Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Ghi Nhớ Hiệu Quả Những Điều Bạn Đã Đọc?

Bộ não con người không được cấu tạo để ghi nhớ tất cả các thông tin mà chúng ta tiếp nhận được. Trừ khi bạn là một trong những người hiếm hoi sở hữu "photographic memory" (khả năng ghi nhớ với độ chính xác rất cao mà không cần sử dụng bất cứ kỹ thuật hỗ trợ lưu trữ nào khác), rất có thể những chi tiết về thông tin mà bạn vừa tiếp thu được sẽ rất nhanh chóng bị lãng quên đi.

Có bao giờ bạn nhớ rằng mình đã từng đọc một bài báo nào đó, nhưng lại quên mất nó nói về điều gì? Hay nhận ra tên của một bộ phim nào đó nhưng lại chẳng nhớ được diễn biến của nó ra sao? Nếu như bạn thường xuyên quên mất nội dung những quyển sách từng đọc, hay những bộ phim từng xem, thì điều đó không chỉ xảy ra với bạn đâu, nhiều người khác cũng giống như bạn vậy đó.

Hãy thử nhớ lại xem trưa hôm qua bạn đã ăn gì, hoặc cuối tuần rồi bạn đã làm gì. Những ký ức đó có lẽ đã không còn rõ ràng nữa, bởi lẽ chúng không thật sự cần thiết cho sự tồn tại của bạn. Bộ não chúng ta chỉ có sức chứa khoảng 8 GB dành cho việc nhớ lại ngay lập tức một điều gì đó, và chỉ có những thông tin thiết yếu nhất mới được lưu giữ lại. Điều này dẫn đến việc chúng ta chỉ có thể nhớ được những hình ảnh mờ nhòe của những thứ không quan trọng.

Bộ não con người không được thiết kế để giúp bạn xử lý hết một lượng dữ liệu khổng lồ. Chúng ta luôn bị kích thích và tiếp nhận rất nhiều điều mới mẻ mỗi ngày. Nếu như chúng ta cố gắng xử lý và ghi nhớ hết tất cả mọi thứ đó, thì có lẽ chúng khó lòng mà hoạt động được. Bộ não phải sắp xếp tất cả những điều mà bạn phải trải qua và sàng lọc ra những điều đáng kể hoặc không đáng kể mà bạn gặp phải.

Khi bạn đọc một điều gì đó lần đầu tiên, hãy đọc hết một lượt.

Việc bạn háo hức muốn xem một bộ phim hay đọc một quyển sách nào đó đến mức nào cũng không quan trọng. Trừ khi nội dung của chúng liên quan đến vấn đề sống còn của bạn, rất có thể sau đó bạn vẫn sẽ quên mất những gì bạn đã xem hay đã đọc được.

Một phần lý do là vì lúc ấy mục tiêu chính của bạn chỉ là xem cho hết bộ phim, hoặc đọc cho xong quyển sách đó. Khi bạn chưa từng được xem hay đọc chúng, mối bận tâm duy nhất của bạn chính là mong muốn nhanh chóng biết được hết nội dung của câu chuyện. Sau khi đã thỏa mãn được mong muốn đó, có thể bạn sẽ không còn nhớ được những gì mình đã xem và đọc được. Hoàn thành hết một bộ phim hay đọc hết một quyển sách không có nghĩa là bạn ghi nhớ hết tất cả mọi chi tiết về chúng.

Con người lưu giữ những ký ức thông qua một quá trình được gọi là mã hóa. Bộ não của chúng ta sẽ hoạt động tốt hơn trong việc mã hóa thông tin khi nó có thể liên hệ các thông tin mới với những kinh nghiệm trong quá khứ.

Lần đầu tiên chúng ta tiếp nhận thông tin mới cũng giống như cách chúng ta đi qua những người lạ mặt trên đường phố vậy. Các nơron của bạn chỉ xử lý thông tin rằng bạn đã gặp ai đó, và hết. Không hề có sự nhận dạng nào cả, và khi bạn rời khỏi tình huống đó, có lẽ bạn cũng không thể nhớ được là mình đã gặp ai.

Nhưng có một số người vẫn nhớ được những gì mà họ thấy. Tại sao vậy?

Bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi không thể nhớ lại được một điều gì đó, nhưng bạn sẽ còn điên hơn nữa khi gặp được một người khác dường như lại có thể tiếp thu và ghi nhớ hết tất cả mọi thứ. Một người bạn nào đó có thể kể lại một cách chi tiết diễn biến của một bộ phim mà bạn vừa mới xem vài tháng trước. Hay đã qua lâu lắm rồi và bạn đã quên béng mất nội dung của một đoạn văn, nhưng họ thì vẫn đang ngồi bàn luận về nó một cách say sưa. Sao mà họ làm được vậy?

Những người ấy không hề có trí nhớ siêu phàm gì đâu. Họ chỉ đơn giản là đang tiếp thu thông tin một cách chủ động mà thôi. Vì họ đang chủ động xử lý các thông tin, họ sẽ có khả năng lặp đi lặp lại những chi tiết trong sách hay những cảnh phim trong một khoảng thời gian ngắn. Họ duyệt lại và tổng hợp các thông tin đó để chúng trở thành của riêng họ.

Nó cũng giống như việc bạn đi trên cùng một tuyến đường mỗi ngày và gặp gỡ những người giống nhau. Bạn bắt đầu nhận dạng được mọi người và quan sát họ nhiều hơn bởi lẽ họ đã trở nên quen thuộc với bạn. Tương tự, các nơ-ron của bạn sẽ dễ dàng tạo ra những mối kết nối mới khi chúng được yêu cầu phải duyệt lại và phân tích những thông tin mới thay vì chỉ quan sát chúng một cách thụ động.

Chìa khóa chính là sự quan sát, liên kết và lặp lại.

Bạn càng chủ động tập trung vào những nội dung mình đang tiếp thu, bạn sẽ càng nhớ được nhiều hơn. Khi các nơ-ron của bạn liên tục ghé thăm lại cùng một chủ đề hết lần này đến lần khác, chúng sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo ra các mối liên kết mới.

Việc này cũng giống như khi bạn đi ngang qua một cánh đồng hoang vậy. Mới đầu có thể sẽ không có con đường nào cả, nhưng nếu mỗi ngày bạn cứ đi trên một đoạn đường giống nhau, thì cuối cùng một đường mòn sẽ được tạo ra. Bạn sẽ có thể di chuyển nhanh chóng và dễ dàng hơn ở chính nơi mà bạn đã từng phải di chuyển một cách khó khăn. Bộ não của bạn cũng làm việc với trí nhớ theo cách như vậy. Bạn phải xây dựng một con đường mòn cho các nơ-ron của mình.

Đừng chỉ dựa vào trí nhớ ban đầu của mình.

Lần đầu tiên khi bạn lướt qua một điều mới, bạn có thể sẽ quên đi rất nhiều chi tiết. Bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn nếu phải tiếp nhận hết tất cả các thông tin cụ thể vì có quá nhiều thứ mới. Khi bạn xem phim hoặc đọc sách, có thể bạn sẽ rất muốn biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Mục tiêu duy nhất của bạn lúc này chỉ là coi đến cảnh cuối phim, hoặc lật tới trang sách cuối cùng.

Việc xem, hoặc đọc lại những nội dung đó nhiều lần nữa sẽ giúp ích cho bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng, do bạn đã biết trước những điều sắp xảy ra nên bạn sẽ chú ý hơn tới những chi tiết cụ thể.

Xem lại hay đọc lại vẫn chưa đủ.

Bạn có thể đọc đi đọc lại cùng một thông tin nhiều lần, nhưng nó không có nghĩa là chúng sẽ khắc sâu vào đầu bạn. Học vẹt (ghi nhớ bằng cách lặp lại nhiều lần) không giúp bạn tạo được các mối liên kết có ý nghĩa với những thứ mà bạn đọc được.

Để ghi nhớ một điều gì đó, bạn cần phải biết ứng dụng nó vào thực tế. Thay vì thụ động tiếp thu thông tin hoặc cố gắng chủ động ghi nhớ chúng bằng cách học vẹt, điều quan trọng là bạn phải tạo ra được những mối liên kết. Nếu bạn có thể áp dụng những gì bạn học được vào thực tế, tiếp thu các ý kiến nhận xét, và áp dụng lại lần nữa cùng với các ý kiến đó, bạn sẽ khả năng ghi nhớ chúng lâu hơn.

