Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Phỏng Vấn Kĩ Năng Mềm: Hỏi Và Đáp Sao Cho Chuẩn

Trong quá trình phỏng vấn, chúng ta phải để ý vô vàn vấn đề như trang phục, sự tự tin, kĩ năng mềm, kiến thức chuyên ngành. Nếu kĩ năng mềm của bạn quá yếu, dù kiến thức chuyên ngành có vững đến mấy, bạn cũng khó lòng nhận được công việc. Kĩ năng mềm sẽ giúp bạn biết cách trò chuyện và trình bày những kiến thức của bản thân. Nếu bạn chưa am hiểu kĩ năng mềm, đừng lo lắng nhé.

Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn nắm được cách hỏi và cách trả lời về kĩ năng mềm. Tuy nhiên, trước hết bạn cần biết kĩ năng mềm là gì và sức ảnh hưởng của nó trong buổi phỏng vấn.

1. Kĩ năng mềm là gì?

Trước khi tham gia một buổi phỏng vấn, dù đứng ở góc độ của nhà tuyển dụng hay ứng viên, thấu hiểu những ý nghĩa căn bản của kĩ năng mềm là rất cần thiết. Kĩ năng mềm cũng quan trọng trong công việc như các kĩ năng khác. Thông thường, chỉ có một số công việc đặc thù đòi hỏi đa dạng kĩ năng mềm. Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết các công việc đều yêu cầu nhân viên phải sở hữu nhiều kĩ năng mềm bởi chúng được xem là năng lực hành vi có liên quan đến trạng thái cảm xúc. Kĩ năng mềm giúp nhân viên tương tác và gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh (khách hàng, nhà cung ứng, đồng đội, cấp dưới, v.v). Một số kĩ năng mềm chủ yếu mà một nhân viên cần có bao gồm khả năng làm việc nhóm, giải quyết mâu thuẫn, giao tiếp hiệu quả, tư duy chiến lược và khả năng đàm phán. Bên cạnh đó, một số “biến thể” của kĩ năng mềm cần kể đến gồm sự trung thành, lạc quan, nhân cách tốt, cần cù, khả năng tương tác, v.v.

Bất cứ vị trí công việc nào cũng đều yêu cầu kĩ năng mềm, đặc biệt những vị trí đòi hỏi mức độ tương tác cao hoặc hợp tác với người khác. Nếu bạn chọn một công việc yêu cầu giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp hoặc cấp dưới, bạn nhất định phải thuần thục kĩ năng mềm.

2. Những câu hỏi phỏng vấn kĩ năng mềm dành cho nhà tuyển dụng

Đặt câu hỏi phỏng vấn đúng sẽ giúp bạn tăng cơ hội săn nhân viên chuẩn và chất

Là một nhà tuyển dụng, bạn có thể dễ dàng đánh giá kĩ năng chuyên môn của ứng viên thông qua các bài kiểm tra năng lực, trình độ và kinh nghiệm. Nếu bạn muốn hỏi cặn kẽ về kĩ năng mềm của ứng viên, dưới đây là những câu bạn nên hỏi họ. Bởi vì chỉ khi bạn hỏi đúng, bạn sẽ đánh giá được kĩ năng mềm của các ứng viên và biết được ai là người phù hợp với công ty của bạn.

Những câu hỏi phỏng vấn về khả năng tương tác

Hãy hỏi ứng viên về một tình huống “khó nhằn” trước đây mà anh/cô ấy phải giải quyết với người quản lý. Câu hỏi về giải quyết tình huống sẽ giúp bạn biết được khả năng quản lý của ứng viên. Ngoài ra, hãy hỏi ứng viên về những trường hợp bất đồng ý kiến giữa ứng viên và người quản lý hoặc những va chạm với các đồng nghiệp.

Những câu hỏi phỏng vấn về kĩ năng giao tiếp

Kĩ năng giao tiếp là một kĩ năng mềm không thể thiếu. Để biết được ứng viên sử dụng kĩ năng giao tiếp tốt như thế nào, hãy hỏi anh/cô ấy những tình huống giải quyết vấn đề nhờ sử dụng kĩ năng giao tiếp hoặc giành chiến thắng từ khả năng hùng biện, tranh luận. Nếu bạn muốn có nhiều đánh giá hơn, hãy hỏi những kinh nghiệm của ứng viên khi áp dụng kĩ năng giao tiếp trong mọi tình huống.

