Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Những Nguyên Tắc Vàng Khi Học Nói Tiếng Anh

Bạn đang mong muốn cải thiện khả năng Nói tiếng Anh của mình? Sau đây là một vài nguyên tắc hy vọng hữu ích cho các bạn. 

1. Không chú trọng học ngữ pháp quá nhiều

 Quy tắc này có vẻ lạ lẫm với nhiều bạn học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, nhưng nó quả thật là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất. Nếu bạn muốn vượt qua các kỳ thi thì mới phải học ngữ pháp. Trái lại, nếu bạn muốn trở thành người nghe nói thành thạo tiếng Anh thì bạn nên cố gắng làm quen với việc học tiếng Anh mà không cần học ngữ pháp.

 Học ngữ pháp sẽ chỉ làm bạn chậm đi và gây cho bạn nhiều sự nhầm lẫn bối rối. Đầu óc bạn sẽ luôn suy nghĩ về các quy tắc khi tạo câu thay vì buột miệng nói ra một câu diễn đạt một cách tự nhiên như người bản xứ. Hãy nhớ rằng trên thế giới chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người nói tiếng Anh biết nhiều hơn 20% tất cả các quy tắc ngữ pháp. Nhiều bạn học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nhưng biết nhiều ngữ pháp hơn cả người bản xứ. Tôi có thể tự tin nói điều này với kinh nghiệm bản thân và quan sát. Tôi là một người ở Anh từ nhỏ lớn lên theo đuổi chuyên ngành kinh tế nhưng lại có niềm đam mê nghiên cứu lớn với bộ môn ngôn ngữ học. Do đó khi còn học ở trường đại học Lancaster bên cạnh việc học chuyên ngành chính, tôi vẫn giành thời gian tham gia công tác nghiên cứu bộ môn ngôn ngữ học với nhiều bạn sinh viên và giảng viên giáo sư người Anh bản địa, chuyên ngành Văn học Anh. Trong số đó có những người kỳ cựu có kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho người nước ngoài trong hơn 20 năm.

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã phải thú thật là đôi khi học viên của họ biết nhiều chi tiết về ngữ pháp tiếng Anh hơn cả họ. Bản thân tôi tuy cũng không nghiên cứu quá chuyên sâu vào tiểu tiết ngữ pháp nhưng tôi vẫn có thể dễ dàng tìm kiếm các định nghĩa và áp dụng khi giao tiếp mặc dù đôi khi cũng tự hỏi không biết những câu đó ở đâu mà ra.

Tôi thường hỏi bạn bè bản xứ của tôi một số câu hỏi ngữ pháp trích dẫn trong đề thi phổ thông, đại học của các bạn Việt Nam, và chỉ có một vài trong số họ biết câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, họ đều thông thạo tiếng Anh và có thể Đọc, Nói, Nghe và Giao tiếp hiệu quả.

 Có lần tôi dạo qua Facebook của một anh bạn trước đây cũng từng đi du học Anh về và bây giờ cũng tham gia giảng dạy tiếng Anh tại một trung tâm có tiếng ở Sài Gòn, thấy anh đã phải nhận xét chua xót rằng:

“Sản phẩm của nền giáo dục tiếng Anh made-in VN là cho ra đời 1 thế hệ HSSV rất giỏi và chỉ thích ngồi làm các bài tập điền từ trong ngoặc kép, điền ngữ pháp, chia động từ, thay đổi cấu trúc ngữ pháp theo gợi ý và công thức, trả lời các lựa chọn cho sẵn... nhưng lại không viết nổi 1 đoạn văn cho ra hồn hoặc trả lời đủ dài cho 1 câu hỏi và cũng không dám sáng tạo hay tìm hiểu 1 cái gì mới.... số đông là vậy.”

