Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Những Điều Tưởng Bở Khi Đi Du Học Anh

Dưa bở #1

Sau khi đi du học về tiếng Anh sẽ trở nên thật pro, về nhà sẽ loè được nhiều người, nhất là có được giọng Anh Quốc nghe thật ‘chất’.

Thời gian lên lớp ít, không phải giáo viên nào cũng là người bản xứ, không chịu tiếp xúc, chỉ chơi với người Việt, bạn nghĩ tiếng Anh mình sẽ có khác gì so với các bạn ở Việt Nam chuyên tâm học tiếng Anh không?

Đặc biệt đối với các anh chị học PhD chỉ gặp một số đồng nghiệp ít ỏi trong văn phòng, và chỉ gặp súp (supervisor – giáo viên hướng dẫn) vài lần trong năm, hay các bạn học ngành engineering/computer science thì suốt ngày đối diện với màn hình vi tính hoặc các thuật ngữ chuyên ngành, chỉ phải tự thân vận động ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội hoặc đi làm thêm mới cải thiện được tiếng Anh hơn lúc ở Việt Nam thôi. Những bạn nào muốn tiếng Anh của mình thực sự được nâng cấp thì để ý điều này nhé.

Về vấn đề ‘giọng chuẩn’, tất nhiên sẽ tuyệt vời nếu bạn luyện được cho mình có được giọng của địa phương (giống như ngày xa xưa nổi lên hiện tượng nhái giọng của nhiều ca sỹ), nhưng nếu có chất giọng riêng của bản thân thì cũng chẳng có gì đáng xấu hổ. Với tớ, mỗi người có một chất giọng (accent) riêng, hà cớ gì bạn phải ép mình bắt chước thật chuẩn giọng của một người nào đó mới được gọi là giỏi? Các bạn Singapore có Singlish, Ấn Độ có Inslish, tại sao bạn lại sợ bị 'quánh giá' khi mình nói giọng Vietnamese-lish? Miễn các bạn chịu khó trau dồi ngữ pháp (ai nói ngữ pháp không quan trọng thì suy nghĩ lại đi nhé), vốn từ vựng, và quan trọng là ý tưởng và nghệ thuật diễn đạt làm sao để đối phương hiểu, hoặc có cảm tình là được. Với tớ, ngôn ngữ đối chỉ là phương tiện dùng trong việc giao tiếp, không phải là thước đo trình độ con người.

Tham gia các hoạt động xã hội là cách tớ trau dồi khả năng ngôn ngữ của mình- Ảnh chụp với nhóm iExplore của Friends International – 01/2017

Hoạt động iCafe của sinh viên trường Southampton 12/2016

Ăn tối cùng các bạn người Trung Quốc, Malaysia và Hồng Kông – 12/2016

 

Dưa bở #2

Mình có điểm IELTS đủ yêu cầu của trường, các bạn trong lớp hoặc cũng vậy, hoặc phải qua khoá tiếng Anh tại trường mới được học chính thức, cho nên vấn đề ngôn ngữ không phải là rào cản nữa…

Dù IELTS bạn có là 8 hay 9 chấm đi chăng nữa, việc bỡ ngỡ trong cách sử dụng tiếng Anh vào những ngày tháng đầu ở xứ người không thể nào tránh khỏi, bởi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ phổ thông ở nước ta. Đồng thời, nhiều bạn cùng lớp đến từ Trung Quốc hoặc các nước châu Á không sử dụng tiếng Anh thì việc giao tiếp ban đầu sẽ rất hạn chế. Qua đây bạn phải gồng tai nghe đủ thứ giọng tiếng Anh mà bạn không bao giờ có thể học trên sách vở nào. Đổi ngược lại phản xạ tiếng Anh của bạn có thể cải thiện trông thấy theo thời gian. Nếu như mấy ngày đầu còn ú ớ ‘luôn luôn lắng nghe, nhưng lâu lâu mới hiểu’, mãi mới thốt nên vài từ do nghe tiếng đực tiếng cái, thì sau một thời gian tớ tin rằng bạn có thể “bắn” tiếng Anh một cách đầy tự tin.

 

Dưa bở #3

Học thạc sĩ ở Anh chỉ một năm, tốn ít thời gian học hơn ở những nước khác, nghe nói dễ hơn nữa.

