Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Networking: Kỹ Năng Xây Dựng Mối Quan Hệ

Mình đang học lớp Analysis of Networks (Phân tích mạng lưới) ở Stanford. Mạng lưới có thể bao gồm mạng lưới các máy tính kết nối với nhau (Internet), mạng lưới những mối quan hệ, cả trên mạng lẫn trong đời sống thực, mạng lưới giao thông, … Trong bài giảng đầu tiên, thầy có trình bày nghiên cứu rằng trong công ty, nhân viên kết nối với nhiều đội nhóm khác nhau trong công ty thường sẽ thành công hơn nhân viên chỉ giới hạn mối quan hệ trong một đội nhóm. Trích dẫn từ slide bài giảng, EGO ở mạng lưới bên phải thành công hơn EGO ở mạng lưới bên trái, vì sự kết nối cho EGO ở phía bên phải cho phép nhân viên này tiếp cận với thông tin mới lạ, quyền lực, cũng như tự do.
Nghiên cứu này là một minh chứng cho sự quan trọng của xây dựng mối quan hệ (networking). Khá nhiều bạn comment nhờ mình viết về chủ đề này, nên mình nghĩ kỹ năng này là một kỹ năng quan trọng mà nhiều bạn còn thiếu ở Việt Nam. Bài viết được chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của bản thân và từ những gì mình học được qua quá trình sống, học tập, làm việc, và du lịch ở nhiều quốc gia khác nhau.
 
Nhận ra mỗi người đều có một thế mạnh và tôn trọng họ
 
Để networking thành công, trước hết chúng ta cần phải nhận ra rằng bất cứ ai chúng ta gặp đều có điều gì đó để chúng ta học hỏi. Phải, bất cứ ai. Kể cả anh chàng mà bạn nghĩ là học dốt nhất lớp, bác lao công, hay người lái taxi. Cuộc sống là khắc nghiệt. Nếu ai đó tồn tại được đến ngày hôm nay, họ có một thế mạnh nào đó.
 
Khi gặp một ai đó mới, do không biết gì người đó, thật dễ dàng để bỏ qua người đó là chẳng có gì thú vị, dẫn đến việc nói chuyện nửa vời. Bạn mình, anh chàng Jaime trong sách “Đường đến Stanford”, nói với mình rằng khi gặp ai đó mới, mục tiêu của anh chàng là tìm hiểu xem điều gì đặc biệt về người đó. Anh chàng sẽ tập trung toàn bộ sự chú ý vào người đó, không check điện thoại, Facebook, hay lơ đãng nhìn đi đâu đó, đặt câu hỏi về cuộc sống, con người họ. Nếu sau 30 phút mà anh chàng không nhận ra được điều gì thú vị về người đó, Jaime coi đó là một sự thất bại của bản thân vì đã không biết cách đặt câu hỏi để người mới gặp đó bộc lộ bản thân.
Mình cố gắng áp dụng phương pháp Jaime dạy khi gặp với người lạ. Mình bắt chuyện với người lái Uber, người thu dọn ở văn phòng, anh chàng ít nói trong lớp, và mỗi cuộc nói chuyện luôn giúp mình học được điều gì đó mới mẻ. Có lần mình nói chuyện với người lái Uber và biết anh chàng là người tị nạn từ Somalia. Anh chàng chia sẻ với mình quá trình đi tị nạn, những gì người Somalia nghĩ về Captain Phillips, bộ phim Hollywood làm về cướp biển Somalia, cũng như quán ăn với đồ Somalia siêu ngon ở khu mình sống. Sau đó, khi trợ giảng của mình làm nghiên cứu về người tị nạn, mình đã giới thiệu trợ giảng cho anh chàng, tự nhiên ghi điểm với trợ giảng đó.
 
