Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Những Dạng Câu Hỏi Phỏng Vấn Không Né Đằng Nào Được

Phỏng vấn là khâu không thể thiếu trong một quy trình tuyển dụng. Để có thể mang về được những ứng viên phù hợp nhất với công ty, nhà tuyển dụng cần có một bộ câu hỏi cũng như kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn thật chuyên nghiệp. Các dạng câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn khai thác được tối đa các ưu nhược điểm cũng như kinh nghiệm của ứng viên.

1. Câu hỏi phỏng vấn dạng truyền thống

Đây là dạng câu hỏi phỏng vấn xuất hiện trong hầu hết các buổi tuyển dụng nên các ứng viên thường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho dạng câu hỏi này. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng đây là những câu hỏi nhạt nhẽo. Bởi một ngày, họ có thể phải gặp hàng chục ứng viên. Với ai họ cũng lặp lại những câu hỏi giống nhau, dễ khiến cuộc phỏng vấn trở nên nhàm chán và thiếu hiệu quả.

Vậy chúng ta có nên bỏ qua bộ câu hỏi này hay không?

Hãy giới thiệu về bản thân mình?

Dù trong bất kỳ buổi phỏng vấn nào, việc giới thiệu bản thân là điều nhất định bạn phải làm. Một bài giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin chắc chắn sẽ làm hài lòng nhà tuyển dụng. Một bài giới thiệu luôn phải có đủ thông tin về tên, năm sinh, chuyên ngành và cần thể hiện cả mong muốn của bạn đối với vị trí ứng tuyển. Việc giới thiệu ngắt quãng hay thêm những từ như “À”, “ờ” là điều bạn cần tuyệt đối tránh khi giới thiệu.

Ví dụ: Em là Minh. Em sinh năm 1993 và tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế thương mại. Em rất muốn thử sức với những thử thách mới và em hy vọng mình có thể cống hiến khả năng của mình cho công ty.

Điểm mạnh của bạn là gì?

Thực ra đôi khi không cần đến nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi này mà bạn sẽ phải tự đưa nó vào phần giới thiệu cá nhân của mình. Có nhiều bạn hoang mang khi nhận được câu hỏi này bởi các bạn không rõ điểm mạnh của mình là gì. Sẽ chẳng công ty nào dám nhận một người mà điểm mạnh của bản thân là gì cũng không xác định được. Ngược lại, nhiều bạn có những câu trả lời cực hồn nhiên kiểu như “em đẹp trai/em xinh xắn…” hay “em ngoan ngoãn…”. Có thể bề ngoài của bạn rất tốt nhưng đừng đem nó vào câu trả lời này. Hãy đưa ra những điểm mạnh có liên quan tới vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ như “em có khả năng chịu được áp lực công việc” hay ” em có khả năng quyết đoán trong công việc”. Có thể bạn sẽ phải trình bày thêm về việc bạn đã áp dụng những điểm mạnh mà mình có vào công việc như thế nào.

Điểm yếu của bạn là gì?

Đây là một câu hỏi song hành với câu hỏi điểm mạnh ở trên. Tương tự, rất nhiều bạn “vò đầu bứt tóc” không biết nên trả lời thế nào với câu hỏi trên. Nhiều bạn thật thà kể ra cả một tràng dài điểm yếu của mình nhưng có nhiều bạn lại trả lời một câu rất ngây ngô rằng:” em thấy mình không có bất kỳ điểm yếu nào.” Hãy luôn nhớ rằng không có ai là hoàn hảo cả nên việc bạn trả lời như vậy thật hết sức buồn cười. Cách trả lời khôn ngoan nhất cho câu hỏi này là hãy trả lời những điểm yếu không liên quan đến công việc hay những điểm yếu có chiều hướng tích cực. Ví dụ như: điểm yếu của em là em là một người khá cầu toàn trong công việc và đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe cho mỗi việc mình làm.

Mức lương mong muốn của bạn?

Chắc chắn nhiều bạn khi gặp phải câu hỏi này đều rất muốn đưa ra câu trả lời là “càng cao càng tốt”. Hay bạn muốn đưa ra một mức lương “trên trời”. Đừng ngây thơ như vậy. Vì nhà tuyển dụng không phải là những kẻ ngốc nên bạn đừng mong chờ gì vào việc nhận được một mức lương cao hơn so với năng lực của mình. Thay vào đó hãy nghiên cứu thị trường và đưa ra được mức lương phù hợp với năng lực mà bạn có.

Tại sao bạn lựa chọn công việc này?

