Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Sao Để Đi Thực Tập Ở Nước Ngoài?

Mùa xuân năm 2014, quý thứ hai trong năm học đầu tiên của Mỹ, mình đã hết sức kinh ngạc khi nghe Jaime than thở rằng anh thích một công việc nhưng họ trả lương thấp -- chỉ trả 20 ngàn đô cho 12 tuần làm việc. Dĩ nhiên, điều mình kinh ngạc đầu tiên là con số. Mình cứ nghĩ thực tập nghĩa là làm việc không công, gần 7 ngàn đô/tháng còn bị coi là thấp thì có phải anh chàng Jaime này nói điêu hay sao. Điều khiến mình kinh ngạc khác là khi đấy Jaime mới chỉ là sinh viên năm thứ hai. Chẳng phải ở Việt Nam phải đến tận năm ba, năm cuối sinh viên mới đi thực tập đấy thôi?
 
Sau buổi nói chuyện với Jaime đấy, mình bắt đầu hỏi han những người xung quanh về chuyện thực tập của họ. Hầu hết mọi người đều bắt đầu thực tập từ khi còn là sinh viên năm đầu -- một mùa hè mà không có kế hoạch làm gì là một sự lãng phí thời gian. Người nào, khi bị hỏi về kế hoach mùa hè, mà trả lời rằng tao sẽ chỉ ở nhà nghỉ ngơi thư giãn với bố mẹ thì sẽ nhận được câu an ủi rằng “ờ thì có thời gian cho gia đình cũng tốt", nhưng ẩn sau câu nói đó sẽ là một sự thương cảm rằng chẳng nhẽ mày không tìm được việc hay sao. Chuyện thực tập không công cũng đã là một việc của quá khứ. Ở Silicon Valley nơi mình sống, ít nhất là trong ngành công nghệ, mức lương trung vị (median) cho một tháng thực tập là $6,800. Con số này chưa kể những khoản phụ thêm như xe công ty đưa đón, nhà ở, ăn uống miễn phí. Con số trung vị này đồng nghĩa với việc một nửa các công ty công nghệ sẽ trả cao hơn mức $6,800/tháng đó. Mình biết bạn bè mình nhiều người nhận được mức lương trên 10 ngàn đô/tháng.
 
Các công ty không những không dè dặt với khoản lương này, mà còn rất xông xáo tìm kiếm sinh viên thực tập. Các công ty thường bắt đầu tuyển dụng cho vị trí thực tập mùa hè này từ năm ngoái. Tại Stanford, hội chợ việc làm với hàng trăm công ty tham dự được tổ chức từ tháng 10, tháng 11. Mình hỏi nhà tuyển dụng tại sao họ lại tuyển dụng sớm như vậy. Họ bảo là để tìm kiếm được những sinh viên xuất sắc nhất. Những sinh viên năng nổ thường sẽ có lời mời làm việc từ tháng 12. Nếu công ty nào chậm trễ thì sẽ chỉ có được hàng rớt. Do mình đang dạy một lớp khá hot ở Stanford, các công ty hay liên hệ mình nhờ giới thiệu sinh viên. Nhưng nếu công ty nhờ khoảng tháng 3, tháng 4 cho một vị trí bắt đầu vào tháng 6, tháng 7, mình thường ngao ngán bảo với công ty rằng sinh viên của mình có nơi có chốn hết rồi.
 
Mình đã rất băn khoăn về việc một sinh viên thực tập có thể làm cái quái gì để xứng đáng với mức lương 7 ngàn đô/tháng. Mình hỏi bạn bè mình rằng họ làm gì ở công ty thực tập. Có nhiều người cảm thấy mình có ích, làm được tính năng này hay tính năng kia cho sản phẩm. Có nhiều thực tập làm việc cật lực không thua kém gì nhân viên chính. Nhưng mình cũng biết nhiều người cảm thấy họ chẳng được giao công việc gì quan trọng cả. Thực tập với một số công ty đơn giản chỉ là một cách đầu tư cho tương lai. Họ trả lương cao cho những sinh viên xuất sắc với hy vọng rằng những nhân viên này sẽ quen với công việc, cảm thấy yêu quý công ty, và quay trở lại làm việc với công ty sau khi tốt nghiệp.
 
