Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phương Pháp Học Đại Học Dành Cho Sinh Viên

PHƯƠNG PHÁP HỌC ĐẠI HỌC (PHẦN 1)

Chào các bạn, đã lâu lắm rồi mình mới có thời gian viết tiếp một bài blog :D, bữa giờ cũng do lu bu nhiều chuyện và cũng do bản tính lười của mình nên không có một chút gì đóng góp cho các bạn đọc những bài blog của mình. Mình xin được thành thật xin lỗi, các bạn thông cảm cho mình nhé.

Hôm nay, mình sẽ dồn sức viết một bài tâm huyết của mình để nói về phương pháp học đại học của chính bản thân dù chẳng có thành công gì là mấy nhưng cũng đã ngoi ngóp để tốt nghiệp xong. Hy vọng sẽ giúp các bạn cố gắng hơn nữa trên con đường học tập đại học của mình. Hoặc ít ra cũng ngoi ngóp để lết được hết cuộc đời sinh viên đại học của mình.

Trước khi đọc bài viết này, mình cũng xin được phép giới thiệu qua cách trình bày, bố cục để các bạn tiện theo dõi. Trước tiên, mình xin được phép nói về phần chuẩn bị làm thế nào để chặn đường dài sắp tới. Phần 2 mình sẽ trình bày quá trình học đại học như thế nào, cần làm những gì. Và phần cuối là nói về những việc cần làm sau khi tốt nghiệp đại học để chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Cũng xin được nhắc thêm là đây là những ý kiến chủ quan của mình, nếu có các anh chị, thầy cô, và các bạn có ý kiến đóng góp để hiệu quả học đại học tốt hơn thì cứ mạnh dạn đóng góp ạ. Mình cũng rất hoan nghênh. Tiếp theo, mình xin được trình bày các ý chính theo bố cục ở trên. Và cũng hy vọng rằng, các em 12 sắp tới, sau khi đại học xong, đọc được những dòng này để chuẩn bị tốt hơn cho còn đường đại học sắp tới. Cũng hy vọng rằng những bạn sinh viên đang học sau khi đọc bài viết này cũng có thể tham khảo thêm để điều chỉnh cách học của mình.

 

CHUẨN BỊ CHO ĐỜI SINH VIÊN

TƯ TƯỞNG, ƯỚC MƠ

Sau cuộc vượt vũ môn đầy ngoạn mục, các bạn học sinh lớp 12 đã chính thức trở thành những sinh viên đại học. Chúc mừng các bạn một lần nữa. Một cuộc sống mới đang mở ra trước mắt các bạn. Tuy cuộc sống này không biết có tốt hơn hay tệ hơn cuộc sống lúc học cấp 3 không. Nhưng chúng ta vẫn luôn hy vọng một tương lai tươi sáng đang đón chờ chúng ta phải không nào. Như một câu nói đang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay là “Giấc mơ không ai tính tiền hết, cứ mơ mộng thỏa thích”. Vâng chúng ta hãy ước mơ sau này mình được làm những công việc rất phù hợp với khả năng, nguyện vọng; có khả năng nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp ít nhiều vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội và đất nước, vào nếu có hoài bão hơn nữa sẽ đứng lên gánh vác xông pha vào công việc của cả thế giới này.

Điều mình muốn nói ở đây để chuẩn bị cho cả một con đường dài học đại học sắp tới là hãy có một ước mơ thật cao đẹp, thật lý tưởng và làm một nguồn động lực giúp mình vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống sinh viên sau này. Đây là yếu tố then chốt cho sự thành công của các bạn không những trong cuộc sống đại học mà còn cả một sự nghiệp dài sắp tới nữa. Các bạn cũng phân biệt giữa ước mơ và tham vọng nhé. Hãy ước mơ thật cao xa nhưng đừng rơi vào tham vọng. Vậy ước mơ là gì và tham vọng là gì. Ước mơ là những “mơ ước” của mình sau này đạt được những thành công này nhưng mang lại lợi ích cho cuộc đời. Còn tham vọng cũng là những “mơ ước” của mình nhưng chẳng mang lại lợi ích cho cuộc đời hết. Ví dụ, có một em bé ước mơ sau này thật giàu, nếu hỏi tiếp nếu giàu thì con sẽ làm gì. Nếu em bé trả lời rằng, giàu để giúp đỡ những người thật sự cần đến sự cưu mang, giúp đỡ của con thì đó là ước mơ. Còn nếu em bé trả lời rằng, giàu để được ăn uống thật ngon, có nhà cao cửa rộng để mọi người thán phục, có tiền để thuê mọi người làm được việc này việc nọ theo ý của mình mà không cần biết tốt hay xấu. Nó sống với phương châm “Cái gì nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” thì đó gọi là tham vọng.

Sau khi chuẩn bị cho mình một ước mơ cao đẹp, việc tiếp theo chúng ta cần làm là trở về thực tại, không lẩng quẩng ở trên mây nữa. Phải bước đi từ mặt đất để dần dần đạt được những ước mơ ở trên mây đó. Phải luôn nhớ rằng, thực tế khác xa mơ ước. Phải trải qua biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ, phải học lại một môn tới mấy chục lần (nói hơn quá :D) nhưng không bao giờ được nản, vì nếu mình nản thì mọi việc coi như xong, mọi con đường của mình sau này coi như đóng lại hoàn toàn. Và một điều cần tránh là có những bạn học đại học một cách cực kỳ dễ dàng, lâu lâu lại nghe bạn đó được học bổng này, đi giao lưu văn hóa ở một nước nọ. Được thực tập tại những công ty danh tiếng hàng đầu thế giới. Hay chuẩn bị đi du học nước ngoài tại Anh, Mỹ, Úc, Châu Âu… và tưởng bở rằng cuộc đời của mình cũng sẽ suôn sẽ như vậy. Đó là một chuyện hầu như không thể đối với phần lớn chúng ta. Mình nhấn mạnh là phần lớn chúng ta (có khi đến 99%). Chỉ có những bạn bẩm sinh giỏi từ nhỏ, cộng thêm gia đình có điều kiện cho ăn học, có những người “đỡ đầu” hết sức quyền lực thì may ra. Những trường hợp đó, có bao nhiêu là người ta liền công bố. Nhưng số này trên tổng số sinh viên học đại học thì chẳng đáng là bao. Điều này giống như bạn mua vé số. Số lượng người trúng là cực kỳ thấp nhưng trúng là tung tin liền, chứ chẳng ai công bố số người không trúng vé số cả.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng, và chấp nhận rằng mình còn rất kém cỏi, cần phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa và sẽ leo cầu thang có chân tựa vào đất trước rồi từ đó leo dần, leo dần lên những nấc thang cao hơn. Chứ đừng “ham hố” leo những cầu thang có chân trên không, không có tựa vào đâu hết, lúc đó thì trèo càng cao, té càng đau. Cũng giống như xây một lâu đài trên cát vậy đó, không bao lâu sẽ sập lúc nào không biết. Sập rồi nhưng cũng chẳng rút ra một bài học quý giá nào hết vì tâm tự cao, cho rằng mình tài giỏi che mất mắt ta. Nhưng chúng ta cũng không được bi quan quá, thấy cao như vậy, mình leo cả đời cũng không hết nổi, thôi, mình cứ an phận thủ thường, sống nhàn nhàn như vậy là được rồi. Như vậy sẽ dập tắt mọi ước mơ, hy vọng của mình, từ đó “rãnh rổi sinh nông nổi”, không có việc gì làm thì nghĩ chuyện bậy, nghĩ chuyện hại người. Vì nếu chúng ta không kiên trì quét dọn tâm mình bằng những ước mơ hy vọng của mình thì những chuyện xấu sẽ tự động bám thành bụi trong tâm hồn của ta. Điều trung đạo là “hãy ước mơ thật tốt đẹp nhất nhưng phải chuẩn bị cho những chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra.” Nếu được như vậy thì chúng ta sẽ giữ được tâm bình thản trước cuộc đời đầy sống gió phía trước.

Đọc tới đây chán quá nhỉ, toàn là lý thuyết, thuyết giáo không ah. Mình cũng xin lỗi các bạn, nhưng dù muốn dù không thì mình cũng xin thành thật khuyên các bạn trước để chuẩn bị về mặt lý tưởng trước. Tiếp theo mình xin nói về chuẩn bị về các mặt khác của cuộc sống đại học.

