Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Sao Để Ngừng Cảm Thấy Mình Là Nạn Nhân?

"Thách thức lại những tiếng nói tiêu cực trong nội tâm là cách để vượt qua cảm giác mình là nạn nhân. Từ bỏ cảm giác bị tổn thương và tổn thương sẽ tự nó biến mất" – Marcus Aurelius, "Thiền định" ("Mediations").

Một trong những cách kiểm soát không hiệu quả cơn giận của mình mà nhiều người thường làm là coi mình là nạn nhân. Trong một bài blog trước đây, “Đừng chơi trò nạn nhân”, tôi đã mô tả các tính cách của những cá thể bị mắc kẹt trong khuynh hướng mình là nạn nhân đối với cuộc sống vì họ cảm thấy không thoải mái với chính cơn giận của mình. Trong quá trình trả lời các câu hỏi của độc giả, tôi đã nhờ Joyce Catlett, bạn đồng tác giả của tôi, phác hoạ chi tiết một số phương thức mang tính trị liệu mà mọi người có thể làm theo để tránh việc mình đang đóng vai nạn nhân.

Để nhắc lại những động lực nền tảng của vấn đề này, tôi đã giải thích [trong bài viết trước] rằng nhiều người xem mình là nạn nhân, dù không cố tình, bởi vì họ sợ cơn giận của chính mình, chối bỏ sự tồn tại của nó trong bản thân họ, trút lên đầu người khác, và dự liệu sự phẫn nộ hay những việc gây hại từ người khác. Với sự mong đợi như vậy và một độ nhạy cảm cao đối với cơn giận của người khác, họ thậm chí có thể bóp méo các biểu hiện trên khuôn mặt của người khác, tưởng tượng rằng người khác có những mưu ý định đen tối nào đó. Sự tức giận mà những người này có thể đã trải nghiệm khi phản ứng lại trước sự thất vọng hay căng thẳng được biến đổi thành sự sợ hãi và không tin tưởng nơi người khác, cùng với cảm giác bị hại và tổn thương.

Những người lún sâu vào cảm giác mình là nạn nhân có xu hướng coi các sự việc trong cuộc sống của họ như các biến cố xảy đến với họ và cảm thấy bất lực và choáng ngợp. Họ cũng hành động dựa trên giả định cơ bản rằng thế gian này cần phải công bằng, điều mà rõ ràng chỉ là cách suy nghĩ của trẻ con. Họ thường có khuynh hướng phản chiếu những tình cảnh trong những năm đầu thời thơ ấu của họ, khi họ đúng là bất lực, vào những tình huống và các mối quan hệ hiện thời, và thất bại trong việc nhận ra rằng họ, như những người lớn, mạnh mẽ hơn nhiều so với khi họ còn nhỏ.

Có vài cách để chuyển từ lập trường “là nạn nhân”, đặc trưng bằng sự bị động và hành vi dựa trênsức mạnh tiêu cực, sang một lập trường trưởng thành hơn được thể hiện ở việc chủ động đối phó với các tình huống và sức mạnh tích cực từ bản thân. Người ta có thể nhận biết và xác định được những suy nghĩ tiêu cực cụ thể – những tiếng nói nội tâm quan trọng – dẫn đến cảm giác là nạn nhân; và họ có thể theo các bước để phát triển những cách tiếp cận tích cực hơn để ứng phó với sự tức giận của bản thân.

Xác định những tiếng nói nội tâm quan trọng dẫn đến khuynh hướng “là nạn nhân” đối với cuộc sống

Để thoát khỏi thái độ “là nạn nhân”, điều quan trọng là cần phải xác định các tiếng nói nội tâm quan trọng khiến ta tập trung vào sự bất công, chẳng hạn như “Thật không công bằng. Điều này lẽ ra không nên xảy ra với mày. Mày đã làm gì để đáng bị đối xử như thế?” Những suy nghĩ tiêu cực này thúc đẩy sự thụ động và cảm giác bất lực trong khi kiềm hãm các hành động có thể thay đổi một tình huống không vui hay không thể kháng cự.

Sự tức giận và bất tin ở mức độ thấp được khơi dậy trong con người khi người ta “nghe” thấy những tiếng nói bảo với họ rằng người khác không ưa họ hay để ý đến họ hay các mối quan tâm của họ. “Họ không bao giờ để ý xem mày cảm thấy thế nào. Họ nghĩ họ là ai?” hay “Người ta đơn giản chỉ là không thèm quan tâm.”

Trong môi trường làm việc, nhiều người có thái độ thù địch trên cơ sở những tiếng nói nội tâm bảo rằng họ đang bị bóc lột: “Sếp của mày đúng là tên khốn! Không một ai thấy hắn có đóng góp gì.” “Không một ai coi trọng mày cả.” “Tại sao họ được nghỉ ngơi còn mày thì quần quật?” Tương tự như thế, các tiếng nói nội tâm bảo một người rằng anh/cô ta là nạn nhân bị người khác đối xử tệ bạc góp phần tạo nên cảm giác bị thiếu tôn trọng và phân biệt, ví dụ như, “Họ sẽ lấy mày ra làm trò cười. Họ không có tôn trọng mày.” Những cảm giác được hình thành từ những suy tư này dẫn tới những nghĩ ngợi hướng nội u buồn cực độ, sự bất bình chính trực [trong cách nhìn nhận của họ – ND], và sự nung nấu trả thù. Nhận biết được và thách thức lại các tiếng nói tiêu cực là một cách chủ đạo để vượt qua khuynh “mình là nạn nhân”.

