Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Thay Đổi Cách Một Người Đối Xử Với Mình? (Ứng Dụng NLP)

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cảm thấy không hài lòng về cách người khác đối xử với mình. Đôi lúc, còn kéo theo cả những cảm xúc không tích cực khác như sự khó chịu, thậm chí bực bội. Đối với những người lạ thì không sao, nhưng nhất là với những người thân thì lại khác. Đó là những người mà bạn thường xuyên phải gặp mặt, tiếp xúc, chẳng hạn như bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, người thân. Dĩ nhiên, là con người thì không ai hoàn hảo, ai cũng có những tính tốt, tính xấu. Nhưng cũng không thể nào cứ dĩ hòa vi quý, ai thích làm gì cũng chiều lòng được. Con người chúng ta đều không xấu, nhưng đôi khi sẽ có những hành động của họ lại không tốt. Vậy thì, việc chúng ta cần dám đưa ra ý kiến, dám phản kháng, hoặc phản ứng khác đi trước những hành động chưa tốt là điều nên làm. Nếu không, trong một mối quan hệ, khi một hành động xấu của một ai đó không được thay đổi, lâu dần những cảm xúc tiêu cực sẽ tích đầy, tích đầy, tích đầy. Dần dần trở thành một quả bom nổ chậm. Vậy làm sao để thay đổi cách một người đối xử với mình?

Purchase this image at http://www.stocksy.com/746202

CÁCH MỘT AI ĐÓ ĐỐI XỬ VỚI MÌNH LÀ DO MÌNH DẠY CHO HỌ

Khi một ai đó thực hiện một hành vi nào đó với mình, thì cách mà mình phản ứng với họ sẽ gửi đi thông điệp cho họ rằng hành vi đó của họ có được chấp nhận hay không, và ở mức độ như thế nào. Theo lý thuyết quan trọng về NLP là Meta Programs, thì cách chúng ta phản ứng lại một hành vi mà người khác làm với mình, là cách chúng ta đang cài cho họ chương trình ấy trong não bộ của họ. Hãy cùng nhau tìm hiểu những ví dụ để làm sáng tỏ điều này.

Hồi bữa, có một bạn sinh viên, bạn kể em luôn đối xử tốt với bạn của em, mỗi khi đi học, em đều đến trước giữ chỗ cho bạn ấy, rồi trong làm việc nhóm, em cũng đối xử tốt với bạn, nhưng hình như bạn ấy lại coi em không ra gì, và cách bạn ấy đối xử với em không ra gì, việc này đã diễn ra nhiều lần, bây giờ em không biết có phải em là đứa tồi tệ hay không. Thực ra, nguyên nhân nằm ở cách người bạn này phản ứng lại khi người bạn kia đối xử không tốt với bạn. Đó là bạn này vẫn giữ chỗ ngồi cho bạn ấy ngay cả khi bạn ấy không trân trọng nó. Điều này gửi đến người bạn của bạn một thông điệp rằng điều đó là mặc nhiên, ngay cả khi không cần trân trọng thì bạn ấy vẫn giữ chỗ ngồi cho. Nhưng nếu bạn ấy thay đổi, chẳng hạn sau một lần giữ chỗ hộ, bạn kia không cảm ơn, không tỏ ý trân trọng, hãy thẳng thắn và ngưng việc giữ chỗ hộ. Cách phản ứng ấy sẽ dạy cho người bạn kia thông điệp rằng: khi bạn không trân trọng việc tốt tôi giúp cho bạn, thì đây là hậu quả; cũng giống như khi bạn không trân trọng một người bạn tốt, thì hậu quả sẽ là một ngày nào đó bạn sẽ đánh mất người bạn ấy.

Trong một nhóm người, có một người bạn thường xuyên đi trễ giờ. Nếu như sau khi người ấy trễ, bạn không nhắc nhở và không tỏ ra rằng mình đang khó chịu với hành động trễ giờ ấy, thì bạn đang vô tình gửi đi một thông điệp rằng cứ đi hẹn với mình thì trễ giờ cũng không sao. Có bạn nói nhưng đã nhắc nhiều lần rồi mà nó vẫn cứ trễ giờ. Là bởi vì, bạn vẫn chỉ đang dừng ở mức độ nhắc, và cách phản ứng của bạn không khác đi thì người bạn kia cũng sẽ không phản ứng khác đi. Chẳng hạn, bạn nói đây sẽ là lần cuối cùng bạn chấp nhận chuyện trễ giờ. Lần sau nếu vẫn trễ, bạn đi luôn, hoặc hủy cuộc hẹn luôn. Và thậm chí, khỏi gặp luôn. Như vậy, một lần nữa, cách bạn phản ứng lại là cách bạn gửi đi thông điệp cho người đối diện.