 

TIẾNG ANH, SỐNG TỰ LẬP HƠN

Sau khi có có kết quả thi đại học xong, thường thì các bạn sẽ có đến khoảng từ nửa tháng đến một tháng để chuẩn bị, khăn gói lên đường. Vậy việc mình cần làm trong khoảng thời gian này là như thế nào. Các bạn nên dành thời gian ôn tập lại tiếng Anh của mình vì phần lớn các trường đều có yêu cầu hoặc tổ chức thi tiếng Anh đầu vào để sắp xếp lớp học phù hợp với trình độ. Hoặc ít ra cũng không phải tốn tiền cho các môn tiếng Anh học ở đại học sau này. Như ở trường đại học Bách Khoa Tp.HCM, sinh viên sẽ được kiểm tra tiếng Anh đầu vào, những bạn nào đạt chuẩn của trường rồi (thông thường là trên 550 điểm TOEIC) thì khỏi phải học tiếng Anh. Tiết kiệm được khối tiền đấy, hoặc nếu không được chuẩn 250 điểm TOEIC thì phải hoãn các môn anh văn này cho đến mấy học kỳ sau, càng về sau học phí càng tăng nữa.

Và mình cũng xin được khẳng định rằng, nếu các bạn không học tiếng Anh từ cấp 2, cấp 3 thì lên đại học mới bắt đầu học thì là một sai lầm hết sức lớn. Chỉ khoảng 5% các bạn SV với ý chí, nghị lực vô cùng lớn cùng với những trí thông minh cao thì may ra mới bắt đầu học tiếng Anh từ đại học và năm cuối đại học mới có thể nói tiếng Anh như gió. Còn những người bình thường như chúng ta phải luyện từ nhỏ rồi tiến lên dần dần vì 2 nguyên nhân sinh học như sau. Thứ nhất, càng lớn tuổi, khả năng học từ vựng của chúng ta càng kém, và các bạn cũng biết, từ vựng là vô cùng quan trọng trong ngôn ngữ dù muốn dù không chúng ta phải chấp nhận sự thật này. Thứ 2, càng lớn tuổi, giọng của ta bị đơ cứng, không thể chỉnh được để nói giống giọng của người bản xứ được. Ngoài ra, chi phí học tiếng Anh ở đại học không hề rẻ, đắt gấp nhiều lần ở cấp 3, nhất là các bạn từ tỉnh lên thành phố. Bên cạnh đó, bạn còn bỏ qua những cơ hội vô cùng lớn so với các bạn ngay từ năm nhất được có nhiều chương trình, tham gia các hoạt động nhiều hơn, và đọc những tài liệu bằng tiếng Anh để tìm hiểu sâu hơn các vấn đề mình quan tâm. Đó là điều thiệt thòi lớn nhất.

Điều tiếp theo các bạn cũng cần chuẩn bị là khả năng sống tự lập, đặc biệt là các bạn SV phải sống xa nhà. Các bạn nên nhờ bố mẹ chỉ dạy một số kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như giặc giũ, may vá sơ sơ để ránh quần áo còn biết vá, nấu ăn các món cơ bản không còn ngon lắm nhưng ăn được. Sửa chữa điện dân dụng như thay bóng đèn, cầu chì…Mình nhấn mạnh ở đây là cả nam lẫn nữ đều phải biết cơ bản những điều trên. Ngoài ra phải chuẩn bị về mặt tinh thần, điều hết sức quan trọng.

 

CÁC CÁM DỖ

Cuộc sống đại học không yên bình như bạn nghĩ nếu bạn sống xa gia đình, đầy những cạm bẫy, cám dỗ. Mình cũng thành thật khuyên các bạn, nếu có người thân ở thành phố thì một, hai năm đầu nên ở chung với người thân để đúc kết thêm kinh nghiệm rồi mới ra ở riêng. Hoặc nếu ở KTX thì đăng ký ở KTX đừng ở trọ ở ngoài. Thứ nhất là vì lý do an ninh, nhưng cũng vì lý do là ở KTX các bạn mới thật sự niếm trải mùi sinh viên thật sự là như thế nào. Cũng đừng có bạn nào vỗ ngực xưng tên là mình có thể đương đầu với mọi khó khăn mà không hề hấn gì. Có rất nhiều cám dỗ nhưng mình chỉ xin liệt kê một chút ở đây mà thôi, không thể kể hết nổi. Nào là bán hàng đa cấp, phần lớn SV đều bị dính vào cái này, ai cũng bị kích thích lòng tham cực độ, kiếm thật nhiều tiền bằng bán hàng để trở thành những đại gia có 200 triệu hàng tháng, nhưng đâu biết là đang bóc lột, “hút máu” của gia đình, người thân và bạn bè. Các sản phẩm giá 200K, 300K bán đến 1 triệu rưỡi, 2 triệu… Mình có rất nhiều bạn bè bị lôi cuốn vào mạng lưới bán hàng này. Và mình cũng có lần bị một thằng bạn cấp 3 “dụ” đi nghe hội thảo, nhưng may là mình có ai đó mách bảo, luồn qua, lọt lại mới thoát được không bị dụ dỗ vào mạng lưới này, thật cũng cảm ơn những người đã giúp đỡ mình chứ mình cũng tham chứ, không người thường nào mà không tham cả.

Cám dỗ thứ 2 thường gặp là chuyện nam nữ. Các bạn mới vào cổng trường đại học trong độ tuổi sinh lý phát triển mạnh, nhất là các bạn nam, luôn bị hấp dẫn, thôi thúc bởi những bạn khác phái (đôi khi có cùng phái nữa :D). Điều này là điều sinh lý hết sức bình thường của con người nhưng cũng là hết sức tầm thường. Khi sống với gia đình, bố mẹ luôn kìm kẹp, luôn khuyên nhủ nên cũng ráng giữ mình lắm. Nhưng đến khi sống xa rời bố mẹ, không có ai kìm kẹp, khuyên nhủ hết nên mình sống thả ga, phóng túng. Bạn nào mà tốt lắm thì tìm đến chuyện tham gia hoạt động thể dục thể thao, các công tác tình nguyện đòi hỏi nhiều sức lực để giải phóng “năng lượng dư thừa” luôn khao khác được “xả” như thế này. Nhưng tỉ lệ này rất hiếm. Phần đông là tìm cách giải quyết bằng cách “tự sướng” bằng các biện pháp lành mạnh như TD… (:D). Điều này cũng không hẳn là xấu, nếu có điều độ thì được, nhưng nó như là một thư ma túy, đã vướng vào rồi thì không ai thoát khỏi, cũng thôi thúc có bạn làm TD có khi đến vài lần một ngày, làm cơ thể suy nhược, không còn khả năng học tập, ngoài ra không những TD không vì chưa đủ đô, còn lướt hàng loạt các trang web 3x, các bộ phim “chăn nuôi gia súc”, có khi cả phòng cùng coi… Điều này là hết sức tránh vì làm vấy bẩn tâm hồn của ta, làm cho trí tuệ của người coi giảm đi rõ rệt. Các bạn còn nặng hơn nữa phải tìm đến với “ăn bánh trả tiền” để giải quyết chuyện đó. Rồi bao nhiêu chuyện thương tâm xảy ra, mang biết bao nhiêu là loại bệnh trên người, sa ngã vào các điều còn xấu xa hơn.

 

3 THÁI ĐỘ CẦN CÓ

Và một khó khăn nữa mình cũng xin được kể ở đây đó chính là sống hòa hợp với mọi người. Mỗi người ai cũng có một tính cách riêng, không ai giống ai, ai cũng có chỉ có những bậc sinh thành mới có đủ sức bao dung để chịu đựng những tính cách thất thường của chúng ta mà không nói một lời, sẵn sàng hy sinh cho chúng ta tất cả mà không cần con mình đền đáp, chỉ mong con mình sống thật tốt, nuôi dưỡng, xây dựng gia đình sau này của nó. Còn bạn bè cấp 3 thì cũng quen thân, lâu lâu gặp một lần mà thôi chứ không sống với nhau thường xuyên nên chịu đựng thường xuyên mình được. Nhưng vào đại học thì khác, bạn cùng phòng của mình phải chịu đựng mình suốt cả ngày nhưng lại chưa đủ lòng bao dung như bố mẹ của mình được nên chuyện xung đột là chuyện hết sức bình thường. Đứa này thì thích làm cái này, đứa kia lại thích làm theo cách kia, như không cũng cãi nhau, nhất là các bạn nữ, hở chút là giân hờn nhau. Cách xử lý là tùy thuộc vào chỗ khôn khéo của mỗi người, chứ ai không giúp ai được hết, mình chỉ khuyên là nên hạ bớt cái tôi mình xuống, lắng nghe nhiều hơn là biểu đạt, nghĩ thử coi nếu mình trong trường hợp của bạn mình thì mình phải làm sao.