Bây giờ ngẫm lại mới thấy thấm thía đúng. Nếu bạn vẫn còn không tin? Hãy thử nhờ hoặc chứng kiến một vài giáo viên Việt Nam nào đấy mà mọi người xung quanh tôn vinh là bậc thầy hay lão làng có tiếng về giảng dạy ngữ pháp đọc thử một đoạn hội thoại hoặc thực hành giao tiếp với người nước ngoài một lúc… Bạn sẽ hiểu ý tôi.

 Bạn có muốn mình có khả năng đọc thuộc lòng (thậm chí là học vẹt) các định nghĩa của một động từ nguyên nhân (causative verb), hay bạn muốn mình có thể Nói tiếng Anh trôi chảy?

 2. Tìm hiểu và nghiên cứu các cụm từ

 Nhiều bạn học từ vựng và cố gắng ghép nhiều từ với nhau để tạo ra một câu thích hợp.  Nhiều bạn học viên đã làm tôi thực sự ngạc nhiên về số lượng từ vựng mà họ biết, tuy vậy họ không thể tạo ra một câu chuẩn. Lý do chính ở đây là vì họ đã không học các cụm từ. Theo lẽ tự nhiên, khi trẻ em học một ngôn ngữ, chúng học cả từ và cụm từ với nhau. Tương tự như vậy, bạn cần phải nghiên cứu và tìm hiểu các cụm từ nếu không muốn biến các từ vựng bạn học được thành từ chết.

 Nếu bạn biết 1000 từ, bạn chưa chắc có thể nói chuẩn một câu chuẩn. Nhưng nếu bạn biết 1 cụm từ, bạn có thể tạo ra hàng trăm câu chuẩn. Nếu bạn biết 100 cụm từ, bạn sẽ ngạc nhiên trước số lượng câu chuẩn mà bạn có thể nói. Cuối cùng, khi bạn chỉ biết 1000 cụm từ, bạn sẽ gần như là một người nói tiếng Anh thông thạo.

Tôi khuyên các bạn nên ngừng việc tiêu tốn hàng giờ đồng hồ vào việc học các từ vựng đơn lẻ khác nhau. Thay vào đó hãy sử dụng thời gian này để học các cụm từ và bạn sẽ tiến gần tới việc nói lưu loát tiếng Anh.

 Tuyệt đối không dịch

 Khi bạn muốn tạo ra một câu tiếng Anh, không dịch các từ từ tiếng mẹ đẻ của bạn. Thứ tự của các từ đôi khi hoàn toàn khác nhau và kết quả sẽ làm bạn không những chỉ phản ứng chậm mà còn thiếu chính xác. Thay vào đó, hãy học những cụm từ và câu, khi đó bạn không cần phải suy nghĩ về những lời bạn nói. Chúng sẽ tự động buột ra khỏi miệng tự nhiên như tiếng mẹ đẻ vậy.

 Một vấn đề khác không thể tránh được khi dịch trước khi nói là việc cố gắng để kết hợp các quy tắc ngữ pháp đã học được. Dịch ngược từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh trong khi suy nghĩ áp dụng kiến thức ngữ pháp đôi khi sẽ tạo ra những câu thiếu phù hợp và chính xác về nội dung diễn đạt cũng như văn phong và văn cảnh.

 3. Đọc và Nghe là không đủ. Hãy thực hành Nói những gì bạn nghe!

 Đọc, Nghe và Nói là những khía cạnh quan trọng nhất của bất kỳ ngôn ngữ nào. Điều này cũng đúng đối với tiếng Anh. Tuy nhiên, để sử dụng giao tiếp trôi chảy thành thạo thì kỹ năng duy nhất bạn cần học chỉ là Nói. Điều này hoàn toàn bình thường khi bất cứ trẻ sơ sinh hay trẻ em nào cũng phải học Nói đầu tiên, trở nên thành thạo trôi chảy, sau đó bắt đầu Đọc, rồi đến Viết. Vì vậy theo lẽ tự nhiên, thứ tự sẽ là Nghe, Nói, Đọc, sau đó Viết.