Một số bạn khi đọc đến đây chắc sẽ thắc mắc mục đích viết bài này của mình là gì. Chuyện thực tập ở Silicon Valley thật là xa xôi, liên quan gì đến các bạn trẻ Việt Nam? Nó không xa xôi đến mức đấy đâu các bạn ạ. Ở bên này, mình thỉnh thoảng vẫn gặp các bạn sinh viên Việt Nam sang thực tập. Bạn Chân thực tập ở Facebook. Bạn Triệu thực tập ở Google. Mình cũng đã gặp rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đi thực tập ở Ấn Độ, Singapore, Anh, Argentina. Bản thân mình hồi học cấp 3 cũng đã đi thực tập ở Singapore, và sau khi học xong cấp 3 đi làm việc ở Malaysia. Những chuyến đi thực tập ở nước ngoài không chỉ giúp các bạn hiểu thêm về ngành nghề mình làm, tiếp cận với môi trường làm việc đa quốc gia, mà còn cho các bạn trẻ cơ hội sống ở một đất nước xa lạ với bao nhiêu cái mới.
 
Cơ hội tuyệt vời vậy nhưng mình thấy còn ít các bạn Việt Nam ra nước ngoài thực tập. Mình hỏi các bạn tại sao không ra nước ngoài, các bạn thường bảo là không biết là có thể ra nước ngoài làm việc, hay sợ rằng mình không đủ trình độ. Chân và Triệu là nhân chứng sống cho việc các bạn sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ trình độ để đi thực tập ở nơi có yêu cầu gay gắt nhất như Silicon Valley, huống hồ là các nơi khác. Vậy làm sao để các bạn trẻ có thể đi thực tập ở nước ngoài?
 
Chuẩn bị các kỹ năng cần thiết
Kỹ năng đầu tiên bạn cần đến dĩ nhiên là tiếng Anh hay ngôn ngữ sở tại của nước bạn muốn đến. Nếu bạn nói được tiếng Nhật, bạn có thể tìm kiếm cơ hội bên Nhật. Nếu bạn nói được tiếng Tây Ban Nha, bạn có thể tìm kiếm cơ hội ở Nam Mỹ, Tây Ban Nha, hay bất kỳ một quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha nào.
 
Quan trọng không kém là kỹ năng làm việc. Bạn cần có một kỹ năng mà công ty nào đó có thể cần đến. Bạn có thể là lập trình viên, là người viết blog, là nhân viên bán hàng, là nhà tài chính, là nhà phân tích xác suất thống kê, y tá, kiến trúc sư. Nếu bạn chưa biết mình giỏi cái gì, bạn hãy chịu khó lên mạng tìm kiếm các khoá học về những chủ đề bạn yêu thích. Mình hay đọc tiểu sử của những người thành đạt trong các ngành nghề khác nhau để hiểu thêm con đường của họ: họ học gì trong trường, họ bắt đầu với những công việc gì, họ nhảy việc ra sao. Mình cũng chịu khó hỏi chuyện những người đi trước để xin họ lời khuyên về nghề nghiệp.
 
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Cái này bao gồm cả resume, hồ sơ trên LinkedIn, Facebook, blog cá nhân. Bạn có thể đọc thêm bài viết của mình: Kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân cho người bắt đầu tìm việc.
 
Tìm việc ở đâu, như thế nào
Có ba cách tìm việc chính. Một là tìm kiếm việc trên các trang tuyển dụng như LinkedIn, Handshake, Piazza. Mỗi quốc gia, một ngành nghề lại có một trang web tuyển dụng riêng. Bạn chỉ cần lên mạng gõ tên quốc gia + “job listings” hay “internships" sẽ thấy một đống các trang web tuyển dụng.
 
Các thứ hai là chủ động gửi thư đến các công ty hay những người lãnh đạo bạn thấy thú vị. Có một đợt mình cao hứng lên muốn sang châu Âu làm việc, mình tìm danh sách 100 công ty khởi nghiệp hot nhất châu Âu, tìm liên lạc của những công ty mình quan tâm, rồi gửi email đến giới thiệu bản thân và hỏi họ xem mình có thể giúp gì cho họ. Mình nhận được lời mời của một công ty ở Pháp và một công ty ở Anh. Việc thực tập hè năm ngoái của mình có được là do mình xem TED talk của sếp công ty đó (Sean Gourley), thấy anh quá hay ho, bèn viết thư xin làm việc cùng anh. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách viết thư hàng bản thân ở đây.
 
Cách thứ ba là nhờ người quen giới thiệu. Bạn cần phải chủ động xây dựng mạng lưới các mối quan hệ của mình. Có thể những người bạn quen không giúp ích cho bạn ngay lập tức, nhưng nếu họ làm trong ngành bạn quan tâm, họ có thể giúp bạn kết nối đến người đang cần tuyển dụng, hay gửi cho bạn công việc tuyển dụng. Công việc thực tập ở Singapore của mình là qua một người mình gặp ở một hội thảo ở Hồ Chí Minh giới thiệu.
 