Đó chỉ mới nói sơ sơ các cám dỗ, khó khăn thôi, các bạn tự chiêm nghiệm thêm cho mình nhé. Còn vài điều nữa trước khi mình đi sâu vào từng năm một. Về thái độ của mình. Đối với thầy cô giáo thì mải phải hết sức kính trọng, không được khinh thường ngay cả khi thầy cô đó dạy dở đến mức nào. Nếu học với thầy cô đó không có tiến bộ gì thì chịu khó nói với thầy cô điểm mình chưa hiểu nhờ thầy cô giúp đỡ thêm, giải thích thêm. Còn nếu vẫn không có tiến bộ gì thì nên tìm thầy cô khác để học, và mong thầy cô đó có cách trình bày dễ hiểu hơn, tuyệt đối không được chê bai thầy cô này dạy dở, dạy không hiểu gì hết. Bệnh này phần lớn mọi người gặp phải hết, và mình cũng bị bệnh này. Chính do bệnh này làm các bạn gặp khó khăn hơn trong học tập, khó mà tiếng bộ sau này. Ngoài thầy cô ra, các bạn phải biết kính trọng những người đáng kính trọng khác như người lớn tuổi hơn, vì họ có kinh nghiệm sống nhiều hơn mình, mình phải học hỏi ở họ rất nhiều.

Bệnh cạnh kính trọng những người đáng kính, các bạn cần phải yêu thương, tôn trọng những người xung quanh mình như bạn cùng phòng, bạn học….Chính những người bạn đó chứ không ai khác sẽ theo mình suốt quãng đời sinh viên của mình, thương yêu bạn bè cũng giống như anh chị em của mình, như là một gia đình, có khó khăn cần đến nhau trong lúc hoạn nạn. Chính những khi bạn bị sốt thì bố mẹ không thể chạy từ quê vào chăm sóc cho bạn được mà là chính những người bạn cùng phòng là người sẽ thay phiên, chăm sóc cho ta. Hay những lúc cùng nhau ôn bài, chuẩn bị cho thi giữa kỳ, cuối kỳ, hay những đêm cùng nhau thức để xem bóng đá, ngắm sao băng, đi bão “bộ” sau những trận đấu nảy lửa của CLB mình thích… đó chính là những kỷ niệm hết sức đẹp của đời Sinh Viên. Chúng ta không thể sống hai lần được, do đó từng giờ từng phút chúng ta hãy thương yêu những người xung quanh chúng ta vì để không sau này phải hối tiếc. Và cũng chính người những người bạn này là những người giúp chúng ta tìm được việc làm, giúp đỡ chúng ta trên con đường sự nghiệp của mình. Dân gian ta có câu “Giàu vì bạn” quả là không sai.

Và điều cuối cùng nữa mình muốn chia sẽ để mình chuẩn bị cho cuộc sống đại học nữa là phải hết sức khiêm tốn. Bản tính con người là luôn coi mình là quan trọng, muốn mọi người phải lắng nghe ý kiến của mình, luôn chấp ý của mình là đúng nhất. Chính những điều này lại cản trở chúng ta rất lớn trên con đường học tập kiến thức và kinh nghiệm sống. Các bạn phải luôn biết rằng, những nhà bác học lớn của nhân loại luôn luôn khiêm tốn. Như Newton đã từng nói “Những gì tôi biết chỉ là một giọt nước, mà những gì tôi chưa biết như cả một đại dương” hay Albert Einstein cũng có nói rằng “phần lớn những phán đoán ý nghĩ của tôi là sai” hay câu “Có một cách chắc chắn để không mắc phải sai lầm đó là không có ý kiến mới nào của riêng bạn”. Do đó phải hết sức khiêm tốn với những gì mình học được, vẫn luôn biết là mình còn rất dở, phải cố gắng nhiều hơn nữa, và đặc biệt là không được cho ý nghĩ của mình là đúng. Sở dĩ trăm con sông chảy về biển vì do biển thấp nhất, biển sẵn sàng tiếp thu những tinh hoa của mọi người vì biển biết khiêm tốn. Ngược lại, nếu bạn tự cao cho mình đã biết hết rồi, cho mình luôn đúng thì giống như cây mọc trên núi cao, phải trơ trọi chịu đựng sương gió, nắng nôi, hiu quạnh.

Thôi, mình xin tạm thời kết thúc phần một – chuẩn bị cho đời sống sinh viên. Mình sẽ tiếp tục loạt bài viết này trong các tuần sau, mong các bạn ủng hộ bằng cách đóng góp thêm ý kiến. Hy vọng các bạn có thêm thông tin để chút gì đó chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên của mình. Mình xin tóm tắt lại ý chính của bài viết. Chuẩn bị cho cuộc sống đại học cần rất nhiều sự chuẩn bị, đầu tiên là phải có ước mơ. Tiếp theo chuẩn bị tiếng Anh, sống tự lập hơn. Có rất nhiều cám dỗ đang chờ đợi mình và cuối cùng là 3 thái độ cần có: kính trọng người đáng kính (thầy cô), yêu thương, giúp đỡ bạn bè và khiêm tốn.

PHƯƠNG PHÁP HỌC ĐẠI HỌC (PHẦN 2)

Đã một tuần trôi qua, chắc hẳn các bạn cũng đã nắm được toàn bộ ý mà mình muốn chia sẽ rồi đúng không nào. Mình cũng xin được nhắc lại những ý chính của phần một. Chuẩn bị cho cuộc sống đại học cần rất nhiều sự chuẩn bị, đầu tiên là phải có ước mơ. Tiếp theo chuẩn bị tiếng Anh, sống tự lập hơn. Có rất nhiều cám dỗ đang chờ đợi mình và cuối cùng là 3 thái độ cần có: kính trọng người đáng kính (thầy cô), yêu thương, giúp đỡ bạn bè và khiêm tốn.

Hôm nay mình sẽ nói về những năm tháng học đại học sẽ trải qua như thế nào, và mình cần phải làm những gì để “sống sót” qua những năm tháng đó. Nói khó cũng không phải là khó lắm, nhưng nói dễ thì chẳng dễ chút nào. Điểm lưu ý ở đây là ở phần một thì dành cho tất cả các bạn thuộc mọi ngành, lĩnh vực đều có thể đọc được, nhưng đến phần 2 này, mình không biết được hết cách học của các lĩnh vực khác như thế nào nên mình chỉ nói về nhóm tự nhiên, kỹ thuật, cụ thể hơn nữa là chuyên ngành mình học là khoa học máy tính. Tuy nhiên, các bạn học các ngành khác cũng có thể hình dung, mường tượng ra phần nào mà mình phải trải qua, đương đầu. Nào, chuẩn bị với mọi tâm thế, chúng ta bước vào cuộc sống sinh viên thôi.

 

GIỌNG NÓI, KHÁC BIỆT VÙNG MIỀN

Bước vào cổng trường đại học, một cuộc sống mới đang chờ chúng ta, với những bạn ở thành phố thì sẽ không khác so với học cấp 3 lắm, nhưng đối với những bạn ở tỉnh mới lên thành phố thì sẽ rất khác so với cuộc sống ở quê mình. Điều mà các bạn thấy khác biệt và có phần thích thú nhất đó là sự khác biệt về giọng nói giữa các vùng miền. Ở Tp.HCM này thì có đầy đủ các bạn sinh viên từ khắp mọi miền của đất nước từ miền Bắc xa xôi đến miền Trung với các giọng nói đặc trưng và miền Nam, nhất là các bạn miền Tây. Mỗi miền có một giọng nói đặc trưng riêng, nếu lần đầu nghe, mình đảm bảo là các bạn sẽ không nghe hiểu các bạn của mình đang nói gì đâu, mặc dù là đang nói tiếng Việt với nhau. Mình cũng từng trải qua giai đoạn như vậy, và điều này thật sự làm cho chúng ta khó giao tiếp với nhau hơn và cũng vô hình chung, gây chia rẽ trong sinh viên chúng ta. Các bạn cùng quê thường chơi chung với nhau, lập nhóm riêng với nhau nên khó mà hòa đồng cùng các bạn từ các vùng miền khác.

