Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Liệu Học HAi Ngoại Ngữ 1 Lúc Có Khả Thi?

Đầu tiên phải khẳng định một điều: Học hai ngoại ngữ cùng một lúc là có thể, nhưng có thể không đồng nghĩa với nên

Hãy tưởng tượng bạn phải trình bày hai bài thuyết trình trong cùng một ngày: chuẩn bị cho bài này sẽ lấy mất thời gian để chuẩn bị bài kia, mà nếu hai bài có điểm tương đồng thì sẽ dễ dẫn đến nhầm lẫn. Kết cục là bạn sẽ cho ra một bài diễn thuyết hay và một bài dở, hoặc hai bài tầm thường. Nếu mục tiêu của bạn là hai bài xuất sắc, hoặc là lần lượt tập trung vào từng cái một, hoặc bắt đầu thật sớm và dành thật nhiều thời gian, công sức và kiên nhẫn.

Muốn học hai ngoại ngữ cùng một lúc cũng vậy.

Những cư dân thế kỉ 21 chúng ta thường có tâm lý là cái gì cũng phải nhanh nhanh chóng chóng. Tuy nhiên, đem cái tâm lý này vào việc học ngoại ngữ thì chỉ xôi hỏng bỏng không. Những tháng đầu tiên tìm hiểu một ngôn ngữ mới là một quá trình chậm rãi, yêu cầu sự tỉ mẩn, tận tâm, nhẫn nại. Đưa thêm một ngoại ngữ nữa vào, người học có thể sẽ không dành đủ thời gian và công sức mà mỗi ngôn ngữ cần. Họ đang mạo hiểm chính cái nền tảng của tòa lâu đài mình muốn xây.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, học hai ngoại ngữ cùng một lúc cũng có mặt tốt của nó. Nó dạy bạn cách học linh hoạt, ngăn nắp, chủ động, rèn giũa kĩ năng học ngoại ngữ để những thứ tiếng sau này bạn muốn học sẽ dễ vào hơn. Và đừng quên cái cảm giác tự hào, thỏa mãn bạn sẽ có được khi thành công nữa chứ.

Nếu bạn cảm thấy mặt hại của việc học hai ngoại ngữ một lúc không là gì so với mặt lợi, hoặc bạn đang tìm kiểm một thử thách cho bản thân, hoặc công việc của bạn yêu cầu vậy và bạn không còn lựa chọn nào khác, đừng lo! Như đã nói ở trên, việc này hoàn toàn là có thể, và dưới đây là một số tips cho những ai đang chuẩn bị dấn thân vào hành trình này.

1. Chọn học hai ngôn ngữ khác hẳn nhau.

Khi học song song hai thứ tiếng, một điều bạn phải nhớ là ta phải giảm thiểu những yếu tố gây rối. Học combo Pháp - Ý hay Đức - Hà Lan ắt sẽ dẫn đến lẫn lộn. Khi chọn, hãy cố tìm những ngôn ngữ khác hẳn nhau. Tây Ban Nha và Trung Quốc là một lựa chọn bạn nên cân nhắc, vì nếu đã biết tiếng Anh sẵn rồi, học chúng bạn sẽ nắm trong tay top 3 thứ tiếng có nhiều người nói nhất trên thế giới.

2. Chọn một ngoại ngữ chủ đạo

Cho dù bạn tự tin mình sẽ lưu loát cả hai thứ tiếng hay vẫn chưa chắc có nên bắt đầu hành trình học song ngữ hay không, hãy chọn một ngôn ngữ chủ đạo/ưu tiên. Bạn sẽ vẫn dành thời gian cho cả hai, nhưng vào những ngày có việc đột xuất hoặc quá bận rộn, bạn sẽ chỉ dành thời gian cho ngôn ngữ bạn ưu tiên mà thôi. Làm vậy bạn sẽ thấy rõ sự tiến bộ của mình và tránh được cảm giác giậm chân tại chỗ mà nhiều người học song ngữ hay gặp phải.

3. Sắp xếp thời gian cho từng ngoại ngữ

Học hai thứ tiếng một lúc là một thử thách khả năng quản lý thời gian. Nó chỉ khả thi nếu bạn biết lên kế hoạch từ trước. Phụ thuộc vào độ khó và thứ tự ưu tiên của từng ngoại ngữ mà bạn xếp cho nó bao nhiêu thời gian mỗi ngày. Nếu bạn có thể viết hẳn ra kế hoạch cho từng ngày thì cảng tốt. Nên nhớ đây là cả một quá trình, thời gian biểu của bạn qua thời gian sẽ cần trỉnh sửa cho phù hợp với tình hình học tập và đời sống hiện tại của bạn.

4. Chọn cách học và dụng cụ học khác nhau cho mỗi ngoại ngữ

Một thứ tiếng thì học ở nhà, tiếng kia trong thư viện nhà trường. Một cái học bằng flashcard giấy, một cái học bằng app flashcard. Một cái ghi bài bằng mực xanh, cái kia mực tím. Một cái ghi trong vở ô ly, cái kia vở kẻ ngang. Có rất nhiều cách để bạn phân biệt việc học của hai ngôn ngữ khác nhau, gắn ghép cho chúng một 'danh tính' riêng, góp phần giảm thiểu hơn nữa những yếu tố gây rối.

5. Nếu có thể, hãy cố đặt trình độ A1 trong một thứ tiếng trước đã

A1 là trình độ thấp nhất khi học một ngoại ngữ. Đạt được nó bạn có thể đến du lịch tại đát nước đó mà không phải dùng có nhiều body language khi giao tiếp. Có A1 rồi nghĩa là bạn đã nắm được kiến thức nền tảng, giúp tránh việc bị lẫn lộn khi học thêm một ngôn ngữ nữa.

6. Chọn một ngôn ngữ quen thuộc với thứ tiếng mẹ đẻ/bạn trôi trảy

Đây là một cách để đơn giản hóa quá trình học của bạn. Thay vì phải học hai thứ tiếng mà mình mù tịt, bạn sẽ học một thứ tiếng mà một số từ vựng và ngữ pháp bạn đã biết. Đồng thời, rút từ típ 4, bạn có thể đặt hai 'danh tính' khác nhau cho hai ngôn ngữ mình đang học: 'cái tiếng giông giống với...' và 'cái tiếng lạ hoắc', thay vì cả hai chúng nó đều là 'cái tiếng lạ hoắc'.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

440 lượt xem