Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phụ Nữ Có Nhiều Lợi Thế Để Làm Lãnh Đạo

Nguyên tắc, quyết đoán nhưng cũng rất linh hoạt, dễ gần là những tính cách trái ngược nhưng lại giúp bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình.  

* Đang làm giám đốc tài chính cho một công ty ở Mỹ, vì sao bà quyết định quay về Việt Nam?

- Khi còn sống ở nước ngoài, tôi luôn xác định một ngày nào đó sẽ trở về Việt Nam, nhưng không nghĩ sẽ về sớm như vậy. Cơ hội đến vào cuối năm 2003, trong một chuyến về thăm người thân. Nghĩ mình là người Việt thì chắc chắn ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và đóng góp được nhiều hơn.

Và thế là chỉ trong một tháng, vợ chồng tôi bán nhà, bán xe, đưa con về Việt Nam để bắt đầu cuộc sống ở quê nhà. Nhìn lại thì đó là quyết định đúng, vì chúng tôi về đúng lúc đất nước đang có những thay đổi tích cực, kinh tế phát triển nhanh. Lúc đó chúng tôi đều trẻ, kinh nghiệm và kiến thức có được chưa phải nhiều nhưng đủ để phát huy trong môi trường đầy thuận lợi như vậy.

* Về Việt Nam bà thấy vai trò người phụ nữ được nhìn nhận như thế nào?

- Tôi thấy rằng ở Việt Nam hay nước ngoài thì vấn đề bình đẳng nam nữ đều là "vấn đề muôn thuở". Có thể ở Việt Nam, phụ nữ bị thiệt thòi hơn so với phụ nữ phương Tây. Nhưng tôi luôn cho rằng phụ nữ có giỏi cách mấy cũng khó có thể tìm kiếm sự bình đẳng 100% với nam giới, nhất là với chồng mình.

Ông xã tôi chẳng hạn, luôn muốn vợ ở ngoài là "bà này bà nọ” nhưng về nhà phải làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ. Phải làm sao để người chồng thấy với mình họ vẫn là quan trọng nhất chứ không phải là công việc, mặc dù có thể công việc chiếm thời gian nhiều hơn. Điều này dĩ nhiên không dễ chút nào. Nhưng mình cần phải khôn ngoan và luôn cố gắng.

Nhiều lúc tôi thấy mình như hai người khác nhau. Ở công ty, tôi làm việc rất khoa học, đâu vào đó, nhưng về nhà có những việc gia đình lại hay quên. Tôi nghĩ điều này cũng có cái hay của nó. Nếu phụ nữ mà tỏ ra giỏi quá, cái gì cũng lo hết thì không chừng sẽ khiến đàn ông trở nên ỷ lại.

Ông xã tôi cũng bận bịu với công việc như tôi nhưng vẫn lo những "việc lớn" ở nhà, trong khi mình chỉ lo những việc lặt vặt khác. Từ khi con trai còn nhỏ, tôi đã dạy cho con thói quen "cần bố”, chứ không phải cái gì cũng mẹ. Vì vậy mà bố đi đâu cũng không đi lâu được, và cũng nhờ đó mà khi con còn bé, việc phải đi công tác thường xuyên với tôi là không quá khó.

* Đó là trong gia đình, còn với công ty, phụ nữ làm lãnh đạo như bà có lợi thế và bất lợi gì?

- Là phụ nữ thì quỹ thời gian cho công việc thường eo hẹp hơn so với đàn ông vì vẫn phải chu toàn bổn phận gia đình. Phụ nữ không ăn nhậu được như nam giới, mà các sếp và đồng nghiệp lại phần lớn là nam giới, nên có phần hạn chế trong các mối quan hệ.

Thông thường phụ nữ phải cố gắng hơn nam giới thì người ta mới thấy được năng lực quản lý, lãnh đạo. Tuy nhiên, phụ nữ có rất nhiều lợi thế. Tôi thấy chị em thường chăm chỉ, cẩn thận, chu đáo và tập trung hơn nam giới. Đó là những phẩm chất quan trọng để thành công ở bất kỳ vị trí, công việc nào, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo để phát triển doanh nghiệp.

