Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Kinh Nghiệm Xin Việc: Tin Tưởng Bản Thân Và Không Ngừng Cố Gắng

MT JOURNEY - CHỊ TRẦN NGỌC NGÂN - MT MARKETING BAT VIETNAM

Giới thiệu: Bài viết bên dưới được thực hiện bởi chị Trần Ngọc Ngân, về quá trình 6 tháng tìm hiểu thông tin - ứng tuyển vào các công ty. Vui có, buồn có, nhưng điều quan trọng là những trải nghiệm, những bài học chị Ngân rút ra được, và muốn gửi gắm lại đến các bạn trẻ. 

Chị Trần Ngọc Ngân từng là sinh viên ĐH Ngoại Thương. Thời sinh viên, chị là chủ tịch AIESEC FTU HCMC, từng đạt học bổng AmCham. Chị xuất sắc thi đậu vào chương trình MT của cả 3 tập đoàn: Masan, Suntory Pepsico và BAT. Hiện tại, chị đang là MT Marketing của BAT (British American Tobacco) Vietnam.

------

LẠC LỐI– Tháng 2 & 3

Đầu tháng 2, mình vừa đi chơi ở Hà Nội về và MỚI bắt đầu suy nghĩ coi làm gì tiếp theo. Ước mơ cao xa của mình là muốn làm start-up nhưng nếu muốn làm nó cho “ra ngô ra khoai” thì là 1 chặng đường dài với nhiều sự tích lũy. Trên hết, mình phải có 1 kĩ năng chuyên môn nhất định đã, một cái nghề ổn định để tự nuôi sống bản thân và tích lũy dần cho ước mơ to bự kia.

Thế là bắt đầu apply job, mình apply linh tinh cả lên: sales của Google, quality control của 1 công ty start-up, operations của Misfit wearables. Mình apply chỉ vì muốn thử, thấy công ty cool cool chứ không hề rõ công việc là gì. Đến tận các vòng sau của quá trình apply thông qua việc làm các assignment để test, mình hiểu rõ hơn và cảm thấy hoàn toàn không thích nên bỏ ngang trong quá trình apply.

Thế là LÚC NÀY MỚI suy nghĩ MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC coi nên chọn nghề gì để rèn dũa với nó. Suốt cả thời sinh viên, mình chỉ toàn làm AIESEC và chủ yếu là sales B2B, general management là chính chứ chuyên sâu marketing, HR, Finance thì chưa bao giờ. Cũng chưa bao giờ internship ở bất cứ đâu cả. Thế nên việc suy nghĩ xem chọn nghề gì không dựa 1 kinh nghiệm cụ thể nào. Phần lớn mình lên đọc các tài liệu trên mạng về marketing, HR, Finance, sales, nói chuyện với các anh chị đã đi làm cộng với kinh nghiệm đã nhìn tận mắt những thứ đó trong AIESEC (dù không professional lắm) để hình dung ra hàng ngày mình sẽ phải làm những việc gì, tự hỏi bản thân:

  1. Nếu mình làm những cái đó mình liệu có hứng thú không?
  2. Trước giờ, mình sẽ hào hứng và giỏi nhất ở những công việc cụ thể nào?
  3. Những công việc cụ thể hay điểm mạnh đó gần nhất với cái nghề nào?

Sau khi tự hỏi hàng tá câu hỏi, mình mới tạm cho ra 1 câu trả lời là Marketing. Một lí lẽ khác bên lề là sau này làm start-up nên marketing sẽ là kĩ năng tối quan trọng :)

Bây giờ chọn được nghề rồi, đi xin việc ở đâu bây giờ. Mình lại tiếp tục săn lùng các công việc về marketing và apply nhưng hầu như là không có 1 chỗ nào trả lời CV của mình, đừng nói tới những vòng sau. Đây là một sự thật cũng dễ hiểu, vì trong CV của mình không hề có 1 kinh nghiệm thực tiễn nào về Marketing cả! Ngoắc thị trường thì có hàng tá các bạn đã đi internship, đã làm part-time jobs, tham gia rất nhiều cuộc thi về Marketing. Mà AIESEC thì không phải công ty nào cũng biết. Thế nên, sau kinh nghiệm này, mình biết là profile của mình sẽ khó lòng chọi lại nếu apply job thông thường.