Tuy nhiên đa số các trường trên thế giới lại dạy ngoại ngữ theo thứ tự Đọc đầu tiên, tiếp đến là Viết, sau đó là Nghe và cuối cùng mới là Nói. Mặc dù phương pháp này có vẻ trái với tự nhiên nhưng nó vẫn tồn tại hàng trăm năm nay bởi một lý luận đơn giản: khi học một ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ, bạn cần phải đọc tài liệu để hiểu thì mới học được. Do đó đa số các bạn học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trên thế giới đều phát triển kỹ năng theo thứ tự Đọc, Nghe, Nói rồi Viết.

Đây chính là lý do mà nhiều bạn học tiếng có thể Đọc và Nghe tốt bởi vì đó đơn giản là tất cả những gì họ thực hành. Nhưng để Nói tiếng Anh lưu loát, bạn cần phải thực hành Nói. Khi bạn va chạm với những đoạn hội thoại trong phim ảnh hay các bài nghe trong khi học, bạn đừng nên chỉ ngồi im thụ động lắng nghe. Hay bắt chước Nói to lên nội dung của những đoạn hội thoại hay bài nghe đó. Thực hành Nói to cho đến khi miệng và trí não có thể làm điều đó mà không cần bất kỳ nỗ lực nào của bạn. Chỉ khi áp dụng cách đó, bạn mới có thể nói tiếng Anh lưu loát.

Nếu ai đã có dịp đi du lịch tới các nước bạn đồng cấp trong khu vực như Malaysia, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mặt bằng chung trình độ giao tiếp nghe nói của những người dân lao động ở đây như những người lao công quét rác đa số còn vượt trội hơn nhiều so với nhiều nhà lãnh đạo, giáo sư tiến sỹ ở ta. Trong bối cảnh đất nước chuẩn bị hội nhập, một khi các điều ước về tự do luân chuyển dòng người lao động giữa các nước trong khu vực được ban hành, với năng lực ngoại ngữ như hiện nay thì lực lượng lao động phổ thông của Việt Nam dù có lành nghề mấy cũng thật khó lòng có thể cạnh tranh được. Vì vậy việc đòi hỏi phải cải thiện và nâng cao khả năng giao tiếp ở mọi độ tuổi, vị trí và trình độ chính là yêu cầu bắt buộc để tồn tại và phát triển.  

Nỗi sợ không cạnh tranh tìm được chỗ đứng trong xã hội, thị trường và nỗi sợ lo lắng người khác chê cười khi chứng kiến mình cứ luyện Nói thật to. Nỗi sợ nào  làm bạn sợ hơn?

 

4. Đắm mình vào thế giới ngôn ngữ

 Việc có khả năng Nói một ngôn ngữ không liên quan đến việc bạn thông minh cỡ nào. Bất cứ ai cũng có thể học cách Nói bất cứ ngôn ngữ nào. Đây là một thực tế đã được chứng minh bởi tất cả mọi người trên thế giới. Mỗi người chúng ta đều có thể Nói được ít nhất một ngôn ngữ. Cho dù bạn là thông minh, hoặc có vấn đề về thiểu năng trí tuệ, bạn vẫn có thể Nói được tiếng mẹ đẻ của mình.

 Để đạt được trình độ Nói tiếng mẹ đẻ của mình như hiện nay, bạn phải luôn đắm chìm trong ngôn ngữ này. Khi ở trong nước mình, bạn nghe và nói ngôn ngữ của mình liên tục. Nếu để ý bạn sẽ nhận thấy rằng nhiều người nói tiếng Anh tốt có xuất thân từng theo học tại một trường nói tiếng Anh. Họ có thể nói được tiếng Anh không phải vì họ đã theo học các chương trình tại một trường nói tiếng Anh, mà bởi vì họ có môi trường mà xung quanh toàn người nói tiếng Anh liên tục.

 Tuy nhiên cũng có một số người tuy đi du học tại các nước nói tiếng Anh khá lâu nhưng khả năng nói vẫn chẳng tiến bộ là bao. Đó là bởi vì họ dù đã có điều kiện đi đến một môi trường nói tiếng Anh, nhưng lại tự ti, thu mình, thay vào đó họ lại hay tìm kiếm vào giao du với bạn bè từ nước mình đến và hầu như không mấy khi thực hành giao tiếp tiếng Anh.