Chẳng hạn, chỉ đọc qua một công thức nấu ăn sẽ không giúp bạn biết nấu ăn. Bạn phải bắt tay vào bếp và tổng hợp những đánh giá từ chính vị giác của bản thân cùng các bình luận của mọi người xung quanh thì mới giúp những kiến thức đó nổi bật hơn trong trí nhớ của mình. Ngồi xem ai đó giải một bài tập sẽ không bao giờ hiệu quả bằng việc bạn tự mình hoàn thành nó. Cách giải thì rất cần thiết, nhưng vẫn sẽ vô dụng nếu như bạn không biết tự thực hành nó.

Khi bạn biết áp dụng một lý thuyết hoặc bài thực hành nào đó vào thực tiễn cuộc sống của mình, việc tiếp thu thông tin sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hãy nghĩ đến lần đầu tiên bạn phải đi đến nơi làm việc so với bây giờ. Ban đầu, bạn phải suy nghĩ về từng chặng trên con đường mình đi, nhưng giờ đây, bạn thậm chí không cần phải suy nghĩ về nó nữa. Đó chính là sự kết hợp của việc lặp đi lặp lại và ứng dụng vào cuộc sống để củng cố các liên kết nơ-ron.

Đặt một câu hỏi trong đầu trước khi bạn đọc hay xem gì đó.

Khi bạn cầm lên một quyển sách hoặc ngồi xuống chuẩn bị xem một bộ phim, hãy tạo cho mình một mục đích trong đầu. Nếu bạn không làm như vậy, chế độ mặc định của não bạn sẽ chỉ đơn giản muốn kết thúc cuốn sách hay bộ phim đó. Hãy đặt một câu hỏi mà bạn muốn trả lời trước khi bắt đầu.

Ví dụ, việc đọc quyển sách The Power of Habit (Sức mạnh của Thói quen) sẽ chẳng giúp được gì nếu như bạn đọc mà không có mục đích. Cuốn sách vẫn sẽ trở nên vô ích cho những ai không sẵn sàng với việc xây dựng cho mình một thói quen, cho dù nó có hay đến thế nào. Mặt khác, nếu bạn có mong muốn từ bỏ một thói quen xấu nào đó của bản thân trước khi bắt đầu đọc quyển sách, bạn sẽ có thể liên kết ngay những gì bạn đang đọc với chính cuộc sống của mình.

Khi bạn phát hiện ra những chương sách hay ý tưởng liên quan đến chính bản thân bạn trong sách, hãy tìm cách liên kết chúng với nhau. Đánh dấu, ghi chú, hoặc cắt ra và lưu lại những phần có liên quan. Ghi chép tay cũng là một cách đặc biệt hiệu quả giúp bạn có thể ghi nhớ các khái niệm quan trọng.

Những người xem rất nhiều phim hoặc đọc rất nhiều sách, mà lại không ghi nhớ được gì, thì chỉ đang lãng phí thời gian mà thôi. Họ không tiếp thu được những thông tin thực sự có ích cho họ. Để tránh tình trạng quên đi mọi thứ đã đọc, hãy lập tức áp dụng chúng vào cuộc sống của mình ngay sau khi đọc và kiểm tra lại các thông tin đó thường xuyên.

Hãy sở hữu một bộ óc minh mẫn.

Có thể vào ngày mai bạn sẽ quên mất những gì bạn đã đọc trong bài viết này, trừ khi bạn lưu nó lại, đánh dấu nó và liên hệ nó với chính bản thân mình. Hãy đánh dấu bài viết này và đọc lại nó, để bạn có thể nhớ rằng bạn cần phải làm gì để có thể ghi nhớ thông tin một cách hiệu quả hơn.

Xem phim hay đọc sách mà không có mục đích thì chỉ là một sự lãng phí thời gian. Hãy biết tận dụng tất cả mọi thứ bạn xem và đọc được bằng cách tìm cách liên hệ chính mình với những nội dung đó. Hãy suy nghĩ về những gì bạn sẽ đánh mất nếu bạn cho phép những cơ hội học tập ấy lướt qua đời mình một cách vô nghĩa.

Theo lifehack.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,276 lượt xem