Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Nói Chuyện Khó Nói Sao Cho Đẹp Lòng Nhau?

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, dù là đồng nghiệp, bạn bè, bạn đời, cha mẹ, anh chị em, sẽ đến một lúc bạn phải nói ra những chuyện khó nói. Bạn cần xử lý cuộc nói chuyện này thật khéo léo. Khi nghĩ đến “chuyện khó nói”, điều mà bạn thường tưởng tượng là mối quan hệ của bạn đang “thoi thóp” trên một vùng đất lạnh lẽo và cằn cỗi do hiểu lầm, thành thật quá mức, thiếu chân thành và lỡ lời.

Sẽ luôn có những người không xứng đáng được bạn đối xử tử tế – những người gây ra đau khổ cho bạn nhiều hơn niềm vui. Nếu một cuộc nói chuyện khó khăn đi kèm với rủi ro là đối phương sẽ biến mất khỏi cuộc đời bạn, hãy coi đó là phần thưởng cho sự thành thật và chấp nhận nó.

Khi bạn phải nói những chuyện này với người mình quan tâm thì rủi ro còn cao hơn nữa. Có thể bạn hy vọng mọi chuyện rồi sẽ tự đâu vào đấy, đợi xem có ai khác nêu vấn đề này không, hoặc cố thuyết phục bản thân rằng mình đang khiến “chuyện bé xé to.”

Nếu bạn quan tâm đến mối quan hệ và đối phương, bạn có thể làm một số điều để tránh cho mối quan hệ bị ảnh hưởng xấu bởi sức ép của cuộc nói chuyện. Sau đây là vài bí quyết bạn nên ghi nhớ.

Cách Nói Chuyện “Ngây Thơ Vô Số Tội”

Đôi khi điều bạn không làm cũng quan trọng như điều bạn làm. Những lời thẳng thắn không phải lúc nào cũng dễ nghe. Thật ra, có một số lời nói gần như chắc chắn sẽ khiến người nghe nổi giận. Hãy cố gắng tránh những “tia lửa nhỏ” sau:

  • “Anh nghĩ sao nói vậy thôi.”
  • “Em không có ý làm anh bực.”
  • “Mình không có ý làm cậu hiểu lầm.”

Khi những “tia lửa” này xuất hiện, “tên lửa” đã được khai hỏa. Lúc đó, dù bạn có dỗ dành thế nào thì cũng chẳng thể làm đối phương nguôi giận. Một cuộc nói chuyện khó khăn vì bản chất của nó là khó khăn. Chức năng của nó là cảnh báo rằng sắp có những lời khó nghe (“Anh không muốn em hiểu lầm nhưng…), sự chống chế, (“Cô thật bê bối. Tôi chỉ đang nói thật lòng thôi.”), hoặc lời yêu cầu bạn không tức giận trong khi câu nói của đối phương chắc chắn sẽ làm bạn tức giận (“Em không muốn làm anh bực nhưng…”).

… nhưng …

Đây cũng là một từ nghe thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực tế là không nhẹ nhàng chút nào. Khi nói chuyện, sẽ có rất nhiều lần bạn thốt ra từ “nhưng” mà không hề hay biết. Mặc dù từ này được dùng để xoa dịu cơn giận, tuy nhiên nó thường không làm được điều đó. Ý nghĩa của nó trong những tình huống này là “đừng để ý những lời trước đó làm gì, vì bây giờ tôi mới nói cho anh nghe suy nghĩ thật của mình đây.” Thay vào đó, hãy thử thay từ “nhưng” bằng “và” trong câu “Anh muốn chúng ta hạnh phúc và anh cần chút không gian.” Hai câu này không khác nhau nhiều, nhưng có thể tạo ra sự khác biệt là người nghe được điều tích cực lẫn điều tiêu cực, thay vì chỉ nghe điều tiêu cực mà thôi.

Những bí quyết nhỏ sau đây có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong việc nói điều khó nói:

1. Tôi, Bạn, Vấn Đề

Một tương tác có 3 phần – tôi, bạn, vấn đề. Cuộc nói chuyện bị chệch hướng khi ta chỉ tập trung vào “tôi” và “vấn đề” mà bỏ quên “bạn”. Giải pháp tốt nhất là bạn cần đến đối phương – sự khôn ngoan, quan điểm, sự tham gia và cam kết giúp mọi việc tốt đẹp hơn của họ. Càng chú ý đến đối phương – ngôn từ, biểu hiện, cảm xúc trong từng lời nói của họ – bạn càng dễ kiểm soát cuộc nói chuyện bằng cách chú ý đến ảnh hưởng của mình và phản hồi lại sự hiểu lầm, bối rối hoặc thiếu kết nối. Bạn không thể kiểm soát kết quả, nhưng bạn có thể làm chủ quá trình.