 Bạn không cần phải đi bất cứ nơi nào để trở thành một người nói tiếng Anh thông thạo. Bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến và tiếp xúc với những phiên dịch viên cao cấp của Chính phủ mà bản thân họ chưa bao giờ bước chân ra khỏi bờ cõi lãnh thổ Việt Nam. Bạn chỉ cần tự tạo ra một môi trường bao quanh mình toàn tiếng Anh. Ví dụ như bạn có thể làm điều này bằng cách đặt ra các quy tắc với bạn bè rằng bạn sẽ chỉ được nói tiếng Anh khi gặp nhau. Bạn cũng có thể mang theo một chiếc iPod hay một chiếc điện thoại thông minh và liên tục lắng nghe các câu, các bài tin tức bằng tiếng Anh trên đài. Tiếp tục duy trì sau một thời gian bạn sẽ nhận thấy, bạn hoàn toàn có thể đạt được kết quả như ý bằng cách thay đổi những gì xung quanh bạn. Đời thay đổi khi ta thay đổi. Hãy đắm mình trong thế giới tiếng Anh và bạn sẽ học nhanh hơn nhiều lần.

 

5. Nghiên cứu các tài liệu chuẩn

 Trong tiếng Anh có một cụm từ nổi tiếng “Practice makes perfect”, tạm dịch là "Thực hành làm ra hoàn hảo". Điều này thực tế không phải lúc nào cũng đúng đặc biệt trong việc luyện kỹ năng Nói. Chăm chỉ thực hành chỉ làm cho những gì bạn thực hành trở thành thói quen vĩnh viễn lâu dài. Nếu bạn thực hành lặp đi lặp lại các câu không chính xác, cái bạn đạt được sẽ chỉ là thành công trong việc Nói những câu không chính xác một cách hoàn hảo. Điều này như cách Lê Nin đã từng ví von: “Nhiệt tình cộng ngu dốt ra phá hoại”. Vì vậy, việc chọn lựa tài liệu học là hết sức quan trọng. Trong việc học nói, kiến thức kỹ thuật phát âm là nên tảng tối quan trọng.

 Một vấn đề nữa tôi thấy là nhiều bạn hay học nói qua các bản tin. Các bạn phải lưu ý rằng ngôn ngữ mà họ nói là trang trọng quy cách và nội dung mà họ sử dụng mang tính chính trị và không được dùng thông dụng trong cuộc sống bình thường. Việc hiểu họ đang nói gì cũng rất quan trọng, tuy nhiên đây thuộc về chi tiết của của các bài học nâng cao, chỉ nên được nghiên cứu sau khi biết những điều cơ bản của tiếng Anh. Những bài nghe trong mục “Nghe đài Podcasts” trên Tonyenglish.vn không dành cho mục đích luyện Nghe Nói giao tiếp.

 Học nói tiếng Anh với một người bạn không phải là người nói tiếng Anh bản địa sẽ mang đến hiệu ứng cả tốt và xấu. Mặt tốt là thực hành với một người không phải bản xứ sẽ tạo điệu kiện cho cả hai cùng có cơ hội tự tin thực hành. Việc này cũng có thể giúp các bạn tạo động lực cho nhau và chỉ ra những sai lầm cơ bản của nhau. Nhưng lưu ý rằng bạn cũng có thể sẽ thâu nạp những thói quen xấu từ nhau đặc biệt là khi cả hai đều không chắc chắn về sự chính xác của câu mình đang dùng. Vì vậy, hãy sử dụng những buổi này để thực hành các tài liệu chuẩn mà bạn nắm rõ.

Nói một cách ngắn gọn, hãy tìm hiểu, nghiên cứu sử dụng các nguồn tài liệu tiếng Anh phổ thông uy tín mà bạn thấy tin tưởng.

Theo tonyenglish.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,794 lượt xem