Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Những Người Không Đáng Tin Cậy Có Thể Hoàn Thành Tốt Công Việc?

Bạn thông minh, có động lực và đam mê, có rất nhiều dự định thú vị bạn muốn thực hiện, nhưng bằng một cách nào đó, khi phải bắt tay vào làm thì bạn lại… không thể? Bạn rất giỏi trong việc đưa ra những ý tưởng mới nhưng lại tệ hại khi thực hiện nó? Nói rất hay nhưng không nhận được bất kỳ kết quả nào? Dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về nơi bạn muốn tới, nhưng không bỏ thời gian để thúc đẩy bản thân bước vào cuộc hành trình và đến đích?

Xin chúc mừng, bạn tôi! Bạn chính là một “flake” - kẻ không đáng tin cậy chút nào. Tuy nhiên, bạn không hề cô đơn, vì có rất nhiều người cũng không đáng tin, như bạn và tôi. Chúng ta là một lực lượng đông đảo. Nhưng nếu chúng ta đồng tâm đồng lực thay đổi, chúng ta có thể thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ không bao giờ xảy ra.

Hầu hết chúng ta đều là những con người sáng tạo và thông minh. Chúng ta vui tính và thu hút. Chúng ta nắm bắt vấn đề nhanh hơn nhiều người khác. Nhưng cái ta thiếu là sự tập trung. Chúng ta nhìn mọi thứ của cuộc đời với một màu hồng. Chúng ta muốn ăn tối ở một nhà hàng 5 sao  đi lặn ở bãi biển Phú Quốc. Phần lớn chúng ta đều quan tâm nhiều đến những trải nghiệm hơn là những bộn bề cuộc sống. Nhưng bởi vì không quan tâm, chăm chút cho những bộn bề nhỏ nhặt đó mà chúng ta sẽ không thể có được những trải nghiệm mà ta thực sự muốn. Và, chúng ta còn thiếu hụt động lực thúc đẩy. Chúng ta có khát khao, nhưng lại không biết làm thế nào để thúc đẩy bản thân mình. Các bánh xe đều quay, nhưng chiếc xe lại không hề di chuyển về phía trước.

Nếu đang là một kẻ không đáng tin, bạn cần phải học cách hoàn thành công việc. Hoàn thành công việc (bao gồm đạt được mục tiêu, hoàn thành dự án, tất cả những công việc khó chịu, vụn vặt, phát sinh thêm) sẽ giúp mang đến cho bạn những trải nghiệm tốt hơn. Chúng ta đang quen với việc sống trong một thế giới đầy những bộn bề, vì vậy việc giải quyết tất cả những vấn đề nhỏ đó khá là khó chịu. Nhưng bạn thực sự có thể hoàn thành công việc. Và đây là cách.

Bạn muốn đạt được điều gì?

Bạn sẽ không hoàn thành được bất cứ việc gì cho đến khi bạn thực sự biết những cái mà bạn có thể đạt được từ nó.

Tôi biết câu này nghe rất nhàm chán. Bạn đã mường tượng rõ ràng về những mục tiêu kinh doanh rồi. Bạn thậm chí còn buộc bản thân mình phải viết ra chính xác vị trí mong ước trong 5 năm, 10 năm và 20 năm tới, cùng tất cả mọi chi tiết cụ thể giúp bạn biến những điều đó thành sự thật. Đây là một điều tốt. Nhưng cái tôi đang nhắc đến là một điều gì đó khái quát hơn. (Trên thực tế, nhiều rắc rối hơn.)

Hãy biết rõ những thứ bạn có thể đạt được từ những việc bạn đang định thực hiện. Bạn có muốn làm việc để kiếm tiền không? OK, vậy tại sao bạn lại muốn có tiền? Bạn có thể đạt được những điều gì từ số tiền đó? Hãy ngồi xuống cùng với tờ giấy, cây bút (hoặc một bàn phím nếu cần, nhưng bút và giấy sẽ tạo hứng thú cho não của bạn hơn) và trả lời câu hỏi sau: "Tôi muốn gì từ chuyện này?".