Thế là cánh cửa Management Trainee mở ra, vì chương trình này không đòi hỏi kinh nghiệm, không tìm người để “cày” mà tìm theo người theo tố chất, để đào tạo trong vòng 2-3 năm để lên 1 vị trí manager/leader trong tương lai (tất nhiên chỉ là cơ hội, lên được hay không vẫn tùy ở mình và tùy ở thời thế :p ). Đây là cơ hội tốt nhất cho fresh để được đào tạo 1 cách bài bản. Bên cạnh đó, với profile gắn chặt với AIESEC, nhiều kinh nghiệm leadership và management thì mình lại có lợi thế hơn các bạn khác, ít nhất ở vòng gửi xe :P

Bài học

Khó mà nói là nên khuyên các bạn AIESECers chỉ nên chăm chăm vào làm AIESEC hay nên làm thử 1 internship thực tiễn ở bên ngoài, không chỉ là để profile của mình professional hơn mà còn là để bản thân mình có dịp trải nghiệm công việc thực tế bên ngoài để biết mình thích gì và giỏi gì. Vì cái nào cũng có được mất, quỹ thời gian của mọi người là như nhau, bạn ưu tiên thời gian nhiều hơn cho cái nào thì nghiễm nhiên bạn sẽ gặt hái được nhiều thành quả ở công việc đó hơn. AIESEC sẽ cho bạn 1 thứ không nơi nào cho được là kinh nghiệm lãnh đạo, nhưng công việc bên ngoài sẽ cho bạn thực tế. Nhưng chắc chắn là chọn làm gì cũng vậy, chỉ có làm tốt thì những gì bạn đã làm mới có giá trị sau này. Nên làm gì đi nữa thì cũng phải làm thật tốt.

Nếu được làm lại, mình vẫn sẽ toàn tâm toàn ý vào AIESEC để có thể làm tốt nhất và quan trọng hơn là lúc đó, mình thích làm AIESEC hơn hết thảy mọi thứ khác.

Kết luận là không cần suy tính tương lai nhiều đâu, nếu bạn chắn chắn biết sau này muốn gì thì tính nhưng thường trẻ thì ít biết :p nên hiện tại thì cứ chọn việc mình thích nhất mà làm để có thể làm 1 cách tốt nhất. Nó có thể là 100% AIESEC, có thể là 100% part-time job hoặc internship hoặc 50% này 50% kia miễn bạn thực sự yêu thích nó. Sau này sẽ có cánh cửa phù hợp mở ra cho bạn :) Hơn nữa, tính quá về tương lai rồi cắn răng làm những thứ không thích ở hiện tại, nhỡ sau này cái tương lai đó sụp đỗ thì đau lắm đó nha.

Một điều khác nữa là hãy làm hết sức có thể, đừng che giấu những suy nghĩ của bản thân, hay bị kìm hãm vì bất cứ điều gì. Vì khi còn trẻ là lúc mình khám phá bản thân rõ ràng nhất. Nên nếu bạn kìm hãm bản thân thì mất bao lâu bạn mới hiểu rõ chính mình và biết mình là ai, mình thích gì, mình mạnh gì và giỏi gì. Đừng để bất cứ ai bảo bạn rằng bạn phải làm thế này thế kia và không được làm thế này thế kia. Đừng để bất cứ điều gì ngăn cản bạn nghĩ ra một ý tưởng hay ho hay thực hiện một điều gì bạn mong muốn. Nếu không, sau này khi nhìn lại, bạn không biết thực sự những gì đã trải qua có đáng giá và nói cho bạn biết bất cứ điều gì hay không. Những điều này sẽ rất quan trọng để sau này bạn nhìn lại những gì đi qua và trả lời những câu tự hỏi để tìm ra nghề nghiệp cho mình.

