Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Lập Kế Hoạch Công Việc Cho Năm Mới: Tạo Đà Thành Công

Đại đa số người Việt thường chỉ coi Tết Âm lịch mới là khởi đầu của một năm mới. Tuy nhiên trên thực tế những người làm công ăn lương lại bắt đầu một năm làm việc mới ngay từ dịp Tết Dương lịch. Theo các chuyên gia, việc lập một kế hoạch công việc của năm ngay từ thời điểm này là rất cần thiết...

Làm việc thiếu kế hoạch, khó thành công

Theo các chuyên gia tâm lý, muốn lên kế hoạch thì phải biết hướng tới mục tiêu là gì, dành cho nó bao nhiêu thời gian. Bà Nguyễn Lâm Thúy, Văn phòng tham vấn gia đình và trẻ em Vala cho biết: Qua theo dõi khách hàng chúng tôi nhận thấy, người gặp khó khăn trong công việc thường là những người không biết xác lập kế hoạch cho mình. Có người xác định được mục tiêu nhưng lại không biết lập kế hoạch một cách phù hợp nên không tận dụng được thời gian.

“Một lý do khiến nhiều người không  lập kế hoạch công việc năm từ Tết Dương lịch là do tâm lý chờ đến “năm mới” theo truyền thống đón Tết Nguyên đán. Thói quen này chỉ phù hợp với người nông dân, vì công việc của họ là theo mùa vụ. Còn đối với những người làm công ăn lương, cán bộ, kinh doanh... nếu chờ đến Tết Nguyên đán mới lập kế hoạch năm thì họ sẽ để phí thời gian từ 1 đến 2 tháng. Việc phí phạm thời gian này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu trong cả năm, thậm chí còn khiến bạn tụt hậu  so với đồng nghiệp”, bà Thúy nói.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Lan, Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ, một người làm việc theo bản năng, phó mặc cho dòng đời xô đẩy thì mọi thứ sẽ rối tinh lên, rất khó đạt được hiệu quả.

Bất cứ việc gì cũng cần phải có kế hoạch, bà Lan cho hay. Kế hoạch làm việc, kế hoạch cho gia đình, kế hoạch đi du lịch, kế hoạch làm đẹp... Riêng với kế hoạch cho công việc thì nên lên từ bây giờ. Những kế hoạch khác như kế hoạch cho gia đình, cho du lịch, cho con cái thì có thể chờ đến Tết Nguyên đán.

Xác định mục tiêu đúng

Theo bà Thúy, muốn lập kế hoạch công việc cho cả năm thì đầu tiên mỗi người phải trả lời được những câu hỏi sau: Năm nay mình muốn điều gì? Tại sao mình muốn điều đó? Cơ sở nào để thực hiện nó? Mình đã có những điều kiện khả năng gì, cái gì mình còn thiếu? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp mỗi người xác định được mục tiêu đúng đắn, phù hợp.

Khi đã có mục tiêu đúng thì bước thứ hai là lên kế hoạch. Lập kế hoạch năm nên chi tiết đến từng tháng. Ví dụ, để đạt được mục tiêu ký được hợp đồng cho công ty A, tháng 1 sẽ đạt được mục tiêu gì, tháng 2 là gì... cho đến tháng 12 thì sẽ đạt được mục tiêu của cả năm. Với một kế hoạch năm chỉ cần lập chi tiết tháng là đủ. Mục tiêu càng cụ thể, càng chi tiết thì càng dễ thực thi.

Kinh nghiệm của những nhà quản lý doanh nghiệp giỏi cho thấy, khi đã có kế hoạch năm thì hàng tháng bạn sẽ có kế hoạch tháng. Rồi đến kế hoạch tuần, ngày, giờ.

Sau khi có kế hoạch làm việc một cách cụ thể, mỗi ngày hãy dành 10 phút trước khi ngủ để kiểm điểm đánh giá những gì đã làm được, những gì chưa làm được. Như vậy sẽ có “sửa chữa”, bổ sung cho kế hoạch ngày mai. Khi có mục tiêu, có kế hoạch làm việc rõ ràng sẽ giúp cho mỗi người quản lý tốt cuộc sống của mình.

Mỗi ngày nên làm việc mấy tiếng?

Một ngày có 24 tiếng thì bạn sẽ phải dành bao nhiêu thời gian cho công việc, bao nhiêu thời gian cho gia đình, cho chăm sóc bản thân và cho bạn bè? Mỗi người tùy vào tuổi tác, điều kiện, hoàn cảnh và căn cứ vào mục tiêu của mình để có một sự phân chia thời gian phù hợp. Không thể có một bản kế hoạch nào áp dụng chung cho tất cả mọi người. Bởi người chưa lập gia đình, thời gian dành cho công việc có thể lên đến 16 tiếng. Nhưng với một người trung tuổi, có thể họ chỉ dành thời gian cho công việc chỉ 4 – 5 tiếng. Thời gian còn lại họ dành chăm sóc cho gia đình, bởi công việc đó khiến họ cảm thấy hạnh phúc.

 

Tuy không có mẫu số chung nhưng quỹ thời gian cho công việc trung bình trong một ngày thường không nên quá 10 tiếng. Trung bình là từ 8 – 10 tiếng là phù hợp, còn lại là thời gian đi đường, thời gian thư giãn, bạn bè, gia đình...

Khi lên kế hoạch thì có nhiều bước nhưng phải có bước dự phòng. Theo bà Lan, bạn đừng tính một khung thời gian quá cứng, đúng thời gian này phải làm cái này, thời gian kia phải làm cái kia. Cuộc sống luôn biến động và thay đổi. Nếu không lên quỹ thời gian dự phòng, không có biện  pháp dự  phòng, rất có thể phá sản mọi kế hoạch.   Theo giadinh.net.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,557 lượt xem