Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Sao Tập Trung Làm Việc 4 Tiếng Liền?

 

Gần đây có bạn hỏi, “Anh ơi, làm sao tập trung học 4 tiếng liền mà không mệt?”

Câu hỏi làm tôi phải nghiệm lại bản thân và giật mình nhận ra, ngày xưa nhiều hôm học liền 5 tiếng, còn bây giờ nhiều lúc viết sách, code web có khi tới 7 tiếng liền là chuyện bình thường. Như vậy câu trả lời là có, nhưng làm sao để thực hiện một cách khoa học và tránh tình trạng “phấn khích ảo” – tức là có thể làm hăng say không mệt tí nào (lúc đó), nhưng sau ấy thì ngủ bù cả buổi, thì cũng bằng hòa!

Chuyện: Chàng trẻ trâu và bác thợ lùn

Chuyện kể rằng có chàng trai to khỏe nghe tin bà chủ khu rừng nọ tuyển thợ cưa. Anh tới ứng tuyển thì thấy “đối thủ” của mình là một bác nhìn như người lùn.

“Này chàng trai,” bà chủ nói. “Rõ ràng là với lợi thế từ đầu tới chân, cái gì cũng to như anh thì ta biết mình sẽ chọn ai, nhưng ta vẫn sẽ thử việc cả hai.”

Thế là bà chủ đưa cho mỗi người một cái cưa và chỉ cho một mảnh rừng khác nhau để thử thách.

Chàng trai tin chắc phần thắng trong tay mình, chàng hì hục cưa ngày cưa đêm không ngừng nghỉ. Điều làm chàng băn khoăn nhất là rất nhiều lúc trong ngày, thấy bác thợ lùn vác cưa đi ngang qua với tách trà nóng hổi, vừa đi vừa huýt sáo và trao cho chàng một nụ cười không thể nguy hiểm hơn. Chàng lắc đầu thương hại, đã thua mình sức trẻ, lại còn… lười. Thôi kệ bác ta!

Cuối tuần, bà chủ tới nghiệm thu và thông báo kết quả. Bác lùn kia được chọn. Chàng trai bực lắm và quyết hỏi bà chủ cho ra nhẽ.

“Tại sao anh bị loại ư?” Bà chủ chống hai tay ngang hông. “Anh cưa cả tối, lửa tóe ra khiến con tôi tưởng ma trơi mà mất ngủ. Rồi tiếng ồn làm mấy bô lão xung quanh cũng không ngủ được. Mà quan trọng nhất là bác kia cưa được gỗ nhiều gấp rưỡi anh!”

Hai lý do đầu tiên thì ổn, nhưng lý do thứ ba thì… Rõ ràng bác lùn kia lười hơn chàng, sao số gỗ lại nhiều hơn? Chắc chắn có gì đó mập mờ. Thế là chàng trai quyết định tới gặp bác lùn kia hỏi chuyện.

“Này, bác ăn trộm gỗ của tôi hả?” Chàng trai hỏi. “Bác lười thế sao mà nhiều gỗ hơn tôi được?”

Bác lùn cười lớn, rồi ôn tồn nói. “Ta già rồi, còn giở trò… trẻ trâu đó làm gì. Ngồi xuống đây mà nghe bí mật lười thông minh này.”

Rồi hai người ngồi xuống uống trà. Bác lùn giải thích rằng khi chàng ta cưa hì hục như thế mà không nghỉ, lưỡi cưa sẽ ngày càng cùn, hiệu suất sẽ ngày càng giảm. Còn bác cứ cưa khoảng một tiếng, lại xách cưa ra bờ suối ngồi mài, nhờ đó mà lưỡi cưa luôn sắc bén, giúp bác cưa nhanh hơn, mà đỡ mất sức hơn, và kết quả thì đã rõ. Đúng là gừng càng già càng cay, mà hình như người càng lùn thì cũng càng thâm!

Vừa làm vừa nghỉ thay vì hì hục liên tục.

Ngày xưa khi nghe câu chuyện trên, tôi thấy hình ảnh của mình trong đó. Nếu ví bộ não của chúng ta là một cái cưa, cưa những khúc gỗ của vấn đề, thì biết bao năm qua tôi chẳng khác nào chàng trẻ trâu, cứ làm hùng hục mà quên mất không “mài não”. Thảo nào mà có những ngày nỗ lực tới gục mặt lên bàn, mà kết quả vẫn không tốt.

Sau đó, tôi đã thay đổi chiến thuật. Thay vì làm việc hăng say liên tục trong 3 – 4 tiếng liền rồi, tôi xen giữa vào đó là các khoảng nghỉ ngơi. Tôi đặt đồng hồ để cứ Phút 59’ nó lại kêu cúc cu để nhắc tôi phải dành tối thiểu 5 phút để nghỉ ngơi thư giãn và “mài não” giống bác thợ lùn.

Lúc đầu tôi hơi tiếc những khoảng 5 phút đó, tiếng nói bên trong cứ càu nhàu, “Sao không làm nốt, đang có hứng mà v.v…” nhưng sau đó tôi đã không hối hận. Không những sự mệt mỏi tan biến, mà tốc độ & chất lượng việc còn được nâng cao! (đúng là não được “mài sắc” có khác ^^!)