Với mỗi dạng câu hỏi phỏng vấn như trên, ứng viên có rất nhiều cách trả lời khác nhau. Có người tự chuẩn bị cho mình những màn mở đầu ấn tượng, có người lại trả lời theo dạng cung cấp thông tin…Vì thế năng lực của ứng viên có thể bộc lộ ngay từ những câu hỏi truyền thống này.

Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?

Đây là một câu hỏi nhưng thực ra lại chính là một cơ hội dành cho bạn. Bằng việc đưa ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn có thể thể hiện sự quan tâm dành cho công ty hay thể hiện được tư tưởng, suy nghĩ của cá nhân bạn. Ví dụ như: Ở công ty có hay tổ chức những khóa đào tạo dành cho nhân viên không ạ? hay ở vị trí em ứng tuyển, nếu làm việc thì sẽ phải làm việc với những ai và tương tác cùng những bộ phận phòng ban nào?

Những câu trả lời đặc biệt, hay sẽ khiến nhà tuyển dụng có thêm hứng thú để đặt những câu hỏi tiếp theo. Chính vì thế, hiện nay nhiều ứng viên thấy lo lắng khi không lựa chọn được cho mình câu trả lời ấn tượng nhất cho phần mào đầu này.

2. Câu hỏi tình huống

Ở phần này, nhà tuyển dụng có thể hỏi ứng viên về các tình huống đã diễn ra tại cơ quan cũ của họ để xem cách ứng viên xử trí thế nào. Ví dụ một tình huống bạn đã ứng xử thành công? Tình huống bạn không tán thành ý kiến của sếp? Cãi nhau với đồng nghiệp?...

Qua những câu hỏi như vậy, nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá được ứng viên có khả năng thích nghi với các mối quan hệ hay không, làm việc nhóm thế nào, khả năng kiểm soát hành vi của bản thân?…

3. Câu hỏi hành vi

Dạng câu hỏi này cho phép nhà tuyển dụng biết được các kinh nghiệm trước đây của ứng viên. Liệu những kinh nghiệm đó có giá trị với công ty mình hay không?

Ví dụ: Hãy kể về một sự cố bạn đã giải quyết trong công ty trước đây của mình, bạn sẽ làm gì để hoàn thành dự án A trong một hạn định rất ngắn với một đội ngũ có 3 thành viên?

4. Câu hỏi đuổi

Đây là một kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn vô cùng quan trọng đối với nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Những câu hỏi đuổi thường là câu hỏi vặn lại câu trả lời của ứng viên. Đó là cách để nhà tuyển dụng biết được ứng viên nói thật hay nói dối. Nhà tuyển dụng sẽ không bị lầm tưởng về khả năng cũng như kinh nghiệm của người mình tuyển về.

Ví dụ câu hỏi: “Năm năm nữa bạn sẽ hình dung mình là ai?”. Giả sử câu này được hỏi để tuyển vị trí trưởng phòng marketing, và có hai ứng viên đều trả lời: “Tôi sẽ trưởng thành vượt bậc cùng với công ty”.

Câu hỏi đuổi: Thế thì anh chị hãy định nghĩa thế nào là sự trưởng thành: về kinh nghiệm, về vị trí hay về thu nhập?. Câu hỏi này nhằm xác định sự phù hợp giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu của công ty. Cá nhân có thể thích về tiền bạc, địa vị, kinh nghiệm. Trong trường hợp công ty đang cần người có tham vọng, yêu thích công việc nhưng nếu ứng viên chỉ quan tâm về thu nhập sẽ có những mâu thuẫn sau này trong khi làm việc.

Hoặc chỉ là một câu hỏi đơn giản “bạn thích làm gì trong thời gian rảnh rỗi”. Nếu ứng viên nói “Tôi thích đá bóng” chẳng hạn, người phỏng vấn có thể đặt câu hỏi tiếp theo: “Thế thì tỷ số trận MU và Asernal gần đây nhất là bao nhiêu?”. Nếu họ không trả lời được thì người đưa ra câu hỏi phỏng vấn có thể hiểu là ứng viên này không trung thực.

Với mỗi cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng nên có sự chuẩn bị trước các câu hỏi phù hợp để đánh giá được ứng viên một cách tổng thể, bao gồm nhiều yếu tố: từ hình thức bên ngoài, ngôn ngữ hình thể, tính chuyên nghiệp, trình độ học vấn, kỹ năng, đến kinh nghiệm, thái độ, động cơ làm việc, khả năng giao tiếp.

Đối với các công ty phỏng vấn theo nhiều vòng, ở vòng đầu tiên hay sử dụng phương pháp phỏng vấn thân thiện để phá tan những ngượng ngập ban đầu. Nên có nhiều người tham gia cuộc phỏng vấn.

Theo eduviet.vnblogtimviec.net/ interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,243 lượt xem