Hay một lần khác, mình gặp một anh chàng sinh viên Việt Nam sang khu mình ở để phỏng vấn với một số công ty công nghệ. Ban đầu mình nghĩ, lại một kỹ sư máy tính nữa ở thung lũng Silicon, thật tẻ nhạt. Bên này, 10 người bạn gặp chắc cả 10 người là kỹ sư máy tính. Ban đầu, buổi nói chuyện rất khó xử vì có lẽ câu hỏi nào mình hỏi cũng chỉ ra được câu trả lời mà mình nghĩ mình đã biết từ trước. Đã nửa tiếng rồi mà cuộc hội thoại không đi về đâu, mình đứng dậy đi về nhưng rồi quyết định hỏi thêm về quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của anh chàng. Cậu bảo đó là khi quyết định chọn giữa chuyên Toán Sư phạm và chuyên Tin Tổng Hợp. Lúc đó, bố mẹ anh chàng khăng khăng bắt cậu đi học chuyên Toán, nhưng rồi cậu vẫn gan góc theo học Tin. Cậu khiến mình nghĩ nhiều hơn về việc tại sao Tin là một môn quan trọng như thế ở Mỹ nhưng ở Việt Nam vẫn còn là một môn phụ, nhiều phụ huynh không muốn cho con cái theo học. Qua cậu, mình gặp thầy của cậu, một người thầy muốn đưa tin học trở thành một môn học chính ở Việt Nam.
 
Đa dạng hoá các mối quan hệ
 
Nghiên cứu The Strength of Weak Ties của nhà xã hội học Mark Granovetter ở Stanford đã chỉ ra rằng mọi người có đến 58% tìm được việc thông qua các mối quan hệ xã giao. Câu hỏi ông đặt ra là, tại sao các mối quan hệ xã giao lại hiệu quả hơn bạn bè thân thiết? Câu trả lời là các mối quan hệ xã giao thường thuộc về nhiều hội nhóm xã hội khác với bạn, họ biết nhiều thứ khác với bạn, và do đó có thể cho phép bạn tiếp cận với nhiều thông tin mới lạ, như những cơ hội làm việc mà bản thân bạn không biết. Ông cũng chỉ ra rằng phần lớn chúng ta hay chọn kết nối với những người mà cách suy nghĩ và nhìn nhận giống với chúng ta, khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội tiếp cận những thông tin mới lạ này.
 
Ví dụ, khi bạn tìm việc về công nghệ thông tin, bạn không chỉ nên nói chuyên với người làm trong ngành công nghệ thông tin. Bạn có thể làm trong ngành giáo dục, xây dựng nền tảng học trực tuyến cho các trường học. Bạn có thể làm trong bệnh viện bởi họ cần sử dụng công nghệ thông tin để quản lý bệnh nhân. Bạn cũng có thể làm trong ngành tài chính vì rất nhiều công ty giao dịch chứng khoán cần thuật toán để có thể dự đoán giá cổ phiếu. Nếu bạn có nhiều mối quan hệ trong nhiều ngành khác nhau, bạn có thể tăng cơ hội nghề nghiệp của mình lên rất nhiều so với việc chỉ có mối quan hệ trong một ngành.
 
Sự đa dạng của các mối quan hệ không chỉ quan trọng khi bạn tìm việc, mà còn có ích rất nhiều khi bạn tìm bạn đời, khi bạn ra mắt sản phẩm, khi bạn làm báo, khi bạn bán hàng. Lý do chính giúp cho cuốn sách đầu tay của mình “Xách ba lô lên và Đi" có độ phủ sóng cao như vậy không phải là do mình giỏi làm truyền thông, mà là do những người mình quen biết giúp mình mang thông tin cuốn sách đến hội nhóm của họ. Mình có thời gian viết blog về các công ty khởi nghiệp, nên rất nhiều anh chị trong cộng đồng khởi nghiệp đã ủng hộ mình bằng cách đặt banner về cuốn sách của mình trên trang web của họ, như Baomoi, Tiki, Saga. Mình cũng chơi với hội mê điện thoại độ nên admin của Tinhte cũng đã giúp quảng bá cho cuốn sách trên diễn đàn. Các anh chị trong cộng đồng du lịch trên Phuot cũng ủng hộ cuốn sách bằng việc đưa nó lên trang chủ. Những tờ báo mình đã từng cộng tác như Tiền Phong, VTC News, Hoa Học Trò, Mực Tím, giúp mình lên bài về cuốn sách. Những mối quan hệ đa dạng này đã giúp cho cuốn sách của mình đến với rất nhiều đối tượng độc giả khác nhau.
 