Bạn có thể vẽ ra một kịch bản, mường tượng các hình ảnh, tập trung vào cảm giác của bạn hoặc những dữ liệu thực tế sẽ ra sao. Áp dụng quá nhiều công thức của người khác có thể sẽ không phù hợp với bạn. Hãy trả lời câu hỏi trên theo cách khiến bạn phải thốt lên rằng: "Ờ, đúng. Chính nó. Chính xác là nó". 

Sống thực tế.

Đây là điều mà những cuốn sách self-help ít đề cập đến. Tôi nhận thấy điều này từ cuốn sách của Robert Fritz:  Path of Least Resistance(Tạm dịch: Con đường dẫn tới sự kháng cự tối thiểu), và đây là một trong những quyển sách xuất sắc nhất mà tôi được đọc (Tái bản mới của cuốn sách lại có vẻ không hữu ích bằng, thật đáng buồn) Fritz gọi đó là "Kỹ thuật then chốt" (Pivotal Technique), và tôi nghĩ đây là một tên gọi khá thích hợp. Nếu bạn cần thay đổi mình một cách nghiêm túc, bạn có thể thực hiện được bằng cách này.

Bước 1: Hãy tỉ mỉ và rõ ràng về những gì bạn muốn.

Bước 2: Nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện và quan trọng nhất là chân thực về vị trí hiện tại của bạn và tôn trọng điều này.

Đúng vậy, chỉ cần hai bước. Đơn giản nhưng không dễ dàng.

Thêm một cách khác:

Hiểu chính xác về những gì bạn muốn. Hiểu chính xác bạn đang ở đâu. Và chú ý đến khoảng cách đó.

Xin lưu ý rằng bước tiếp theo của quy trình này không phải là "tự dằn vặt và đánh đập bản thân về khoảng cách khác xa giữa hiện trạng của mình và vị trí mong muốn” nhé. Nếu bạn ở New York và bạn muốn đi đến San Francisco, có ích gì nếu bạn cứ day dứt về chuyện mình không tới nổi San Francisco? Việc day dứt đó có đẩy bạn đi xa được không?

Chả được milimet nào, phải không?

Vạch ra những bước tiếp theo.

Tất cả những con người năng suất, gương mẫu một cách đáng ghét sẽ nói với bạn rằng, bước tiếp theo của quy trình này chính là vẽ ra một bản đồ chỉ đường từ đây tới vị trí bạn mong muốn đó. Bản đồ đó sẽ có tất cả các bước bạn cần phải thực hiện. Những bước này có thể được chia thành các bước nhỏ. Trên đường đi, bạn sẽ xác định tiếp các nguồn lực cần có để phát triển, cũng như con đường nào có nhiều khả năng giúp bạn đi đến mục tiêu của mình nhất.

Hãy thực tế. Bạn là một kẻ không đáng tin. Bạn sẽ không thể làm tất cả điều đó. Trên thực tế, chỉ cần nghĩ thôi cũng đã khiến bạn muốn chây ỳ rồi phải không?

Và một điều nữa. Bạn không biết được toàn bộ bản đồ. Bạn có thể còn chưa bao giờ đến cái nơi mà bạn đang muốn đến nữa. Vậy điều gì khiến bạn nghĩ rằng bạn có thể lập được bản đồ? Bạn không thể. Điều tốt nhất có thể làm ở vị trí của bạn bây giờ là hãy cố gắng nhận ra hướng đi đúng là như thế nào.

Những người không đáng tin trở nên như vậy bởi bản đồ của họ trông rắc rối như thể con đường đến là bất khả thi. Ngược lại, những người năng suất và hiệu quả làm được việc vì bản đồ của họ thực tế. Họ đi theo bản đồ tưởng tượng của họ, và vì ít nhất họ cũng đang làm 1 việc gì đó, họ sẽ đi được tới 1 nơi nào đó.