Những câu hỏi phỏng vấn về kĩ năng giải quyết vấn đề

Giải quyết vấn đề cũng là một kĩ năng mềm hết sức quan trọng. Cách tốt nhất để kiểm tra kĩ năng này là đặt ra những câu hỏi trực tiếp về những sự cố xảy ra trong công việc và các bước mà ứng viên đã giải quyết. Ngoài ra, bạn có thể hỏi ứng viên những câu sau: tình huống ứng viên tháo gỡ vấn đề khi không có sự giúp đỡ của đồng nghiệp; những tình huống kiểm tra khả năng sử dụng kĩ năng giải quyết; khi cấp trên phải đối mặt và giải quyết vấn đề, ứng viên đã tìm ra giải pháp và hỗ trợ như thế nào.

Những câu hỏi phỏng vấn về kĩ năng làm việc nhóm

Kĩ năng mềm cuối cùng và quan trọng không kém là kĩ năng đội nhóm. Hãy hỏi ứng viên về một tình huống gặp khó khăn với đồng nghiệp hoặc ứng viên đã giúp đỡ đồng nghiệp giải quyết công việc như thế nào. Để biết thêm về tinh thần đồng đội của ứng viên, bạn có thể hỏi những ví dụ giải quyết một nhiệm vụ phức tạp khi ứng viên làm việc nhóm, hoặc khi gặp “điệp vụ bất khả thi”, ứng viên đã sát cánh bên đồng đội thế nào.

3. Những câu hỏi phỏng vấn kĩ năng mềm dành cho ứng viên đã có kinh nghiệm

Thuần thục kĩ năng mềm, tăng cơ hội đốn gục nhà tuyển dụng

Những ứng viên tìm việc, các bạn đã đọc những câu hỏi về kĩ năng mềm mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi trong buổi phỏng vấn. Việc tiếp theo các bạn cần làm là chuẩn bị thật tốt và tự đánh giá kĩ năng mềm của bản thân. Dưới đây là những cách các bạn nên áp dụng để thể hiện kĩ năng mềm với nhà tuyển dụng.

Chào hỏi

Khi bước vào phòng phỏng vấn, điều đầu tiên bạn nên làm là chào hỏi mọi người và xin phép họ được vào phòng. Nếu bạn tham gia buổi phỏng vấn với người nước ngoài, hãy nói “May I come in?”. Hành động này sẽ thể hiện thái độ lịch sự của bạn. Bên cạnh đó, bạn cần nói thật rõ ràng, tông giọng hơi trầm, sải bước đầy tự tin, không ngồi xuống ghế khi chưa có sự đồng ý, và luôn giữ một gương mặt đầy vững tin.

Giới thiệu bản thân

Bạn cho rằng câu hỏi phổ biến “Hãy giới thiệu về bản thân em” trong các buổi phỏng vấn thật nhàm chán, vậy bạn nên suy nghĩ lại nhé. Câu hỏi này rõ ràng cho bạn một cơ hội tuyệt vời để khống chế cục diện phỏng vấn. Hãy hít thật sâu và bắt đầu giới thiệu bản thân (học vấn, kĩ năng và sở thích). Không giới thiệu quá lan man và kể lể câu chuyện đời bạn. Hãy tập trung vào những phần chính và nhấn mạnh lại những điều quan trọng bạn ghi trong hồ sơ tìm việc.

Những câu hỏi phỏng vấn kĩ năng mềm

Q: Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Với câu hỏi này, bạn cần đưa ra lời giải thích phù hợp. Bạn có thể thông qua câu hỏi này để khen ngợi công ty bạn đang ứng tuyển, thể hiện mong muốn được gia nhập và học hỏi tại công ty. Không bịa ra lí do nghỉ việc bởi sớm muộn gì, bạn cũng sẽ bị nhà tuyển dụng bắt quả tang ngay đấy.

Q: Bạn đóng vai trò gì trong công ty cũ?

Hãy nhớ lại mục kinh nghiệm nghề nghiệp bạn viết trong hồ sơ ứng tuyển để trả lời, vì nhà tuyển dụng luôn đối chiếu xem lời bạn nói có khớp với những gì bạn viết. Bạn nên mô tả ngắn gọn và đúng trọng tâm về chức vụ, vai trò và những công việc bạn đã làm.

Q: Một tình huống tồi tệ mà bạn đối mặt và cách bạn giải quyết?

Đây là câu hỏi chủ yếu kiểm tra kĩ năng mềm của bạn và đây cũng là một cơ hội để bạn thể hiện bản thân. Hãy trả lời súc tích và khéo léo. Bạn không cần phải bịa chuyện bởi ai đi làm cũng đều chạm trán những tình huống tệ hại, cho nên bạn cứ tự tin chia sẻ những khó khăn và cách bạn “xử đẹp” nhé.