Vì sao ở Việt Nam, hiện tượng bạo lực gia đình vẫn tồn đọng nhiều. Sở dĩ, người đàn ông trong gia đình đánh vợ, hoặc là khi anh ta không làm chủ được chính mình, hoặc là khi đó là người có lòng tự trọng thấp, không đủ bãn lĩnh để nói chuyện, giải quyết đàng hoàng với người vợ của mình, nên mới phải đụng chân đụng tay. Nhưng cũng một phần là do cách phản ứng của người vợ sau mỗi lần người chồng đụng chân đụng tay. Đó là hệ quả của định kiến, rằng mình là phận đàn bà thì phải cam chịu, rồi thì phải giữ gìn tổ ấm. Nhưng tổ ấm gì khi mà họ phải chịu đựng những điều đó, đây là định kiến kéo dài từ thời phong kiến mà phụ nữ phương Đông vẫn còn gặp đến tận bây giờ. Lý do là bởi vì, khoa học nghiên cứu chỉ ra rằng, thà sống độc thân mà hạnh phúc còn hơn là có vợ có chồng nhưng đau khổ. Nếu như người phụ nữ thay đổi cách phản ứng, chẳng hạn ngay sau lần đầu tiên ông chồng đụng chân đụng tay, là nói chuyện đàng hoàng, thẳng thắn và dứt khoát. Và nếu không có những sự thay đổi, thì con đường cuối cùng để tốt cho cả hai đó là đường ai nấy đi, chứ tại sao lại cứ cam chịu. Việc người phụ nữ cam chịu và làng xóm, xã hội làm ngơ (theo kiểu thôi thì đó là chuyện nhà người ta) đã gửi thông điệp cho những ông chồng vũ phu rằng điều đó chấp nhận được. Cho nên, cách bạn phản ứng là cách mà bạn gửi đi thông điệp.

Một người nóng tính khi đối xử với bạn, một người luôn nói điều tiêu cực với bạn, một người luôn không tôn trọng bạn, .. và bạn nói là do tính người đó như vậy, không thay đổi được. Chẳng hạn bố tôi nóng tính lắm, thằng đó nó tiêu cực lắm, tính nó là như vậy. SAI. Bố bạn nóng tính là nóng tính với bạn, chứ bố bạn không thể nào nóng tính với sếp của bố bạn, và ngày xưa bố bạn càng không thể nóng tính với bố của bố bạn. Bạn của bạn nó tiêu cực là tiêu cực với bạn, chứ không phải ai nó cũng dám tiêu cực. Chẳng hạn gặp công an có dám ăn nói tiêu cực không? Cho nên, khi mình đã tin như vậy thì mình lại càng củng cố niềm tin và từ đó không bao giờ mình thay đổi hành vi của họ được. Thế nhưng, nếu bạn dám phản ứng khác đi, thay đổi cách phản ứng khác đi so với bao nhiêu lần, bao nhiêu năm qua bạn vẫn chung một cách phản ứng, thì kết quả mới khác đi được. Nếu muốn thay đổi cách một người đối xử với mình, thì một việc bắt buộc là bạn phải thay đổi cách mình phản ứng. Bởi vì một lần nữa, cách bạn phản ứng với một ai đó khi họ hành xử với mình chính là thông điệp mà bạn gửi đi tới họ. Cho nên, nếu có vấn đề trong mối quan hệ, thì nguyên nhân phải là bạn. Bởi vì, khi sinh ra, chúng ta không có quyền chọn tính cách và cách hành xử của người khác. Thứ duy nhất chúng ta làm được, đó là chọn cách phản ứng lại với những hành xử ấy.

Ở Singapore, chính phủ Singapore vươn lên từ một đất nước nghèo đói, ô nhiễm. Với quyết tâm làm xanh đất nước, thì một việc chính phủ phải giải quyết được đó là chấm dứt tình trạng nhổ kẹo cao su bừa bãi. Tình trạng ăn kẹo cao su và sau đó vứt bã kẹo bừa bãi đã bít kín các cảm ứng đóng cửa trên tàu điện ngầm khiến cả hệ thống bị đình trệ, hoặc đơn giản hơn là bị dính tùm lum trên ghế ngồi. Trên các đường phố, những bã kẹo cao su vứt lung tung dính chặt vào mặt đường đã khiến các công nhân vệ sinh vô cùng vất vả, khổ sở làm sạch chúng. Chính phủ đã thay đổi hành vi của người dân bằng cách nào? Bằng việc thay đổi cách mình phản ứng khi người dân có hành vi ăn kẹo cao su. Năm 1992, với sự chỉ đạo quyết liệt, chính phủ Singapore ra lệnh cấm kẹo cao su trên toàn đất nước. Theo lệnh cấm được ban hành, bất cứ người nào bị phát hiện mang lậu kẹo cao su vào Singapore sẽ bị phạt tới 100.000 đô-la Singapore ngay trong lần vi phạm đầu tiên và có thể phải ngồi tù tới 2 năm.

