Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Người Chọn Sản Phẩm - Product Picker Của Doanh Nghiệp Khởi Nghiệp

“Người chọn sản phẩm” (Product picker) là một thuật ngữ mà tôi đã nghe các VC (quỹ đầu tư mạo hiểm) tại Silicon Valley sử dụng. Tôi sẽ giải thích khái niệm này, vì nó giúp định hình được loại người mà startup cần và cách những người này nên sử dụng thời gian hợp lý khi khởi nghiệp.

Bài viết của tác giả Nguyễn Hạo Nhiên, trên trang ecoblader.com

Giả dụ bạn là một nhà đầu tư mạo hiểm, và một công ty có hai đồng sáng lập tìm đến thuyết phục bạn đầu tư vào công ty.

Người sáng lập kỹ thuật (Tech Founder) là một phù thủy. Cô đã xây dựng các ứng dụng từ thời trung học đến giờ, là thành viên thượng đẳng (Godlike) trên Stack Overflow và Hacker News (2 web nổi tiếng của dân IT), và có thể làm mọi thứ từ kiến trúc cấp cao đến coding thực hành. Cô là một lãnh đạo giỏi, có hàng loạt reference (lời giới thiệu từ những người đã làm việc chung) đỉnh cao. Có cả một đội ngũ dev (người phát triển phần mềm) đang ngồi chờ được theo chân cô đi bất kì đâu, làm bất kì điều gì.

Người sáng lập kinh doanh (Business Founder) là dân chơi thứ thiệt. Anh là một người giao tiếp tuyệt vời và cực kỳ lôi cuốn. Anh đã từng lãnh đạo các nhóm lớn. Anh có óc chiến lược, biết cách hợp tác và xây dựng quan hệ hợp tác, có thể vượt xa mọi người trong cạnh tranh. Anh thuyết phục các công ty, chốt các giao dịch lớn, và tạo quan hệ đối tác một cách dễ dàng.

Công ty này đạt nhiều tiêu chuẩn cao. Bạn quyết định rót vốn. Họ tập hợp thành một nhóm cực mạnh và bắt đầu xây dựng sản phẩm. Bạn chỉ việc ngồi chờ doanh số tăng lên như diều gặp gió.

Mười tám tháng sau, công ty ngừng hoạt động. Có chuyện gì thế nhỉ? Một startup cần những người có thể xây dựng sản phẩm (mảng tech) và bán sản phẩm (mảng business). Về việc đó thì nhóm này là cao thủ rồi còn gì!

Nhưng có một điều tôi chưa đề cập: Sản phẩm của họ là gì?

Hãy suy nghĩ xem, để tạo nên một sản phẩm tuyệt vời cần gì:

– Một tập người dùng rõ ràng, với một vấn đề mà ta có thể giải quyết.

– Một giải pháp sáng tạo, được thiết kế hoàn hảo để giải quyết vấn đề ở trên.

– Một phương pháp kiếm tiền rõ ràng từ sản phẩm.

– Có đủ người dùng trả tiền để mở rộng tiềm năng thị trường.

Có bao nhiêu cơ hội để tạo được sản phẩm tuyệt vời tại một thời điểm bất kỳ? Nói đừng buồn, có ít lắm. Hầu hết các startup đang giải quyết những vấn đề mà không thể giúp tạo ra công ty lớn được. Mỗi năm chỉ có khoảng 15 công ty được thành lập ở Silicon Valley là kiếm được được 100 triệu đô la doanh thu – theo như lời của Andy Rachleff ở Benchmark Capital.

Làm sao biết công ty của mình đã tìm thấy một trong những cơ hội tạo dựng thị trường lớn nhỉ?

Tay Business Founder của chúng ta có thể bán bất cứ thứ gì – anh là một lãnh đạo giỏi, có thể bán bất cứ thứ gì cho bất kỳ ai. Đó là một kỹ năng quý giá cần có cho bất kỳ công ty nào, nhưng điều đó có làm cho anh ta giỏi xác định cơ hội thị trường mới và xây dựng sản phẩm để phục vụ thị trường đó hay không?

Cô Tech Founder của chúng ta có thể xây dựng bất cứ thứ gì – đưa cho cô một vấn đề, cô sẽ giải quyết nó bằng một giải pháp được kiến trúc tốt và có khả năng mở rộng (scalable). Nhưng làm sao biết cô đang làm đúng vấn đề đáng giải quyết hay không?

Khi tôi còn là một tay khởi nghiệp (Entrepreneur in Residence) tại Benchmark Capital, tôi thường nghe các đối tác sử dụng thuật ngữ “Người chọn sản phẩm” – Product Picker. Mỗi lần gặp gỡ tìm đối tác, sau cuộc họp các đối tác thường hỏi: “Ai trong các vị là người chọn sản phẩm?”

