Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Quản Lý Khủng Hoảng - Phần 1: Từ Dấu Hiệu Tới Khủng Hoảng

Nếu như có một khóa học Quản lý khủng hoảng nào đó thì chắc chắn vụ cá biển chết hàng loạt vừa rồi ở miền trung phải là một case study điển hình. Chúng ta có thể học được gì từ đây? Chắc chắn kể cả khi chưa học gì về quản lý khủng hoảng ta cũng thấy nổi lên vài vấn đề:

  • Phản ứng chậm trễ của bộ máy nhà nước. Khi phản ứng thì không hiệu quả
  • Phân công trách nhiệm giữa các cơ quan thuộc chính phủ không rõ ràng.
  • Truyền thông của nhà nước kém, thiếu các thông tin chính thống.

Tới nay thì vụ cá chết đã lắng xuống sau một số thông tin tích cực. Chắc chắn sau đợt này nếu chính phủ là một doanh nghiệp thì họ sẽ phải nhìn nhận lại cách thức phòng ngừa, đối mặt với khủng hoảng sao cho hiệu quả hơn.

Cách đây 20 năm thế giới chưa biết tới khái niệm khủng bố là gì. Ngày nay thì nguy cơ khủng bố hiện diện khắp nơi. Cách đây 20 năm, doanh nghiệp chẳng phải lo tới các tiến bộ công nghệ thì ngày nay tiến bộ công nghệ có thể giết chết một DN đang trên đà phát triển chỉ trong 1 tháng. Cách đây 20 năm thì bạn nghĩ rất ít về tai nạn giao thông khi đi ngoài đường. Cách đây 20 năm không có khái niệm toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế, nợ công vượt ngưỡng mà cũng chẳng ai nghĩ tới ung thư…..

Chưa bao giờ cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ lại phải đối mặt với nhiều vụ khủng hoảng có thể xảy ra nhiều như vậy. Và tương lai xác xuất để mỗi cá nhân và DN gặp khủng hoảng sẽ ngày càng tăng đòi hỏi chúng ta phải giỏi hơn trong việc phòng ngừa và đối mặt với khủng hoảng.

Từ dấu hiệu tới khủng hoảng

Thế nào là một khủng hoảng? Một vấn đề gọi là khủng hoảng khi :

  • Hậu quả của nó vô cùng lớn, có thể dẫn tới phá sản công ty, một bước ngoặt trong cuộc sống của mỗi người.
  • Hậu quả kéo dài tiêu tốn nhiều sức lực, tài lực, vật lực của người/DN đối mặt.
  • Không có nhiều thời gian để xử lý, hậu quả lớn dần theo thời gian.
  • Để giải quyết được đòi hỏi nguồn lực vượt nhiều lần khả năng của người/DN đối mặt.

quan ly khung hoang

Khủng hoảng chia làm 2 nhóm bao gồm 1.Khủng hoảng không thể dự báo trước và 2.Khủng hoảng có thể dự báo trứoc.

Hầu hết các khủng hoảng đều là khủng hoảng có thể dự báo trước. Cho dù hậu quả lớn tới đâu thì khởi tạo nó luôn là một vấn đề rất nhỏ không ai nghĩ tới. Nếu là một đám cháy gây chết người thì đó có thể là điếu thuốc chưa tắt hết, lửa bắt ra từ máy hàn, chập điện, đèn cồn,…

Vài con cá chết chưa là gì vì hàng ngày cá vẫn chết vì rất nhiều lý do. Trăm con cá chết dạt vào bờ là rắc rối, đòi hỏi người dân phải dọn nó đi. Vài trăm con cá chết liên tục dạt vào bờ thì thật là tồi tệ. Đến khi cá nuôi lồng chết, diện cá chết kéo dài từ Hà Tĩnh tới Quảng bình thì thực sự là một rắc rối vô cùng lớn, ẩn chứa một khủng hoảng quốc gia nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Những ngày đầu cũng chỉ có 1 tờ báo đăng về cá chết, sau đó nở rộ ra với nhiều phiên bản phát trên hàng trăm tờ báo in, báo mạng,….nó thực sự đã biến thành một khủng hoảng truyền thông.

Một vài con cá chết là dấu hiệu, ngày mai có thể không chết nữa. Trăm con cá chết là rắc rối nhưng ngày mai có thể không con nào chết nữa…..Bất kể ở cấp độ nào thì vấn đề có thể ngay lập tức kết thúc. Nếu không biết phân biệt thì người ta dễ bỏ ngơ cho tới khi khủng hoảng hoặc là phản ứng thái quá khi nó mới chỉ là dấu hiệu.