Mọi người cứ nghĩ rằng việc mang kẹo cao su chỉ là một việc nhỏ, nó đâu có ảnh hưởng gì đến đất nước đâu, tại sao lại phải phạt kinh khủng như vậy? Nhưng một lần nữa, cách bạn phản ứng là cách bạn gửi đi thông điệp. Chính phủ Singapore đang gửi đi thông điệp, rằng không được phép mang lậu kẹo cao su. Và kết quả, chỉ trong vòng vài tháng, hiện tượng nhai kẹo cao su và bã kẹo nhổ bừa bãi gần như chấm dứt hoàn toàn trên toàn đất nước. Không chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi nhổ kẹo cao su bừa bãi, Singapore còn đưa ra những hình phạt nặng khác đối với những hành vi bị coi là “phản xã hội” dù là nhỏ nhất, chẳng hạn như biện pháp đánh bằng hèo. Hình phạt đánh bằng hèo được áp dụng đối với rất nhiều hành vi vi phạm ở Singapore, chẳng hạn như phá hoại hay tạm trú quá thời hạn cho phép trong thị thực. Nếu người vi phạm là nam giới dưới 50 tuổi, họ có thể sẽ bị lột truồng trong buồng giam, bị trói vào một khung gỗ, và bị đánh nhiều lần vào mông bằng một cây roi mây ướt. 

Con người ta rất kì lạ, đôi khi họ phải đủ đau để học được một bài học nào đó. Có những bài học, khi nhắc nhẹ nhàng, họ sẽ chưa nhận ra. Nhưng đến khi phải trả một cái giá nào đó, thường là khá đắt thì họ mới thấu hiểu bài học đó. Đây chính là lý do vì sao người ta thường tiếc nuối: ví dụ ước gì nếu quay lại thời còn trẻ thì đã học tập khác đi, đối xử khác đi với tình yêu, gia đình, đồng nghiệp. Nhưng đôi khi, con người ta cũng kì lạ bởi tâm lý cả nể, họ không dám nói, không dám thẳng thắn, với những hành động chưa tốt của người khác, nhất là với người thân thiết, gần gũi. Nhiều khi, chúng ta có tâm lý rằng chuyện này nhỏ mà, đâu sao đâu. Nhưng việc xấu ngay từ khi nó còn là nhỏ, nếu không được dập tắt nó sẽ kéo dài tiếp tục. Nhưng quan trọng hơn, là những người có kiến thức về tâm lý, liệu chúng ta có đủ dũng cảm để thay đổi cách mình phản ứng ngay từ bây giờ với những hành động chưa tốt?

Một người có những hành động xấu, vốn dĩ họ không xấu, lí do khiến người đó tiếp tục được thực hiện hành động xấu là bởi vì những người xung quanh chấp nhận hành động đó. Một kẻ tử tù vẫn là một người con có hiếu với mẹ đẻ của mình. Một kẻ bợm rượu, xấu tính, ăn hại, đi đâu cũng chửi, gặp ai cũng chửi, chửi cả những kẻ không chửi nhau với hắn như Chí Phèo cũng vẫn là một điểm tựa và đối xử tốt đối với thị Nở. Cho nên, khi chúng ta thay đổi cách mình phản ứng với người khác, nhất là dám thay đổi những hành động chưa tốt của một người tốt – thì cuộc sống mỗi người sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất rất nhiều.

P.S Đây là một bài viết trong chuỗi các bài ứng dụng NLP vào cuộc sống. Để hiểu thêm về chủ đề bài viết này, các bạn có thể đọc thêm các bài viết như:

  • Làm thế nào để thay đổi chính mình và người khác? Tìm hiểu lý thuyết quan trọng của NLP về nguyên nhân gốc rễ dẫn đến một người thực hiện một hành vi? 
  • Làm sao để người khác TÔN TRỌNG mình? Cách bạn nhìn một người là cách bạn đối xử với họ, và cách mà bạn đối xử với họ sẽ là con người mà họ trở thành.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,668 lượt xem