Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Liệu Bạn Có Tố Chất Của Một Nhà Lãnh Đạo?

Bạn là người lãnh đạo hay là người theo sau???

Bài viết sau được dịch từ chia sẻ trên entrepreneur.com của Travis Bradberry, Đồng tác giả của Emotional Intelligence 2.0 và Chủ tịch tại TalentSmart.

Khả năng lãnh đạo là nghệ thuật thuyết phục, hành động khuyến khích, thúc đẩy mọi người phát huy được khả năng của họ, giúp họ làm được nhiều việc hơn những gì họ nghĩ để theo đuổi một mục đích lớn hơn.

Khả năng lãnh đạo không liên quan đến quyền lực hay thâm niên

Khả năng lãnh đạo không liên quan đến chức vụ của bạn.

Bạn không phải là người lãnh đạo chỉ bởi vì có người làm báo cáo cho bạn. Và bạn cũng không đột nhiên trở thành lãnh đạo khi bạn đạt được một mức lương cao.

Một nhà lãnh đạo thực thụ có sức ảnh hưởng đến người khác theo theo cách tốt nhất. Khả năng lãnh đạo là sự tác động lên cộng đồng, chứ không phải do vị trí quyền lực.

Nếu hành động của bạn khiến người khác mơ ước nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, làm nhiều hơn và trưởng thành nhiều hơn, thì bạn chính là nhà lãnh đạo” – John Quincy Adams

Bạn không cần bất cứ ai làm báo cáo giúp bạn để bạn có thể là người lãnh đạo. Một người quản gia cũng có thể ảnh hưởng đến người khác và chỉ dẫn công việc như một CEO.

Cũng như vậy, bất cứ ai đang giữ vị trí lãnh đạo cũng có thể là người theo sau.

Nếu bạn là nô lệ của tâm trạng, cảm xúc, thiếu tầm nhìn, hoặc không tạo động lực giúp những người xung quanh trở nên tốt hơn, thì bạn chỉ là người theo sau. Ngay cả khi bạn đang giữ vị trí lãnh đạo , mọi người cũng không theo bạn nếu bạn có những biểu hiện trên.

Một quan chức cấp cao tạo ra một bộ máy quan liêu không cần thiết, nhốt mình trong văn phòng, và thất bại trong việc tác động đến người khác theo hướng tích cực thì người lãnh đạo này không hơn gì một kĩ sư phần mềm tự tách biệt với xã hội, từ chối làm bất cứ điều gì ngoại trừ viết mã.

Trở lại với câu hỏi: Bạn là nhà lãnh đạo hay chỉ là người theo sau?

Để tìm ra câu trả lời, bạn cần hỏi bản thân mình một số câu hỏi quan trọng sau. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra câu trả lời cho từng câu hỏi.

  1. Bạn có đang dẫn đầu và vượt xa mọi người?

Những người theo sau chỉ làm đúng phần công việc của mình, họ hiếm khi làm những việc vượt quá trọng trách của mình mặc dù họ có thể làm tốt chúng. Trong khi những người lãnh đạo, họ xem mô tả công việc chỉ như nền tảng để tạo nên những điều tuyệt hơn. Những người lãnh đạo nhìn thấy vai trò thực sự của họ là tạo nên các giá trị, và họ sẽ làm điều đó bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu họ nhìn thấy cơ hội.

  1. Bạn có tự tin không?

Những người theo sau coi tài năng và thành công của người khác như mối đe dọa. Những người thành công xem tài năng và thành công của người khác như một tài sản. Người lãnh đạo luôn muốn làm mọi thứ tốt hơn, và họ sẵn sàng giúp đỡ khi có ai đó gặp khó khăn. Người lãnh đạo là người dẫn dắt nhóm thực thụ. Họ không ngại thừa nhận rằng họ cần mọi người mạnh mẽ khi họ yếu đuối.

  1. Bạn có phải người lạc quan?

Những người theo sau nhìn thấy khó khăn trong mọi việc, còn những nhà lãnh đạo nhìn thấy những cơ hội, khả năng. Khi một việc trở nên không tốt, những người lãnh đạo sẽ không chú trọng vào vấn đề vì họ đang bận rộn nghĩ ra những giải pháp để giải quyết vấn đề và làm cho mọi việc tốt hơn.

  1. Bạn có phải một người sẵn sàng thay đổi?

Người theo sau hài lòng với sự an toàn của họ. Họ nhìn thấy sự thay đổi là một điều đáng sợ và rắc rối. Các nhà lãnh đạo là những người sẽ nhìn thấy những cơ hội trong từng thay đổi. Bởi vì các nhà lãnh đạo muốn liên tục hoàn thiện, phát triển bản thân, họ không bao giờ ngại hỏi, "Điều gì tiếp theo?"

  1. Bạn có phải là người ra quyết định?

Những người theo sau thường do dự trong hành động, bởi vì họ sợ họ sẽ đưa ra quyết định sai lầm. Những nhà lãnh đạo không lo sợ việc phải đưa ra quyết định mặc dù đôi khi họ không chắc chắn về quyết định của mình nhưng trong nhiều trường hợp, không dám quyết định còn tồi tệ hơn cả việc quyết định sai.

 "Các nhà lãnh đạo có thể đưa ra quyết định sai lầm hơn là bị tê liệt bởi sự do dự."