Vậy nên, khi networking, bạn hãy lưu ý làm sao tăng sự đa dạng của các mối quan hệ của mình một cách tối đa. Bạn có thể không chỉ chơi với những người thích cùng môn với mình, mà hãy chơi với những người không thích học cùng môn, bởi rất có thể họ sẽ chọn ngành khác với bạn. Bạn có thể tham gia nhiều hội nhóm khác nhau, cả những hội nhóm mà bạn nghĩ bạn sẽ chẳng bao giờ tham gia. Bạn có thể viết blog, viết báo trường, tìm cách phỏng vấn nhiều người -- mình phát hiện ra nghề viết là nghề cho bạn cơ hội tiếp cận vô số đối tượng thú vị.
 
Mình có thói quen là mỗi khi gặp ai làm nghề gì đó mà mình chưa có bạn bè nào làm, mình hay đề nghị mời người đó đi cafe hay ăn uống để tìm hiểu về nghề nghiệp của họ. Nó không chỉ giúp mình mở rộng mối quan hệ mà còn giúp mình so sánh môi trường làm việc của mình với môi trường làm việc của họ, giúp mình quyết định mình muốn làm gì.
 
Xây dựng các mối quan hệ sâu sắc, lâu dài
 
Song song với việc mở rộng các mối quan hệ là xây dựng các mối quan hệ sâu sắc, lâu dài. Một mối quan hệ lâu dài đôi khi có giá trị như hàng trăm các mối quan hệ hời hợt. Cái mà một mối quan hệ sâu sắc mang lại cho mình trước hết là sự tin cậy, trong tiếng Anh là reliability. Người quen sơ sơ thì có thể giúp mình hoặc không giúp mình khi mình cần, nhưng một người bạn thực sự sẽ luôn cố gắng giúp mình khi mình cần.
 
Mình có quen biết sơ sơ nhiều giáo sư ở Stanford nhưng đặc biệt thân thiết với một giáo sư và gia đình của ông. Vị giáo sư này là cứu mình không ít lần. Ví dụ, ông là người viết thư giới thiệu cho mình khi tìm việc, khi nộp đơn làm thạc sĩ, và rất có thể sẽ là khi mình nộp đơn làm nhiều cái khác nữa. Có lần, mình muốn tham gia một hội thảo, nhờ một giáo sư khác viết thư giới thiệu mà đến tận deadline rồi mà giáo sư đó vẫn chưa trả lời, mình đành cấp tốc nhờ vị giáo sư thân thiết này, và ông đã viết thư giới thiệu cho mình ngay lập tức. Vợ ông có một blog khá nổi tiếng và bà đã giúp mình sửa bản thảo, viết proposal. Mối quan hệ thân thiết cũng giúp ông hiểu về tính cách và đam mê của mình, do đó có thể cho mình lời khuyên quý báu về sự nghiệp cũng như về cuộc sống.
 
Làm thế nào để có thể xây dựng được một mối quan hệ sâu sắc, lâu dài? Nhiều người nói, nó là do cái duyên. Có nhiều người chúng ta muốn thân mà nói chuyện hoài vẫn chẳng hợp. Có nhiều người tự nhiên gặp đã cảm thấy như thân thiết lâu lắm rồi. Nhưng dù duyên hay không duyên, có một số quy tắc chúng ta có thể áp dụng để làm tăng cường sức mạnh các mối quan hệ.
Điều đầu tiên là bạn phải quan tâm đến người đó. Bạn phải quan tâm thực lòng ý, chứ không phải quan tâm theo kiểu “tao cần mày nên tao sẽ cố gắng tốt với mày.” Con người rất giỏi trong việc nhận biết những người muốn lợi dụng mình.
 
