuộc sống bạn đã sử dụng chúng thường xuyên, còn bây giờ những thói quen ấy như một phần con người “thật” của bạn.

Thứ hai, chúng có thể vẫn “còn tác dụng” với những người bạn cũ và người thân trong gia đình. Nhưng tất nhiên, là do họ biết lúc nào bạn đang châm biếm, có khi họ còn không nhận ra những hành vi gây khó chịu của bạn, hoặc họ biết những điểm tích cực của bạn khiến họ không bận tâm những điều ấy nữa. Những khuôn mẫu ấy sẽ không có hiệu quả tương tự khi bạn đang tạo ấn tượng đầu với người mới quen, người bạn theo đuổi, và khách hàng tiềm năng, vì tất cả những gì họ cần biết về bạn chính là hình ảnh ban đầu của bạn.

Cuối cùng, bạn thường nhìn nhận hành vi của mình khác với những gì người khác thực sự nghĩ. Đa số chúng ta có quan điểm khá cao về bản thân, hay ít nhất là ta rất thỏa mãn với những thói quen của mình. Và ta nghĩ rằng người khác cũng có cái nhìn giống như vậy.

Nhưng có khi không phải đâu.

Nếu bạn từng rơi vào tình huống bên ngoài vòng an toàn của bạn - trong một tình cảnh mà bạn không quen biết ai cả - và nghĩ rằng bạn đã thể hiện rất tốt vì bạn bè cũ của bạn rất yêu quý bạn, nhưng thay vì cố gắng giao tiếp và gắn kết với người khác hết sức có thể, bạn lại không quan tâm đến khoảng cách giữa việc bạn nhìn nhận bản thân thế nào và người khác nhìn nhận về bạn ra sao.

Trong kỳ tiếp theo của Hướng dẫn giao tiếp, ta sẽ có cái nhìn cận cảnh hơn về bản chất của những khoảng cách này.

Social briefing 2: Người khác có thấy những gì bạn đang thấy?

Trong những số đầu của Hướng dẫn giao tiếp, ta sẽ bàn về hai câu hỏi khởi nguồn suy nghĩ giúp bạn xem xét liệu nên đổi hay giữ phong cách giao tiếp hiện tại của mình.

Lần trước, chúng tôi đã hỏi rằng khuôn mẫu giao tiếp kiểu cũ có còn hiệu quả đối với bạn hay không, và cũng đã nhắc đến việc bạn thường hay hình thành thói quen giao tiếp mà bạn cảm thấy là phù hợp trong một thời điểm nhất định trong cuộc sống, nhưng có lẽ thói quen ấy không còn phù hợp với con người ta ở hiện tại.

Câu hỏi của ngày hôm nay là:

        Người khác có nhìn thấy ở bạn những gì bạn đang thấy hay không?

Dù hành vi giao tiếp của bạn được hình thành trong một hoàn cảnh nhất định hay đã được ấn định sẵn từ trong DNA, những gì ta nghĩ người khác nghĩ lại hoàn toàn khác với những gì họ thực sự nghĩ.

Dưới đây là bảng những hành vi thường gặp mà ta hay thực hiện khi tương tác với người khác, những gì bạn nghĩ, và những gì người khác thấy. Bảng này được trích (với sự cho phép) từ quyển First Impressions: What You Don’t Know About How Others See You (Ấn tượng đầu tiên: Những điều bạn chưa biết về những gì người khác nghĩ về bạn), bạn có thể tìm thêm nhiều ví dụ hơn trên website của họ.

Từ ngữ chủ chốt trong những ví dụ này là có thể. Một số hành vi có thể có hiệu quả như bạn nghĩ, và giúp đỡ bạn trong những tình huống nhất định, với những người nhất định, và trong hoàn cảnh tính cách tổng thể của bạn.

Vì vậy, cho dù chúng không hiệu quả theo cách bạn nghĩ, bạn cũng không nhất thiết phải thay đổi chúng nếu bạn cảm thấy đó là những biểu cảm quan trọng đối với con người thật của bạn.

Theo lời những tác giả của First Impressions, mục đích của bài tập tự kiểm điểm này chỉ đơn giản là để “nhận diện những khoảng cách giữa những gì bạn nghĩ về bạn và những gì người khác thực sự nghĩ về bạn, vậy nên bạn có thể thay đổi nếu bạn muốn và bất cứ khi nào bạn muốn.”

Cải thiện kỹ năng giao tiếp không phải là cố gắng trở thành một con người khác, mà là đảm bảo người khác nhìn nhận bạn theo cách mà bạn muốn được nhìn nhận - đảm bảo những ấn tượng bạn tạo nên phô bày những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình, và những ấn tượng đó phải chính xác hơn, chứ không kém.

Có rất nhiều trường hợp hành vi giao tiếp của bạn lại khác với những gì bạn tưởng - theo một cách trái ngược với tính cách và mong muốn thật của bạn, và che giấu con người thật của bạn, thay vì phô bày nó. Trong những trường hợp này, bạn phải sửa đổi những thói quen ấy để thể hiện bản thân một cách tích cực và chân thật hơn.

Những số sau của Hướng dẫn giao tiếp sẽ giúp bạn làm điều đó.

Ấn tượng của người khác về bạn không phải qua lời nói hay cảm xúc của bạn, mà là qua việc bạn khiến cho đối phương cảm thấy như thế nào về chính bản thân họ

Khi tương tác với một người nào đó mới gặp, bạn thường nghĩ về điều gì nhất? Những suy nghĩ này sẽ quyết định rất nhiều vào cách cư xử của bạn, cùng với mức độ thành công của lần gặp mặt ấy.