Các công ty lớn thường có người chọn sản phẩm giỏi. Ta thử theo dõi một vài câu chuyện nổi tiếng để kiểm tra giả thuyết này:1. APPLE: Steve Jobs là người chọn sản phẩm giỏi nhất mọi thời đại. Steve không phải là kỹ sư. Ông không phải là nhà thiết kế. Ông không có kinh nghiệm gì về quản lý, chẳng biết đánh bóng mình hoặc giao tiếp khéo léo khi ông còn trẻ. Nhưng ông giỏi chọn sản phẩm. Cần có một kỹ sư phi thường (Steve Woz) để thực hiện ý tưởng, nhưng Steve mới là linh hồn của sản phẩm.

nguoi-chon-san-pham

Steve Job – Người chọn sản phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại

2. FACEBOOK: Nếu kiến thức của bạn về Facebook có được bằng cách xem phim The Social Network, thì bạn có thể nghĩ rằng Mark Zuckerberg là một phù thủy kỹ thuật chuyên tạo ra ma thuật trên bàn phím. Không đúng – nhiều kỹ sư, có lẽ ngay cả một số bạn học của Mark, có những kỹ năng viết code để tạo ra phiên bản đầu tiên của Facebook. Nhưng họ đã không nghĩ ra sản phẩm. Mark, cùng với đội ngũ sáng lập của mình, đã đưa đúng sản phẩm đến đúng đối tượng vào đúng thời điểm. Họ thực hiện theo một chuỗi dài các quyết định sản phẩm tuyệt vời, đưa đến cho Facebook tỷ người sử dụng đầu tiên.

3. MICROSOFT: Bill Gates là một nhà kỹ thuật giỏi, trí tuệ đẳng cấp thiên tài, nhưng tài năng của ông nghiêng về việc chọn sản phẩm hơn là kỹ thuật mang tính đột phá. Sản phẩm bom tấn đầu tiên của Microsoft, MS-DOS, đâu phải do Bill và nhóm của ông xây dựng. Bill mua lại từ Seattle Computing Systems. Dĩ nhiên, Bill đủ thông minh để xây dựng hệ điều hành cho riêng mình, nhưng nó sẽ mất nhiều thời gian. Một trong những điểm nổi bật của người chọn sản phẩm giỏi là họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa sản phẩm đúng đến trước mặt khách hàng vào đúng thời điểm, dù giải pháp đến bằng con đường mua lại hay hợp tác.

nguoi-chon-san-pham

Bill Gate mua lại bom tấn MS DOS từ Seattle Computing Systems

Vậy bạn có thể làm gì đây?

Hãy tìm một người chọn sản phẩm làm đồng sáng lập. Đó có thể là người sáng lập kỹ thuật, sáng lập kinh doanh, quản lý sản phẩm, hoặc nhà thiết kế, nhưng phải là ai đó trong nhóm sáng lập có kỹ năng cao về việc chọn sản phẩm. Tất cả các công ty của tôi đều có người chọn sản phẩm trong nhóm sáng lập, thường là CEO, đó là trường hợp lý tưởng.

Thảo luận cách thực hiện quyết định chọn sản phẩm. Quyết định xem ai trong nhóm sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc chọn sản phẩm và cách mọi người góp ý vào quyết định đó. Bạn muốn có nhiều thảo luận và tranh luận, nhưng đừng kỳ vọng rằng bạn sẽ luôn đạt được sự đồng thuận. Phải có người (người chọn sản phẩm) đưa ra quyết định cuối cùng.

Có một phương pháp chọn sản phẩm. Ở đây có thể tham khảo phương pháp của Steve Blank (trong quyển The Four Steps to the Epiphany) và Eric Ries (trong quyển The Lean Startup). Họ đã trình bày phương pháp chọn sản phẩm mà bất cứ ai cũng có thể làm theo, thay vì chỉ dựa vào may mắn hay trông chờ vớ được một nhà sáng lập “có tầm nhìn.” Nó định hướng toàn bộ công ty của bạn xung quanh việc chọn sản phẩm, thay vì đâm đầu vào tường hoặc bán cái gì đó mà không ai muốn dùng.

Hàng ngàn công ty khởi nghiệp được sinh ra mỗi năm, và chỉ có một vài công ty xây dựng được sản phẩm hấp dẫn cho các thị trường lớn. Nhiều trường hợp thất bại đều có đội ngũ đủ năng lực kỹ thuật để xây dựng sản phẩm và năng lực kinh doanh để bán nó, nhưng họ không bao giờ tìm thấy một vấn đề đáng để họ tập trung giải quyết.

Hãy luôn nhớ điều này: việc chọn sản phẩm phải là một phần cốt lõi trong ADN của bạn ngay từ ngày khởi nghiệp đầu tiên.

Theo Nguyễn Hạo Nhiên – Ecoblader.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

698 lượt xem