NGÔNG CUỒNG VÀ THẤT BẠI – Tháng 4 và 5

Sau khi thiết lập mục tiêu cho mình là MT Marketing, mình bắt đầu tham vọng. Mình muốn đậu MT của tất cả các công ty lớn, cụ thể là Unilever, Prudential, British American Tobacco, Suntory Pepsico, Masan.

Phải kể thêm là mình có apply Nestle nữa nhưng rớt ngay ở vòng form mà không hiểu vì sao :p

Trong list các công ty kể trên, mình đặt ưu tiên hàng đầu là Unilever và Prudential.

Unilever là vì đây là nơi học tốt nhất cho fresh về Marketing.

Prudential thì lí do hơi chuối tí, vì bảo hiểm chắc nhiều tiền và nghe đồn là nơi này rất chú trọng đào tạo con người hehe…

British American Tobacco thì lúc đó mình chưa tìm hiểu nhiều vì ban đầu mình cũng nghĩ làm cho thuốc lá thì làm làm gì. Nhưng vẫn thi vì muốn thử sức mình. Vì các vòng tuyển chọn của BAT là khó nhất trong tất cả các công ty, level khác hẳn và toàn là các du học sinh đậu thôi. Mỗi năm thì chỉ lấy tầm 5 người.

Suntory Pepsico thì do nhận được nhiều email, thậm chí là SMS quá nên mình cũng apply. Masan cũng chỉ là thử.

Nói chung, lúc đó mình thích nhất Unilever và Prudential và đặt nhiều hy vọng ở 2 cái đó nhất.

Unilever mình tìm hiểu không thể kĩ hơn được nữa. Hầu hết các câu hỏi trong initial interview mình đều đã chuẩn bị hết, bước ra khỏi phòng thấy hoàn toàn tự tin với những gì mình đã thể hiện.

Prudential cũng vậy. Sau khi thi xong Assessment Center, mình cũng bước ra khỏi phòng và trong đầu nghĩ, không thể nào rớt được.

Thế mà rớt! =.=”

Thế là sau đó là 1 chuỗi ngày dài dằn vặt đau khổ không biết tại sao. Sẽ là 1 nỗi buồn nhẹ nhàng và hơi day dứt lúc nhận kết quả rớt nếu trước đó bạn bước ra khỏi phòng thi và cảm thấy mình làm cũng chẳng tốt mấy. Nhưng sẽ là một cú sốc và nỗi hụt hẫng vô bờ nếu bạn thấy mình làm quá tốt và vẫn fail.

Mình đã sốc tới mức gửi mail cho Prudential với 1 list những evidence mình đã làm gì hôm đó và những điều đó thể hiện competencies gì trong teamwork. Vì thực sự lúc làm assessment center mình đã làm mọi thứ “đều có mục đích rõ ràng”. Mình còn đòi hỏi Prudential phải trả lời được cho mình tại sao mình fail. Trong khi đó theo mình biết, thì có 1 bạn thi chung nhóm với mình, chẵng thể hiện gì nhiều ngoài việc ngồi canh giờ thế mà lại đậu. Thế nhưng câu trả lời vẫn là bặt vô âm tín.