Chắc dưa bở này nghe từ các bạn súp pơ xì ta (super star) quá, chớ tớ bơi lặn ngập mặt, nhất là học kỳ một chưa quen với cách học ở bên đây, học kỳ hai cũng chẳng thảnh thơi là bao, rồi bấn loạn trong thời gian viết luận văn, viết xong vẫn chưa hoàn hồn. Không tin à, thử nhìn vào lịch thi học kỳ liên tục dày đặc của các bạn học bậc Thạc sỹ (hay ngay cả Đại Học), các bạn sẽ phải khóc ngất lên luôn đấy chứ.

(Lịch thi của một bạn học Đại học - Nguồn: FB Giang Ng Nguyen)

(Lịch thi của một bạn học Thạc sỹ - Nguồn: FB Hoàng Đức)

 

Còn đây là danh sách các bài đọc thêm sau MỘT tiết học của tớ. Học thạc sĩ, thời gian lên lớp chỉ có vỏn vẹn tầm 20-24 tiếng cho mỗi môn học (module), còn thời gian tự học gấp ít nhất 5 lần thời gian lên lớp mới đảm bảo chất lượng. Các bạn cần chuẩn bị tâm lý về vấn đề này nhất nhé!

Thế đó, một năm ở Anh trôi qua nhanh lắm cơ, chớp mắt một cái là đến Lễ Giáng Sinh là thi học kỳ 1, rồi Lễ Phục Sinh là thi học kỳ 2, hè ư? Là đến lúc phải bắt tay vào viết bài khoá luận 15,000 chữ. Chưa gì là phải đến lúc đặt vé máy bay về lại Việt Nam rồi.

Tất nhiên, học dồn vậy mệt và căng thẳng thật. Tuy nhiên, sau 1 năm quay trở về nước vẫn có thể ‘đuổi kịp’ bạn bè ở nhà. Xong đống ‘assignment’ 3,000-5,000 chữ của từng môn học (module), và bài tốt nghiệp 15,000 chữ, bây giờ kêu viết báo cáo 1,000 từ tớ chỉ xem như trò con nít (chứ lúc mới qua, rặng mãi mới ra được bài…500 chữ). Công nhận, học xong vẫn thấy lợi J

 

Dưa bở #4

Đi du học về chắc sẽ khác lắm…

Ừ, kim đồng hồ của cái cân sẽ không nhận ra mình nè, tóc rụng nè, da nứt nẻ nè, xui nữa thì mặt nổi bông hương ngát trời xanh. Thức đêm thức khuya viết bài, đọc sách, uống nước cứng, tóc rụng như lá mùa thu rơi.

Nhưng đối lập với khác biệt về hình thức thì bản thân mình cũng thấy mình “lớn” hơn nhiều, độc lập hơn và cả bản lĩnh hơn nữa. Cái xấu của vẻ bề ngoài không bao giờ là vĩnh cửu cả. Nét đẹp bên trong thì dần dần hoặc cuối cùng rồi thì cũng sẽ được bộc lộ ra bên ngoài thôi J

 

Dưa bở #5

Ở nhà chán quá, tìm cách đi du học cho bằng bạn bằng bè.

Đi du học không phải là con đương duy nhất dẫn đến thành công. Bạn đi một năm tức chi phí cơ hội trong một năm ấy, khi bạn bè ở nhà được thăng chức lên lương, lập gia thất sinh con, nếu không có mục tiêu học hành rõ ràng, bạn sẽ rất dễ rơi vào tâm trạng tự kỷ, thấy mình bị bỏ lại ở đằng sau. Một buổi sáng bất chợt nghĩ vẩn vơ tại sao mình lại ở đây, thậm chí có thể nghĩ tiêu cực mình thật bất hiếu tốn tiền bố mẹ mà chưa làm được tích sự gì.

Mác du học sinh chẳng có gì hay ho nếu bản thân người đó chẳng có gì ho hay hoặc không có kế hoạch học tập rõ ràng, bạn nhớ rõ nhé.

 

Dưa bở #6

Chọn trường chọn ngành có Ranking càng cao càng tốt, mặc kệ những yếu tố khác

Lời khuyên của mình là nếu muốn thực sự biết chất lượng của trường thì hỏi cựu du học sinh học trường đó và ngành bạn đang muốn học. Ranking không phản ánh hết thực chất chất lượng dạy và học của một trường đại học.

