Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Kỹ Năng Gây Thiện Cảm - Trò Chơi Quyền Lực

Ở Stanford, một trong những lớp học mình yêu thích nhất là lớp về improvisation, khả năng ứng biến diễn xuất. Ngay từ khi mới vào trường, nhiều người đi trước đã khuyên mình nên học lớp này vì theo họ, lớp này làm thay đổi cách họ nhìn nhận cách con người giao tiếp. ể diễn xuất thành không trên sân khấu, bạn cần phải hiểu các con người tương tác với nhau trong đời sống thực. Lớp này luôn có nhiều người đăng ký mà số lượng sinh viên họ nhận có hạn nên bạn phải rình khi nào trang cho phép đăng ký mở cửa một phát là phải vào đăng ký luôn -- muộn 30 giây là hết chỗ.
Năm ngoái, sau một đêm ngồi rình, cuối cùng mình đăng ký thành công. Mình may mắn được học cùng Dan Klein, một vị giáo sư tuyệt vời, thân thiện với hơn 30 năm kinh nghiệm. Một chi tiết thú vị không liên quan cho lắm là trợ giảng cho lớp của mình chính là Jacqueline Emerson, cô bé đóng vai Foxface trong phim The Hunger Games. Cô bé học trên mình một lớp. Lớp này dạy cho mình nhiều điều hữu ích cho việc giao tiếp, giúp mình hiểu rõ tại sao có người khi gặp tự nhiên mình thấy ghét ghét, hay tại sao có người gặp ai cũng được người ta yêu mến.
Fox face là trợ giảng của mình. Whoa
Trong cuốn sách “Impro", Keith Johnstone -- người sáng lập TheatreSports (một hình thức nghệ mình yêu thích nhưng thật tiếc chưa thấy có mặt ở Việt Nam) -- đưa ra lý thuyết rằng mỗi giao tiếp là một sự trao đổi về status (vị thế). Mỗi người tham gia vào giao tiếp đều có một vị thế nhất định, cao thấp khác nhau. Một ví dụ đơn giản là trong giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, một học sinh ngoan ngoãn, nghe lời có vị thế thấp, giáo viên có vị thế cao. Nhưng một học sinh cá biệt, hay cãi thầy cô rất có thể có vị thế cao, trong khi đó một giáo viên mới ra trường, nhút nhát rất có thể có vị thế thấp. Vị thế có thể thay đổi trong quá trình giao tiếp.
Vị thế (status) khác với địa vị (social rank). Một người có thể có địa vị cao nhưng không biết cách khẳng định vị thế của mình, sẽ bị lép vế khi giao tiếp với người có địa vị thấp hơn. Chắc bạn đã nghe chuyện về chủ nhà bị người giúp bắt nạt, giáo viên bị học sinh làm cho lúng túng không biết phải hành xử ra sao, hay phụ huynh lại bị con cái làm cho cứng họng.
Vị thế cao thấp khác nhau có những ngôn ngữ, cử chỉ khác nhau. Trên sân khấu, để tương tác giữa các nhân vật đáng tin, các diễn viên phải lựa chọn ngôn ngữ, cử chỉ diễn tả đúng vị thế của nhân vật. Trong giao tiếp thường ngày, để có một giao tiếp thành công, bạn phải hiểu rõ vị thế của bạn trong mối liên hệ với người bạn đang giao tiếp. Nếu bạn sơ suất phá khung vị thế, bạn có thể đưa bản thân vào trường hợp khó xử hay gây ác cảm với người khác. Ngược lại, nếu bạn ý thức được việc mình làm, cố tình nâng vị thế của mình lên hay hạ vị thế của mình xuống, bạn có thể thay đổi cách đối tượng nhìn nhận bạn.
Hiểu rõ vị thế ảnh hưởng thế nào đến các tương tác thường ngày
Chắc hẳn bạn gặp đã gặp nhiều trường hợp khi mà một người làm việc gì đó thì vô cùng thú vị, nhưng cũng người khác làm việc đó thì chẳng buồn cười tí nào. Keith Stone lý gỉai rằng một việc sẽ chỉ buồn cười nếu người trong cuộc có sự thay đổi về mặt vị thế. Ví dụ, nếu giám đốc công ty bạn mà trượt vỏ chuối thì hẳn là vô cùng buồn cười, vì vị giám đốc này đang từ vị thế cao trở thành một người nằm sõng soài dưới đất. Nhưng nếu một người già cả yếu đuối trượt vỏ chuối thì chẳng buồn cười tí nào cả. Bạn chỉ thấy thương hại người đó hơn thôi. Các nhà hài kịch thường gây cười bằng cách hạ thấp vị thế của bản thân hay vị thế của người khác. Self-deprecation (hạ thấp giá trị bản thân) là một cách gây cười quen thuộc.