  1. Bạn có phải một người có trách nhiệm?

Khi xảy ra sai sót, những người theo sau sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác. Những người lãnh đạo sẽ nhanh chóng chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Họ không lo lắng việc thừa nhận lỗi lầm khiến họ trông tệ thế nào, bởi vì họ biết rằng tiếp tục đổ lỗi cho người khác càng khiến họ trở nên xấu hơn.

  1. Bạn có phải người điềm tĩnh?

Những người theo sau thường để những chướng ngại và rủi ro cản trở họ đến với thành công. Khi một phần việc nào đó trở nên sai lầm, họ thường cho rằng cả quá trình là một điều tồi tệ. Người lãnh đạo biết sẽ có những trở ngại và sẵn sàng đón nhận thử thách. Họ biết rằng ngay cả những kế hoạch tốt nhất cũng sẽ gặp phải những rắc rối không mong đợi, do đó họ luôn sẵn sàng giải quyết các vấn đề và hoàn thành kế hoạch như dự định.

  1. Bạn có phải là một người khiêm tốn?

Những người theo sau thường theo đuổi những thứ hào nhoáng. Những nhà lãnh đạo thì khiêm tốn. Họ không lạm dụng quyền lực để làm cho họ cảm thấy rằng họ là tốt hơn so với bất cứ ai khác. Vì vậy, họ không ngần ngại nhảy vào và làm việc bẩn khi cần thiết, và họ sẽ không yêu cầu bất cứ ai làm bất cứ điều gì khi họ không sẵn sàng tự làm.

  1. Bạn là một người năng động?

Những người theo dõi bị mắc kẹt trong công việc hàng ngày. Họ đi làm và hoàn thành các nhiệm vụ, trở về nhà vào cuối ngày và tiếp tục cuộc sống thực của họ. Các nhà lãnh đạo yêu thích những gì họ làm và coi công việc của họ là một phần quan trọng trong cuộc sống chứ không phải là một sự thay thế. Công việc của họ không chỉ là những gì họ làm; đó là một phần quan trọng nói lên con người họ.

  1. Bạn có động lực từ bên trong?

Những người theo sau chỉ được tạo động lực từ các tác động bên ngoài như sự thăng chức, tăng lương. Người lãnh đạo sẽ có những động lực từ bên trong. Họ không làm việc theo cảm xúc hoặc tài sản. Họ có động lực để phát triển bản thân vì điều đó chứng tỏ họ là ai. Người lãnh đạo thực thụ sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt công việc của mình mặc dù không có bất kì phần thưởng nào.

 “Người lãnh đạo thực thụ sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt công việc của mình mặc dù không có bất kì phần thưởng nào”

  1. Bạn có chú trọng chức vụ?

Người theo sau chú trọng đến chức vụ của họ và của cả đồng nghiệp. Họ biết rõ ai là người chức cao hơn mình, bởi vì họ thiếu kĩ năng và động lực từ chính bản thân mình. Bên cạnh đó, người lãnh đạo chỉ tập trung vào giá trị mỗi cá nhân mang lại, mà không quan tâm đến những gì viết trên tấm danh thiếp.

  1. Bạn có chú trọng đến con người?

Người theo sau chỉ tập trung làm việc một mình. Người lãnh đạo sẽ thích làm việc theo nhóm, bởi vì họ biết tập thể có sức mạnh to lớn. Một người lãnh đạo giỏi là người đạt được những thành tựu thông qua người khác.

 “Một người lãnh đạo giỏi là người đạt được những thành tựu thông qua người khác”.

 13. Bạn có sẵn sàng học hỏi?

Một người lãnh đạo mặc dù tự tin nhưng họ biết họ không phải siêu nhân cũng không phải không bao giờ mắc sai lầm. Họ không e ngại thừa nhận những việc họ không biết và sẵn sàng học hỏi từ người khác, kể cả đó là cấp dưới, bạn bè, đồng nghiệp hay cấp trên. Những người theo sau thì quá bận để chứng tỏ họ biết mọi thứ và không cần học hỏi bất cứ gì từ người khác.

HÃY ĐẶT NHỮNG CÂU TRẢ LỜI LẠI VỚI NHAU

Hãy nhìn lại một lượt các câu hỏi trên. Không có một chức vụ, vị trí hoặc nơi nào trên biểu đồ tổ chức chứng tỏ bạn là nhà lãnh đạo. Đó là bởi vì bạn có thể có chức vụ và vị trí  ngoại trừ là khả năng lãnh đạo.

Bạn có thể đã làm việc cho một người phù hợp với các mô tả trên. Và bạn có thể có các đồng nghiệp đóng vai trò lãnh đạo nhưng không có chức vụ gì.

Khả năng lãnh đạo là những tư tưởng. Đó là cách chúng ta nhìn thế giới theo các cách khác nhau. Một là phản ứng tiêu cực, và một là phản ứng tích cực. Một là bi quan; một là lạc quan. Một bên nhìn thấy một danh sách những việc phải làm, một bên thấy được những khả năng, cơ hội.

Vì vậy, không cần đợi lên chức, khả năng lãnh đạo không phải là điều mà bất cứ ai có thể cung cấp cho bạn. Bạn phải tự trau dồi để có được khả năng lãnh đạo.

------------------------

Tác giả: Travis Bradberry, Đồng tác giả của Emotional Intelligence 2.0 và Chủ tịch tại TalentSmart.

Link bài gốc: https://www.entrepreneur.com/article/248293

Nguồn: entrepreneur.com

Dịch giả: Hà Thương - YBOX.VN Translator

(*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VNKhi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Hà Thương - Nguồn: YBOX.VN". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ:"Theo Ybox" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại ây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,195 lượt xem