Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Là Sinh Viên, Làm Thế Nào Để Xây Dựng Một Thương Hiệu Cá Nhân Mạnh Trong Mắt Nhà Tuyển Dụng?

Trong số hơn 7 tỷ dân trên trái đất này, chỉ có 1 người như bạn. Rõ ràng khi có mặt trên đời, mỗi con người là một cá thể độc lập có một không hai. Nhưng nếu thế thôi thì chưa đủ. Làm thế nào để để biến một cá nhân bình thường thành một cá nhân có thương hiệu mạnh, đồng thời “thương hiệu” đó có ảnh hưởng không chỉ tới cuộc sống của cá nhân mà còn có sức tác động lớn tới cộng đồng xung quanh. Khi còn là sinh viên bạn có bao giờ mong muốn mình là một – ai – đó trong số hàng trăm hàng nghìn sinh viên trong trường? Khi bắt đầu cuộc chạy đua xin việc, đặc biệt là các công ty có tiếng, bạn có tự hỏi liệu mình có gì đặc biệt so với các ứng viên khác để bạn là ứng viên mà nhà tuyển dụng tìm kiếm?

Thương hiệu cá nhân là một khái niệm không còn xa lạ, đặc biệt với các bạn sinh viên và giới trẻ ngày nay. Nó đơn giản là thứ giúp phân biệt bạn với hàng trăm, hàng nghìn hay hàng tỷ người khác. Chỉ cần nhắc tới một đặc điểm, một lĩnh vực, một ngành nghề hay một hoạt động nào đó là tự khắc một cái tên “có thương hiệu” hiện ra. Thương hiệu cá nhân, có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực nhưng bài viết này sẽ chỉ đề cập tới vai trò của thương hiệu cá nhân của sinh viên đối với những nhà tuyển dụng, tức cách để xây dựng thương hiệu cá nhân mạnh và có giá trị tốt trong cộng đồng. Cũng giống như việc, nhắc đến BMW, người ta nhớ tới một hãng xe sang đắt đỏ, thời trang bậc nhất trên thế giới và nhắc tới Toyota thì người ta không nghĩ gì khác ngoài một hãng xe Nhật bền, giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu. Về cơ bản, xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình là cách bạn tự phân biệt mình với người khác một cách rõ ràng, đồng thời khẳng định giá trị riêng có của bản thân, đặc biệt là trong việc ứng tuyển vào những công ty lớn thu hút hàng nghìn hồ sơ. Đơn giản, nếu bạn chẳng có gì khác biệt, nổi bật so với những người khác, bạn sẽ thất bại ngay từ khâu nằm trong “vùng được để ý tới” của nhà tuyển dụng.

Nhiều bạn đến đây có lẽ sẽ vô cùng băn khoăn, lo lắng khi không biết làm thế nào để xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh. Nghe cái cụm “thương hiệu cá nhân”, nhiều người có thể sẽ nghĩ nó là một điều xa vời với mình. “Làm sao mà xây dựng thương hiệu để người ta biết đến, không lẽ phải đi rêu rao khắp nơi tôi thế này, tôi thế kia?”. Tất nhiên, việc tự tạo nên một thương hiệu cá nhân cho bản thân không hề dễ, những cũng sẽ không khó chút nào nếu như bạn có mục đích rõ ràng, một lộ trình cụ thể và một phương pháp phù hợp. Tại ngôi trường bạn theo học, bạn có bao giờ vào profile của một ai đó mà bạn ngưỡng mộ và thấy thật “choáng” vì một list những thành tựu? Hay bạn có thường nói chuyện với bạn bè về một bạn nào đó, mới năm 3 đã trở thành trợ lý giám đốc cho một công ty có tiếng tại Hà Nội? Thực ra, bạn hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự như vậy. Chỉ khác là họ đã bắt đầu xây dựng thương hiệu cho mình từ rất sớm và đang đi theo hướng đúng. Và nếu bạn vẫn chưa khởi động cho cuộc đua ấy, thì bây giờ đã đến lúc rồi đó.