Bạn chắc cũng biết nhiều trường hợp mà gặp đã thấy ghét ghét, kiểu “nó nghĩ mình là ai mà làm thế?” Họ có thể là lên mặt dạy đời bạn, nói lắm, hay bạn cứ đưa ra ý kiến gì là lại chứng minh ngay lập tức là bạn đã sai. “Nó” trong trường hợp này là một người bị coi là có vị thế thấp, nhưng lại hành xử như người có vị thế cao, gây ác cảm. Hoặc trường hợp mà ai đó bước vào phòng là có cảm giác như họ làm chủ không gian trong phòng, và tất cả mọi người sẽ tôn trọng ý kiến của người đó. Họ trong trường hợp này biết cách chiếm dụng không gian, có những cử chỉ nhấn mạnh vị thế cao của mình từ ấn tượng đầu tiên để không ai có thể coi họ là vị thế thấp.
Rồi cũng có những trường hợp mà gặp cái bạn đã muốn giúp đỡ, trong khi có những trường hợp tương tự lại chẳng khiến bạn chẳng mảy may động lòng. Người khiến bạn muốn giúp đỡ là người đặt mình vào vị thế thấp. Có thể họ cho bạn cảm giác rằng họ đang đơn độc một mình, có nhiều điểm yếu đến mức không thể hoàn thành được việc đó, hay đặt bạn vào vị thế cao, khiến bạn cảm giác như siêu nhân anh hùng nên giúp đỡ kẻ yếu. Người bạn không muốn giúp đỡ rất có thể cho bạn ấn tượng rằng họ có thể làm được việc đó mà không cần bạn.
Những trường hợp bạn nên nâng vị thế của mình lên
Không cần mình nói thì chắc bạn cũng biết các bạn trẻ Việt Nam khá tệ trong việc nâng vị thế của mình lên. Họ khúm núm, nhút nhát, không tin tưởng vào khả năng của mình, đặt họ vào vị thế thấp trong khi họ nên đặt mình vào vị thế cao.
Trường hợp mà rõ ràng bạn cần nâng vị thế của mình lên trước khi thuyết trình, nói chuyện trước đám đông. Bạn cần cho người nghe ấn tượng rằng bạn là chuyên gia về chủ đề bạn nói – họ nên lắng nghe ý kiến của bạn.
Khi tìm việc, nhiều người nghĩ rằng bạn đang ở vị thế thấp. Đó là điều hoàn toàn ngược lại. Bạn nên đặt mình vào vị thế cao. Công ty muốn có nhân việc có khả năng, có thể làm chủ tình huống, có thể tự hoàn thành công việc mà không cần phải chỉ bảo từng bước một. Mình dùng từ “tìm việc” chứ không phải “xin việc” nhé. “Xin việc” đặt bạn vào vị thế thấp, như bạn đang xin xỏ gì đó. Nhà tuyển dụng có việc cần làm, bạn có khả năng làm việc đó. Sức lao động của bạn sẽ mang lại lợi nhuận cho công ty. Bạn không xin xỏ gì ở đây cả.
Khi nói chuyện với người nước ngoài, như để thực hành tiếng Anh hay giao tiếp trong công việc, mình thấy nhiều bạn hay đặt mình vào vị thế thấp. Nhiều người có tư tưởng rằng người nước ngoài đến từ một quốc gia phát triển thì sẽ giàu hơn mình, hay họ đã đã đi được từ nước họ sang đây thì chắc chắn họ phải biết nhiều hơn mình, hay đơn giản là họ là “của hiếm” ở Việt Nam nên tự nhiên có giá hơn mình. Khi nói chuyện, các bạn Việt Nam không nhìn vào mắt người đối diện, cười bẽn lẽn, để người khác lèo lái câu chuyện. Mình thấy như thế là không nên. Sự giàu có là một cái mang tính chất tương đối. Đồng tiền của họ có giá hơn đồng tiền của mình, nhưng ở nước họ thì mọi thứ cũng đắt đỏ hơn. Họ cũng có thể là tầng lớp trung lưu như bạn là tầng lớp trung lưu vậy. Họ có thể biết nhiều quốc gia hơn bạn, nhưng ở Việt Nam, bạn biết về Việt Nam nhiều hơn họ. Bạn không thua kém gì người ta cả. Bạn nên đặt mình vào vị thế ngang bằng, tự tin giao tiếp, không phải ngại ngùng gì cả.