 

Dưa bở #7

Đi học thạc sĩ mình sẽ gặp được rất nhiều bạn Anh ở trong lớp.

Sĩ số lớp mình là 90 mống, chỉ có một mống duy nhất người bản xứ thôi, chúng nó chui hết ở xó nào hay sao ý. Chiếm đại đa số là các bạn Trung Quốc, Nigerian, Đài Loan, Thái Lan, Châu Âu... Cũng tùy ngành, tùy nghề sẽ thu hút sinh viên tùy nước. Chính nhờ sự đa dạng chủng tộc trong cùng một lớp học này đã giúp tớ học được cách làm việc với những con người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau.

Vì vậy, khi các bạn chọn trường thì cần nghiên cứu kĩ cả học sinh của trường để tránh bị sốc vào buổi học đầu tiên nha (có thể email, điện thoại hỏi cán bộ tuyển sinh quốc tế của trường – thường là những người làm trong phòng International Office).

 

Dưa bở #8

Đến Anh phải chụp được tấm hình với booth điện thoại màu đỏ, London’s eyes, tháp chuông đồng hồ Big Ben

Tớ cũng ráng chụp cho bằng bạn bằng bè nhưng mà nói thật, không đẹp như bạn nghĩ đâu (vừa xấu lại vừa vô dụng, hè hè). Chẳng ai dùng booth điện thoại này nữa, chỉ để làm cảnh hoặc biểu tượng là chính.

Southampton - 12/2015

Edinburgh - 07/2016

Kingston - 01/2017

 

Con đường Royal Mile, Edinbrugh - 07/2016

Tháp Big Ben, 09/2016

London Eye, 09/2016

Nói vậy chứ lên ảnh vẫn lung linh các bạn nhỉ hì hì.

Dưa bở #9

Trời lạnh, chụp hình với áo ấm mùa đông, khăn choàng, bao tay da, nhìn thật ‘kool’.

Khổ lắm, đôi lúc trời rét đến nỗi không đưa nào dám bỏ bao tay ra để chụp hình luôn đấy chứ… Cái lạnh mà chỉ những ai đã từng trải qua mới biết đáng sợ như thế nào... Thời gian mới qua, có lần tớ phải quấn cả…cái mền mới mua trong lúc chờ xe buýt. Lạnh lắm, khổ lắm, ngố lắm!

Hình chụp trong lúc chờ xe buýt sau khi đi siêu thịlúc mình mới qua chưa quen với khí hậu lạnh, dù chỉ mới hết mùa thu - 10/2015

Dưa bở #10

Thấy hình ảnh các bạn du học sinh gửi hình về đăng Facebook dưới nắng ấm thật lung linh

Bạn có nghe nói nghệ thuật là ánh trăng lừa dối chưa? Bọn tớ chỉ tranh thủ chụp hình khi ánh nắng le lói 1, 2 giây chứ mặt trời ở Anh cứ suốt ngày chơi trốn tìm với bọn tớ. Cái xứ mà ‘mưa rồi chợt nắng’ 'sương mù giăng khắp cả nẻo đi lối về', câu cửa miệng mà tớ hay nói là ‘British weather is unpredictable!’ (Thời tiết ở Anh là vô đoán!)

Sương mù ở Anh – Southampton 12/2016

Bầu trời xám xịt được điểm xuyến bằng ánh cầu vòng bảy sắc - Southampton 11/2016

Dưa bở #11:

Nhìn qua cửa sổ, thấy ông mặt trời rọi tia nắng chói chang xuống dưới, chắc hôm nay không cần mặc áo ấm rồi!

Câu thần chú mình tặng để các bạn ghi lòng tạc dạ: Never make this mistake, just because the sun comes out does not mean it is not freezing cold! (Đừng vội mắc sai lầm: ánh nắng mặt trời chói chang không đồng nghĩa với việc trời không lạnh tê tái đâu!). Với lại thời tiết ở Anh thay đổi thất thường lắm, đừng quên lúc nào cũng mang bên mình một chiếc áo khoác hoặc áo đi mưa, bạn nhé!