Có rất nhiều cách khác nhau để tự xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh. Bạn này có thể phù hợp với cách này, bạn kia có thể thích cách kia, miễn sao các bạn đều có thể tự khiến mình trở nên đáng giá và “khan hiếm” đối với nhà tuyển dụng. Phụ thuộc vào tính nhất quán và hữu ích trong việc áp dụng, bào viết sẽ đưa ra 6 bước để xây dựng thương hiệu thành công.

Bước 1: Đăt ra một mục đích rõ ràng, những mục tiêu cụ thể và lộ trình dài hạn cho bản thân

Có lẽ điều này các bạn đã nghe rất nhiều lần, nhưng có dám chắc bạn đã hay đã sẵn sàng xác định điều bạn muốn trở thành trong tương lai chưa? Hãy trả lời cho câu hỏi “thương hiệu cá nhân của mình đại diện cho điều gì?” và hãy trả lời một cách rõ ràng, cụ thể và quan trọng là đó là điều bạn mong muốn. Sau khi đã xác định được mục đích, bạn cần đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và luôn nhớ rằng hãy tuôn theo quy tắc SMART (S: Specific – rõ ràng, cụ thể, M: Measurable – đo lường được, A: Achievable – có thể đạt được, R: Realistic – thực tế, T: Time-bound – theo khung thời gian). Việc đặt ra được mục đích, mục tiêu cho bản thân sẽ giúp bạn định hình được con người trong tương lai, hay thương hiệu cá nhân của bạn nói gì về bạn. Quan trọng hơn hết đó là giúp bạn xác định đích để đi đến mà không tốn thời gian, sức lực để mò mẫm tìm đường.

Ví dụ, giả sử bạn mong muốn trở thành một Marketing Executive tại một công ty đã quốc gia trong vòng 15 – 20 năm, hãy bắt đầu vẽ ra một lộ trình cụ thể. Trước hết, hãy trau dồi kiến thức chắc chắn về ngành. Những khóa học, chứng chỉ hay văn bằng Đại học, Thạc sỹ sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của bạn. Bên cạnh đó, mở rộng hiểu biết về ngành, cố gắng tham gia những cuộc thi có liên quan đến Marketing và nằm trong top 5. Ngoài ra, bạn cần dành thời gian thực tập nghiêm túc cho một công ty về mảng Marketing, luyện tập những kĩ năng mềm quan trọng để tăng sự tự tin. Hơn nữa, việc có những kinh nghiệm quốc tế cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều tới việc hòa nhập với môi trường làm việc đa quốc gia. Tất nhiên, hãy cụ thể hóa tất cả những điều trên theo nguyên tắc SMART. Cuối cùng, hãy xây dựng cho mình một hoài bão đủ lớn và thể hiện trước các nhà tuyển dụng nhé.

Bước 2: Hãy rèn luyện và trau dồi bản thân thật tốt

Việc bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm và nâng cao thành tích là một quá trình dài, cần nhiều nỗ lực và sự bền bỉ mà không phải ngày một ngày hai là có thể khiến bạn trở nên tốt hơn. Dù bạn có thể rất giỏi trong việc thể hiện bản thân hay PR mình trước nhà tuyển dụng nhưng nếu thực chất bạn chỉ là một “thùng rỗng kêu to” thì cũng không thể vượt qua được trăm cửa ải từ phía nhà tuyển dụng. Họ hoàn toàn có thể kiểm chứng được những thành tích trong profile của bạn có phải thật hay không và bạn có thực sự học được những kinh nghiệm đó từ quá trình rèn luyện bản thân hay không bằng nhiều cách. Bởi thế, thay vì cố gắng làm dày bản lí lịch của bản thân với hàng tá những hoạt động, những thành tích mà bạn chẳng học hỏi được gì hay chẳng có liên quan gì đến công việc mà bạn muốn ứng tuyển, thì hãy cố gắng lựa chọn và thực hiện những điều mà bạn cảm thấy thực sự có ích cho công việc và khiến bạn tốt lên từng ngày.

