Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Từ Chối Người Khác Mà Không Gây Mất Lòng?

Trong suốt nhiều năm, tôi là một con người cầu toàn. Được coi là mẫu người luôn biết làm hài lòng người khác và đứng ra nhận phần việc về mình, đôi khi tôi còn nhận đi làm tình nguyện viên. Có thể tự hào mà nói rằng bản thân tôi đã vượt qua quãng thời gian cấp 3, đại học và kể cả trường luật theo cách đó. Trong suốt nhiều năm, tôi nghĩ rằng nói “Không” hoặc từ chối người khác sẽ khiến họ mất lòng và khiến những người tin tưởng mình thất vọng.

Bài học quá khứ

Đến một thời điểm, thực sự có cảm giác tôi không còn được sống cho chính mình nữa. Thay vào đó, tôi thấy mình đã tích được một núi những đề nghị và yêu cầu từ người ngoài và rồi lại tự đặt nó lên vai mình. Cho rằng đó là những gì mình nên làm và tự huyễn hoặc mình rất thích làm những công việc đó. Kết quả ư? Tôi khiến mọi thứ rối tung lên và cuối cùng chẳng hoàn thành được việc gì cả !

Mất kha khá thời gian để tôi học được cách nói “Không” – cách từ chối người khác. Ý tôi là không còn phải chạy theo ham muốn và yêu cầu của xã hội nữa. Thay vì cố ôm đồm nhiều thứ cùng một lúc, tôi chọn giải quyết những gì thật sự quan trọng với mình. Bắt đầu học cách quản lí thời gian của mình chặt chẽ hơn và xây dựng thời gian biểu xung quanh những nhu cầu và đam mê của bản thân.

Kì lạ là khi làm nhự vậy, tôi trở nên yêu đời hơn rất nhiều. Và bạn biết tại sao không?

Người thành đạt không ngại lời từ chối

Khi mà bạn học được nghệ thuật từ chối, thế giới xung quanh chắc chắn sẽ khác đi. Bởi thay vì nhìn vào tất cả mọi thứ ta nên làm, thích làm (và cũng chưa làm), tôi chỉ tập trung nhìn vào những gì thực sự có ý nghĩa.

Oprah Winfrey, bà được xem là một trong những phụ nữ thành công nhất thế giới. Oprah từng thừa nhận rằng chỉ học được cách nói không ở giai đoạn sau của cuộc đời. Kể cả khi bà đã nổi tiếng, bà ấy vẫn cảm thấy phải chiều lòng hầu hết mọi người. Chỉ đến khi đã mệt mỏi với cuộc sống như vậy, bà mới tự đặt câu hỏi, “Thật ra mình muốn cái gì?

Warren Buffet coi việc nói không như một phần quan trọng cho sự thành đạt của cá nhân ông. “Cái khác biệt cơ bản giữa người thành công và người thực sự thành công là người thực sự thành công nói không với hầu hết mọi thứ”, ông nói.

Khi tôi biết cách nói “không”, tôi đạt nhiều thành công hơn qua việc tập trung vào một số thứ cụ thể và cố làm cho thật tốt.

Áp lực phải nói “Có”

Dễ hiểu vì sao phần lớn chúng ta thấy khó khăn khi từ chối một ai đó.

Từ khi còn ít tuổi, chúng ta đã nói “Có”, “Vâng, dạ”,… nhiều lần. Chúng ta làm vậy hàng trăm lần ở trường học và rồi để lên đại học. Chúng ta nói “Có” để được nhận việc. Chúng ta cũng nói “Có” để kí hợp đồng quảng cáo. Chúng ta nói “Có” để được người khác yêu thương và để giữ được các mối quan hệ.

Quan trọng hơn là chúng ta nói “Có” vì bản thân cảm thấy tốt hơn như vừa giúp người khác một cái gì đó. Vì chúng ta nghĩ đó là chìa khóa để thành công. Và cuối cùng, “Có” bởi vì chúng ta không thể từ chối, vì người ta là sếp của mình.

Khi mà người khác đòi hỏi chúng ta dành thêm thời gian cho họ, thật khó mà từ chối được.

Cách để từ chối người khác ngay cả khi không thể

Xem lại giá trị con người bạn

Một trong những trở ngại lớn nhất khi từ chối ai đó là cảm giác tội lỗi dâng trào. Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình có bổn phận phải đồng ý và sợ rằng từ chối sẽ để lại ấn tượng xấu về bản thân?

Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn có thực sự phải đồng ý? Để xem bạn có trách nhiệm phải đồng thuận với người khác hay không. Và hãy thử lật ngược câu hỏi, “Bạn còn nợ bản thân điều gì?”.

