Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Quản Lý Tài Chính: Đừng Nghĩ Đó Là Việc Của Bố Mẹ, Bạn Nên Bắt Đầu Ngay Bây Giờ Đi

Những năm 20 tuổi của chúng ta được đánh dấu bằng nhiều cột mốc, như tốt nghiệp Đại học, đi làm, thăng tiến, và với vài người là kết hôn và bắt đầu một gia đình nhỏ. Mỗi cột mốc đều mở ra những sự thay đổi lớn về lối sống, và bạn cần phải nắm rõ tình hình tài chính của mình để tránh trường hợp ngập chìm trong nợ nần.

Chuyên gia hướng dẫn giáo dục tài chính Jamila Souffrant là một ví dụ điển hình về việc thành công nhờ am hiểu tài chính. Ngoài việc đứng lớp giảng dạy trên trang web giáo dục Journey to Launch, Souffrant nổi tiếng với việc tiết kiệm được $85.000/năm và khả năng mua nhà ở tuổi 22. “Bạn có thể giữ ý nghĩ làm việc cả đời, trả hoá đơn và sống không hạnh phúc”, Souffrant chia sẻ, “hoặc bạn có thể quyết định nắm quyền kiểm soát cuộc đời mình và tìm cách tận dụng công việc cùng những thứ khác để làm lợi cho chính mình.”

Bạn cảm thấy mất phương hướng? Những chia sẻ chuyên môn của Souffrant sẽ đưa bạn đi đúng đường. Từ những lời khuyên về đầu tư cho tới hướng dẫn về thuế, dưới đây là tất tần tật những gì bạn cần biết về tài chính cá chân trong những năm 20 tuổi.

Tìm cách gia tăng thu nhập

Là một nhân viên toàn thời gian mới, mức lương khởi điểm của bạn có thể không được cao như mong muốn. Tuy nhiên, thay vì cảm thấy khổ sở vì mức lương ít ỏi, Souffrant khuyên bạn tìm một công việc nữa để kiếm thêm thu nhập. “Hãy nhìn lại xem điểm mạnh của mình là gì”, Souffrant nói, “sau đó, tìm một ngành dịch vụ phù hợp với chúng.” Những công việc như làm đầu, gia sư hay trông trẻ vào ngày cuối tuần có thể có ích cho hầu bao của bạn – mặc dù ban đầu bạn không kiếm được nhiều tiền từ những công việc này. Theo Souffrant: “Bạn hãy thử làm nhiều việc hết sức có thể, cho tới khi tìm được một công việc phù hợp.”

Học cách quản lý giấy tờ tài chính của mình. 

Theo Souffrant, bạn không nên chuẩn bị giấy tờ để nộp hồ sơ kê khai thuế hoặc các hoạt động liên quan đến tài chính vào phút chót. Thay vì ngồi chờ một việc chắc chắn sẽ xảy ra, Souffrant khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn những tài liệu quan trọng. “Bạn có thể sử dụng ứng dụng di động để nhanh chóng chuyển đống giấy tờ ngổn ngang đó thành file mềm PDF”, Souffrant giải thích. Việc đó cũng giúp bạn quản lý chúng ở một nơi có thể tiếp cận bất cứ lúc nào. Thậm chí, bạn có thể gửi tài liệu bằng file Adobe PDF với mật khẩu bảo mật mã hoá hay biên soạn lại những nội dung nhạy cảm nếu cần. Tóm lại, dù dùng cách nào thì việc đó cũng tiết kiệm được cho bạn và những nhân viên tài chính phải làm việc với bạn rất nhiều thời gian.

Hiểu rõ các tài khoản tiết kiệm của mình

Không đơn thuần là lập ra một tài khoản tiết kiệm, bạn cũng cần động não nữa. Bạn có thể tìm hiểu cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm tiền, nhưng một điều mà nhiều người đã bỏ qua là bản thân bạn phải biết rõ mình tiết kiệm để làm gì: Dù là để đi du lịch hay mua một chiếc iPhone mới, bạn cũng cần nắm chắc mục đích của mình. Nếu không, bạn sẽ rất dễ bị đống tiền lớn kia cám dỗ và nảy sinh ý nghĩ: “Lấy một chút tiền tiêu tạm cũng đâu có sao”.