Điều thứ hai là có mặt cho người đó. Nếu muốn một ai đó trở thành người bạn có thể tin cậy, trước hết bạn phải là người để họ có thể tin cậy. Bạn phải có mặt để giúp đỡ họ khi họ cần. Zaki, một người bạn đã khởi nghiệp thành công mấy lần ở thung lũng Silicon, bảo với mình rằng anh thành công là do anh đã dành rất nhiều thời gian của mình giúp đỡ người khác. Mỗi khi bắt đầu một công ty mới, anh liền gọi điện hỏi thăm những người anh đã từng giúp đỡ ngày xưa để xem họ có thể giúp đỡ công ty mới của anh được điều gì.
 
Một người bạn học cùng trường mỗi khi trả lời email đều chốt lại rằng: “Nếu mày cần gì thêm thì cứ nói tao nhé.” Mặc dù mình chưa cần anh chàng giúp gì, nhưng email của anh chàng luôn cảm thấy mình vui vui và nhẹ nhõm, biết rằng mình có ai đó khi cần. Không phải ai cũng thoải mái nhờ người khác giúp đỡ mình, nên bạn có thể cụ thể hơn với đề nghị của mình. Ví dụ, nếu biết ai đó muốn đi du học, bạn có thể đề nghị giúp đỡ sửa bài luận giúp họ, hay gửi cho họ link những học bổng mà bạn biết. Nếu biết ai đó đang tìm việc, bạn có thể đề nghị giới thiệu họ với người làm trong ngành mà người đó muốn theo đuổi. Nếu biết ai đó vừa chia tay với người yêu, bạn có thể rủ người đó đi ăn uống giải sầu. Và đôi khi, sự giúp đỡ quan trọng nhất là dành thời gian lắng nghe người đó.
 
Đề nghị giúp đỡ thôi là chưa đủ, mà bạn phải giữ lời khi người đó cần sự giúp đỡ của bạn. Bạn không thể nói tao sẽ giúp mày sửa bài luận, rồi khi người ta gửi bài luận cho bạn thì cả tháng trời bạn không thèm đọc. Nếu bạn đã hứa làm điều đó một lần rồi thất hứa, sẽ khó lòng để người ta nhờ bạn giúp lần thứ hai.
 
Điều thứ ba, theo như người Mỹ nói, là đừng “burn your bridges", đừng đốt cầu của chính bạn. Đừng làm điều gì đó ngốc nghếch đến nỗi không cho bạn đường quay lại. Ví dụ, khi học một lớp dù bạn cho là có dở đến đâu đi chăng nữa, cũng đừng có oăng oăng dè bỉu giáo viên. Bạn không biết là giáo viên này có dạy bạn lớp nào khác không chẳng may giáo viên này lại quen sếp tương lai của bạn. Khi thực tập ở một công ty dù bạn có ghét đến đâu, cũng đừng nghĩ rằng bạn chẳng thèm quay lại công ty này đâu mà xây dựng mối quan hệ với người làm trong công ty. Bạn không biết khi nào sếp hay đồng nghiệp của bạn mở công ty mới, hay công ty chuyển hướng sang làm sản phẩm mới mà bạn quan tâm. Mình đi làm từ hồi cấp ba, và nhiều người đồng nghiệp của mình từ hồi đó đến giờ đã thăng tiến lên làm nhiều vị trí sang chảnh hơn hẳn vị trí ngày xưa.
 
Mình viết dài quá các bạn đọc cũng mệt mỏi, nên mình xin dừng ở đây nha. Hy vọng bài viết này có ích với bạn. Khi nào có thời gian, mình sẽ viết bài về việc làm thế nào để viết email follow-up sau khi gặp mặt trực tiếp.
 
Theo Facebook Huyền Chíp

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,630 lượt xem