2. Bạn Không Tìm Được Thời Điểm Thích Hợp?

Một trong những điều khó nhất trong cuộc đối thoại khó nói là biết thời điểm nào thích hợp để đề cập vấn đề. Nếu bạn không chắc chắn về thời điểm, hãy để đối phương quyết định. Hãy thử nói “Tôi đang tự hỏi liệu chúng ta có thể trò chuyện một chút khi bạn rảnh không.” Nếu bạn bất ngờ nói điều này, sự tò mò thường thắng thế, làm đối phương hỏi thẳng bạn muốn nói gì hoặc gặp bạn sau và bắt đầu cuộc nói chuyện ngay khi họ có thể. Nhưng bạn cũng nên cẩn thận, chiến thuật này có thể phản tác dụng nếu họ nghi ngờ về điều khó khăn sắp xảy ra và phản hồi bằng cách phớt lờ bạn.

3. Hai Bạn Được Lợi Gì?

Đối phương được lợi gì nếu họ thực hiện cuộc nói chuyện khó khăn này với bạn và thay đổi suy nghĩ theo lời bạn? Điều đó có làm mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn cho cả hai không, có giúp bạn đáp ứng nhu cầu của họ dễ dàng hơn không? Thật chẳng dễ nghĩ tốt cho người khác, đặc biệt là khi bạn đang bị tổn thương hoặc buồn bực về những lời nói hoặc việc làm của họ. Càng làm họ cảm thấy an toàn và thoải mái, bạn càng dễ đạt được điều mình muốn. Thậm chí tốt hơn nữa là cả hai cùng thắng.

4. Đừng “Lấy Cương Thắng Cương”

Bạn càng tạo áp lực thì họ càng chống trả. Đây là cách giữ cân bằng theo bản năng khi ta cảm thấy bất ngờ bị tổn thương dù cách này sẽ khiến cả hai đều bị tổn hại. Bạn càng nói “anh không…” thì họ càng nói “tôi có…”, càng nói “anh thật là…” thì họ càng bảo “tôi đâu có…”. Khi bạn nhún nhường một chút, đối phương sẽ bớt thủ thế và lắng nghe nhiều hơn. Nhượng bộ trong trường hợp này không có nghĩa là đồng ý, mà là chuẩn bị để lắng nghe, để trở nên nhạy cảm và mở lòng với thực tế của người khác.

5. Quan Tâm Đi Trước, Lời Nói Theo Sau

Chẳng ai quan tâm bạn muốn gì cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ. Hãy tránh tạo ấn tượng là người lạnh lùng, khó chịu hoặc xa cách. Những cảm xúc này chẳng có gì sai, nhưng nó thường ảnh hưởng không tốt đến tình huống. Mọi chuyện sẽ dễ dàng xuôi theo ý bạn hơn khi bạn thể hiện rằng mình quan tâm đến con người, chứ không phải kết quả.

6. Bám Sát Sự Thật

Nói điều mình nghĩ cũng chẳng có gì sai, nhưng hãy cẩn thận kẻo ý kiến của bạn làm sai lệch sự việc. Nói “Mình buồn vì chúng ta không trò chuyện nhiều như trước nữa. Mình nhớ cậu” là một chuyện, nhưng nói “Mình thấy từ khi bắt đầu hẹn hò với Fabio, cậu thành fan hâm mộ của anh ta luôn rồi đấy” lại là chuyện khác. Khi cảm xúc xuất phát từ tình yêu và sự chân thành, nó sẽ đưa mọi người đến gần nhau hơn. Mặc khác, ý kiến có thể đẩy hai người rời xa nhau, đặc biệt là khi ý kiến của bạn chứa nhận xét cá nhân.

7. Đừng Nói “Lúc Nào Cũng” Và “Chẳng Bao Giờ”

Vấn đề với việc nhấn mạnh sự tuyệt đối khi nêu ý kiến như “lúc nào cũng” hoặc “chẳng bao giờ” là người nghe sẽ lập tức tìm cách chứng minh điều bạn nói là sai. Họ chỉ cần chỉ ra một lần mình không hoặc đã làm để đưa ra “bằng chứng” cho thấy bạn nói chuyện vô lý. Nếu lỡ nói, “Anh lúc nào cũng trễ giờ”, bạn sẽ thấy đối phương kể ra lần họ đến đúng giờ còn bạn thì đến trễ (dù lần đó là do một người bạn của bạn cho nhầm địa chỉ).