Phân loại khủng hoảng

Lo sợ con cái bị bắt cóc, tai nạn,….ta có thể nhốt nó vào một căn phòng mà xung quanh toàn bọc đệm cả đời.

Để phòng cháy có thể cấm hết các vật dụng tạo ra lửa hoặc vật dẫn như điện, bật lửa, nến, xăng, dầu,….

Để tránh khủng hoảng, DN chỉ làm khi chắc thắng 100%.

Chúng ta không thể làm thế được, chừng nào ta hay DN còn sống thì phải học cách sống chung với khủng hoảng. Lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro đó là chân lý luôn đúng.

Trong phần dưới tôi chỉ phân nhóm mà chưa đưa ra biện pháp mà các DN phòng tránh và xử lý, đó là nhiệm vụ của các entry sau.

Vậy có những loại khủng hoảng nào?

A.Nhóm chủ quan:

I.Các vấn đề về nhân sự

1.Nhà sáng lập, CEO:

Steve Job, Bill Gate, Mark Zuckerberg, Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình, Trần Đình Long, Đoàn Nguyên Đức họ có điểm chung gì với nhau? Họ đều là linh hồn của doanh nghiệp mà nếu họ đột nhiên mất đi thì sẽ là khủng hoảng đối với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài thì sự mất đi của người đứng đầu nặng thì phá sản DN, nhẹ thì đó là khởi đầu cho sự lụi tàn.

 

2.Nhân sự chủ chốt:

“Ngày 14/4 Bà Dugan – Giám đốc Công nghệ tiên tiến và Sản phẩm tại Alphabet, công ty mẹ của Google, sẽ về Facebook để xây dựng các phần cứng nhằm sử dụng các công nghệ phần mềm mà “gã khổng lồ xanh” đang phát triển, đồng thời phát triển công nghệ thực tế ảo Oculus cũng như mảng trí tuệ nhân tạo.”

Người thất nghiệp ngày càng tăng nhưng Người làm được việc đang ngày càng khan hiếm hơn. Các DN đang dành giật nhau những Người làm được việc. Khi họ ra đi không những mang theo những thứ họ thu lượm được ở cty đó mà còn tạo ra khoảng trống lớn không dễ gì có thể bù đắp. Nó gây ra việc đơn hàng không được giao đúng hạn, dự án nghiên cứu bị ngừng trệ, thương hiệu công ty bị giảm sút, cổ phiếu giảm giá,…

 

3.Nhân viên tệ hại

“Chuỗi nhà hàng KFC ở Trung Quốc bị cáo buộc dùng dầu bẩn, dầu ăn tái sử dụng để chiên gà. Một số nhân viên của hệ thống cửa hàng KFC cho Nhật báo Chứng khoán biết, dầu chiên của KFC được dùng đi dùng lại 4 ngày liền”

“Một sinh viên làm việc trong cửa hàng KFC nói rằng gà không tươi ngon được phủ bột và cho vào rán, nước dùng để rửa gà thì không được thay thường xuyên. Ngoài ra, những món ăn tồn đọng như cánh gà rán, cánh gà chiên… đều được tận dụng triệt để và bán cho khách hàng vào ngày hôm sau.”

Bài học rút ra ở đây là cho dù đó có là nhân viên thử việc thì cũng có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng. Nhân viên có thể gian lận, biển thủ, cung cấp thông tin ra bên ngoài, phá hoại máy móc, cho thuốc độc vào nguyên liệu thực phẩm,….Có rất nhiều thứ một nhân viên tệ hại có thể làm.

4.Tai nạn lao động

“Khoảng 10h20 sáng 4/12, khi đưa 3 công nhân lên tầng cao, thang máy công trình chung cư số 52 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ rơi tự do từ khoảng tầng 20 xuống đất khiến 2 người chết tại chỗ. ”

Đây chắc chắn là một vụ khủng hoảng, ảnh hưởng tới uy tín của DN, tới bản thân dự án và cả giá nhà trong tương lai. Chẳng khách hàng nào vui nổi khi biết rằng để xây cái chung cư đó đã có vài công nhân chết.

Tai nạn lao động có thể quy về năng lực của nhân sự quản lý, nhân viên tệ hại. Một nhân viên tệ hại không thực hiện đúng các quy chuẩn an toàn mà công ty đã đưa ra. Một nhân viên giám sát an toàn không thực hiện đúng chức trách. Một quản đốc đã không theo sát. Cái thang máy đó đã đi hàng trăm lần như vậy rồi, đó không phải là lần đầu tiên.

Theo chienluocsong.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,109 lượt xem