Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Kĩ năng mềm- Làm nên hay phá hỏng sự nghiệp

Trong môi trường làm việc hiện nay, kinh nghiệm, chuyên môn, và làm việc siêng năng chỉ là một phần quyết định thành công. Đừng hi vọng “good work speaks for itself”. Phần quan trọng hơn là những kĩ năng mềm và bạn phải là người lèo lái sự nghiệp của chính mình. Những yếu tố ngoài rìa này là một phần không thể thiếu, và việc bạn có giỏi mảng này hay không có thể làm nên hay phá hỏng sự nghiệp của bạn.

Biết cách thương lượng

negotiating-skills-cartoon.jpg

Mình làm việc với luật sư mỗi tuần. Bất cứ tài liệu nào mình soạn và muốn các anh chị Medical Science Liaison mang ra thị trường để bàn bạc với bác sĩ khi được hỏi (reactive) đều phải qua legal review cho luật sư xem xét. 2 luật sư 10 ý kiến, cùng một người mỗi buổi họp một ý kiến khác nhau. Phận người đi duyệt như mình nhiều khi tức muốn khóc, vì họ quay ngoắt thay đổi ý kiến bằng những lí do khác nhau không báo trước, dẫn đến việc mình phải mang tài liệu về soạn lại mất nhiều thời gian.

Và dần dần mình nhận ra cách mình trình bày tài liệu và logic khi thương lượng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một chi tiết nhỏ như việc bạn đảo ngược hai ý định trình bày, người ta có phản ứng khác. Có thể nếu ý positive đưa ra trước, người ta sẽ không từ chối ngay ý negative bạn đưa ra sau. Không những thế, những cử chỉ nhỏ nhặt như cười nói, hay cách dùng từ, cũng có thể khiến họ xuôi lòng hay phản kháng. Cách nhận biết cảm xúc, suy nghĩ của người khác, hay gọi là “read someone” là một phần của emotional intelligence. Emotional intelligence là một kĩ năng khó tìm trong nhân viên, và khi đã phát triển, sẽ khiến sự nghiệp của bạn tiến xa.

Quen với việc bằng mặt không bằng lòng

Mình khá thẳng tính, khi không thể hoà thuận với ai thì khó có thể nhìn mặt cười nói xởi lởi được. Đặc biệt là những đồng nghiệp chỉ phải gặp ở công ty, những người mình không nghĩ sẽ làm bạn ăn uống chuyện trò sau giờ làm việc, mình chỉ xã giao bình thường tôn trọng tối thiểu. Nhưng quan sát tất cả mọi người mình nhận ra rằng chuyện bằng mặt không bằng lòng là thường ngày ở huyện, giống như ăn, uống, thở vậy thôi. Có thể tức tối phàn nàn về một người cả nửa tiếng đồng hồ, chứ 2 phút sau họ đi ngang thì xởi lởi hỏi thăm cuộc sống, cuối tuần, gia đình thế nào.

giphy

Dần dần mình cũng phải tập làm quen với việc đó. Vì đôi khi bức bối quá trong lúc làm việc thì phàn nàn, nhưng không phải ai cũng xấu, hay xấu là xấu hết từ đầu đến đuôi. Nhiều người phong cách làm việc có thể cứng nhắc hay khó chịu, nhưng ngoài đời lại là người thoải mái. Đừng tách biệt xa lánh vì khi đi làm đồng nghiệp nào cũng có lúc làm bạn điên tiết. Không bao giờ có thể xa lánh hết tất cả mọi người khi chúng ta không hài lòng. Như mấy bà luật sư thường xuyên làm mình muốn nổ đom đóm mắt, nhưng lại phải xởi lởi để tuần sau mang tài liệu đi duyệt tiếp.