Q: Bạn đối mặt với áp lực công việc như thế nào?

Bạn có thể trả lời câu hỏi này như sau: “Đi làm thường gắn với áp lực công việc, và đôi khi áp lực vô cùng lớn. Những lúc như vậy, tôi thường cố gắng giữ bình tĩnh, chuyên tâm làm việc, và lan truyền sự tích cực đến các đồng nghiệp.”

Q: Bạn đánh giá năng lực bản thân với đồng nghiệp thế nào?

Với câu hỏi này, bạn nên liệt kê những kĩ năng bạn có và đính kèm một số ví dụ minh họa. Bạn có thể đưa ra tình huống gỡ rối vấn đề khi nhóm của bạn mắc kẹt giữa khó khăn. Bạn chỉ cần trình bày bạn đã làm những gì và đừng cố tỏ ra mình là một vị anh hùng cứu thế. Bởi vì nhà tuyển dụng có thể hỏi ngược lại bạn bằng một số câu hỏi “khó nhằn” liên quan đến kĩ năng của bạn, và nếu bạn không trả lời được, bạn sẽ lộ ngay bộ mặt… anh hùng thất thế. Đến lúc này, còn ai dám giao công việc đầy trọng trách cho bạn nữa.

Q: Bạn sẽ phát triển mối quan hệ với đồng nghiệp mới như thế nào?

Nhà tuyển dụng hỏi câu này để xem cách đối nhân xử thế của bạn như thế nào. Muốn gây thiện cảm với nhà tuyển dụng, bạn có thể tham khảo cách trả lời sau: “Nếu nhóm tôi có nhân viên mới, tôi sẽ chỉ dẫn em ấy thật nghiêm túc về các đồng nghiệp, môi trường, lịch làm việc, và những vấn đề đáng lưu ý khác. Quan trọng là không được làm nhân viên mới giảm tự tin, tăng tự ti. Ngược lại, tôi cần khiến các em tự tin hơn, tích cực hơn trong công việc.”

Q: Hãy trình bày những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của bạn.

Câu hỏi về mục tiêu luôn được hỏi trong buổi phỏng vấn. Với mục tiêu ngắn hạn, bạn có thể trả lời rằng bạn cần ổn định cuộc sống với một công việc tốt nếu chẳng may trượt phỏng vấn. Với mục tiêu dài hạn, thăng tiến cao trong sự nghiệp là câu trả lời tốt nhất. Bạn cũng có thể trình bày những mục tiêu cá nhân với nhà tuyển dụng, miễn sao giữ cho câu trả lời càng cô đọng càng tốt.

4. Những câu hỏi phỏng vấn dành cho người mới vào nghề

Ai cũng có kĩ năng mềm, kể cả người lần đầu đi làm

Những người mới chân ướt chân ráo đi làm sẽ không có nhiều kinh nghiệm hoặc dày dạn kiến thức chuyên môn. Đặt những câu hỏi không phù hợp sẽ khiến bạn, một nhà tuyển dụng, đưa ra những đánh giá thiếu chính xác về kĩ năng mềm của ứng viên. Để tránh không đưa ra quyết định sai lầm, tốt nhất bạn nên hỏi về:

Tự tin vào bản thân

Tự tin vào bản thân là yếu tố vô cùng cần thiết. Để biết ứng viên có tự tin vào kĩ năng và năng lực của bản thân hay không, bạn nên đặt câu hỏi về những tình huống mà anh/cô ấy tự tin giải quyết những xung đột hoặc những tình huống khó xử trong thời gian thực tập.

Kĩ năng giao tiếp

Kĩ năng giao tiếp của ứng viên càng tốt, họ càng có khả năng tương tác, hiểu rõ môi trường làm việc, và thúc đẩy những mối quan hệ đồng nghiệp hòa hợp trong công ty.

Quản lí thời gian

Những câu hỏi về quản lí thời gian sẽ hé lộ khả năng biết phân loại thứ tự ưu tiên trong công việc và đảm bảo việc nào cần hoàn thành trước của ứng viên. Bạn có thể đặt câu hỏi về những ưu tiên của ứng viên trong quá trình học tập.

Kết

Cả ứng viên và nhà tuyển dụng đều chạm trán phải những khó khăn trong quá trình tìm việc/tuyển dụng và phỏng vấn. Đặt câu hỏi chính xác và tương tác hiệu quả sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá đúng kĩ năng mềm của ứng viên. Còn các ứng viên, chỉ khi bạn chuẩn bị thật chu đáo, có như thế cờ đến tay, bạn mới tập trung phất.

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,791 lượt xem