Hãy cố gắng tích lũy kiến thức mọi lúc mọi nơi, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kĩ năng mềm, đi làm thực tế để trưởng thành hơn, hoặc có thể tham gia một số cuộc thi liên quan tới chuyên ngành bạn chọn, nhưng cố gắng nằm trong top nhé. Bên cạnh đó, cũng đừng quên chăm chỉ luyện tâp thể dục, thể thao và trải nghiệm thực tế nhiều hơn nhé. Khi nhìn lại, bạn thấy mình đã trưởng thành và giỏi giang hơn vì bạn đã chạy được quãng đường xa so với điểm xuất phát.

Bước 3: Theo dõi và tìm kiếm cơ hội

Bây giờ, bạn có kiến thức và kỹ năng tốt, nhưng sẽ dùng nó làm gì nếu cứ nằm “há miệng chờ sung”. Không cánh cửa nào tự mở nếu như bạn không mở khóa. Bởi vậy, việc thường xuyên theo dõi các trang web, fanpage hay tham gia vào các nhóm sẽ giúp bạn bổ sung kiến thức chuyên ngành, cải thiện những kĩ năng mềm, tìm kiếm những cơ hội nâng cao trình độ bản thân và tham khảo việc làm.

Việc theo dõi thông tin về học bổng, việc làm, hoạt động tình nguyện,… không chỉ giúp bạn tìm kiếm cơ hội ứng tuyển. Hơn nữa, khi bạn chịu khó đọc tin, bạn sẽ tìm thấy những bản mô tả công việc tương tự cho cùng một ngành liên quan. Từ đó, bạn hiểu được hầu hết những nhà tuyển dụng cần gì ở các ứng viên trong cùng một lĩnh vực. Nhờ vậy, bạn có thể bổ sung những điểm còn thiếu, đồng thời chọn lọc thông tin, những thông tin cá nhân phù hợp để xây dựng một thương hiệu đúng và chuẩn với ngành nghề và vị trí mà bạn muốn ứng tuyển.

Giả sử với một điều kiện trong Job Description cho vị trí chuyên viên Social and Digital Marketing như sau: Hỗ trợ Lãnh đạo trong việc xây dựng chiến lược digital & social marketing để hướng luồng giao thông trực tuyến (online traffic) của đối tượng mục tiêu đến các website dự án của công ty”. Bạn biết rằng nếu mình ứng tuyển vào vị trí này thì phải có kinh nghiệm, kiến thức liên quan tới digital & social marketing hoặc đã từng làm thực tập cho một startup nhằm thu hút traffic vào website. Bạn không thể đưa ra những nội dung không liên quan như làm trợ giảng tại một trung tâm Tiếng Anh để phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu được.

Bước 4: Tạo hồ sơ cá nhân nhằm thu hút nhà tuyển dụng

Việc tạo hồ sơ cá nhân để thu hút các headhunters cũng tương tự như bạn đang PR những giá trị của bản thân mà doanh nghiệp cần và bán năng lực của bạn đúng nơi, đúng cách. Và tất nhiên, sự khiêm tốn trong việc đưa thương hiệu cá nhân của mình đến với nhiều người là không cần thiết. Đừng nghĩ rằng đó là một sự khoe khoang bản thân. Chẳng ai cấm bạn làm điều đó cả, quan trọng, bạn làm điều đó để phục vụ cho chính bạn và tương lai của bạn.

