Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Khởi Nghiệp-Những Vấn Đề Pháp Lý Cần Lưu Ý?

Trong những năm gần đây, khởi nghiệp (start-up) dường như đã trở thành một xu hướng ở Việt Nam, một số bạn trẻ luôn mong muốn có thể xây dựng cho mình một sự nghiệp riêng. Nhưng ngoài những ý tưởng, những đam mê, thì khi khởi nghiệp tại Việt Nam, việc phát triển ý tưởng mô hình kinh doanh thường phải gắn liền với việc thành lập doanh nghiệp, hoặc chí ít cũng là hộ kinh doanh cá thể. Nếu không xác định được chính xác hình thái tổ chức pháp lý phù hợp sẽ dẫn đến việc khó xác định được các yêu cầu chấp thuận, điều kiện kinh doanh, giấy phép, thuế tương ứng. Vì vậy, các nhà khởi nghiệp cần tìm hiểu về các vấn đề pháp lý cho startup của mình, các chấp thuận cần có từ cơ quan nhà nước để hạn chế tối thiếu nhất các rủi ro.

Dưới đây là một số vấn đề pháp lý Start-up cần quan tâm:

1) Đăng ký thành lập doanh nghiệp

Như đã nêu, để phát triển những ý tưởng mô hình kinh doanh, đầu tiên, những người khởi nghiệp cần phải thành lập doanh nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp.

Theo quy định của pháp luật, các nhà khởi nghiệp có thể lựa chọn các loại hình doanh nghiệp sau đây để thành lập doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần.

Các loại hình doanh nghiệp đều có ưu và nhược điểm riêng, vì vậy, các nhà khởi nghiệp cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp sao cho phù hợp với định hướng phát triển của công ty. Tuy nhiên, do đặc điểm dễ huy động vốn,  Hầu hết các startup khi thành lập doanh nghiệp thường hay chọn mô hình công ty cổ phần để dễ huy động vốn  từ các nhà đầu tư.

2) Đặt tên cho doanh nghiệp

Tên doanh nghiệp sẽ định hình thương hiệu vì vây, start-up cần phải lựa chọn kỹ trước khi quyết định đặt tên.

Tên doanh nghiệp cần phải tuân thủ quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 42 Luật doanh nghiệp 2014. Theo đó, tên doanh nghiệp của các công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên các doanh nghiệp đã đăng ký trước đó, doanh nghiệp cần truy cập vào “Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia” website: dangkykinhdoanh.gov.vn để kiểm tra. Nếu có thì doanh nghiệp cần sửa đổi hoặc chọn tên khác để tiến hành đăng ký

3) Chọn ngành nghề kinh doanh để đăng ký              

Khi lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh, bạn cần chú ý không được chọn vào những ngành nghề bị cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

Bạn chỉ nên lựa chọn đăng ký những ngành nghề mà doanh nghiệp sẽ hoạt động.Đối với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo phụ lục 04 – Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 (về vốn pháp định, về chứng chỉ hành nghề, đăng ký thủ tục hành nghề với Cơ quan quản lý theo từng lĩnh vực cụ thể …): Doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đủ điều kiện theo Luật hiện hành của từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể.

4) Địa chỉ

Xác định địa chỉ đặt trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp bằng hợp đồng thuê, cho mượn hoặc là tài sản của doanh nghiệp.

5) Vốn điều lệ

Số vốn điều lệ không bắt buộc tối thiểu là bao nhiêu, ngoại trừ những ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định. Tuy nhiên, vốn điều lệ liên quan đến năng lực tài chính của doanh nghiệp nên các bạn cần cân nhắc số vốn khi đăng ký.

Ngoài ra, cần xác định cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Nhất là việc xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

6) Sau khi thành lập doanh nghiệp xong thì cần lưu ý thực hiện các công việc sau:

– Cần tiến hành làm con dấu và đăng ký mẫu dấu. Hiện nay doanh nghiệp chủ động trong hình thức, nội dung, số lượng con dấu sau đó tiến hành đăng ký mẫu dấu tại Sở Kế hoạch đầu tư.

– Đăng bố cáo trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia” website: dangkykinhdoanh.gov.vn

– Tiến hành đăng ký khai thuế ban đầu với cơ quan thuế tại nơi đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định.

– Tiến hành đăng ký kê khai thuế qua mạng điện tử thông qua dịch vụ chữ ký số.

– Nộp tờ khai và nộp thuế môn bài.Nộp thông báo áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng.

– Làm thủ tục mua, đặt in, tự in hóa đơn.

– Hoàn thiện các thủ tục về góp vốn, biển hiệu…

– Xây dựng các thỏa thuận của các sáng lập viên về góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích…

– Xây dựng pháp lý nội bộ, pháp lý với người lao động và pháp lý với đối tác như Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Hợp đồng lao động, Hợp đồng kinh doanh thương mại…

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

208 lượt xem