Với công việc, từ trước đến nay, làm gì tôi chỉ nghĩ đến đúng, sai, hợp lý hay chưa chứ ít khi nghĩ là phụ nữ thì phải giải quyết như thế này, phải làm như thế kia. Tuy nhiên, nếu nữ tính, khéo léo hơn, có thể một số việc sẽ được giải quyết dễ hơn. Tính tôi khá thẳng nên nhiều khi không dễ lấy lòng người khác. Nhưng một khi họ đã hiểu tính mình thì làm việc sẽ dễ dàng, trôi chảy hơn.

* Thẳng thắn thì tốt nhưng đôi khi thẳng quá cũng bất lợi...

- Hồi trẻ tôi hay nhìn thấy cái sai, cái tiêu cực trước và không rào trước đón sau khi nói lên quan điểm của mình. Đơn giản là vì lúc đó mình nghĩ công việc là công việc, cá nhân là cá nhân, đâu đó rạch ròi. Nhưng khi chín chắn hơn mới nhận ra là ngay cả trong công việc thì ai cũng là con người, cũng có cái tôi và đều thích được đề cao. Do đó cách góp ý cần tế nhị, dựa trên nguyên tắc tôn trọng và xây dựng. Một người lãnh đạo tốt phải có cái nhìn bao dung với cấp dưới. Phải qua nhiều va vấp tôi mới học được điều này.

* Và vì vậy mà bà cho phép nhân viên "thử sai"?

- Đó là văn hóa mà chúng tôi đang xây dựng tại Generali. Vì có làm lỗi thì mới học nhanh được, có thử sai thì sẽ không sai nữa. Cái mình làm đúng thì thường ít nhớ, nhưng khi làm lỗi thì sẽ nhớ hoài. Phải cho nhân viên cơ hội thử sai thì họ mới mạnh dạn thử những cái mới và chấp nhận thử thách.

Tôi là người quyết đoán nhưng sẵn sàng thay đổi ý kiến nếu thấy mình sai. Tôi sẵn sàng nói "Ừ, chị sai" với cấp dưới.Tôi nghĩ đó cũng là cách giúp nhân viên mạnh dạn nói lên chính kiến, cũng sẽ làm như vậy với cấp dưới của họ.

* Điều hành một công ty với hàng trăm người như Generali Việt Nam, hẵn có nhiều áp lực?

- Tôi may mắn có kinh nghiệm trong ngành và đã trải qua nhiều vị trí ở các tập đoàn đa quốc gia nên không quá lo về mặt chuyên môn. Kinh nghiệm quản lý cũng đã có nhưng chịu trách nhiệm trước cuộc sống của hàng ngàn con người thì là lần đầu tiên. Vì vậy, dù tự tin là mình đã sẵn sàng, nhưng ban đầu tôi vẫn lo lắng.May mắn là tôi được sự hỗ trợ rất tốt từ lãnh đạo Tập đoàn, từ những nhân viên tâm huyết của Công ty nên mọi việc diễn ra tương đối suôn sẻ.

Dĩ nhiên các chỉ tiêu kinh doanh là cực kỳ quan trọng và là áp lực cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Nhưng đối với tôi, có lẽ áp lực lớn nhất là làm thế nào để đội ngũ mấy trăm nhân viên và hàng ngàn tư vấn viên luôn cảm thấy tự hào về thương hiệu, tin tưởng ở chiến lược phát triển của Công ty và lạc quan về tương lai nghề nghiệp. Tôi may mắn có những người cộng sự tài giỏi chia sẻ, gánh vác những áp lực ấy cùng với mình. Tôi quan niệm áp lực công việc luôn có, vì vậy cần phải học cách "sống chung" với nó.

* Sau hơn một năm điều hành Công ty, thành quả bà đã đạt được là gì?

- Năm 2016 vừa qua Generali là một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường Việt Nam và là công ty có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong Tập đoàn Generali. Dù vào thị trường sau cả chục năm so với các công ty bạn nhưng chúng tôi đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 6 về doanh thu khai thác hợp đồng.

Là công ty đến sau nên phải làm mọi thứ khác đi mới có thể tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Do đó, Generali luôn xây dựng văn hóa công ty đặc biệt. Chúng tôi gọi đó là "Văn hóa F.D.I" (Fast - Bold - Innovative), có nghĩa là "Nhanh chóng, táo bạo, sáng tạo".

Chúng tôi khuyến khích nhau luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trước hết là để mình luôn cảm thấy hứng khởi với công việc, sau đó là để tìm hướng đi mới, cách làm mới để nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của thị trường, để khách hàng có cảm nhận khác biệt khi đến với thương hiệu Generali.