Điều này các bạn cố gắng vượt qua, nếu không sẽ là trở ngại rất lớn của các bạn sau này. Mình có một số góp ý như sau. Thứ nhất, các bạn cố gắng nói chậm rãi hơn và hạn chế dùng các từ địa phương, vì các bạn nói ra, không ai hiểu các bạn nói gì hết. Thứ hai, các bạn nên nói chuẩn hơn. Các bạn nói giọng miền Bắc thì cố gắng nói về giọng Hà Nội và nói chậm thôi, vì các bạn miền Bắc khi nói chuyện với nhau thường rất nhanh. Các bạn miền Trung thì rất đa dạng, riêng Thanh Hóa nói giọng gần giống với miền Bắc thì từ Nghệ An đến Huế thì nói giọng rất nặng, khá là khó nghe đối với các bạn nghe chưa quen. Các bạn cố gắng nói về giọng Huế thật nhẹ đừng nặng quá, và nếu có thể được, các bạn nên nói giọng giả, giọng miền Nam dùng để nói chuyện với bạn bè khi ở Tp.HCM này. Mình cũng có đứa bạn người Huế và nó cũng nói được giọng giả, nhưng khi gặp người đồng hương thì nó quay hoắc 180 độ, nói giọng Huế liền, mình thấy rất hay. Đối với các bạn từ Đà Nẵng trở vào đến Bình Thuận thì có thể chia ra làm 3 giọng chính: giọng Quảng (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), giọng Nẩu (Bình Định, Phú Yên, và 1 phía Bắc Khánh Hòa) và giọng Nha Trang (phía Nam Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Nếu bạn nói giọng Quảng thì bạn nên nói về giọng Đà Nẵng, giọng Nẩu thì nói về giọng Nha Trang cho dễ nghe hơn. Còn với các bạn miền Tây thì phát âm rõ ràng hơn như âm r, v, ay. Ví dụ như cái rổ chứ không phải cái “gổ”, máy bay chứ không phải “mái bai”, bàn tay chứ không phải “bàn tai”, vui vẻ chứ không phải “dui dẻ” và đặc biệt là cái váy chứ không phải cái “d..” :D Và nếu tốt nhất, thì các bạn nên nói giọng giả (đây là giọng chuẩn mà ai cũng nghe được) và tập nghe các giọng khác. Nếu được vậy thì các bạn sẽ không phải ngượng ngùng khi giao tiếp với bạn bè đâu.

 

ĂN UỐNG, NGỦ NGHỈ, GIỜ GIẤC SINH HOẠT, THỂ DỤC

Xong phần giọng nói, chúng ta sẽ chuyển qua vấn đề giờ giấc sinh hoạt sao cho hợp lý. Điều này mới thật sự là ly kỳ, đầy lý thú. Chắc hẳn các bạn sau khi trải qua đợt thi đại học đầy căng thẳng cũng đã quen với việc thứ đến 12, 1, 2 giờ khuya để học, ôn bài rồi đúng không. Và các bạn cũng đã từ có ý nghĩ như thế này. Lớp 10 thì 10h ngủ, lớp 11 thì 11h ngủ, lớp 12 thì 12h ngủ, năm nhất thì 1h ngủ, năm 2 thì 2h ngủ và cứ tiếp tục như vậy đến năm 4, năm năm thì 4, 5h sáng rồi mới ngủ đúng không. Mình cũng đã có ý nghĩ như các bạn và mình có đứa bạn cùng phòng cũng theo “công thức” trên. Nó thức đến 4, 5h sáng để chơi game, khi mình dậy thì nó đi ngủ, 2 thằng thay phiên nhau trông phòng, khỏi sợ ăn trộm :D. Mình xin nói rằng đó là 1 quan niệm hết sức sai lầm. Vì sao vậy, nếu bạn nói 4, 5h sáng bạn mới ngủ thì sáng bạn dậy mấy giờ, mình cũng cam đoan là các bạn ngủ đến trưa 11h, 12h hay có bạn ngủ đúng 12 tiếng, 4, 5h chiều mới dậy luôn. Đó là việc làm hết sức không khoa học, lãng phí thời gian, và làm tổn hại đến sức khỏe của chúng ta rất nhiều.

Mỗi người có nhu cầu ngủ khác nhau, tùy thuộc vào sức khỏe, công việc của người đó, cái này mình không có ý kiến. Nếu ít hơn thì sẽ gây mệt mỏi, thiếu sức khỏe, nếu nhiều quá thì gây tùm lum thứ bệnh. Thời gian này dao động trong khoảng từ 6 đến 8h mỗi tối. Có một công thức dễ nhớ như thế này mà các nhà khoa học đã đưa ra. Giá trị của 1 giờ ngủ trước 12h bằng 2 giờ ngủ sau 12h giờ, cứ đó bạn nhân lên. Nếu bạn ngủ trước 12h, cụ thể là khoảng 10h ngủ thì bạn chỉ cần ngủ 6 tiếng đến khoảng 4h sáng, bạn thức dậy học bài nó giá trị hơn bạn ngủ lúc 2h sáng và nằm ngủ đến 10h sáng. Các bạn cũng biết rằng thời gian đối với chúng ta rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn sinh viên của chúng ta (từ 20 đến 30 tuổi) được xem như giai đoạn vàng của cuộc đời, do đó từng giây, từng phút của đời sinh viên sẽ quý hơn rất nhiều so với các độ tuổi xế chiều về sau. Hãy đừng lãng phí thời gian của mình dù là từng giây, từng phút nhỏ. Các bạn tự sắp xếp thời gian cho mình cho hợp lý ngủ sớm và dậy sớm học bài thì tốt hơn là thức khuya và dậy muộn. Tuy nhiên cũng đừng quá khắc khe lắm, khi có chuyện cần thiết cần phải thức khuya thì cũng nên thức khuya nhưng không quá lạm dụng mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra còn việc ăn uống. Đối với các bạn sống ở ngoài thì điều kiện tiên quyết là phải biết nấu ăn. Các bạn có thể ăn ở ngoài 1 bữa, hai bữa nhưng không thể ăn riết ở ngoài được, tiền của bố mẹ gửi vô cho các bạn từ quê vô (đối với nhà không khá giả gì mấy) thì là không đủ đâu, vừa tiền học, tiền ăn, tiền thuê nhà…. Lâu lâu, nếu bận quá, không có thời gian nấu ăn thì mới nên ăn ngoài. Và các bạn cũng chưa biết được rằng, ăn ngoài không an toàn là mấy đâu. Đối với các quán làm ăn uy tín thì “tạm” tin tưởng được, chứ các quán thông thường nếu các bạn đi sâu vào chỗ chế biến thức ăn, các bạn thấy được “quy trình” chế biến thức ăn thì mình cũng đảm bảo các bạn rằng các bạn xem xong cũng chẳng muốn ăn nữa đâu. Quán nào bôi bác lắm thì khỏi nói rồi, nào là thịt chuột, gián đầy rẫy, rác gần ngay chỗ nấu… quán nào nhẹ nhất thì cơm nấu cho có lời thì bỏ thêm bột nở vào. Do đó mình cũng dặn các bạn là ráng học của mẹ mấy món đơn giản để phòng thân những lúc khốn khó.

Đối với các bạn ở KTX thì không có chuyện tự nấu ăn được rồi, đây cũng là một thiệt thòi hơn, tuy nhiên cũng được an ủi phần nào vì nhà ăn ở KTX cũng được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm “thường xuyên”. Cũng phải chịu thôi, chứ đâu còn cách nào khác nữa đâu. Mình cũng biết được rằng, các bạn nữ ở KTX đâu chịu nổi ăn ở nhà ăn lâu dài được đâu, với lại cũng “ngứa tay” nên bất chấp mọi quy định của KTX mà nấu ăn trong phòng. Các bạn đó thường hùng tiền nhau mua nồi cơm điện. Gọi là nồi cơm điện vậy thôi chứ không chỉ nấu cơm được không mà còn nấu được các món thông thường như trứng chiên, canh, đồ xào, kho đầy đủ. Nếu được vậy thì cũng tốt nhưng chú ý an toàn cháy nổ nhé các bạn. Phần lớn các bạn nam ở KTX đều bị nổi mụn khá nhiều, đó là do ăn đồ ăn nóng nhiều, thiếu rau xanh, trái cây; do đó các bạn cũng nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày của mình các trái cây, rau xanh mát nhé như chuối, rau các loại. Theo kinh nghiệm của mình thì nên mua chuối vì khá đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn rẻ nữa.

Xong chuyện ăn ngủ, chúng ta nói tiếp chuyện giữ gìn sức khỏe một chút. Mình cũng biết là các bạn sẽ bận rất nhiều thời gian cho chuyện học hành, tham gia sinh hoạt này nọ nhưng vẫn phải cố gắng tập thể dục thường xuyên. Mỗi ngày từ 30 phút đến 1h là đủ, không cần nhiều hơn. Tập thể dục không những giúp cải thiện sức khỏe, ít bệnh tật hơn (giúp phí thời gian quý báu hơn vì một lần đổ bệnh thường kéo dài rất lâu và cũng không đạt được hiệu suất tốt nhất) mà còn giúp cho tinh thần sảng khoái hơn, học bài dễ tiếp thu hơn, hiệu quả hơn. Các hình thức thể dục thường thấy ở các bạn sinh viên là khởi động toàn thân (giống tập khởi động cấp 3 đó), đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, nhảy dây, các bạn nam thì thêm chơi đá bóng, thể hình… Với lời khuyên từ tận đáy lòng của mình là phải cố gắng tập thể dục hằng ngày, nếu có điều kiện tham gia các lớp học võ ở KTX, nhà văn hóa thì càng tốt, vừa rèn luyện được sức khỏe, vừa biết được vài thế võ, khí công để phòng thân, không giúp được người khác thì ít ra cũng phá vòng vây, chạy thoát được và học được tinh thần của môn võ đó.