Những cách tiếp cận tích cực để ứng phó với sự phẫn nộ

Thứ nhất, hết sức quan trọng để nhấn mạnh rằng giận dữ chỉ là một phản ứng cảm xúc đơn giản và vô lý đối với sự thất vọng và không đòi hỏi phải có sự biện hộ nào; thật sự bình thường để một người cảm thấy bất kể gì người đó cảm thấy. Mức độ của sự giận dữ tỉ lệ với mức độ của sự thất vọng chứ không phải lý trí hay sự hợp lý của tình huống. Khi người ta cố gắng hợp lý hoá cơn giận của mình và sau đó cảm thấy mình là nạn nhân, họ bị kẹt trong cảm giác giận dữ theo một hướng không đúng và dẫn tới trạng thái suy nghĩ u buồn khiến họ xa lánh những người chung quanh.

Vì vậy, về mặt hành động, mọi người cần phải bỏ khỏi từ điển của mình một số từ mà họ có thể sẽ dùng để biện minh cho cơn phẫn nộ của bản thân, những từ như “công bằng’, “nên”, “đúng” và “sai”. Trong một mối quan hệ, từ “nên” thường ám chỉ sự bắt buộc. Ví dụ như, ai đó nói, “Bởi vì chúng tôi sống cùng nhau (kết hôn), bạn đời của tôi ‘nên’ yêu thương tôi, ‘nên’ chăm lo cho tôi, ‘nên’ chăn gối với tôi” thì họ đang nói ở vị trí là một nạn nhân. Khi người ta gắn cảm xúc thất vọng của họ với sự kỳ vọng một ai đó có nghĩa vụ làm tròn thì cảm giác “mình là nạn nhân” và hoang tưởng sẽ xuất hiện, không thể nào tránh khỏi.

Bằng cách thách thức những cách nói theo thói quen này, một người sẽ phát hiện ra một dạng giao tiếp mới liên quan đến việc chịu trách nhiệm đối với cảm xúc và hành động của mình và vẫn để họ tự do khám phá những phương thức khác. Trong một mối quan hệ tình cảm mật thiết, những người bạn đời có thể học cách trò chuyện về cơn giận của họ với một giọng điệu không kịch tính và thừa nhận bất kể chút nào cảm xúc “mình là nạn nhân”. Hình thức giao tiếp này ít gây sự phẫn nộ đối lại từ người kia và tạo điều kiện cho mọi người ứng xử với cơn giận của họ theo cách ít làm đau người còn lại nhất.

Sẽ tốt hơn đối với những người thường diễn đạt sự tức giận của họ dưới hình thức sự bất bình chính trực hay những suy nghĩ u buồn của việc cảm thấy là nạn nhân, để từ bỏ giả định cơ bản rằng họ là các nạn nhân ngây thơ của số phận. Và cũng quan trọng đối với họ là họ cần từ bỏ cảm giác họ có quyền và nhận ra rằng họ không tự nhiên xứng đáng nhận được thứ gì như được đối xử tốt từ người khác. Để thích nghi, họ cần chấp nhận rằng thế giới này không nợ họ điều gì – cuộc sống hay hạnh phúc hay môi trường tốt đẹp. Đặt mình vào vị trí nạn nhân, cho rằng mình hiển nhiên được phép nhận được cái gì đó tốt hơn, những điều đó góp phần tạo nên cảm giác mình bị qua mặt hay phản bội, và rồi nó sẽ làm cảm giác mình đáng thương và những cơn giận dữ bất lực trở nên trầm trọng hơn.

Hành động để thay đổi những tình huống khiến một người cảm thấy không vui sẽ thách thức khuynh hướng coi mình là nạn nhân. Ví dụ như, nếu một người cảm thấy bế tắc trong một mối quan hệ không tốt đẹp hay tình huống bất khả kháng nơi làm việc, một người có thể tự xem xét để quyết định xem sự thụ động có ảnh hưởng nhiều đến tình cảnh hơn là mình đã nghĩ hay không, và sau đó nên cố gắng để chủ động và quyết đoán hơn. Tránh than phiền về những tình huống không như ý này với người khác theo kiểu trút vấn đề vào người nghe cũng là một điều khôn ngoan. Trong các cuộc gặp gỡ tương tác của một người, cần biết phân biệt được sự khác nhau giữa sự thương cảm (có chút thương hại) và sự đồng cảm, và không nên đòi hỏi hay thể hiện lòng thương cảm. Thể hiện sự thương cảm cũng như cố gắng để gợi được sự thương cảm từ người khác đều không tốt vì cả hai việc đều củng cố thêm suy nghĩ “mình là nạn nhân”.

Bằng việc chấp nhận cảm xúc giận dữ của mình, một người ít khi bộc lộ nó ra theo một cách tai hại hay nhận vai nạn nhân. Lý tưởng nhất, thay vì kìm nén hay chối bỏ cảm xúc giận dữ, một người nên nhìn nhận phản ứng tức giận của mình đồng thời phân biệt rõ ràng giữa cảm xúc và hành động. Khi một người rời bỏ được thái độ “tôi là nạn nhân” và thừa nhận cơn giận như một phần cơ bản làm nên con người mình, họ sẽ có khả năng lựa chọn cách để họ diễn đạt hay thể hiện sự tức giận theo cách tích cực và phù hợp nhất với những mối quan tâm và mục tiêu của họ. Khi đó, góc nhìn tự trói buộc và xem mình là nạn nhân sẽ không còn khống chế cuộc sống của họ nữa.

Theo phattrienbanthan.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,714 lượt xem