Kết quả ban đầu của văn hóa đó là một loạt những cái mới đã được bắt đầu, chẳng hạn như mô hình văn phòng Gencasa sang trọng, đúng phong cách Ý của Generali, hay dịch vụ chi trả bồi thường khách hàng trực tuyến chỉ mất 5 phút, hệ thống đánh giá tức thì (Instant Customer Feedback) theo kiểu Uber mà Generali triển khai trong năm 2016 vừa qua.

Mới đây, chúng tôi cũng trở thành đối tác độc quyền với California Management Group để cung cấp những quyền lợi đặc biệt như thẻ hội viên tại các câu lạc bộ California Fitness cho khách hàng, nhân viên và tư vấn viên.

* Ngành bảo hiểm đòi hỏi sự cẩn trọng nhưng Gerenalichọn chọn cách đi nhanh, táo bạo, liệu có ổn không, thưa bà?

- Lâu nay, ngành bảo hiểm thường được cho là chậm thay đổi hơn so với các ngành dịch vụ tài chính khác. Tôi nghĩ công nghệ, xã hội, môi trường sống đang thay đổi nhanh chóng nên bất cứ ngành nào, doanh nghiệp nào cũng cần phải sẵn sàng để thích nghi với những thay đổi đó. Nhanh nhưng không được ẩu.

Cái gì cần cẩn trọng vẫn phải cẩn trọng nhưng cẩn trọng không có nghĩa là làm hoài không xong. Chúng tôi nhấn mạnh việc xác định cái gì là quan trọng, tập trung toàn lực, tìm cách làm mới để mọi việc nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.

* Mục tiêu nào mà Gerenali muốn hướng tới?

- Chúng tôi muốn là thương hiệu bảo hiểm được người Việt Nam yêu thích nhất. Phương châm hoạt động của Generali là "Đơn giản, hiệu quả, lấy khách hàng làm trọng tâm". Chúng tôi xây dựng chiến lược kinh doanh với mục đích làm thế nào để đại bộ phận khách hàng khi nhắc đến thương hiệu Generali đều có cái nhìn thiện cảm về sản phẩm và dịch vụ. Nếu trong quá trình chinh phục khách hàng, thị phần của Generali tăng lên và lọt vào top 3 thì đó là kết quả tuyệt vời nhưng không phải là mục tiêu chính mà chúng tôi nhắm tới.

Mặc dù ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua, số lượng người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ vẫn còn quá ít (8% dân số) so với nhu cầu, và so với các nước đang phát triển trong vùng. Làm thế nào để nâng cao ý thức của người dân về bảo hiểm, tăng tính thiết thực của sản phẩm, mang sản phẩm đến được với nhiều người hơn luôn là thử thách và cũng là cơ hội khiến chúng tôi hứng thú với công việc.

* Điều hành một công ty với nhiều mục tiêu như vậy thì làm sao bà cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

- Theo tôi thì có sức khỏe sẽ chịu được áp lực công việc. Vì vậy trừ khi phải đi công tác, tôi không bao giờ bỏ tập yoga hoặc chạy bộ đều đặn. Những lúc rãnh rỗi thì đọc sách, đọc tin tức, "lướt" facebook xem chuyện gì đang xảy ra, ai ở đâu, làm gì. Ông xã thích ăn ngon mà tài nấu ăn của tôi thì "có hạn" nên cuối tuần chúng tôi hay đi ăn ngoài. Những ngày nghỉ lễ thì cả gia đình du lịch đây đó.

Mấy năm nay tôi cần mẫn học chơi piano. Cái viễn cảnh về già ngồi chơi đàn piano bên khung cửa sổ một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển làm tôi có động lực để tập đàn mặc dù mình không có năng khiếu âm nhạc.

Tôi cũng rất mê xem tennis. Không chơi quần vợt nhưng cái gì về tennis cũng biết và là "fan cuồng" của Rafael Nadal. Tôi hay nói đùa là mấy chục năm lấy nhau, ông xã tôi chẳng bao giờ ghen, chỉ trừ với Rafael Nadal! Anh ấy là fan của Federer nên mỗi khi Federer và Nadal thi đấu với nhau thì trong nhà tôi "dậy sóng".

Theo Doanh nhân Sài Gòn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

749 lượt xem