Mặc kệ nỗi sợ

FOMO – nỗi sợ bản thân bị lạc lõng và cô đơn với người khác, có thể đeo bám theo nhiều cách khác nhau. Ở công sở, chúng ta tình nguyện làm thêm giờ vì sợ bản thân không theo kịp người khác. Ở bên ngoài, chúng ta gia nhập hội nhóm nào đó mặc dù không thực sự hứng thú. Hùa theo đám đông mặc dù không hẳn đồng tình với họ.

Tự xem lại chính mình đi, bạn có đang mắc chứng FOMO hay không? Như thực tế đã cho thấy, bị nỗi sợ hãi dẫn dắt sẽ không bao giờ đem đến hậu quả tốt đẹp.

Hiểu ý nghĩa lời từ chối

Bạn sợ người khác sẽ phản ứng khi bị từ chối? Thông thường thì chúng ta hay nói “Có” cũng là vì nỗi lo về cách người khác sẽ phản hồi mà thôi. Chúng ta sợ làm tổn thương họ hoặc làm họ mất niềm tin vào chính chúng ta. Nhưng đừng quên tự bản thân bạn cũng sẽ mất niềm tin vào mình nếu phải nói “Có” với cái gì đó mình không thích.

Hãy luôn nhớ rằng một lời từ chối sẽ là câu trả lời xác đáng nhất khi mà bạn không hứng thú và không có đủ thời gian. Bạn có thể tôn trọng người khác nhưng cũng phải nghĩ đến bản thân mình.

Cứ chậm rãi mà xem xét

Đôi khi, chúng ta nói “có” vì lời đề nghị kia có vẻ rất hợp lí hoặc cũng chỉ vì lỡ miệng. Hoặc bởi vì chúng ta từng đồng ý với những điều tương tự trong quá khứ rồi. Trong trường hợp này, hãy tự cho bản thân một chút thời gian để xem mình có đủ thời gian để hoàn thành lời đề nghị kia hay không. Sau đó bạn có thể đi đến quyết định từ chối hoặc đồng ý. Hãy cho bản thân thời gian để tự quyết định, bạn cũng chẳng mất gì cả.

Từ chối cho khéo

Khi bạn quyết định từ chối ai đó, hãy nói rõ ràng và rành mạch. Bạn phải biết ưu tiên thời gian của mình cho công việc của bản thân. Hãy lí giải cho người kia biết lí do bạn từ chối và đừng để họ chưng hửng ra về. Một lời giải thích ngắn gọn, rõ ràng là tất cả những gì bạn cần.

Có một số cách khá hay để tham khảo: Bảo với họ là bạn có nhiều công việc quá và hiện tại cần phải sử dụng thời gian hợp lí. Hoặc đôi khi, tôi sẽ bảo họ rằng mình rất cảm kích vì họ đã tìm đến mình để nhờ vả và hãy quay lại trong tương lai, có thể khi đó tôi sẽ giúp được.

Biết mặc cả một chút

Khi bạn bị áp lực bắt buộc phải nói đồng ý thì hãy nói “Được rồi, NHƯNG…“. Nó sẽ cho bạn cơ hội để người khác lắng nghe và bạn có thể đưa ra yêu cầu của mình. Sau đó, cả hai có thể cùng tìm ra phương án tốt nhất. Ví dụ, có thể bạn chấp nhận làm thêm giờ cho công ty nhưng khác giờ sếp yêu cầu hoặc có thể chỉ nhận làm một phần dự án thôi. Làm hết thì bạn không có thời gian đâu.

Một số lưu ý bạn cần nhớ

Từ chối người khác là một việc không dễ dàng. Và làm những việc mà bản thân chưa thử đôi khi sẽ cảm thấy hơi khó chịu và không thoải mái lắm. Nhưng hãy cứ làm!

Hãy luôn nhớ rằng bạn là người duy nhất hiểu được các nhu cầu và thời gian hiện có của mình. Liệu còn có ai khác nữa nào? Chỉ có bạn mới là trung tâm của tất cả mọi thứ diễn ra trong cuộc đời mình và chỉ có bạn mới biết cách dùng thời gian của mình sao cho hợp lí.

Khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Khi bạn từ chối làm một việc gì đó, bạn sẽ có thời gian để làm những công việc khác. Bạn luôn có cơ hội để quyết định xem đâu là cách tốt nhất để sử dụng thời gian quý giá của mình. Vì vậy, hãy luôn bình tĩnh để cân nhắc.

Thấy hay thì mai ghé lại lần nữa nhé, người anh em của tôi!

Thân ái.

Theo toisong.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

549 lượt xem