Theo lời tác giả của quyển First Impressions: What You Don't Know About How Others See You (Ấn tượng đầu tiên: Những điều bạn chưa biết về những gì người khác nghĩ về bạn), có 4 “trọng tâm” mà con người hình thành (và thường luân chuyển qua lại) khi tương tác với người khác:

  1. Bạn cảm thấy thế nào về bản thân
  2. Bạn cảm thấy thế nào về đối phương
  3. Đối phương cảm thấy thế nào về bạn
  4. Đối phương cảm thấy thế nào về bản thân họ

Lối suy nghĩ trong giao tiếp của đa số người thường xoay quanh từ số 1 đến số 3.

Bạn nghĩ rất nhiều về việc bạn đang cảm thấy thế nào (#1): liệu mình đang hồi hộp, tự tin, chán chường, vui vẻ, phiền toái, xấu hổ, vân vân.

Bạn cứ nghiền ngẫm liệu mình có thích người mà mình đang nói chuyện hay không (#2): Họ đang hồi hộp hay tự tin? Họ nói chuyện có nhàm chán không? Họ có thu hút không? Người này có thể nào là bạn/bạn gái của mình được không?

Và bạn cũng thường dành thời gian suy nghĩ điều thứ 3 - liệu người mới quen này nghĩ gì về bạn. Họ có hứng thú với những gì bạn đang nói không? Họ có cười khi bạn nói đùa không? Họ có thích bạn không?

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi con người ta đa số chỉ quanh quẩn ba lối suy nghĩ đầu tiên. Khi ta gặp người lạ, và tìm hiểu người mới quen, ý thức về bản thân một chút cũng là lẽ thường - nhận thức được tường tận những gì đang diễn ra với mình, và người khác đang đánh giá mình thế nào.

Dù rất phổ biến, nhưng lối suy nghĩ này không phải là một cách giao tiếp hiệu quả.

Ý thức bản thân thái quá không chỉ khiến bạn cảm thấy lo âu và thiếu tự tin, nếu đặt bản thân mình làm cái rốn của vũ trụ khi đang tương tác, bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn rằng khi mình đang có một trò chuyện vui vẻ thì người khác cũng thế. Nhưng không phải lúc nào cũng có mối tương quan giữa hai bên như vậy. Có thể bạn nói rất nhiều về tất cả những chủ đề bạn yêu thích, khiến bạn cảm thấy hào hứng, và dần bạn sẽ đi quá xa khỏi cuộc đối thoại mà vẫn nghĩ rằng mọi thứ đang tốt đẹp. Trong khi đó người kia hiếm khi nói lời nào, và thực chất đang cảm thấy chán chường và mệt mỏi.

Khi có một sự mất kết nối giữa cảm giác của bạn và cảm giác của người khác, cơ hội xây dựng mối quan hệ trong tương lai cũng theo đó chìm dần.

Sức mạnh của trọng tâm số 4

Một trong những động lực quan trọng nhất để hiểu về giao tiếp là nguyên lý có qua có lại là tiền đề của sự hào hứng và thích thú. Khi người khác thấy bạn có hứng thú với họ, họ tự nhiên sẽ trở nên có hứng thú với bạn. Con người thích những ai thích họ - chỉ đơn giản vậy thôi.

Vì vậy, khi bạn khiến người khác cảm thấy vui, những cảm xúc tích cực ấy thường như booomerang mà quay lại phía bạn, khiến người khác nhìn nhận về bạn theo hướng lạc quan hơn.

Chính vì lý do đó, trọng tâm số 4 là lối suy nghĩ uy lực nhất giúp bạn thành công khi giao tiếp.

Bạn càng nghĩ về cảm nhận của người khác, và đưa ra hành động để tăng cường và nâng cao cảm xúc của họ, nhận thức của họ về bạn sẽ càng được tăng cường và nâng cao. Hay như lời của tác giả quyển First Impressions“ấn tượng của người khác về bạn không phải qua lời nói hay cảm xúc của bạn, mà là qua việc bạn khiến cho đối phương cảm thấy như thế nào về chính bản thân họ”.

Nguyên lý này nhìn có vẻ hiển nhiên, và có thể bạn đã nghe qua ở đâu đó rồi, nhưng đây là một điều bạn cần phải liên tục nhắc nhở chính mình.

Đạt đến trọng tâm số 4 đòi hỏi chủ đích thực sự, trong khi ba trọng tâm còn lại là lối suy nghĩ mặc định - không cần tốn chất xám, bản năng con khỉ trong chúng ta sẽ tự động có những suy nghĩ này. Thử nhớ lại lần cuối cùng bạn giao tiếp: ngay cả khi bạn đã nhắc nhở bản thân phải tỏ ra hứng thú với đối phương, rất có thể sau đó bạn nhận ra mình chẳng hề nghĩ gì về việc người kia cảm thấy thế nào, mà chỉ chăm chăm xem mình đã thể hiện ra sao. Trong lúc nóng vội, ý thức bản thân sẽ liên tục đá bay trọng tâm số 4, và hướng suy nghĩ của bạn loanh quanh số 1, 2 và 3. Bạn phải học cách dừng lại và xem xét đối phương đang cảm nhận thế nào với cuộc trò chuyện này, và bạn chỉ có thể đạt được trình độ giao tiếp này bằng cách luyện tập thường xuyên.

Giờ bạn đã biết rằng khiến người khác cảm thấy tốt về bản thân họ là chìa khóa để họ cảm thấy tốt về bạn. Nhưng làm sao để đem lại những cảm xúc tích cực ấy?

Đó là điều ta sẽ bàn trong kỳ sau.

Theo tamlyhoctoipham.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,960 lượt xem