Hôm nay bạn được mấy quả cà chua rồi?

Sau này khi tìm hiểu thêm, thì thấy là ở nước ngoài có hẳn một nghiên cứu đàng hoàng và đưa ra kỹ thuật Pomodoro (lấy theo tên quả cà chua của Ý), vừa là cách quản lý thời gian, vừa là cách nâng cao hiệu suất.

Mỗi quả cà chua tương ứng với 25 phút làm việc, và sau đó là 5 phút nghỉ ngơi. Những người áp dụng kỹ thuật này khi gặp nhau thường hỏi, “Ê, hôm nay cậu dành cho dự án X bao nhiêu quả cà chua rồi?”

Khi tôi giới thiệu kỹ thuật này cho các bạn học sinh, thì nhiều bạn đều ứng dụng rất tốt và chia sẻ lại rằng không còn tình trạng buồn ngủ khi học bài nữa mà tốc độ giải quyết bài tập lại tăng lên đáng kể. Đơn giản là vì khoảng thời gian 5 phút đó đã “sạc” lại pin cho não bộ sau hơn 25 phút chiến đấu căng thẳng. Nó đã giúp tôi, đã giúp rất nhiều người, thì hoàn toàn có thể giúp bạn!

Làm sao để mọi người hiểu rằng thật ra tôi đang chăm chỉ?

Khi bạn áp dụng chiến thuật vừa làm vừa nghỉ giống bác thợ lùn bên trên, thì có thể những chàng thợ cưa xung quanh, đồng nghiệp và người thân của bạn sẽ thấy, “Ôi, sao nó lười thế, mới tẹo đã nghỉ rồi!”.

Lúc này hãy giải thích cho họ là bạn đang làm gì, hoặc cứ ngấm ngầm làm thôi, rồi họ sẽ bị thuyết phục bởi kết quả công việc của bạn, hoặc đơn giản nhất là gửi cho họ câu chuyện bên trên!

Trong 5 phút nghỉ ngơi nên làm những gì?

Đơn giản là uống một ngụm nước, rồi tìm một chỗ thoáng gió để hít thở, vươn vai làm một vài động tác thể dục là hiệu quả nhất. Song nhớ đặt đồng hồ để quay lại công việc bạn nhé!

Chú ý: Khi nghỉ tuyệt đối tránh mọi thứ liên quan tới Internet, Facebook… có thể chúng sẽ kích thích sự hưng phấn của bạn, song bản chất vẫn làm bộ não thêm mệt mỏi (bạn có thể đọc thêm “bí quyết thư giãn” ở mục bài liên quan), hơn nữa khi mọi người xung quanh thấy bạn làm vậy, tất nhiên họ sẽ nghĩ bạn đang lười!

Làm sao để có 25 phút làm việc thật là chất lượng?

Bạn phải có một sự chuẩn bị tốt trước khi bắt đầu công việc. Hãy đặt ra mục tiêu làm việc của 25 phút đó, rồi dẹp hết mọi thứ có thể gây xao nhãng, và để ngay một cốc nước đầy ở bên cạnh. Trước khi bắt đầu, có thể vận động nhẹ một chút để tăng sự tỉnh táo. Giống như các vận động viên Olympic chuẩn bị thi đấu vậy!

Tại sao lại là 25 phút nghỉ 5 phút, sao không phải là 45 phút nghỉ 15 phút?

Theo nhiều nghiên cứu thì 25 phút là khoảng thời gian bộ não vừa mới kịp mệt, bạn nghỉ lúc ấy thì sự phục hồi sẽ hiệu quả hơn là để cho nó kiệt sức hẳn. Còn cá nhân tôi thấy là tùy người, tùy việc. Nếu công việc đó mà khó nhằn, bản thân ta lại không thích nó nữa… thì ngồi 10 phút thôi là đã muốn lăn quay ra ngủ rồi!

Làm sao để tách mình ra khỏi công việc?

Nhiều lúc biết nghỉ ngơi là tốt, nhưng có những người toàn quên… nghỉ. Tôi cũng vậy, và đây là vài mẹo nhỏ bạn có thể dùng ngay : 

  • Bạn có thể uống nước điều đặn khi đang làm việc, “đồng hồ sinh học” buộc bạn phải đứng dậy ^^!
  • Khi dùng laptop, bạn đừng cắm sạc. Để khi máy báo sắp hết pin thì biết đường đứng dậy… đi lấy sạc (ít nhất thì cũng tách ra khỏi công việc một chút).
  • Đặt đồng hồ nhắc nhở, hoặc cài đặt để máy tính tới phút 59′ là tự động hạ màn hình xuống.

Tóm lại, một nguyên lý chung để làm việc trong nhiều giờ một cách hiệu quả, đó là: còn TRẺ hãy cứ TRÂU, nhưng lâu lâu phải NGHỈ NGƠI hợp lý. Nghỉ ngơi hợp lý ở đây là cho bộ não nghỉ khi nó vừa kịp mệt, và chú ý thời lượng nghỉ ngơi nhỏ hơn thời lượng làm việc, chứ đừng biến làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút thành làm việc 5 phút, nghỉ 25 phút bạn nhé!

Nguồn : fususu.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,851 lượt xem