Khi cảm thấy mình rơi vào tình huống nguy hiểm hay có thể bị lợi dụng, mình nâng vị thế của mình lên. Khi đi nhờ xe mà cảm thấy không tin tưởng người lái xe, hay couchsurfing mà cảm thấy chủ nhà không ổn, mình sẽ chọn cách nhìn thẳng vào mắt người đó, nâng cao giọng, nói rõ ràng, rành mạch, cho họ có cảm giác rằng mình không phải đứa yếu đuối dễ bặt nạt. Không phải đe doạ, nhưng mình sẽ chọn cử chỉ để cho họ biết rằng nếu họ có làm điều gì không tốt với mình, họ sẽ phải chịu hậu quả. Khi thương thảo, nếu thấy mình đang bị lép vế, chọn vị thế thấp sẽ chỉ làm cho tình huống tồi tệ hơn. Bạn cần phải nâng vị thế của mình lên.
Vậy làm sao để nâng vị thế của bạn lên?
Cái quan trọng nhất là không gian. Vị thế của bạn tỉ lệ thuận với không gian bạn chiếm dụng. Những tư thế chiếm dụng nhiều không gian như đứng thẳng, ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, hai chân cách xa nhau, hay gác chân lên bàn, sẽ làm tăng vị thế của bạn.
Vị thế của bạn cao hay thấp là trong mối liên hệ với vị thế của người mà bạn tương tác. Bạn có thể nâng vị thế của mình lên bằng cách hạ thấp vị thế người bạn tương tác cùng. Sau đây là một cách để hạ vị thế người bạn tương tác cùng:  
  • Chỉ tích điều họ làm.
  • Chứng minh rằng họ sai với lập luận chặt chẽ.
  • Yêu cầu bằng chứng khi họ đưa ra đánh giá gì đó.
  • Cho họ lời khuyên khi mà họ không hỏi.
  • To tiếng.
  • Bảo họ nên làm gì.
  • Tảng lờ điều họ nói, nhất là không trả lời câu hỏi của họ. Ví dụ, họ hỏi: “Mày đã xem phim Wonder Woman chưa?” và bạn nói: “Ah, hôm nay mẹ tao nấu canh chua cá.”
  • Vượt mặt họ. Họ kể chuyện gì thì bạn cũng có câu chuyện tương tự nhưng tốt hơn. Ví dụ, họ có vết sẹo, bạn có vết sẹo còn to hơn. Họ gặp người nổi tiếng, bạn gặp người còn nổi tiếng hơn.
  • Đánh bại họ trong trò chơi gì đó (vì vậy, nhiều người để nịnh sếp hay cho sếp thắng).
  • Kể cho họ điều tốt đẹp mà họ làm, như là “Tao thi được điểm tối đa.”
  • Tảng lờ ý kiến của họ. Họ bảo không nên làm gì thì mình cứ làm cái đó.
  • Khiến họ chờ bạn. Vậy nên các bạn đừng để cấp trên chờ nha.
  • Xâm phạm không gian của họ: cúi mặt gần sát sạt là một ví dụ.
  • Cười cợt họ.
Nhiều người cứ nghĩ rằng khen ngợi người khác về việc gì đó họ làm là nâng vị thế của họ lên. Hoàn toàn không phải vậy bạn ạ. Khi khen ngợi một ai đó về việc gì đó họ làm, bạn đặt mình vào vị trí là người đánh giá, và người nghe là người cần sự đánh giá của bạn. Tiếng Anh có từ gọi là “condescending” – bạn cư xử với người khác như họ là bậc dưới của bạn. Khen người khác rất dễ khiến bạn trở thành “condescending”. Ví dụ, bạn chỉ nghe sếp nói: “Dự án em làm với công ty đấy khá tốt” chứ bạn có nghe nhân viên nói với sếp: “Dự án anh làm với công ty đấy khá tốt” không? Khi nhân viên khen sếp, họ thường diễn tả sự ngưỡng mộ, thay vì đánh giá.
Những trường hợp bạn nên hạ vị thế của mình xuống
Hạ vị thế của mình xuống nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra rất khó. Bản thân mình cũng đang phải học hỏi rất nhiều. Trong lớp mình học, có bài tập nâng vị thế và hạ vị thế của mình. Hai người sẽ đứng/ngồi trước lớp, mỗi người tìm cách nâng vị thế hay hạ vị thế của mình so với người kia. Tại mỗi thời điểm, những người còn lại trong lớp sẽ chọn người có vị thế cao hơn hay thấp hơn. Tất cả mọi người làm bài tập nâng vị thế lên rất tốt, nhưng không một ai có thể hạ vị thế mình xuống một cách thuyết phục. Bản thân việc tham gia vào cuộc thi vị thế đã đặt bạn vào tâm thế thi thố – tâm thế của người vị thế cao. Tương tự như vậy, khi mình cố tình đặt bản thân vào vị thế thấp, vô hình chung mình đã đặt mình vào tâm thế của người điều khiển tình huống, khiến cho vị thế thấp trở nên không tưởng.