Nhưng đừng lo, vấn đề này vẫn có giải pháp. Tất cả những gì bạn phải làm là vạch ra bước đi tiếp theo. Giải pháp này được lấy từ cuốn sách của tác giả David Allen - có tên Getting Things Done (Tạm dịch: Hoàn thành mọi việc không hề khó), đây sẽ là một hệ thống tuyệt vời nếu đầu óc của bạn đủ lập dị để thực hiện tất cả các nghi lễ trong đó. (Tôi đã từng thử, xét trên nhiều phương diện thì tôi khá là thích nó, nhưng hầu hết mọi người không thấy như vậy.) Nhưng những nghi lễ kia chủ yếu là tùy ý, không nặng nề và bắt buộc đâu.

Chỉ cần có ý tưởng về những bước bạn nên thực hiện tiếp theo, nó sẽ chỉ bạn đi đúng hướng. Nếu bạn đang đi đến San Francisco từ New York, hành động kế tiếp của bạn có thể là "sử dụng Google Maps để tìm ra đường đi đến phía tây thành phố". Hoặc có thể là "gọi cho dịch vụ nhà xe để hỏi giá vé bao nhiêu”. Hay thậm chí là “chờ cho đến khi mặt trời lặn để xem đâu là phía tây".

Tất cả những điều trên đều hợp lệ. Chúng giúp bạn bắt đầu đi đúng hướng. Não bộ của bạn có thể bắt đầu hoảng loạn giống như một chuông báo cháy nếu có đến 2.000 điều cần làm tiếp theo. Nhưng đương nhiên bạn không thể nào làm hết 2.000 thứ ngay bây giờ. Hãy viết ra những điều bạn nghĩ là có một tầm quan trọng nhất định nào đó. Sau đấy, chỉ chọn một điều trong số đó để làm tiếp mà thôi.

Allen khá khôn khéo trong vấn đề này. Việc cần thực hiện kế tiếp chỉ nên là một hành động duy nhất mà thôi. Không phải là "kiếm được 900 đô la để mua vé máy bay", mà phải là "sáng mai đi tìm công việc làm thêm” hay "gửi mẹ một thiệp sinh nhật để kiếm cớ xin tiền mẹ vào tuần tới". Nếu bạn không thể làm một việc trong 20 phút, nó sẽ không phải là hành động tiếp theo thích hợp. Hãy tìm ra hành động tiếp theo của mình.

Làm những gì bạn cảm thấy thích.

Sức mạnh siêu nhiên của kẻ không đáng tin cậy đó là, chúng ta lại làm rất giỏi những việc mà chúng ta cảm thấy thích thú. Nếu nhận ra được hành động kế tiếp để thực hiện, và bạn không chỉ cần đứng dậy và làm ngay lập tức, hãy thực hiện ”Kỹ thuật then chốt” một lần nữa. Hiểu những gì bạn muốn, và tại sao bạn muốn chúng. Hiểu vị trị hiện tại của bạn. Hai nơi đó đang cách nhau bao xa. Sau đó làm những gì bạn cảm thấy thích.

Hãy lặp lại các bước đó liên tục. Là một flake, tiềm thức của bạn rất tốt trong việc bảo vệ bạn khỏi những điều bạn không muốn. Nếu bạn không cảm thấy muốn đi theo hướng đó, chắc chắn là vì nó có điều gì đó mà bạn không muốn.

Một kỹ thuật tuyệt vời bạn có thể sử dụng ở đây là tự nói với mình: OK, tiềm thức của tôi ơi, bạn là một thứ vô cùng là khó chịu và tôi biết bạn đang giúp tôi không phải làm những việc mình không thích thú nhưng bạn có thể giúp nốt và chỉ rõ ra cái điều đó là gì không?

Hãy tự hỏi mình câu hỏi đó trước khi đi ngủ. Có thể viết nó xuống một mảnh giấy. Sau đó, quên nó đi và xem ngày hôm sau tiềm thức của bạn mách bảo cho bạn điều gì. Một khi bạn có thể nhìn ra những thứ mình không thích, bạn sẽ tìm được cách giải quyết nó. Những người flake luôn giỏi trong việc tìm ra những cách đi vòng mà.