 

CÁCH HỌC ĐẠI HỌC

Kết thúc phần dinh dưỡng, sức khỏe, mình xin chuyển qua phần học tập. Học ở bậc đại học sẽ rất khác với các bạn học cấp 3. Toàn bộ mấu chốt của việc học đại học có thành công hay không nằm ở việc bạn có khả năng tự học và học nhóm với nhau được hay không. Sẽ là một lợi thế rất lớn cho các bạn nếu các bạn đã có khả năng tự học từ cấp 3. Nói tới đây thì mình cũng không có ý chê gì các bạn đi học thêm, nhưng thật sự, và cũng là do mình quan sát được từ các bạn của mình thì bạn nào ít học thêm mà tự xây dựng cho mình khả năng từ học từ cấp 3 dù điểm thi đại học chỉ đủ để đậu, không cao lắm nhưng sẽ có khuynh hướng có phương pháp học tập ở đại học tốt hơn nhiều các bạn quen với việc học thêm, quen với việc giúp đỡ của thầy cô. Thầy cô đã soạn sẵn các bài học, bài tập, việc của các bạn chỉ là việc làm và học bài đó thôi. Tuy điểm của các bạn có thể cao hơn nhưng chắc chắn việc tìm kiếm tài liệu để học, việc xoay xở khi gặp bài khó mà tự giải quyết sẽ kém hơn rất nhiều so với các bạn tự học. Ví dụ như đi từ điểm A đến điểm B có nhiều con đường. Bạn tự học sẽ mò mẫm từng con đường một, thử và sai nhiều nên đến B chậm hơn, chật vật hơn nhưng bạn đó sẽ biết rút kinh nghiệm để mò đường nhanh hơn. Nếu bạn quen với việc giúp đỡ của thầy cô rồi thì thầy cô chỉ thẳng con đường tốt nhất từ A đến B mà thôi. Nói tới đây thì các bạn cũng thấy rồi đó, việc thành công trong việc học ở đại học hay không đã được quyết định từ lúc cấp 3 rồi đúng không. Nói vậy thôi, các bạn cũng đừng nên buồn quá, mình còn có thể cải thiện được phần nào. Các bạn đừng quá thất vọng, kết thân với một bạn có khả năng tự học cao để học hỏi kinh nghiệm cũng là một ý hay để cải thiện đó.

Điểm chú ý nữa là có một quan niệm hết sức sai lầm là để đến gần thi rồi mua đề về luyện thì nó sẽ có điểm cao hơn. Điều này sai vì 2 điều. Thứ nhất bạn tự đánh giá quá cao khả năng của mình vì cả môn học học trong 14, 15 tuần, bạn có thể học trong mấy buổi, như mình đã nói ở bài viết trước, điều này là không thể đối với phần lớn các bạn sinh viên chúng ta, chỉ có một số ít thông minh sẵn + khả năng tự học tốt thì có thể đạt được điều này mà thôi, tuy nhiên các bạn này nếu biết học từ sớm thì khả năng thông suốt vấn đề và hiểu cặn kẽ sẽ tốt hơn nữa. Thứ 2, các bạn quá khinh thường kiến thức căn bản, nền tảng vì chỉ cần thuộc mấy câu trong đề là làm được bài, còn kiến thức, kỹ năng của môn học thì các bạn lại coi thường. Chính sự tự kiêu này làm cho việc học của các bạn gặp khó khăn mãi. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản và cứ thế chuỗi ngày học lại các môn tiếp tục, tiếp tục đến với các bạn. Trong khi bạn bè đã tốt nghiệp hết rồi thì mình cứ mến thầy nhớ lớp mãi vẫn không ra. Đến khi quá hạn thì bị trường đuổi học thì lại dối ba mẹ và đến khi ba mẹ phát hiện thì lại suy nghĩ dại dột, tìm cách tự tử. Mình nói điều này không phải là nói đùa, nói để hù dọa các bạn đâu, mà các bạn học Bách Khoa sẽ gặp trường hợp này rất nhiều. Mình muốn nhấn mạnh ở đây là các môn cơ bản, cơ sở ngành rất quan trọng, các bạn bỏ qua thì mấy môn khác cũng chẳng hiểu gì hết đâu. Đối với các bạn học tự nhiên, kỹ thuật thì các môn toán là hết sức quan trọng đó nhé: Giải tích, đại số tuyến tính, xác suất.... Không có toán thì xem như không còn gì là tự nhiên, kỹ thuật gì hết đó.

Mình cũng biết rằng, học các môn đại cương trong 2 năm đầu đại học, tuy có vất vả đó, khó khăn đó nhưng sẽ làm bàn đạp rất tốt cho các bạn sau này đó. Ngoài ra, các kỹ năng như ghi chú, hỏi thầy cô cũng hết sức cần thiết để hỗ trợ cho các bạn. Và còn một điều này nữa là cố gắng đi học thường xuyên, vì thầy cô sẽ cố gắng giảng hết sức có thể để cho các bạn hiểu bài, nếu nghe hết sức chăm chú, ghi chú đầy đủ mà vẫn không thể năm được điểm chính yếu của bài giảng thì nên hỏi thêm thầy cô, bạn bè, các anh chị đi trước. Đừng ngại khi hỏi vì thật sự khiêm tốn vì mình còn kém cõi nên mới hỏi. Chứ đừng “ngu” mà giả vời “khôn” tỏ vẻ ta đây không có chuyện gì để hỏi nhưng thật sự bên trong đang rối bời, chẳng hiểu gì hết. Mất căn bản từ mấy bài đầu thì các bài sau coi như xong. Nếu thầy cô giảng rồi mà vẫn không hiểu thì có thể góp ý trực tiếp với thầy cô sau buổi giảng với thái độ hết sức lễ phép, nhã nhặn hoặc có thể gửi mail riêng cho thầy cô để góp ý. Nếu thầy cô đó vẫn không cải thiện hơn được nữa thì có thể tìm thầy cô khác cũng xem như là biện pháp tình thế. Nhưng theo mình để nắm được bài học tốt hơn thì nên đọc trước bài ở nhà, tìm hiểu các thông tin, kiến thức thì lên lúc nghe giảng sẽ chủ động nắm rõ hơn, biết rõ phần nào mình đã hiểu, tập trung nghe những phần chưa hiểu…và chịu khó ôn lại bài học sau trong ngày hôm đó và làm bài tập liền để khắc sâu hơn kiến thức chứ đừng để tới tuần sau mới lật đật lật lại bài giảng để coi sơ sơ qua, thật sự không có hiệu quả mấy. Mình cũng đã tự cao xem mình là giỏi không cần coi lại bài chỉ lên lớp ngồi nghe không và kết quả là học kỳ đó, điểm môn A (không tiện nói tên ra) thật sự là rất thấp.

Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong học tập nếu sử dụng đúng cách. Như điện thoạt, smartphone, máy tính bảng, laptop…. Có một chiếc máy tính bảng sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền để in sách giáo trình, ngoài ra cũng có thể lên mạng xem thêm các video hướng dẫn học tiếng Anh, cài các phần mềm flashcard để hỗ trợ học tiếng Anh cũng rất là tốt,… đó là nếu biết cách sử dụng đúng thôi, chứ theo mình thấy hết một nữa các bạn khi có laptop là dùng chủ yếu là để chơi games, xem phim, và đặc biệt là để xem xxx là rất nhiều, mình cũng từng rơi vào các hoàn cảnh tương tự nên cũng rất thấm thía. Cả phòng rủ nhau chơi DotA, chẳng lẽ cả phòng chơi, còn mình ngồi học bài, sao mà chịu nổi. Thôi cũng đành hùa vào cùng đám bạn. Mình không bàn đến games có hại hay có lợi. Mình cũng công nhận rằng có những games có tính giao dục cao nhưng những games tỉ lệ thấp so với các games thuộc các thể loại khác như bạo lực, người lớn. Và một điều nữa là rất tốn thời gian đây là điều mất lớn nhất của các bạn khi chơi games. Mình nhắc lại lần nữa là thời gian của chúng ta rất là quý, nếu một ngày nào đó mà không làm điều có lợi cho cuộc đời thì ngày đó mình sống thật vô ích. Các bạn cố gắng giữ tâm niệm này trong đầu thì hy vọng rằng các bạn sẽ cố gắng trân trọng từng giây từng phút.