Còn Unilever thì may mắn mình quen 1 anh làm HR. Hỏi thì biết bị đánh fail teamwork và leadership. Teamwork thì bị đánh già là chỉ cố làm tốt công việc của function mình mà không quan tâm tới toàn tổ chức. Leadership thì bị đánh giá là “change people, not train people”. Nguyên nhân là do câu hỏi là hãy kể 1 lúc nào đó khó khăn và em vượt qua nó như thế nào. Mình kể từ lúc apply lên President và giai đoạn đầu bình ổn giang sơn khó khăn ra sao. Nhưng cái ngu của mình là kể vài chi tiết bên lề không cần thiết và cách kể khiến người assess hiểu lầm. Mình kể rắng trước đó mình làm Vice President nên muốn tập trung làm tốt nhất function của mình nên không đi nói chuyện nhiều với các members ở các function khác thành ra các bạn không biết nhiều tới mình. Thế là bị đánh giá là không quan tâm đến toàn tổ chức, trong khi thực tế là mình chỉ không thích socialize chứ không phải là không quan tâm. Không quan tâm mà đủ hiểu tổ chức để lên được President à. Còn việc change people, not train people thì do mình kể có 2 bạn cùng apply President sau đó apply lại Vice President nhưng mình không chọn vì mình đã làm chung nên mình biết các bạn có nhiều vấn đề. Thế là bị đánh giá là change people, not train people. Mình thực lòng nghĩ mình không hề sai. Nếu có những người khác tốt hơn thì sao phải chọn họ? Đâu phải mình toàn chọn những người perfect để mình chẳng phải làm cái gì đâu. Mỗi người đều có 1 điểm yếu nào đó, quan trọng cái challenge nào mình nghĩ mình handle được và đáng để mình handle, cái nào không.

Bài học

Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Đầu tiên ở bản thân là do kể những chi tiết không cần thiết mà có thể gây hại cho mình, nhất là những chi tiết gây tranh cãi mà không phải ai cũng có thể hiểu được tại sao quyết định đó lại được đưa ra vào thời điểm đó.

Management Trainee không phải là tìm người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất. Mỗi công ty sẽ có văn hóa riêng và tìm kiếm những người có thể phù hợp với văn hóa đó. Bạn tỏ ra giỏi chưa đủ mà quan trọng hơn bạn phải tỏ ra bạn phù hợp. Đi làm không giống như đi học, thi xin việc làm không giống như đi thi kiểm tra trong lớp. Đã đi thi thì lúc nào cũng sẽ có yếu tố hên xui. Không phải mỗi câu hỏi đều có đáp án chính xác, đã là người chấm thì sẽ có mức độ cảm tính nhất định. Người chấm bạn nhất là ở những vòng đầu tiên như initial interview thì không phải lúc nào cũng có trình nhất định nên bạn nên trả lời theo kiểu an toàn, typical thôi. Đừng nói những gì quá đặc biệt, quá khó hiểu. Sẽ gây tác dụng ngược. Khi vô tới final interview rồi thì muốn tỏ ra nguy hiểm cỡ nào cũng được hehe

Cuối cùng và quan trọng nhất, nếu bạn rất tin vào bản thân mình nhưng bạn vẫn thất bại. Hãy tìm hiểu kĩ tại sao bạn lại thất bại, điều này là rất quan trọng! Niềm tin vào bản thân là vô cùng quan trọng và không phải ai cũng có. Nên nếu đã có thì đừng để mất. Khi tìm hiểu kĩ, bạn sẽ phát hiện ra bản thân mình vẫn còn thiếu sót, ngu si dại khờ ở chỗ nào đó mà vì quá tự tin nên không nhận ra. Bên cạnh đó, bạn sẽ hiểu nguyên nhân cốt lõi của việc thất bại nhiều khi không phải do ở mình mà do ở các yếu tố khác. Thế nên, lại tiếp tục tin vào bản thân và cố gắng sửa đổi những khiếm khuyết, sai lầm của bản thân và keep moving on thôi :)

LỚN LÊN 1 CHÚT – tháng 6, 7

3 công ty Pepsico, Masan, BAT là 3 công ty mình pass được vào thành MT, trải qua hết các vòng thi nên đây là 3 nơi cho mình nhiều trải nghiệm nhất.

