Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Hóc Búa Nhất Và Cách Mà Bạn Nên Trả Lời

"Bài viết sau được dịch từ chia sẻ trên www.lifehack.org của Brian Lee, giám đốc quản lí sản phẩm của trang Lifehack."

Với vai trò là một người quản lí sản phẩm của Lifehack, tôi thường được yêu cầu phỏng vấn mọi người. Tuy nhiên, thành thật mà nói – tôi không thực sự thích những cuộc phỏng vấn cho lắm. Tuy đã nói thế nhưng có một phần của những cuộc phỏng vấn mà tôi ngày càng yêu thích hơn…

Đó là phần mà hầu hết các ứng viên đều không thích, là những câu hỏi phỏng vấn khác với thông thường và sẽ trở thành "vương quốc" của thử thách hay những câu hỏi mẹo thú vị.

Một số ứng viên đáp lại những câu hỏi này bằng những câu trả lời rập khuôn, nhưng cũng có nhiều người khác có khả năng ứng biến và đáp lại với những câu trả lời đầy sự sáng tạo, thông minh và dí dỏm.

Chính những câu hỏi thách đố ấy sẽ tách bạn ra khỏi cuộc thi.

Có một điều mà tôi đã học được sau khi điều hành vô số các cuộc phỏng vấn, đó là những câu hỏi đánh đố sẽ nhanh chóng tách những người yếu ra khỏi những ứng viên mạnh.

Tôi sẽ đưa ra cho bạn một ví dụ về vấn đề này. Tôi nhớ là mình đã hỏi hai ứng viên cùng một câu hỏi sau: “Bạn có thể mô tả bản thân trong 3 từ được không?”

Ứng viên đầu tiên trông có vẻ sợ hãi, trước khi ấp úng nói những từ sau: “Tự tin… giàu kĩ năng…có kinh nghiệm.” (“Confident…skilled..experienced.”) Đây không phải là câu trả lời tồi tệ nhất, nhưng cũng chẳng phải là câu trả lời tốt nhất! Và đây là những gì mà người ứng viên thứ hai đã làm. Cô ấy lắng nghe câu hỏi của tôi, dừng lại vài giây, và chỉ đơn giản nói rằng; “Tôi có thể!” (“Yes I can.”)

Yêu cầu tuyển dụng của chúng tôi là sự sáng tạo, vì thế chẳng có gì lạ khi tôi thích câu trả lời của người thứ hai hơn rất nhiều. Nó được đưa ra với sự nhạy bén, và là một câu trả lời sáng tạo (thậm chí hài hước) trước một câu hỏi cố ý gây khó khăn. Còn ứng viên đầu tiên đã đưa ra một câu trả lời không có gì ngoài sự rập khuôn, đơn điệu.

Điều mà những câu trả lời ngay lâp tức nói với tôi, đó là ứng viên thứ nhất có lẽ đã gặp khó khăn trước áp lực – trong khi ứng viên thứ hai thì có vẻ như hoàn toàn làm chủ được áp lực.

Rõ ràng là, một câu trả lời mang tính chiến lược, chín chắn và giàu trí tưởng tượng đã tách ứng viên mạnh khỏi người yếu hơn.

Đừng trả lời với thông tin mà người phỏng vấn mong chờ.

Bản chất của việc trả lời những câu hỏi khó là đừng bao giờ trả lời với thông tin mà người phỏng vấn mong đợi, mà thay vào đó, hãy đưa ra câu trả lời bao gồm cả những thông tin mà bạn mong họ biết đến. Đó chính là một sự khác biệt tế nhị, nhưng sẽ khiến bạn làm chủ được buổi phỏng vấn. (Và sẽ thể hiện được những đặc tính có triển vọng nhất của bạn với người phỏng vấn.)

Hay nói cách khác, bạn sẽ trở nên chủ động thay vì bị động.

Để trở thành một người được phỏng vấn khéo léo, bạn sẽ cần biết cách làm thế nào để dễ dàng và nhanh chóng tập trung vào cuộc phỏng vấn để luôn thể hiện được sự tích cực của mình. Và dưới đây là hàng loạt những kĩ thuật mà bạn có thể sử dụng để đạt được điều này.

Sẽ khó có thể bao quát được tất cả những câu hỏi hóc búa mà bạn có thể bị hỏi. Tuy nhiên, bằng việc nhìn vào một danh sách các câu hỏi khó, bạn sẽ có thể nhận ra những bí quyết và các mẹo cần thiết để trả lời hầu hết tất cả những gì bạn có thể bị hỏi.

“Bạn có vẻ không có đủ kinh nghiệm đúng không?”

Khi mọi người nói về kinh nghiệm, họ thường ám chỉ là “nhiều năm” kinh nghiệm.