Bên cạnh đó, bạn nên tiết kiệm tiền sinh hoạt cho ít nhất 3 tháng. “Những người không có quỹ tiết kiệm, nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra, họ buộc sẽ phải vay mượn để chi trả cho những vấn đề phát sinh đó”, và việc đó sẽ dẫn tới nhiều rắc rối hơn trong tương lai.

Xây dựng ngân sách dựa trên kế hoạch chi tiêu:

Bước đầu tiên trong việc quản lý ngân sách là thống kê khoản chi tiêu của mình. Bạn có thể nghĩ mức tiêu của mình quá cao và bạn không có đủ tiền, nhưng đôi lúc mọi người tiêu nhiều hơn mức cần để trang trải cuộc sống. Việc biết chính xác lượng tiền đầu ra và đầu vào sẽ quyết định bạn có nên hạn chế chi tiêu không.

Việc giảm thiểu mức độ hay số lượng những món đồ xa xỉ bạn chi trả mỗi tháng (ví dụ tiền trả các apps nghe nhạc trực tuyến, quần áo hàng hiệu hay những lần ăn ngoài) có thể cải thiện tình hình tài chính của bạn khá nhiều. Có lẽ thay vì tiêu 500,000VND vào việc đi chơi với bạn bè, bạn có thể cắt giảm một nửa và dùng số tiền đó để trả nợ. Hãy coi đó là sự hy sinh tạm thời trên con đường hướng đến sự độc lập tài chính.

Đầu tư, đầu tư và đầu tư

Nghiên cứu mới đây từ công ty tài chính Merrill Edge cho thấy thế hệ trẻ e ngại đầu tư. Kể từ cuộc Đại suy thoái, họ thích nắm tiền trong tay hơn là chấp nhận rủi ro mất tiền vào một cuộc khủng hoảng tài chính nữa. Phần lớn còn tin rằng chỉ riêng quỹ tiết kiệm là quá đủ cho 20 năm tới. Tuy nhiên, theo Souffrant, lãi suất từ tiền gửi tiết kiệm ít hơn nhiều so với đầu tư chứng khoán.

Nếu không chắc nên bắt đầu từ đâu, quỹ đầu tư theo chỉ số là một lựa chọn rất tuyệt, vì “tiền của bạn sẽ được chia đều vào nhiều công ty khác nhau”, Souffrant chia sẻ. Vì vậy, bạn sẽ không phải chịu cảnh “đau tim” khi một cổ phiếu giảm. Điều quan trọng nhất cần nhớ là cổ phiếu là một khoản đầu tư lâu dài. Vì vậy, đừng lo lắng nhé, “nếu bạn cứ để tiền ở đó, cuối cùng rồi tiền sẽ về tay bạn. Càng để lâu, lãi càng tăng.”

Thiết lập thẻ tín dụng thông minh hơn

Nói đơn giản, điểm tín dụng là yếu tố giúp người cho vay quyết định bạn có phải một người vay có uy tín hay không. Cách nhanh nhất để xây dựng uy tín là dùng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng nó một cách nghiêm túc. Nên nhớ, thẻ tín dụng không phải tiền miễn phí. Souffrant giải thích: “Thẻ tín dụng  trở thành một gánh nặng khi bạn vay tiền mà không trả nổi.” Và dĩ nhiên, khoản vay đó có tính lãi đấy.

Nếu đơn đăng ký thẻ tín dụng của bạn bị từ chối cũng đừng lo. “Bản chất của tín dụng là quản lý lịch sử chi tiêu”, Souffrant nói, “vì thế, chỉ cần bạn không ghi nợ chi phí mua bán và hoá đơn dưới tên mình là có thể đăng ký được rồi.”

 

Theo barcodemagazine.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,257 lượt xem