Nói về việc học thì không thể nào kể hết được, rất nhiều điều gian nan khác như có môn mình học thật kỹ lượng nhưng thi lại không được điểm cao, có môn học qua loa lại được điểm cao ngất trời, hay thầy dạy một đằng, lúc kiểm tra một nẻo…đó là những chuyện gặp thường ngày trong cuộc sống sinh viên, mình không biết cách nào hơn nữa, chỉ giúp được các bạn đến đây thôi, còn việc các bạn là phải tự tìm cách giải cho “bài toán” học tập của mình. Bạn nào giải hay thì có được kết quả cao, bạn nào giải dở hơn thì phải chấp nhận thôi, không trách ai được. Nhưng mình muốn nói điều bí mật của việc học tập để có kết quả tốt đó là phải giúp đỡ bạn bè của mình cùng học tập, ai không hiểu hay mất căn bản thì cố gắng hết sức mình để giúp đỡ bạn ấy và lúc nào cũng mong muốn bạn ấy giỏi hơn mình để sau này đóng góp cho xã hội, đất nước được nhiều hơn nữa. Đó bí quyết học giỏi đó các bạn, nhiều khi sức mình tới 7 thôi, học nữa cũng vậy nhưng nhờ giúp đỡ bạn bè cùng học tập, khả năng của mình sẽ đạt tới 9, tới 10 là chuyện bình thường. Do đó đừng ai học cho riêng mình hết, có gì hay thì chỉ bảo cho bạn bè, các đàn em của mình nhưng phải trong thái độ khiêm tốn, không được lên mặt dạy đời, có như vậy chúng ta sẽ cùng tiến xa trên con đường học tập đầy chông gai của quãng đời sinh viên này.

Thôi nói tới đây thì đêm cũng đã khuya lắm rồi. Mình xin hẹn các bạn vào tuần sau để nói tiếp các vấn đề khác và hướng giải quyết của quãng đời sinh viên đầy gian khổ những cũng thắm đẵm tình bạn bè vô tư, trong sáng này. Mình xin được kết thúc bài viết của tuần này tại đây, trước khi kết thúc mình cũng xin được rút lại mấy ý chính trong bài viết này. Các bạn phải chú ý về vấn đề giọng nói các vùng miền khác nhau, tập nghe và nói giọng chuẩn hơn. Ngoài ra các vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục là các vấn đề hết sức quan trọng để có một sức khỏe tốt. Và cuối cùng là phương pháp học đại học có hiệu quả là tích cực, chủ động hơn, tiết kiệm từng giây, từng phút quý giá của mình và giúp đỡ nhau cùng học tập.

PHƯƠNG PHÁP HỌC ĐẠI HỌC (PHẦN 3)

Lại một tuần nữa đã trôi qua thật nhanh, hôm nay mình lại có cơ hội chia sẽ tiếp cho các bạn về quá trình học đại học của mình nữa. Mình cũng xin được nói thêm là những ý mình chia sẽ trong 2 tuần vừa rồi và cả trong các tuần tiếp theo nữa, phần lớn đều không phải là ý kiến của một mình mình mà là do sự đóng góp, chia sẽ ý kiến chân thành của các thầy cô, các anh chị, các bạn và thậm chí từ các đàn em của mình đóng góp. Mình xin chân thành tri ân mọi người đã giúp mình hoàn thành chuỗi bài chia sẽ này. Trước khi bắt đầu mình xin được nhắc lại các ý chính từ 2 tuần trước. Tuần đầu tiên, mình nói về cách chuẩn bị cho cuộc đời sinh viên của mình như thế nào từ chuẩn bị tư tưởng, ước mơ đến củng cố hơn về tiếng Anh và cuộc sống tự lập hơn, không hở chút là bố ơi, mẹ ơi. Các cám dỗ sẽ có rất nhiều trên con đường học đại học của mình nhưng phải cố gắng vượt qua và cuối cùng là 3 thái độ cần có đó là tôn trọng mọi người, yêu thương bạn bè và hết sức khiêm tốn. Bạn có thể xem thêm bài viết ở đây: http://goo.gl/YzXead. Ở tuần thứ 2, chúng ta nói về những bước khởi động đầu tiên cho cuộc sống sinh viên, dù là đầu tiên nhưng phải hết sức vững chắc để làm tiền đề cho các bước tiến sau này. Những khác biệt về giọng nói, vùng miền mà các bạn sẽ phải trải qua. Cũng như việc ăn uống, ngủ nghỉ, giờ giấc sinh hoạt cũng sẽ được nói tới và đặc biệt là có điểm sơ qua cách học đại học sao cho có hiệu quả mà trọng tâm là khả năng tự học và cách học nhóm. Bạn cũng có thể xem lại bài viết tại đây: http://goo.gl/NOp24K. Và tiếp theo, mình xin bắt đầu các điểm chính của bài viết tuần này.

 

LÀM THÊM

Đầu tiên, vấn đề làm thêm là một vấn đề lớn, gắn liền với mỗi sinh viên. Mình cũng xin thú nhận rằng, mình cũng đi làm thêm trong cuộc đời sinh viên của mình. Thường thì sinh viên chúng ta làm thêm vì 2 lý do chính đó là kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, thứ 2 là tích lũy thêm kiến thức chuyên môn. Thông thường, rất khó bạn nào kiếm được công việc nào mà thỏa mãn cả 2 điều đó vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có thêm kiến thức chuyên môn, mà phần đông làm thêm là vì kiếm thêm thu nhập hoặc vì muốn học hỏi kinh nghiệm. Làm thêm có điều hại và điều lợi. Điều lợi dễ thấy là 2 điều trên, ngoài ra chúng ta còn học hỏi thêm các đàn anh đi trước về kinh nghiệm sống, mở rộng các mối quan hệ và đặc biệt là tận dụng hết khoảng thời gian của mình, không dành thời gian đó để chơi games hay tham gia các thú vui tai hại khác. Song làm thêm vẫn có những điều hại, đó là bạn tốn quá nhiều thời gian và dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Các bạn phải đồng ý với mình rằng có một sự đánh đổi ở đây. Nếu bạn làm vì mục đích kiếm thêm thu nhập đáng kể thì sẽ tốn rất nhiều thời gian, phần lớn là những thời gian quý báu. Ngược lại nếu bạn làm vì mục đích tích thêm kiến thức chuyên môn tuy ít tốn thời gian hơn nhưng lại chẳng kiếm được bao nhiêu hết, vì mình phải ra một khoảng chi phí để học nữa mà. Hai điều đó ngược nhau như vậy đó nên bạn phải chấp nhận đánh đổi thôi. Mình không cho rằng đi làm thêm vì mục đích kiếm thật nhiều tiền là xấu nhưng sẽ là xấu nếu bạn làm ảnh hưởng đến việc học và tham gia các hoạt động xã hội khác của bản thân. Mình cũng biết là có những bạn có hoàn cảnh hết sức khó khăn, gia đình nghèo lại đông anh chị em, xin được bố mẹ đi học đại học là điều khó rồi nói chuyện gì nữa đến việc bố mẹ chu cấp đầy đủ cho quãng đời sinh viên. Do đó, các bạn phải làm thật quần quật để có tiền đóng học phí, trang trải cho bản thân và nếu có thể được, gửi tiền về cho bố mẹ để nuôi các em ăn học. Và đã có rất nhiều tấm gương vượt khó như vậy được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta hết sức trân trọng điều này.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, con số này thường là rất ít so với thực tại làm thêm hiện nay. Phần lớn các bạn sẽ làm thêm vào các giờ học vì lúc đó mới cần làm thêm hoặc làm thêm từ tối cho đến tận khuya, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giờ giấc sinh hoạt, sáng sớm lại không đi học được vì buồn ngủ quá. Các công việc mà các bạn thường chọn làm như làm chạy bàn cho các nhà hàng, các đám tiệc, bán ở các shop quần áo, phụ kiện, dạy thêm…Có rất nhiều lý do mà các bạn đó đánh đổi như vậy. Thứ nhất là đi làm kiếm được tiền nhiều trong khi lên lớp đi học vừa buồn ngủ, vừa chẳng kiếm được bao nhiêu. Điều này hết sức sai lầm, một thời gian các bạn bỏ ra nếu cố gắng học tập sẽ làm lợi hơn rất nhiều sau này so với thời gian đi làm thêm. Các bạn làm thử phép so sánh đơn giản này. Làm thêm thì khoảng từ 1 triệu đến 3 triệu một tháng là cao, trong khi đó, nếu bạn tốt nghiệp loại khá và đi làm ổn định thì lương các bạn từ 7 đến trên chục triệu là chuyện bình thường. Thứ hai, là đi phải đi làm để có tiền trang trải đời sống, điều này cũng phải tính lại, hiện nay, nhà nước đã có chế độ vay vốn ưu đãi cho sinh viên chúng ta, tại sao chúng ta không tận dụng nguồn đầu tư lãi suất thấp này để đầu tư cho việc học tập của mình. Và nếu 2 lý do trên vẫn không đủ thuyết phục bạn để bớt chuyện làm thêm ảnh hưởng đến học tập của mình thì mình đưa ra một lý do nữa còn nguy hiểm hơn. Phần lớn các bạn của mình đi làm thêm đều nợ môn rất nhiều vì học không có đàng hoàng để qua môn. Cứ đến mùa thi lại lật đật thức đêm, thức khuya để ôn bài, trong khi cả năm học chẳng học gì. Giờ sao mà vô nổi, nên cứ nợ các môn chồng chất. Mỗi lần học lại là học phí cao hơn gấp 2, 3 lần so với lần học trước đó, vậy thử hỏi các bạn có đầu tư đúng cách không. Chưa kể đến nữa là học không qua nên ra trường rất muộn, trong khi bạn bè của mình đã tốt nghiệp, đi làm gần hết rồi mà mình vẫn lẹt đẹt nợ môn, từ bằng chính quy phải chuyển sang bằng tại chức vì học quá thời gian quy định. Nhiều bạn buồn rầu vì nếu gia đình biết được đầu đuôi câu chuyện thì sẽ ra sao nên nảy sinh lòng chán đời, chỉ muốn tự tử thôi, điều này mình thấy rất nhiều ở các sinh viên Bách Khoa. Và còn rất nhiều, rất nhiều những mặt trái khác nữa.