 

Dưa bở #12

Mình được bạn nam Ăng-lê đi bộ đưa về tận nhà, lúc nào cũng nhường đường mình đi, đi nhanh trước để mở cửa hay thậm chí giữ cửa để đợi mình vào chung nếu thấy mình đang tiến về phía bạn ấy, chắc mình được để ý rồi…

Cũng có thể, nhưng bạn cũng nên nhớ rằng những cử chỉ ga-lăng trên là đặc tính của đàn ông Anh Quốc đấy! Họ luôn trân trọng những người phụ nữ xung quanh họ. Đôi khi họ chỉ muốn đảm bảo bạn về nhà an toàn thôi! Dưa bở này nhiều bạn gặp hoặc cố tình ăn lắm đấy :P

Nét ga lăng đặc trưng của con trai Ăng-lê

Dưa bở #13

Nhiễm Chuyện Tình Harvard, Oxford Yêu Thương, qua đó chắc mình viết/trải nghiệm nhiều câu chuyện tình lãng mạn.

Dẹp ngay nhé, bạn mà rớt quyển sách, hoặc là tự nhặt chẳng có ai nhặt cho đâu, hoặc có người nhặt rồi đưa cho bạn rồi đi luôn. Coi trai Ăng-lê ga lăng nhưng cũng lạnh lùng lắm cơ! Hic hic.

Dưa bở #14

Các bạn du học sinh qua đó chắc được đi chơi miết do thấy hình cảnh đẹp cập nhật liên tục. Không biết các bạn qua đó có học hành gì không.

Bọn tớ không có thói quan chụp hình trong thư viện và lớp học mỗi ngày (trừ những ngày đầu mới đến thôi các cậu ạ). Có những đêm ăn thư viện, ngủ thư viện, có khi…tắm trong thư viện luôn ấy chứ (chả là thư viện trường tớ có cả phòng tắm). Còn ngược lại, nếu thấy ai đăng hình trong thư viện thì có khả năng là cả đời không vào, có dịp là chụp ảnh khoe ngay (như tớ này :”>)

Hì hì, thực ra tớ có ảnh này là do đăng ký làm ‘người mẫu’ chụp catalog cho trường, còn tấm trên thì đọc nhiều quá quởn nên ‘tự sướng’ cho tút lại tinh thần :”>

Dưa bở #15

Lúc kiếm nhà ráng tìm đồng hương để ở chung cho vui

Người Việt mình thì có lối sống bày đàn, nên thường co xu hướng tìm đồng hương nơi xứ người để sống cho vui. Nhưng mà thiết nghĩ, đã bỏ một đống tiền ra xứ người rồi, nếu cứ tiếp tục làm những gì mà trước giờ mình làm thì bạn cũng chỉ nhận được những gì trước giờ mình có thôi. Với lại, Bắc Nam còn không thể ở chung một nhà được các bạn ạ. Khác biệt văn hóa, lối sống, vùng miền, thói quen sinh hoạt có thể sẽ gây những hiểu lầm không đáng có khi sống chung. Quan trọng là tìm được người thích hợp ở cùng. Vì vậy, đừng nên chỉ chăm chăm tìm bạn đến từ Việt Nam. Nếu có điều kiện, mình vẫn khuyên các bạn ở ký túc xá hoặc ở chung với người nước ngoài để có điều kiện học hỏi thêm cách sống của các nên văn hóa khác nhé. Hãy ưu tiền làm những gì mà bạn nghĩ rằng mình không bao giờ có thể làm ở quê nhà. Chúc bạn may mắn trong việc tìm người ở chung.

 

Dưa bở #16

Đi làm thêm đừng quá nổi bật sẽ bị ganh ghét, mục đích chính là học hỏi kinh nghiệm và được tiếp xúc với người bản xứ thân thiện.

Hên xui vì nhiều lúc vấn đề phân biệt chủng tộc, rào cản ngôn ngữ, bị kinh thường, ôm cục tức vào người, đã có nhiều bạn sinh viên quốc tế trải qua rồi đấy. Ở đâu cũng sẽ có người này người kia. Nhưng nếu chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và vẫn sẵn sàng mở lòng thì bạn sẽ nhận được lại rất nhiều tình bạn tốt.

Quan trọng là bạn phải biết cách thể hiện mình, bên này người ta xem trọng những người có năng lực thực sự lắm đấy, đừng sợ nổi bật giữa đám đông như tâm lý ở Việt Nam, bạn nhé! Ở đây, outstanding nghĩa là xuất sắc, tốt, chứ không mang nghĩa chơi trội à nha J

 

Dưa bở #17:

Đêm Giáng sinh và ngày Giáng sinh chắc tưng bừng, tha hồ đi chơi.