Tập ôm chào và nói chuyện “small talk”

Cuối tuần vừa đi meeting ở Dallas về, bữa sau sẽ viết thêm cụ thể. Nhưng mình chỉ muốn đề cập vấn đề ôm khi chào đồng nghiệp. Nếu đã khá thân, lâu ngày mới gặp, thì nữ hay ôm nữ, nữ ôm nam, nam cũng có khi ôm và nhiều phần bắt tay. Cái này mọi người tuỳ nơi, tuỳ công việc, văn hoá của công ty mà xem xét nhé. Mình chỉ nhắc là đừng ngại, vì người Việt Nam không có thói quen ôm nên dần dần sẽ quen.

Small talk là những cuộc đối thoại không sâu, chỉ xã giao, nhưng vô cùng cần thiết nếu bạn muốn tồn tại và hoà đồng với mọi người. Những người extrovert thường thích small talk, vì họ nạp năng lượng qua những cuộc giao tiếp, trò chuyện với người khác. Như mình từng đề cập ở blog trước, introvert khá là kị những câu chuyện vặt vô nghĩa này. Họ ít nói hơn, và khi nói thì chỉ thích những người hợp với mình để bàn những chuyện cao xa hơn, vấn đề sâu sắc hơn.

smalltalk1.jpg

Nếu là introvert, bạn sẽ phải dành nhiều thời gian và năng lượng hơn để hoàn thiện kĩ năngnày giống như mình. Có nhiều lúc mình cảm thấy điều đó khá giả tạo, thiếu thật thà (not genuine) và khó làm. Vì vậy mọi người nên nhắm xem cho bản thân thế nào là phù hợp. Đừng tự ép mình vào những cuộc đối thoại dài hơi vô nghĩa, nhưng cũng đừng chỉ ở một mình không nói chuyện với ai. Nếu không xã giao, đồng nghiệp có thể cảm thấy bạn xa cách, rồi dần dần không quan tâm. Như thế sẽ không tốt cho việc thăng tiến cũng như sự an toàn để giữ chiếc ghế của bạn.

Self-advocacy

Bạn có thể lăn lê bò lết làm project 10 tiếng một ngày ròng rã vài tháng, nhưng nếu không tự advocate cho bản thân thì chuyện những người khác mon men làm ít mà lấy tiếng nhiều chỉ một sớm một chiều, và rồi người ta sẽ chẳng còn nhớ bạn là ai trong project này.

Self-advocate không có nghĩa là quảng cáo, mà là bạn chủ động lên tiếng để giữ gìn và đôi khi tăng cường quyền lợi, nhu cầu, và ý muốn của mình trong môi trường làm việc. Người Châu Á thường làm cật lực và tin tưởng thành quả của mình minh chứng hữu hiệu nhất cho năng lực và thúc đẩy sự thăng tiến. Ai dám nêu thành tích sẽ bị cho là khoe mẽ đánh bóng.

Ở Mỹ thì không. Good work is not enough. Nếu bạn làm nhiều nói ít người khác sẽ nghĩ bạnkhông có gì để đóng góp, hoặc không biết vai trò của bạn là gì. Vì thế bằng nhiều cách, ai cũng phải chứng tỏ là mình mang đến giá trị cho tổ chức (bring value). Có câu “The squeaky wheel gets the oil”- Cái bánh xe nào kêu to thì sẽ được cho dầu.

Như mình, nhiều đồng nghiệp từ các nước khác cũng khá lạ lẫm với phong cách này. Nhưng thực tế là vậy, và chúng ta phải thay đổi để tồn tại hoặc bị cho ra rìa. Lúc đầu có thể ngượng, tập từ từ khéo léo rồi quen. Nhưng đôi lúc đối với những người introvert như mình thì cũng khá mệt mỏi khi có cảm giác phải giành nói, cạnh tranh xuất hiện, đi đính chính, v.v. hết ngày này qua ngày khác. Bạn có thể chú ý quan sát một số người rất khéo và mặt này để học hỏi thêm nhé.

 

-Hoàng Ngọc Bích, PharmD, RPh

Thetinypharmacist.org

Photo credit: Negotiation,  Small talkMean girls

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,010 lượt xem