Nói vậy hơi bi quan phải không, như sự thật là vậy đó. Nếu bạn làm thêm ảnh hưởng đến việc học của mình thì sẽ lâm vào cảnh tượng trên. Do đó, mình khuyên các bạn nên đi làm thêm vì mục đích tích lũy thêm kinh nghiệm mà thôi. Tuy số tiền đó ít ỏi, không đủ chi trả các khoảng phí nhưng mình đang học mà, đỏi hỏi chi nhiều, học gì cũng phải tốn chi phí chứ. Sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều cho chuyên môn của các bạn sau này. Ngoài ra, các bạn còn tận dụng các khoảng thời gian rảnh của mình, không làm những chuyện vô ích. Và đặc biệt là có thêm những mối quan hệ tốt trong công việc sau này. Nói gì thì nói, người giỏi tới đâu mà cứ lủi thủi một mình thì chẳng làm nên trò trống gì hết. Phải để khả năng của mình phục vụ cuộc đời thì mới đáng quý biết bao. Từ đây, mình tóm tắt như thế này về chuyện làm thêm, các bạn làm thêm phải cân đối với thời gian học tập, sinh hoạt của mình, không nên vì đồng tiền mà bất chấp mọi thứ, mục tiêu của việc làm thêm là tích lũy thêm kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm sống và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Và mình cũng khuyên thêm nữa là các bạn sinh viên kỹ thuật, học nặng hơn các bạn kinh tế, xã hội thì đừng có đi làm thêm trong các năm học đại cương, hoặc nếu có làm thì chỉ nên đi dạy thêm mà thôi để củng cố lại kiến thức cấp 3 của mình. Còn các bạn sinh viên trường y thì thôi rồi, làm gì có thời gian nữa đâu.

 

THỰC TẬP

Phát triển của làm thêm để tích lũy kiến thức chuyên môn là đi thực tập. Đi thực tập thì mỗi ngành, mỗi nghề lại có yêu cầu riêng, chẳng có nghề nào lại giống nghề nào hết toàn bộ. Mình cũng không thể cho thêm ý kiến riêng được vì sẽ rất là kệch cỡm, tuy nhiên mình cũng có một số ý trao đổi về việc đi thực tập. Thứ nhất, các bạn nên đi thực tập theo đề xuất của khoa, của trường vì các công ty đó đảm bảo được chương trình thực tập có hiệu quả và điểm mới chấp nhận trong chương trình học. Thứ 2, khi đi phỏng vấn thực tập, các bạn nên chuẩn bị kỹ càng về thông tin của công ty mình thực tập, kiến thức cơ sở ngành và cách xử lý tình huống hiệu quả. Và điều quan trọng nữa là các bạn không nên “chém gió” nói quá khả năng của mình. Các nhà tuyển dụng biết đó, nhưng họ cười cười vậy thôi, bạn làm được 5 thì bạn cứ nói là 5 đừng nói lên 7, lên 8. Sự trung thực là một đức tính cần thiết mà nhà tuyển dụng cần nơi ứng viên. Thứ 3, các bạn nên tận dụng hết thời gian thực tập quý báu của mình để học hỏi thêm các kinh nghiệm thực tế, điều này rất quan trọng, mình học trên trường chỉ là lý thuyết, muốn làm việc được phải thực hành. Và cuối cùng, một điểm đáng lưu ý nữa là các bạn phải hết sức khiêm tốn, đừng tỏ ra “chảnh chọe” khi đi thực tập, chê công ty này, công ty nọ, công ty khác tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Mình cũng đã vướng phải điều này. Khả năng của bạn tới đâu thì chấp nhận tới đó và tiếp tục học hỏi thêm các anh chị trong công ty. Thông thường thì các anh chị trong công ty rất cởi mở chỉ dạy mọi thứ cho các bạn sinh viên thực tập, nên các bạn phải cố gắng học hết những điều đó.

 

THAM GIA SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI

Đây là một điều vô cùng, vô cùng cần thiết đối với tất cả chúng ta. Về khoảng học tập thì chúng ta phải cố gắng hết sức có thể, còn tới đâu thì hay tới đó, nhưng mình không chấp nhận một bạn sinh viên chỉ biết đến học, học, và học mà thôi, chẳng chịu tham gia các sinh hoạt cộng đồng, xã hội gì hết. Điều này là hết sức đáng chê trách. Ngoài kiến thức “cứng” mà chúng ta học tập trên ghế nhà trường, chúng ta cũng phải trau dồi thêm các kỹ năng mềm nữa. Đây là điểm yếu của các bạn sinh viên chúng ta hiện nay khi so với bạn bè quốc tế và là hết sức cần thiết khi đi tuyển dụng. Ngay cả đối với các bạn sinh viên kinh tế, nếu không năng nổ tham gia các hoạt động, các câu lạc bộ thì học một đống các lớp kỹ năng mềm này nọ thì cũng chẳng làm được trò trống gì đâu. Đừng tưởng bở rằng, các bạn sau khi đọc các cuốn sách kỹ năng này, đi nghe một vị diễn giả nối tiếng nọ nói về cách thành công siêu tốc là các bạn thật sự đã có được những kỹ năng mềm đó. Đừng bao giờ hoang tưởng chuyện đó nếu bạn vẫn không chập chững thực hành những điều đó vào chính cuộc sống của mình để cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Do đó, mình chân thành khuyên các bạn cố gắng tham gia ít nhất một câu lạc bộ ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, nhưng cũng đừng nhiều quá, không có thì giờ và cũng không thể nào hoàng thành hết trách nhiệm của mình.

Có hai cực đoan mà mình thấy ở các bạn sinh viên, một là chỉ biết học mà thôi, hai là ham hố quá nhiều, cái gì cũng tham gia mà làm không tận tâm của mình, mình cũng đã rơi vào trường hợp này nên mình thấy rất hối hận. Mình có đứa bạn thân, cũng thuộc loại ham hố, cái gì cũng tham gia, nhưng phần lớn làm sơ sài, cho có thành tích tốt để ghi vào trong CV cho đẹp. Nếu bạn gây thất vọng cho người khác thì sau này, không ai dám nhận các bạn vào công ty đâu vì biết rằng khi nhận bạn thì các bạn cũng sẽ làm hời hợt, đứng núi này, trông núi nọ, chẳng đóng góp gì cho sự phát triển của công ty cả. Điều nhấn mạnh ở đây là các bạn phải làm hết sức tận tâm, làm hết khả năng của mình, công việc nào làm được thì quyết làm, công việc nào quá sức hoặc không phù hợp thời gian thì nên từ chối ngay từ đầu để còn kiếm người khác làm thay thế chứ đừng ôm hết việc vào mình, đến lúc gần cuối thì mới báo là không thể làm được. Mình phải có trách nhiệm với lời nói của mình, chứ đừng hứa suông. Mình rất nghi ngại những người mà lúc nào cũng nói câu “em/bạn cứ để đó, để anh/mình làm cho, yên tâm đi”. Chắc chắn chẳng tin tưởng được gì, và bạn nào gặp những người này cũng đừng hy vọng gì vì hy vọng nhiều sẽ bị thất vọng nhiều mà thôi. Ảnh hưởng đến công việc chung của cả tổ chức.