Đừng sử dụng những ý tưởng thông minh sai cách.

Bởi vì, là một flake, trí não của bạn suy nghĩ với tiềm thức nhiều hơn mức trung bình, tôi có thể đảm bảo rằng bạn sẽ nhận được câu trả lời hữu ích cho những câu hỏi của mình. Bởi tiềm thức của bạn thực sự thông minh hơn nhiều so với tâm thức của bạn. Vì vậy, bạn đã có sẵn trong tay những điều có thể giúp được mình.

Nhưng, một lần nữa bởi vì bạn là một Flake, bạn có thể sẽ mất dấu những câu trả lời. Trên thực tế, bạn đã có những câu trả lời tuyệt vời nhưng cũng đã từng đánh mất chúng nhiều lần rồi, phải không. Đó chỉ là cách mà những người không đáng tin như chúng ta làm việc. Vì vậy, hãy thiết lập một hệ thống để lưu trữ cả mọi thứ. Tôi gọi hệ thống của tôi là cái “đống phân ủ”. Tất cả các ghi chú, nháp, ý tưởng đều đi vào đó và một số sẽ được “ấp ủ” thành một thứ có ích nào đấy.

Nhiều “flake” đã sử dụng sổ để ghi chép những việc này, và nó không có gì là xấu cả, nhưng lại khá khó để rà soát lại. Có thể sẽ phải mất hàng giờ để tìm lại một ý tưởng thần thánh nào đó bạn đã có từ hai năm trước đây, có thể giúp bạn giải quyết hoàn toàn một vấn đề khó chịu mà bạn đang phải đối mặt bây giờ. Tôi thích phần mềm Evernote cũ. Tôi giữ các ý tưởng về bài đăng blog, kế hoạch làm vườn, sao lưu sách điện tử tôi đã mua, kế hoạch thống trị thế giới, v.v ... trong đó. Những người khác có thể dùng các phần mềm như OneNote hay một ứng dụng khác của Google. Tôi cũng có thói quen ghi lại những ý nghĩ ngẫu nhiên vào Bullet Journal. Thỉnh thoảng, tôi lại lướt qua và sao chép những ý tưởng đó vào Evernote để mọi thứ đều được lưu ở một chỗ.

Tôi cố gắng giữ những ý chính cần tập trung không được có nhiều hơn ba hoặc bốn ý. Điều đó có nghĩa là thỉnh thoảng tôi phải loại bỏ một số thứ. Ví dụ như là khi tôi bắt đầu vẽ phác hoạ đô thị, tôi từ bỏ việc học tiếng Ý chăm chỉ. Bạn có lẽ sẽ cần phải tự vấn và cân nhắc sâu sắc những gì bạn có thể từ bỏ để dành thời gian hiện thực hóa những dự định tuyệt vời kia. (Hai đề xuất từ tôi, đó là bỏ xem TV và lướt Facebook đi.)

Tóm gọn lại kế hoạch trong 7 bước:

  1. Khi bạn có một thứ gì đó để làm, hãy tìm ra mục đích thực sự bạn muốn đạt được từ nó.

  2. Sử dụng Kĩ thuật Then chốt (Pivotal Technique). Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn, sau đó nhận thức rõ ràng hiện tại, vị trí của bạn đang ở đâu. Chú ý sự khác biệt và khoảng cách.

  3. Tìm ra hành động ngay tiếp theo.

  4. Làm những gì bạn cảm thấy thích thú.

  5. Làm nét lại, và liên tục lặp lại các bước trên.

  6. Bắt đầu “ấp ủ” những ý tưởng, ghi chú, kế hoạch và hiểu biết.

  7. Chỉ tập trung vào ba hoặc bốn khu vực trọng yếu.

Theo saga.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

791 lượt xem