Ví dụ, một người với 10 năm kinh nghiệm làm việc trong một công ty và đã làm đi làm lại những việc giống nhau, trong khi một người với 3 năm kinh nghiệm tại một công ty đã gặp phải hàng trăm vấn đề và còn phải cố gắng cứu vớt công ty nữa. Vậy ai là ứng viên có nhiều kinh nghiệm hơn?

Bài học đắt giá cần phải nhớ ở đây đó là nếu bạn bị hỏi về sự thiếu kinh nghiệm nhiều năm của mình, bạn cần phải mô tả chính xác những kinh nghiệm mà bạn đã trải qua là gì. Hãy chắc chắn rằng bạn nhấn mạnh những điều bạn đã làm, và nói về vô vàn những thử thách mà bạn đã phải vượt qua.

Nhờ việc này, bạn sẽ thuyết phục được người phỏng vấn rằng mặc dù bạn chỉ có 3 năm kinh nghiệm nhưng bạn đã học được nhiều thứ hơn cả những người đã có 5, 7 hay thậm chí cả 10 năm kinh nghiệm.

“Bạn mong mức lương của mình là bao nhiêu?”

Bạn nên luôn luôn chuẩn bị trước cho câu hỏi này, và nếu người ta đưa cho bạn một phạm vi để lựa chọn, hãy đảm bảo rằng bạn chọn mức lương cao hơn trung bình. Điều này sẽ thể hiện sự tự tin của bạn về bản thân mình – và khả năng đảm nhiệm vai trò mà bạn đang phỏng vấn. Nếu người ta không đưa ra phạm vi cho bạn chọn lựa, nhưng người phỏng vấn muốn bạn trình bày nó, hãy chọn cách đưa ra một số liệu cụ thể, thay vì một mức chung chung nào đó. Điều này sẽ thuyết phục người phỏng vấn rằng bạn biết rõ cái bạn cần là gì – và bạn thực sự nghiêm túc với vị trí đó.

Hãy quên đi việc lo lắng nếu mức lương bạn đưa ra sẽ là quá cao. Bởi nếu họ thực sự muốn tuyển bạn, họ sẽ hỏi chi tiết hơn về những gói thưởng mà bạn mong muốn. Và xin đừng hoảng sợ, vì không thể chắc chắn được lời đề nghị của bạn có làm người phỏng vấn có triển vọng sợ hãi hay không. (Tất nhiên, hãy chắc rằng bạn đã tìm hiểu và biết thị trường đánh giá vị trí đó như thế nào.)

Nếu họ không thể đáp ứng mong muốn về mức lương của bạn thì đã đến lúc bạn phải sử dụng đến kĩ năng thương lượng về những gói thưởng của mình . Ví dụ, họ có thể yêu cầu được trả cho bạn phí kết nối mạng ở nhà, phí du lịch của bạn – hay cả việc trao cho bạn một chiếc ô tô của công ty. Nếu bạn có thể nói chuyện ngiêm túc với ông chủ về điều này, bạn sẽ dần chứng tỏ được mình là một người chuyên nghiệp sẵn sàng cân nhắc những yếu tố khác nhau.

“Tại sao bạn định rời khỏi công ty hiện tại của mình?”

 Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng việc chỉ trích công ty trước dây của mình là một thói xấu. Tuy nhiên, tôi nhớ lại lúc phỏng vấn một ứng viên đã thông minh nói về những lí do khiến cô ấy muốn nghỉ việc tại công ty hiện tại của mình, nhưng vẫn cố gắng làm nổi bật những thành quả mà cô ấy đã đạt được trong suốt thời gian làm việc với họ. Điều này giống như việc đi trên một sợi dây hàng trăm mét giăng ngang qua một hẻm núi vậy. Chỉ sơ suất một chút thôi thì bạn sẽ rơi ngay xuống đất. Cũng giống như chỉ cần một sơ suất nhỏ trong cuộc phỏng vấn thì cơ hội có được công việc của bạn cũng sẽ rơi rớt vậy mà thôi!

Người ứng viên trên đã gây ấn tượng với tôi. Cô ấy đã khôn khéo sử dụng những lời lẽ thuyết phục tôi rằng cô ấy không quá gay gắt về công ty trước đó của mình – nhưng thay vào đó, cô ấy chỉ đơn giản đã sẵn sàng cho một cơ hội mới mà thôi. Đây chính là kiểu ứng viên mà hầu hết các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Một ví dụ khác để bạn suy nghĩ… Nếu như hiện tại bạn đang làm ở một tổng đài điện thoại, bạn yêu thích công việc của mình, nhưng lại không thoải mái với khoản áp lực về số lượng bán hàng mà bạn cần phải áp dụng đối với những người gọi. Cuối cùng thì nó đã trở thành lí do bạn muốn tìm một vị trí mới ở công ty khác. Tuy nhiên, trong trường hợp một cuộc phỏng vấn, bạn không muốn nói dài dòng về những điểm tiêu cực. Thay vào đó, bạn có thể nói những điều đại loại như: “Tôi yêu thích làm việc ở công ty hiện tại của mình, và đã học được rất nhiều điều, tuy nhiên, giờ đây tôi đã sẵn sàng phát triển những kĩ năng và kinh nghiệm của mình.”