Tìm hiểu về quy trình tuyển dụng
 
Mỗi quốc gia, mỗi ngành nghề, thậm chí mỗi công ty, lại có một quy trình tuyển dụng khác nhau. Công việc công nghệ ở Silicon Valley thường có quy trình tuyển dụng khá gắt gao. Bạn thường phải nộp đơn, làm bài kiểm tra kỹ năng lập trình, qua bài phỏng vấn kỹ thuật, rồi qua bài phỏng vấn tính cách. Hồi mình phỏng vấn với các công ty ở châu Âu thì thấy yêu cầu của họ lỏng lẻo hơn nhiều. Khi mình nói chuyện với một công ty, mình luôn hỏi quy trình tuyển dụng của họ như thế nào để mình có thể chuẩn bị.
 
Khi phỏng vấn với một công ty, mình thường lên những trang như Glassdoor để xem những người đã và đang ứng tuyển khác nói gì về quy trình tuyển dụng của công ty cũng như xem một số câu hỏi mà họ được hỏi trong cuộc phỏng vấn thực.
 
Một cách khác nữa là tìm kiếm nhân viên cũ của công ty đó để xin họ lời khuyên. Họ đã làm việc ở đó nên biết môi trường thế nào, và lý do họ nghỉ việc rất có thể sẽ cho bạn hiểu rõ thêm điểm yếu của công ty. Thỉnh thoảng mình nhận được email của ai đó hỏi rằng: “Tao thấy mày đã từng làm việc ở XYZ và tao đang phỏng vấn để làm ở đó. Liệu tao có thể mời mày đi uống cà phê để hỏi thêm về kinh nghiệm của mày được không?” Nếu email lịch sự thì mình thường không có lý do gì để từ chối cả.
 
Chọn công việc thế nào
Không phải công ty nào cũng sẽ cho bạn cơ hội được làm công việc bạn yêu thích, hay cho bạn cơ hội làm công việc trọng yếu. Một công ty thường sẽ có rất nhiều bộ phận khác nhau. Trải nghiệm của bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dự án bạn được giao hay người bạn làm việc cùng.
Bạn sẽ không biết những điều đó khi chỉ đọc về công ty. Khi nói chuyện với nhà tuyển dụng, bạn hãy hỏi họ về dự án họ muốn bạn làm cũng như mức độ mà họ muốn thực tập viên tham gia vào công ty. Bạn cũng nên hỏi họ về những dự án mà các thực tập viên trước đây đã làm, và nếu có thể, nói chuyện với một thực tập hiện tại hay quá khứ của công ty.
 
Làm việc có lương hay không có lương
Dĩ nhiên, có được mức lương như ở Silicon Valley thì quá lý tưởng. Nhưng không phải ở đâu cũng có mức lương như thế. Với nhiều bạn, bản thân cơ hội được làm việc ở nước ngoài đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của họ rồi. Khi làm ở Singapore, mình hoàn toàn không có lương. Mình chỉ xin họ hỗ trợ về mặt chỗ ở (một co-founder cho mình ở ké nhà anh), và hỗ trợ mình một khoản để ăn uống.
Bạn có thể lên mạng tìm kiếm về mức lương trung bình của thực tập viên nơi đó. Ví dụ, khi phỏng vấn với công ty ở Pháp, mình nhận được lời mời thua kém lời mời mình nhận được ở Silicon Valley khá xa. Nhưng sau khi tìm kiếm trên mạng về việc thực tập ở Pháp, mình nhận ra rằng mức lương đó đã cao hơn mức trung bình ở Pháp rất nhiều.
Nếu bạn đã có được lời mời, trước khi nhận lời, bạn nên tìm hiểu về mức sống ở nơi đó để xem bạn có thể sống ở đó với đề nghị nhận được hay không. Cơ hội làm việc ở nước sẽ có ích rất nhiều cho hồ sơ của bạn, nhưng liệu nó có đáng để bạn lâm vào cảnh công nợ hay không là câu hỏi mà chỉ bạn mới có thể trả lời được.
Mình viết tạm thế đã. Chúc các bạn tìm việc thành công!
Đây là bài thứ 5 trong loạt bài kỹ năng của Huyền Chip. Đây là link đến các bài trước:
 
Theo Fb cá nhân Huyền Chíp

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

8,124 lượt xem