Hồi xưa mình tham vọng đậu hết MT là đã thấy mình nghĩ đậu MT dễ lắm. Nhưng thực sự thì không dễ chút nào. Thi rồi mới biết ròng rã 5 vòng, 3 4 tháng trời mà có thể rớt giữa đường bất cứ lúc nào. Sau đây là vài kinh nghiệm mình học được:

Trước tất cả các vòng:

Bước 1 – Tìm hiểu về công ty: Không chỉ là việc để có thông tin điền đơn, trả lời phòng vấn mà còn thực sự là để bản thân bạn có motivation để bước vào chặng đường gian nan này. Bạn thực sự cảm thấy hứng thú với công ty và muốn được thành MT thì mọi khó khăn gian khổ sau đó sẽ có động lực thêm rất nhiều. Cách tìm hiểu thì ngoài Internet, đi event thì nên tìm gặp các anh chị đã làm trong công ty, những gì được nghe sẽ thực tế hơn ;)

Mình nói sơ qua những điểm tốt của 3 công ty mà mình biết. Thông tin chỉ có giá trị tham khảo thôi nha :p chỉ nằm trong tầm hiểu biết rất hạn hẹp của mình

Pepsico: môi trường rất là thân thiện, supportive, lành tính. Đặc biệt bác CEO nghe kể là mê. Mình từng được nghe câu chuyện về bác CEO người Nhật của Pepsi đi thu gom phân loại rác ở công viên trong 1 chiến dịch bảo vệ môi trường. Mỗi lần có ai lại bỏ rác vào đúng loại, bác lại khom người cảm ơn. Mà người Nhật cúi đầu cảm ơn lúc nào lưng cũng rất thẳng. Bác cứ cảm ơn cảm ơn và đúng tác phong như thế từ sáng sớm đến tận chiều tối, dù lưng nhễ nhại mồ hôi, rác rưới dơ bẩn. Nói chung điều tuyệt nhất ở Pepsi mình nghĩ là những giá trị rất tốt được gìn giữ và thể hiện bới những con người xung quanh từ cấp cao đến cấp thấp. Hệ thống đào tạo cũng bài bản, chuẩn.

Masan: điều mình ấn tượng nhất ở Masan là hôm được tham dự cuộc họp quý của toàn công ty. Buổi họp đó giống Local Committee Meeting của AIESEC quá đỗi, giống hơn nữa là của LC FTU HCMC. Vì trong buổi họp đó, tinh thần chiến thắng, nothing is impossible được thể hiện rất mạnh mẽ. Các anh chị head của Marketing trong Masan rất inspiring,giỏi thì khỏi nói rồi toàn những anh chị tay to mặt lớn từ U qua. Masan được mệnh danh là U 2.0. Điều hay nhất ở Masan mình nghĩ chính là tinh thần dám nghĩ dám làm, dám bức phá, luôn sáng tạo không ngừng để thay đổi cục diện của thị trường. Làm Marketing trong Masan thì được làm từ A-Z nữa mà còn mentor bới chính các head Marketing, toàn các anh chị cực kì inspiring thôi, mà rất thực tế at the same time.

BAT: những cái đặc biệt nhất của BAT là truly global và professional. Đặc biệt chương trình Management Trainee program của BAT thì được đầu tư rất kĩ, “nghe đồn” lương cao lắm, trong 2 năm đào tạo, sẽ có 3-6 tháng đi làm assignment ở nước ngoài, được 3 người chăm sóc: mentor, coach, buddy. Hệ thống đào tạo bài bản và chuẩn. Motto của chương trình là Up or out. Nên sure là 1 là lên, 2 là văng ra ngoài. Sẽ không bị tình trạng stuck 1 chỗ vì không có headcount để rồi sau vài năm thì chẳng khác gì staff. 1 lưu ý nữa là Marketing trong BAT bao gồm cả Sales lẫn Marketing, lẫn Research. 3 trong 1 ;)

Bước 2 – Nhìn nhận lại bản thân:

Qúa trình nhìn nhận lại bản thân sẽ đòi hỏi nhiều thời gian chiêm nghiệm, mục đích là cuối cùng biết được: mình sẽ theo đuổi nghề gì, mình mạnh gì yếu gì, mình muốn sau này trở thành người như thế nào. Việc này mình có đề cập ở đầu bài khi kể về hồi tháng 2, 3 mình đã khó khăn như thế nào để định hướng cho tương lai. Sẽ là 1 khoảng thời gian chẳng dễ chịu đâu nhưng bạn phải tìm ra câu trả lời, ít nhất là đúng với hiện tại, nếu không bạn sẽ không biết đi bước tiếp theo như thế nào. Và nó cũng sẽ quan trọng vì trong quá trình thi tuyển, người ta sẽ hỏi rất nhiều những điều này. Phải hiểu rõ bản thân mình thì mới thuyết phục được nhà tuyển dụng.

Còn lại các vòng thi thì mình chỉ chia sẻ dựa trên kinh nghiệm và sai lầm của bản thân:

VÒNG CV: cần phải highlight leadership experience và be result-oriented ngay cả trong CV, thể hiện bằng những con số cụ thể, bằng động từ mạnh. Ngoài ra như ở trên đã nói nếu bạn tìm hiểu kĩ về công ty và bản thân thì phần điền form này sẽ rất dễ dàng và tự nhiên. Không bị chán chường hay rặn ra từng chữ cách đau khổ và khó khăn.

VÒNG TEST: mỗi công ty sẽ có các dạng test khác nhau. Các công ty quốc tế thì hay lấy dạng SHL (như test Amcham), riêng Pepsico, Prudential và Masan thì có bài test riêng. Thường test khả năng nhanh nhạy với con số, khả năng đọc hiểu, logical, reasoning. Có thể lên mạng tìm các dạng test để luyện tập. Còn đề thì chắc chắn không đào được đâu ra. Bạn nào strong logical và reasoning rồi thì không cần thiết phải luyện. Đi thi chú ý thời gian làm bài kịp là được.

VÒNG INITIAL INTERVIEW: như mình đã mention ở trên, vòng này đa phần là HR chấm nên bạn nên trả lời theo hướng dễ hiểu, dễ nắm bắt, đừng quá phức tạp hay nói chi tiết gì quá dễ gây tranh cãi. Đảm bảo các câu chuyện bạn kể phải có chiều sâu vì người hỏi sẽ hỏi khá chi tiết và kĩ vào từng câu chuyện. Riêng mình thấy ở Pepsico check vòng này kĩ nhất và chất lượng nhất. Hỏi rất sâu và rất kĩ.

VÒNG ASSESSMENT CENTER: vòng này khó nhất vì phải làm thiệt, suy nghĩ thiệt. Thường sẽ được cho case study để ngồi làm việc nhóm. Có những công ty challenging hơn thì vòng này kéo dài cả ngày, có cả phần thi cá nhân nữa. Bản thân mình không học chuyên ngành Marketing, không có kinh nghiệm thực tế nên phải tích cực bồi dưỡng bằng việc đọc sách để có lý thuyết cơ bản, cộng với đọc các trang web, các case thực tế về Marketing để vô thi thì vận dụng. Vòng này các bạn nào làm AIESEC hoặc các CLB thì sẽ không choáng váng nhiều vì các hoạt động trong vòng này chủ yếu là teamwork, presentation, negotiation. Kĩ năng bạn tích lũy các năm đại học được bao nhiêu thì lúc này sẽ được trưng dụng hết! Vòng này thì BAT là khó nhất, đề thì không tiết lộ được :P