8. Lắng Nghe Với Một Trái Tim Và Tâm Trí Rộng Mở

Khi biết đủ nhiều về ai đó, bạn sẽ thấy hành vi của họ là hợp lý. Điều đó không có nghĩa là hành vi đó đúng, nhưng nó thường dễ hiểu và dễ phản hồi hơn. Hãy cố gắng tìm hiểu nhiều nhất có thể về họ và cách nhìn nhận tình huống của họ. Họ thấy điều gì mà bạn không thấy? Bạn cần biết điều gì để hiểu hành động của họ? Cảm giác được lắng nghe rất tuyệt vời đối với tất cả mọi người. Khi mọi người cảm thấy được lắng nghe, sự chống chế, tức giận, sợ hãi và xa cách thường dịu đi, mở ra cơ hội lớn hơn giúp bạn thuyết phục họ.

9. Công Nhận Đối Phương

Dù câu chuyện của họ khiến bạn cảm thấy hoặc nghe có vẻ vô lý thế nào, thì nó vẫn hợp lý với họ. Hãy công nhận câu chuyện đó. “Tôi hiểu chuyện anh phải về lúc 5 giờ và tôi sẵn sàng giữ kín cho anh khi có thể. Và tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể bàn về cách giúp tôi thỉnh thoảng cũng có thể về lúc 5 giờ không?”

10. Dùng “Tôi”

Bạn không cần thay đổi ý kiến của ai cả; bạn chỉ cần được đối phương hiểu mà thôi. Sử dụng “tôi” (tôi thì/tôi nghĩ/tôi cảm thấy), thay vì “bạn” (bạn thì/bạn nghĩ bạn có thể/bạn khiến tôi), sẽ khiến đối phương bớt có nhu cầu phòng thủ. Câu “Tôi không hiểu ý bạn đang nói” rất khác so với “Bạn nói chuyện chẳng có lý gì cả.”

11. Chú Ý Đến Nguồn Năng Lượng Ngầm Bên Trong Bạn

Chúng ta đều phát ra năng lượng khi tương tác. Bạn cũng sẽ cảm thấy nó từ đối phương. Nếu đó là người mà bạn quan tâm và hiểu khá rõ, thường bạn sẽ hiểu cảm giác của họ trước khi họ nói ra, và họ cũng sẽ làm vậy với bạn. Đó là do lời nói chỉ là một phần thông điệp mà ta giao tiếp, và thường chỉ là một phần nhỏ. Hãy hướng đến sự đồng bộ giữa cơ thể, giọng nói, ngữ điệu với lời nói của bạn. Câu “Tôi muốn hiểu…” sẽ tạo ra các cảm giác khác nhau tùy vào việc nó đi kèm với điệu bộ cởi mở hay bảo thủ (chẳng hạn như khoanh tay, hơi quay sang hướng khác).

12. Đừng Cho Rằng Đối Phương Biết Nhu Cầu Của Bạn

Một trong những sai lầm lớn nhất ta mắc phải trong mọi mối quan hệ là cho rằng đối phương biết nhiều hơn họ thật sự biết. Rõ ràng là một người luôn hủy hẹn ở phút cuối khiến bạn mất kiên nhẫn, nhưng người đó có thể không nghĩ sự có mặt đúng giờ của họ quan trọng với bạn như vậy. Hãy nhẹ nhàng đề cập đến những điều bạn cho là quan trọng, và để cho họ làm điều tương tự.

13. Tạo Cam Kết

Điều gì xảy ra tiếp theo? Hãy làm rõ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, nếu không thì mọi chuyện sẽ lại rối tung.

Là con người, ta không thể tránh khỏi những lúc làm người mình yêu thương tổn thương. Ta cũng không thể tránh khỏi việc bị họ làm tổn thương. Các mối quan hệ không hề hoàn hảo, mà bản chất của nó là thực tế, cảm tính và lộn xộn. Khi một mối quan hệ xuất hiện vấn đề, không nhất thiết là nó sẽ đổ vỡ. Thay vì vậy, những vấn đề là dấu hiệu thể hiện tính “người”. Càng làm chủ bản tính con người và những rắc rối, sự hiểu lầm, sự thất vọng vốn luôn hiện diện trong ta, ta càng có thể tự mình và cùng với người khác phát triển.

Tác giả: Karen Young

Nguồn: ubrand.cool

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,141 lượt xem