Khi muốn làm cho ai đó cảm thấy thoải mái, mình hay hạ vị thế của mình xuống. Ví dụ, trong một buổi phỏng vấn mà ứng cử viên quá rụt rè, mình tìm cách làm cho người ta cảm thấy tự tin hơn bằng cách nói về những chủ đề mình biết rằng họ hiểu rõ và hỏi ý kiến của họ. Hay khi gặp một người mới mà người đó có vẻ bẽn lẽn, mình hạ thấp bản thân xuống bằng cách kể những câu chuyện ngớ ngẩn mình làm để gây cười.
Khi cần sự giúp đỡ của ai đó, mình hạ vị thế của mình xuống. Kỹ năng này có lẽ giúp mình đi nhờ xe hay ăn nhờ ở đậu thành công trong suốt 3 năm trời xách ba lô lên và đi. Mình cho họ thấy mình là một cô bé đơn độc, không quen biết ai, không biết nhiều về đất nước sở tại, và rất có thể sẽ làm nhiều điều ngốc ngếch gây tổn hại cho bản thân. Nhiều người coi đó là emotional manipulation – mánh khoé điều khiển cảm xúc, và quả thực nó là một mánh khoé để điều khiển cảm xúc. Hãy dùng kỹ năng này một cách trách nhiệm.
Tương tự như vậy, khi không muốn người khác nhờ vả mình, mình hạ vị thế của mình xuống để người ta thấy rằng mình bất lực, chẳng giúp gì được họ đâu.
Chắc bạn cũng biết hiện tượng nhiều phụ nữ xinh đẹp ít đàn ông tán tỉnh, nhưng nhiều phụ nữ nhan sắc cũng bình thường lại không thiếu đối tượng ve vãn. Theo mình, những người phụ nữ có nhiều đàn ông tán tỉnh là những người đặt bản thân họ vào vị thế thấp, cho đàn ông cảm giác tự tin tiếp cận. Mình nói mọi người đừng cười nha, nhưng thỉnh thoảng, khi muốn có trai tán, mình hay chọn cách làm cho bản thân nhìn đơn độc (tách ra khỏi nhóm bạn), cười hiền lành, có vẻ hơi lóng ngóng, nói chung để hạ vị thế của mình xuống cho trai cảm thấy dễ tiếp cận.
Làm sao để hạ vị thế của bạn xuống?
Như mình nói ở trên, nói nghe thì dễ nhưng nó không phải là một điều đơn giản.
Điều đầu tiên là cố gắng chiếm dụng ít không gian bằng cách thu nhỏ vai, thu nhỏ chân, hơi cúi đầu (đừng cúi đầu quá lộ liễu, nhìn trơ lắm). Bạn cũng có thể hạ vị thế của mình bằng cách nâng vị thế của người bạn tương tác.

Xin phép họ để làm việc gì đó.

  • Xin ý kiến của họ.
  • Xin lời khuyên.
  • Bày tỏ lòng biết ơn.
  • Xin lỗi về việc gì đó bạn làm.
  • Đồng ý với họ (khác với việc chấp thuận ý kiến của họ, vì chấp thuận đặt bạn vào vị trí người đánh giá).
  • Chấp nhận sự đánh giá của họ mà không yêu cầu bằng chứng.
  • Thưa gửi.
  • Cho họ thấy rằng điều bạn làm thua kém điều họ làm rất nhiều.
  • Nói đến những thất bại hay thiếu sót của bạn.
  • Khen ngợi họ theo cách thể hiện sự ngưỡng mộ, thay vì đánh giá.
  • Nghe lời họ.
  • Để họ thắng khi chơi gì đó.
  • Đợi họ.

Mình nên sử dụng thông tin về vị thế này như thế nào Những hiểu biết về vị thế có thể được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Bạn có thể chọn vị thế cho bản thân để đạt được mục đích bạn mong muốn. Bạn cũng có thể quan sát ngôn ngữ, cử chỉ của đối phương để biết họ chọn vị thế gì, qua đó biết được họ nghĩ gì về bạn. Trở thành chuyên gia về vị thế có thể giúp bạn thay đổi tình thế, biến bại thành thắng. Mình không là chuyên gia, nhưng học về vị thế đã giúp mình hiểu thêm nhiều điều về tương tác giữa con người, và giúp mình đạt được một số điều mình mong muốn. Mình rất hy vọng những điều mình chia sẻ ở đây có ích cho bạn. Nếu bạn có ý kiến đóng góp gì, xin hãy viết ở dưới nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này.  

Theo FB Huyen Chip

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,971 lượt xem