Có nhiều công cụ tạo profile cá nhân, nhưng hiện nay thông dụng và hiệu quả nhất là mạng xã hội LinkedIn. Khác với một số trang mạng xã hội khác – một cộng đồng rất rộng để phục vụ mục đích giải trí cá nhân, LinkedIn là nơi hội tụ nhiều nhà tuyển dụng, những headhunters đến từ nhiều công ty, doanh nghiệp đang “lục lọi” profile để thu nhận những ứng viên phù hợp. Nhiệm vụ của bạn đó là lập một hồ sơ cá nhân hoàn chỉnh với những thông tin về quá trình học tập, kinh nghiệm nếu có và các hoạt động bổ trợ cho kĩ năng mà công việc yêu cầu. Lúc này, nếu bạn có một profile tốt và phù hợp với vị trí công ty đang thiếu, thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu bạn nhận được lời mời ứng tuyển từ các nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, bạn cũng nên chăm chút cho facebook một chút vì nhà tuyển dụng có thể bất ngờ xem profile của bạn tại đây đó. Tuy nhiên điều ấy thì có vẻ không phổ biến. Nhưng một lời khuyên không thừa dành cho bạn là thay vì đăng những dòng trạng thái tiêu cực hay nói xấu về công ty bạn đang làm việc, hãy viết những bài kỹ năng hoặc share những tài liệu hay và có ích cho mọi người. Điều đó sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao bạn hơn.

Bước 5: Duy trì và mở rộng những mối quan hệ

Trong khi các doanh nghiệp đang dần tiến tới phương thức tuyển dụng truyền miệng – tuyển dụng thông qua nguồn giới thiệu từ các nhân viên hiện tại thì việc mở rộng network là điều hoàn toàn có lợi. Truyền miệng cũng là cách tốt để quảng bá thương hiệu cho bạn. Hãy cố gắng mở rộng nhiều mối quan hệ càng tốt bằng cách: lên danh sách những người mà bạn muốn xây dựng network, liên lạc với họ, trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ từ những ai giàu kinh nghiệm, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và củng cố để chúng thêm vững bền.

Đến một ngày nào đó, chính bạn cũng sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng hóa ra chính những con người ấy đã đem đến cho mình cơ hội và giúp mình trở thành con người như ngày hôm nay bởi họ chính là những người đưa thương hiệu của bạn tới người mà bạn muốn tìm gặp. Điều đó thật tuyệt vời phải không.

Bước 6: Giữ vững và thúc đẩy thương hiệu ngày một mạnh lên

Không gì giữ vững thương hiệu mà bạn sở hữu tốt hơn ngoài việc làm thật tốt những công việc mà bạn chịu trách nhiệm. Đừng để sau khi trở thành nhân viên chính thức của một công ty lớn, sếp của bạn phải cảm thấy thất vọng khi đã tuyển bạn khi những công việc bạn được giao không được làm đến nơi đến chốn hay thái độ không tốt tại môi trường mới. Họ đã tuyển bạn thì họ chắc chắn có thể sa thải bạn nếu bạn làm không tốt. Vì thế, thương hiệu không được dựng nên ngày một ngày hai, cũng không thể chỉ tồn tại vài ba khoảnh khắc mà bạn cần phải duy trì nó như một phần quan trọng của bạn suốt cuộc đời.

Để thúc đẩy thương hiệu, bạn cần có những bước đột phá nữa. Việc viết những bài báo hữu ích về kỹ năng sống, nghề nghiệp, học tập hay những chia sẻ về góc nhìn, quan điểm không chỉ giúp xây dựng hình ảnh cá nhân mà còn khiến bạn trở nên có tầm ảnh hưởng rộng lớn tới cộng đồng. Đó là điều không phải ai cũng làm được. Bạn cần bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng thật tốt để làm được điều đó. Và bạn hoàn toàn có thể làm được nếu bạn có quyết tâm, hoài bão đủ lớn.

Hành trình xây dựng thương hiệu thật dài và nhiều gian nan, nhưng bạn sẽ làm được nếu bạn có ý chí. Những gì bạn nhận được sẽ còn giá trị gấp ngàn lần. Đó chính là “tiếng thơm”.

                                              -----------------------------------------------------

                                                        Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.

                                                 Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn "Theo YBOX.VN''.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

13,699 lượt xem