“Trước đây bạn đã từng làm việc gì không liên quan lắm đến vị trí của chúng tôi chưa?”

Điều này có thể đúng, vì bạn có thể đã nộp đơn xin việc cho một vị trí ở một lĩnh vực khác – hay một vị trí mà có những phạm vi hay mục tiêu khách hàng khác nhau chẳng hạn. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào những yếu tố bề mặt này, bạn phải dứt khoát hướng người phỏng vấn tập trung vào những kĩ năng chủ yếu và thông dụng mà công việc trước và vị trí mới này đều cần đến. Chúng đều giải quyết số liệu, và yêu cầu một khả năng tập trung cao độ đến sự chính xác.

Vậy nên, để trả lời câu hỏi đặc biệt hóc búa này, hãy giải thích cách mà bạn đã học hỏi được điều gì trước khi có thể thực sự đáp ứng vị trí mới. Nếu bạn có thể làm tốt điều này, bạn sẽ còn thuyết phục người phỏng vấn rằng kinh nghiệm trước đây có thể giúp bạn làm tốt hơn những người khác đã từng làm trong lĩnh vực đó rồi. Bạn có thể làm được điều này bằng cách nhấn mạnh cách mà “sự khác biệt” có thể giúp bạn mang đến cái nhìn và ý tưởng mới mẻ cho công ty họ. Bằng cách này, bạn đã biến một thứ có vẻ như điểm yếu trở thành một thế mạnh hợp lí của mình.

Hãy tưởng tượng một chút rằng công việc hiện tại của bạn là một giáo viên, nhưng bây giờ bạn lại thích chuyển nghề và tìm một công việc như một nhà văn. Trong một buổi phỏng vấn, bạn có thể nhấn mạnh cách mà bạn đã dùng những câu chuyện rõ ràng, ngắn gọn và hấp dẫn như thế nào để truyền đạt kiến thức và những bài học bổ ích tới học sinh của mình. Đây cũng là những kĩ năng mà bạn có thể sử dụng để viết nên những câu chuyện mới.

“Bạn có đang có những buổi phỏng vấn khác chứ, nếu có, thì đó là gì?”

Hãy luôn luôn nhớ rằng, điểm mấu chốt trong việc trả lời các câu hỏi không phải là trả lời cái mà người hỏi muốn biết – mà phải là cái mà bạn muốn họ biết đến.

Chắc chắn rằng, bạn có thể trả lời những câu hỏi của họ một cách thành thật, nhưng hãy đảm bảo chuyển hướng tập trung khi cần thiết. Điều này có thể là nhấn mạnh cái mà bạn đang tìm kiếm ở một công ty. Chẳng hạn như: “Tôi đang tìm kiếm một công ty quan tâm về sự tăng trưởng, và coi trọng việc trao đổi ý kiến cởi mở…” Những câu như vậy sẽ giúp thuyết phục người phỏng vấn rằng bạn thực sự phù hợp với vị trí công việc đó và cả công ty nữa.

Nếu bạn còn phân vân không biết nên trả lời thế nào nếu bạn cũng có những buổi phỏng vấn khác…. Thì theo tôi bạn nên trả lời là có. Bạn không cần phải chỉ ra chúng là gì, nhưng thừa nhận rằng bạn có những buổi phỏng vấn khác sẽ giúp bạn toát lên vẻ của một người được ưa chuộng.

Lời khuyên cuối cùng của tôi đó là: Đừng né tránh những câu hỏi phỏng vấn hóc búa. Chúng chính là cơ hội để bạn tỏa sáng, và thể hiện rằng mình là một người vượt trội hơn hẳn những ứng viên khác.

 

 

------------------------

Tác giả: Brian Lee, giám đốc quản lí sản phẩm của trang Lifehack.

Link bài gốc: http://www.lifehack.org/620548/how-to-answer-challenging-interview-questions-and-stand-out-from-the-crowd?ref=category_page_latest_section_post_620548

Dịch giả: Nguyễn Hà - YBOX.VN Translator

(*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Hà - Nguồn: YBOX.VN". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ:"Theo Ybox" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại đây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

14,008 lượt xem