Tiếp theo, khi tham gia các tổ chức, cộng đồng, câu lạc bộ thì mình chấp nhận làm những việc tầm thường nhất để học hỏi kinh nghiệm từ từ, đừng có mà “chảnh” đòi hỏi cho tôi làm vị trí này, cho tôi làm vị trí kia mới xứng đáng với tầm của tôi. Ai cũng muốn làm việc nhẹ nhàng thì việc nặng dành phần ai. Công việc đó không ai xung phong làm hết thì mình cố gắng thử hết sức mình để làm, có như vậy, mình mới ghi điểm được trong mắt của mọi người. Ngoài ra, điều thường gặp ở các tổ chức, câu lạc bộ là việc tranh giành ảnh hưởng, thanh thế của mình đối với các thành viên khác trong câu lạc bộ, tổ chức. Người này nạnh hẹo người kia, tôi làm tốt hơn người kia sao vẫn cho tôi ở vị trí này, đáng ra tôi phải là chủ nhiệm câu lạc bộ mới đúng… Ai cũng muốn làm lãnh đạo hết để ghi vào trong CV cho nó oai chứ ghi thành viên thông thường thì chẳng ghi cũng được. Tâm lý đó là hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức, câu lạc bộ và rất nhiều câu lạc bộ, tổ chức tan rã cũng vì lý do trên. Người dưới không tôn trọng người trên, người trên cũng chẳng quan tâm, giúp đỡ người dưới vì nghĩ rằng nó là công cụ để mình nổi tiếng mà thôi. Hiện tại có một tâm lý hết sức nguy hại trong giới trẻ hiện nay là muốn thành công phải “la liếm”. Phải tận dụng mối quan hệ này, mối quan hệ khác, hết giá trị lợi dùng rồi thì thôi, kiếm đối tượng khác để tiếp tục “la liếm”. Các bạn đó cứ tiếp tục “la liếm” đi, hết phúc rồi chẳng còn làm gì nữa đâu mà “la liếm”. Một tâm lý nữa là hay nói xấu các thành viên khác trong câu lạc bộ, tổ chức của mình. Điều này gây mất đoàn kết, chia thành bè nhóm. Và cuối cùng, chắc chắn một điều câu lạc bộ, tổ chức sẽ tan rã, và mình cũng chẳng hề thu nhặt được gì ngoài tiếng xấu mà thôi.

Và nếu các bạn vượt qua được những mặt xấu của một tổ chức, câu lạc bộ kể trên thì tự nhiên, các cơ hội khác cao hơn, tốt hơn sẽ đến. Đó là những chuyến giao lưu quốc tế, tham gia vào các tổ chức quốc tế. Tới đây, các bạn lại bị thử thách một lần nữa. Bạn nào “ngu” sẽ nghĩ rằng mình đã giỏi lắm rồi, chuyện đi giao lưu quốc tế là một chuyện hiển nhiên, đó là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng mình phải khổ cực làm ở câu lạc bộ này, tổ chức kia. Từ đây, mình sẽ ở trên một “tầm cao” mới, mọi người sẽ biết đến mình nhiều hơn. Và chắc chắn sau này, mình được làm ở một công ty, tổ chức nổi tiếng thế giới. Đi đâu cũng nghĩ rằng, người này, người kia không bằng mình; hay khen mình, chê người, coi thường người khác. Nói tới đây, nhiều bạn cho mình sao mà nói nặng thế, nhưng mình xin khẳng định, đó là điều hiển nhiên. Các bạn nên biết rằng mình vẫn còn kém lắm, những “thành công” bước đầu kể trên không phải là do 1 một mình mình làm nên mà là do sự giúp đỡ của rất nhiều người từ cha mẹ đến bạn bè, thầy cô. Các bạn cũng phải biết rằng, những chuyến giao lưu quốc tế, hay tham gia vào các tổ chức quốc tế là thêm một thử thách, gánh nặng đặc trên đôi vai của mình, phải biết lo, chứ đừng vội mừng, phải lo rằng mình phải vất vả hơn, xử lý công việc khôn khéo hơn, hiệu quả hơn mới xứng đáng được trọng trách giao phó. Nếu được như vậy, lòng mình sẽ cởi mở hơn, khiêm tốn hơn, sẵn sàng tham gia vào các công việc khó khăn sắp đến.

Ngoài việc tham gia các hoạt động câu lạc bộ, tổ chức, đoàn thể thì các công việc tình nguyện, thiện nguyện mà tại đó, chúng ta không cần ai ghi nhận bất cứ công lao, thành tích gì, chỉ vì mục đích giúp đỡ cuộc đời còn đầy những khổ đau này bớt đắng cay hơn mà thôi. Trong cuộc đời này, chúng ta nếu than khổ thì cũng không thể nào bằng những người khổ cực trên thế giới này. Họ sinh ra trong một gia cảnh không được mấy thuận tiện hay một phần cơ thể bị dị dạng, và đáng lo hơn nữa là những trẻ em sinh ra không có sự nuôi nấng, dạy dỗ của cha mẹ, nhà trường nên sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Dù biết sức mình rất nhỏ bé, không thể cứu hết được những hoàn cảnh đó nhưng phải luôn luôn tâm niệm trong lòng mình rằng phải cố gắng hết sức đạt được tới đâu thì hay tới đó, chứ không được bỏ lơ vì lo không xuể. Nói như vậy là các bạn hết sức ích kỷ, độc ác, chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, mình tốt được rồi, còn ai xấu ác thì mặc kệ, đã có pháp luật xử lý. Chắc chắn những bạn như vậy sẽ rơi vào lầm lỗi, làm những điều xấu và cũng sẽ bị người khác chê bai, hất hủi như chính các bạn đó đã làm với mọi người xung quanh.

Các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện có rất nhiều như chiến dịch mùa hè xanh, xuân tình nguyện, tiếp sức mùa thi là các hoạt động thường thấy. Ngoài ra các hoạt động thầm lặng hơn như mỗi tổ chức Đoàn gắn bó với một nhà mở, mái ấm, viện dưỡng lão để thường xuyên lưu tới để thăm hỏi, giúp đỡ các trung tâm này. Hay các công việc nuôi dạy trẻ em đường phố, không nơi nương tựa để các em biết đến đạo đức, kiến thức. Hay các công việc vì môi trường, thu gom rác thải, nhặt rác trên đường, trực nhà vệ sinh công cộng, tuyên truyền mọi người giữ gìn môi trường sống sanh sạch đẹp, hay việc tham gia phụ giúp các, sự kiện của đất nước, của địa phương hay các lễ hội của chùa, nhà thờ … có rất nhiều các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện như vậy đang cần chúng ta chung tay hành động. Những công việc kia là không bao giờ thiếu, ăn thua là bạn có muốn hay không mà thôi. Và một điều mình xin được nhắc nhở các bạn là khi làm những công việc thiện nguyện này nên quên đi công lao của mình, làm chỉ vì tình thương yêu đối với mọi người, muốn họ tốt lên từng ngày mà thôi. Chứ cứ làm được bao nhiêu thì kể hết cho mọi người, kể từ đầu này đến xóm nọ, ai cũng biết hết, lên hết mặt báo này đến trang xã hội khác thì không được hay chút nào.

Thật là đẹp biết bao, khi các bạn sau khi tốt nghiệp đại học với kiến thức vững vàng, kỹ năng, thành tích hoạt động thật đáng nể và đặc biệt nữa là có những công việc thầm lặng mà mình đã làm mà ngay đến chính mình cũng quên đi thì không còn hạnh phúc nào bằng của đời sinh viên. Và một điều chắc chắn rằng là bạn sẽ không bao giờ thất nghiệp trong tương lai. Tới đây chắc cũng đủ cho buổi hôm nay, viết nữa, sợ các bạn đọc lại chán nữa vì dài quá :D. Trước khi kết thúc mình xin tóm tắt một số ý quan trọng trong bài viết. Đầu tiên, là việc làm thêm, chúng ta nên làm thêm vì mục đích tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống, không nên bất chấp tất cả, hy sinh chuyện học hành vì việc đi làm thêm. Khi thực tập, cần giữ thái độ khiêm tốn, sẵ sàng học hỏi những điều hay, điều mới từ các anh chị đi trước, tránh tình trạng đứng núi này, trông núi nọ. Về việc tham gia sinh hoạt cộng đồng, xã hội là việc hết sức cần thiết nhưng phải tránh những mặt xấu khi tham gia CLB, tổ chức…Và cuối cùng là hãy làm những công việc thiện nguyện, tình nguyện một cách hết lòng mà chẳng cần ai ghi nhận công lao. Tuần sau sẽ tiếp tục với các chủ để khác về các kỹ năng mà một người sinh viên trong thời đại hiện nay cần có. Rất mong sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô, anh chị, bạn bè để các bài viết sau càng ngày càng hoàn thiện hơn, thật sự mang lại lợi ích cho các bạn SV.

Nguồn: nguyenducminhkhoi.com

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

8,312 lượt xem