Ngày Giáng sinh 25/12, tiếp theo sau đó là boxing day 26/12 thành phố sẽ im ắng như tờ do các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe lửa) đều ngưng hoạt động. Bạn lưu ý điều này để lên kế hoặch đi chơi cho phù hợp này!

 

Dưa bở #18

Vương Quốc Anh nổi tiếng có nhiều ‘Castle’ – toà lâu đài nguy nga tráng lệ nơi có nàng công chúa xinh đẹp và chàng hoàng tử tuấn tú…

Do kiến thức tiếng Anh có hạn của mình, cộng với nhiễm các bộ phim cổ tích, lúc mới qua mình cứ nghĩ Castle nghĩa là Lâu Đài, cứ thấy cái tên như Cardiff Castle, Lurworth Castle… là thích thú vì mình sẽ được tham quan toà lâu đài nguy nga tráng lệ. Nhưng thực ra nó còn có nghĩa là pháo đài (fortress), và toàn bộ Castle ở UK đều mang nghĩa này. Mình tìm hiểu thêm thì được biết từ Castle được sử dụng trong thời Trung Cổ (476AD-1453AD - Middle Ages) tức bắt đầu từ sau sự sụp đổ của Đế Quốc Tây La Mã 476AD, kết thúc tại thời điểm đổ của 1453AD Đế Quốc Đông La Mã sụp đổ 1453AD) (The Middle Ages are usually considered to begin after the fall of The Western Roman Empire (476 AD) and end at the fall of the Eastern Roman Empire (1453)), được dùng để bảo vệ vùng đất ấy. Nơi đây được xem là an toàn nhất cho nên vua chúa sau này mới quyết định đống đô ở đây. Vì vậy, 'lâu đài' thường sẽ có hình dáng thế này đây:

Lâu đài Lulworth - 09/2016

Kết luận là:

Bất cứ việc gì cũng có hai mặt. Truyền thông có khi sẽ khiến chúng ta suy nghĩ theo hướng chủ quan của người viết. Tốt nhất là các bạn phải luôn tự tìm hiểu rồi tổng hợp thông tin, từ đó đưa ra quyết định, đến và tự trải nghiệm. 'Đi một ngày đàng, học một sàng khôn', ông bà ta nói ứ có sai đâu các bạn ạ.

Tớ thường khuyên các bạn tìm đến tớ hỏi về kinh nghiệm chuẩn bị đi học xa đó là: Đừng khư khư định kiến rằng du học là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Hãy cân nhắc lợi và hại, chi phí cơ hội hoặc phải chuẩn bị tâm lý thật sẵn sàng cho việc du học. Một sự thật không thể chối cãi như mình đã đề cập ở trên, cái mác du học chẳng có gì hay ho nếu bản thân người du học sinh chẳng hay ho tí nào. Du học là chìa khóa dẫn đến thành công, nhưng nếu không biết cách sử dụng chìa khóa ấy, hay có chìa khóa mà không mở đúng cửa, thì bạn vẫn mãi dậm chân tại chỗ mà thôi, thậm chí có phần thua thiệt vì trong một năm mình xa xứ, những bạn ở nhà đã gây dựng được niềm tin trong công việc hoặc tự học những kinh nghiệm thực tiễn qua những người đồng nghiệp, sếp trực tiếp.

Dù vậy, tớ vẫn quan niệm, ta lùi một bước, ẩn nấp chốn giang hồ xây dựng bệ phóng để tiến vạn bước sau này. Tớ chưa thấy ai hối hận vì đã bỏ thời gian trau dồi thêm kiến thức nơi xứ người cả.

Tất nhiên, đối với tớ, nếu được chọn lựa lại, tớ vẫn chọn UK là điểm đến cho tấm bằng Thạc sĩ vì những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời và những hành trang, cơ hội mà nó đã mở ra cho tớ ngày trở về. Tớ sẽ kể sau trong các bài viết sau của mình…

Chúc các bạn sẽ có những quyết định đúng đắn cho sự phát triển học hành và nghề nghiệp của mình.

Theo Nguyễn Như Ngọc
Education UK Ambassador

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,416 lượt xem