VÒNG FINAL INTERVIEW: vòng này bạn sẽ được gặp các anh chị Director, Head, nói chung là trùm để check lại lần cuối. Vì là check lại lần cuối nên tương đối cũng nhẹ nhàng. Duy có riêng Masan là vòng này các anh chị Head lại rất challenge. Nhưng mà sẽ rất thú vị, đặc biệt nếu bạn trả lời được mà các anh chị hài lòng khen ngợi là sướng lắm :P Lời khuyên cho vòng này là be consistent với những gì bạn đã thể hiện ở các vòng trước. Khi gặp các anh chị muốn thử thách bằng những câu hỏi khó thì quan trọng là bình tĩnh và suy nghĩ sáng tạo, sâu sắc để câu trả lời thực sự khác biệt và gây ấn tượng với họ.

Đặc biệt trong initial interview hay final interview luôn có phần cuối là được hỏi lại, nên chuẩn bị các câu hỏi sâu, thể hiện sự quan tâm về công ty và chương trình.

NẾU ĐẬU….

… nếu đậu thì sẽ là khoảng 2-3 năm được đào tạo từ 1 đứa chưa biết gì thành biết gì :p các phúc lợi lương thưởng chắc chắn cao so với mặt bằng chung sinh viên mới tốt nghiệp. Nhưng việc có lên được managers, leaders hay không sẽ tùy thuộc vào từng công ty và từng cá nhân. Nói chung là con đường còn chông gai phía trước, 3 4 tháng ròng thi xong nhưng vẫn còn 2 năm phía trước ;)

KẾT LUẬN

Nguyên 1 bài rất dài ở trên đôi khi bạn sẽ bắt gặp mình có những suy nghĩ rất ngu ngốc, không chín chắn. Như việc muốn đậu hết MT chỉ vì bản tính háo thắng, như việc chọn Prudential làm prority chỉ vì suy nghĩ đơn giản mà chưa tìm hiểu thật kĩ để rồi fail nó thì buồn vô hạn chỉ vì không chấp nhận được thất bại chứ chẳng phải tha thiết gì mấy. Mình nhìn lại cũng tự cảm thấy nhiều khi thật ngốc nghếch quá mà. Nhưng mình nghĩ là ai cũng sẽ có những lúc như thế, nhất là khi chúng ta còn trẻ. Phải có dại thì mới khôn ra chứ nhỉ. Dù những cái dại đó đôi khi sẽ phải trả giá bằng những đau đớn hụt hẫng vô cùng. Nhưng nhìn lại, ta vẫn sẽ quý trọng những trải nghiệm đó vô cùng. Vì nó thể hiện quá sâu sắc sự ngông cuồng của tuổi trẻ và của chính bản thân mình. Những ngày tháng dại khờ đau khổ mà đẹp đẽ :)

 

Câu “The best is yet to come” là hình sau khi mình fail của U lẩn Pru, mình download về tự động viên bản thân. Lúc đó không chỉ buồn mà ghê gớm hơn cả là nỗi nghi ngờ về năng lực bản thân, sự thất vọng và chán nản vô bờ. May mắn thay lúc đó có 1 người thân nói với mình rằng “cuộc sống sẽ có những lúc rất khó khăn như lúc này. Và sẽ có những khi còn khó khăn hơn nữa. Điều duy nhất mình không nên làm là nghi ngờ bản thân và ngừng cố gắng.“. Điều này đã giúp vực mình dậy rất nhiều. Thế nên, ngoài những bí kíp nhỏ nhỏ ở trên thì mình nghĩ quan trọng không kém trong cuộc chiến thi MT này là nên có những người bạn tốt sẵn sàng chia sẻ với bạn cả niềm vui thành công lẫn nỗi buồn khi thất bại, những người luôn chìa tay ra kéo bạn dậy và đẩy từ sau lưng để bạn luôn tiến về phía trước. Ai cũng cần cho mình một hay nhiều người bạn như thế.

Chúc các bạn sắp ra trường có nhiều trải nghiệm quý già và luôn tin tưởng vào bản thân. The best is yet to come :)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

16,733 lượt xem