Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Thế Nào Khi Sếp Thích Ôm Đồm Công Việc Của Bạn?

 
 

"Nếu anh muốn làm marketing đến như vậy, thì anh làm luôn đi chứ còn thuê thêm người làm gì?". Bạn có từng tưởng tượng mình sẽ nói một câu tương tự như vậy với sếp không?

Theo một khảo sát tại Mỹ, 60% nhân viên cho rằng họ không có cơ hội để làm những công việc yêu thích và thuộc sở trường của họ. Một lí do bất ngờ mà các nhân viên tham gia khảo sát đưa ra là: sếp ôm đồm, thực hiện luôn các phần việc của nhân viên.

Trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm về lãnh đạo điều hành, người ta nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo có xu hướng tiếp tục thực hiện những công việc khiến họ cảm thấy thành công ở các vị trí cấp thấp hơn mà trước đó họ đã đảm nhiệm.

Cùng tham khảo bốn giải pháp VietnamWorks HR Insider gợi ý để khiến sếp bớt ôm đồm công việc của bạn nhé.

Trao đổi với sếp về mong đợi của họ về bạn

Có thể sếp của bạn không nhận ra rằng họ đang can dự quá nhiều vào công việc của bạnu. Hãy gợi ý sếp chia sẻ những mong đợi của họ về bạn. Sếp muốn bạn sẽ đóng góp như thế nào và đảm nhận những vai trò gì khi tuyển dụng bạn vào vị trí hiện tại? Ví dụ nếu sếp nói muốn bạn đi gặp khách hàng mới, nhưng mỗi khi có cơ hội gặp khách hàng, sếp lại đích thân đi gặp khách. Điều đó có nghĩa là sếp chưa nhận thấy họ đang làm thay việc của bạn, hoặc sếp có mục đích nào khác.

Dù thế nào, hãy thẳng thắn chia sẻ việc thực hiện quá ít công việc phù hợp khiến bạn cảm thấy không có cơ hội để phát triển đúng tiềm năng và con đường sự nghiệp của mình.

Hỏi sếp về hiệu quả công việc của bạn

Khi sếp làm luôn phần việc của bạn, rất có thể do họ cảm thấy không hài lòng về kết quả công việc của bạn. Hãy tìm cơ hội để trao đổi với sếp, hỏi họ xem kết quả công việc của bạn có làm họ hài lòng. Nếu sếp khẳng định là bạn vẫn thể hiện tốt thì đây là cơ hội để bạn mở lòng về mức độ tham gia của sếp, và việc đó ảnh hưởng tới khả năng đóng góp và cơ hội phát triển của bạn như thế nào.

Mặt khác, nếu sếp khẳng định rằng họ không hài lòng với kết quả công việc của bạn, hãy thử đề xuất một cách cải thiện phù hợp. Giải thích rằng bạn thật sự mong muốn nhận trách nhiệm và nâng cao kết quả công việc. Đề xuất với sếp thay vì làm luôn phần việc của bạn, hãy hỗ trợ bạn bằng cách đưa ra các ý kiến đóng góp và chỉ dẫn bạn hoàn thành công việc tốt hơn. Như vậy sếp sẽ đỡ phải ôm đồm nhiều việc và bạn cũng sẽ có cơ hội để hoàn thiện mình, đóng góp nhiều hơn cho công ty.

Cùng nhau thảo luận giải pháp phù hợp với sếp

Cùng tìm hiểu xem mục tiêu của sếp khi can thiệp vào công việc hơi nhiều như vậy. Có thể sếp cảm thấy làm như vậy là giúp đỡ và khiến bạn nhẹ việc hơn. Hoặc sếp thích công việc của bạn, đặc biệt nếu họ từng ở vị trí đó. Hoặc có thể sếp lo sợ kết quả không tốt của nhân viên sẽ ảnh hưởng tới phòng ban mình quản lý và công ty. Tất cả những nhu cầu này đều không xấu, nhưng sự tham gia quá mức không phải là cách giải quyết hợp lý, đúng đắn cho cả hai bên về lâu dài.

Sếp luôn cần phải tham gia một mức độ nhất định vào công việc của nhân viên mà họ quản lý. Ví dụ như họ cần phải được cung cấp thông tin về tình hình công việc. Hoặc ở một vài trường hợp sếp sẽ có những giải pháp để cải thiện công việc tốt hơn. Hãy thẳng thắn trao đổi với sếp về một mức độ tham gia hợp lý: những phần việc nào bạn muốn đảm nhận hoàn toàn, những phần việc nào bạn cần sự hỗ trợ của sếp, những phần việc nào sếp mong muốn tham gia,… Đừng ngần ngại, nếu bạn thẳng thắn và chân thành, sếp sẽ đồng lòng cùng bạn tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho đôi bên.

Đừng chờ đợi

Hãy hành động càng sớm càng tốt. Nếu bạn đợi quá lâu thì bạn càng tạo lí do cho sếp tiếp tục. Trong một trường hợp trước đây tôi từng gặp, bạn nhân viên sau một cuộc họp vì quá bức xức đã đến thẳng trước mặt sếp, nóng giận nói thẳng thừng: “Tại sao anh lại thuê tôi! Nếu anh muốn làm marketing đến như vậy, thì anh làm luôn đi chứ còn thuê thêm người làm gì?”. Rõ ràng đó sẽ là một thảm hoạ lớn.

Lời kết: Với ý định cuối cùng là tốt cho công ty, các nhà lãnh đạo thường tham gia hơi nhiều vào công việc của cấp dưới. Đừng mặc định rằng sếp hiểu rõ hành động của họ. Hãy lên tiếng, như vậy bạn sẽ giúp sếp và bản thân mình phát triển hơn trong công việc, hạnh phúc hơn và giúp công ty thành công.

-- HR Insider / VietnamWorks --

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

435 lượt xem