Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Quy Trình Để Có Thư Giới Thiệu Săn Học Bổng (LOR) Tốt

Rất nhiều thợ săn học bổng inbox và comment hỏi thầy nhiều vấn đề xung quanh thư giới thiệu săn học bổng (Letter of Recommendation [LOR]), thầy chia sẻ quy trình để có được LOR tốt săn học bổng thành công để các bạn tham khảo và biết cách chuẩn bị.

Trong bộ hồ sơ nộp để ứng tuyển cho các chương trình học bổng của chính phủ, họ thường yêu cầu ứng viên phải nộp các LOR, thường thì họ yêu cầu từ 2 đến 3 LOR. Các LOR đóng 1 vai trò rất quan trọng trong việc thành bại của việc săn học bổng, và cũng là 1 trong các việc “đau đầu” nhất cho ứng viên khi nộp hồ sơ! Thầy muốn chia sẽ kinh nghiệm của bản thân trong việc tìm ra ai là người có thể giúp mình trong công việc này, và quan trọng là giúp bộ hồ sơ của mình vượt qua ải khó nhất trong vòng tuyển chọn để có thể đi vào vòng bán kết (Semi Finalist) tham gia phỏng vấn. Quy trình có 3 giai đoạn:

Giai đoạn #1: Chọn người viết LOR
Có nhiều bạn nhờ thầy viết thư giới thiệu, thầy phải từ chối! Tại sao? Lý do không phải do thầy “chảnh”, mà là thầy không phải là người phù hợp để viết LOR vì thầy chẳng biết rõ các bạn. Do đó, tiêu chí quan trọng nhất đó là người viết LOR phải hiểu rất rõ về bản thân các bạn. Các bạn không nên chọn đại khái 1 ai đó để viết thư giới thiệu trong khi họ chẳng biết gì về bạn. Tại sao? Người đọc hồ sơ sẽ nhận ra ngay điều này vì họ đều là dân pro trong việc này. Thậm chí, nếu các bạn may mắn vượt qua vòng này thì tới vòng semi final tức là vào vòng phỏng vấn thì các bạn cũng dễ bị lộ và out ngay. Thế thì tiêu chí tìm kiếm và chọn những người viết thư giới thiệu như thế nào? Họ có thể là:

1. Sếp trực tiếp hay các sếp trong cơ quan bạn đang công tác, chức vụ công tác càng lớn càng tốt.
2. Giáo sư, giảng viên hay “sư phụ” về học thuật đã và đang trực tiếp giảng dạy bạn, chức danh học thuật càng cao càng tốt.
3. Lãnh đạo của các tổ chức hay đoàn thể mà bạn là thành viên.
4. Nếu có quen được các đối tượng kể trên mà là người nước ngoài thì sẽ nặng ký hơn rất nhiều. Đây là trải nghiệm của chính thầy.
5. Những người này không được là người thân hay bạn bè của bạn, vì tiêu chí tuyển chọn của các chương trình học bổng chính phủ không chấp nhận những đối tượng như vậy.

Giai đoạn #2: Tạo mối quan hệ tốt với những người viết LOR
Câu hỏi ngay lập tức xuất hiện trong đầu các bạn: Vậy thưa thầy, em phải tìm kiếm họ ở đâu? Điều này đòi hỏi 1 quá trình quan hệ lâu dài:
1. Tìm kiếm trong quá trình học tập và công tác của bạn.
2. Kế đó, tìm cách tiếp cận và làm quen với họ.
3. Thiết lập mối quan hệ cá nhân với họ.
4. Tiếp theo là cố gắng phát triển mối quan hệ càng thân càng tốt.
5. Củng cố được lòng tin và sự hiểu biết của họ về bản thân của bạn, để họ có thể bằng lòng viết thư giới thiệu cho bạn.

Quá trình này tùy thuộc vào rất nhiều vào khả năng giao tiếp và ngoại giao của mỗi cá nhân. Hoàn toàn không có 1 công thức nào cho việc này cả! Một khi bạn có được đủ và quan trọng là đúng người bằng lòng viết thư giới thiệu giúp bạn, thì xem như khả năng vào tiếp vòng trong của bạn rất cao.

Giai đoạn #3: Viết LOR
Khi đã chọn được người viết LOR và họ đồng ý viết LOR thì bắt tay vào viết LOR. Trong quá trình viết thì lưu ý các điều sau:

1. Nên nhớ, thi giới thiệu phải viết bằng tiếng Anh vì đơn giản là Hội đồng tuyển chọn không phải là người Việt, hoặc thậm chí là người Việt thì họ cũng không muốn đọc tiếng Việt! Thầy nói vậy cho vui, chứ đây là yêu cầu bắt buộc của thư giới thiệu. Tuy nhiên cũng có chương trình họ đồng ý cho viết LOR bằng tiếng Viêt, nhưng sau đó cũng phải đi dịch sang tiếng Anh và công chứng.

2. Thư giới thiệu chỉ cần chữ ký của người viết, không bắt buộc phải cần mộc của cơ quan, công ty hay tổ chức nào cả. Tuy nhiên, nếu xin được mộc đóng cùng với chữ ký thì tốt, còn không thì không thành vấn đề.

3. Nếu người giới thiệu không viết được bằng tiếng Anh, thì họ có thể viết bằng tiếng Việt, sau đó bạn hay nhờ ai đó giỏi tiếng Anh dịch sang tiếng Anh. Việc này, đơn thuần dựa vào lòng tin của người viết đối với các bạn. Khi dịch, phải đảm bào tinh thần và nội dung của người viết khi giới thiệu về bạn. Người giới thiệu sẽ ký vào bảng tiếng Anh, lưu ý thư giới thiệu có thể không cần công chứng hay phải công chứng tùy theo yêu cầu của chương trình học bổng.

4. Nhiều bạn tư vấn như thế này, viết theo ý mình rồi đưa cho người giới thiệu ký vào. Việc làm này không nên, thậm chí là còn 1 ý dở (bad idea)! Vì sao? Nếu gặp người kỹ tính và cẩn thận, chắc chắn họ sẽ không ký cho bạn và thậm chí sẽ từ chối giới thiệu cho bạn vì coi thường họ! May mắn, nếu gặp người dễ tính chịu ký cho bạn thì lá thư đó cũng không có giá trị mấy vì hội đồng tuyển chọn sẽ nhận ra qua giọng văn và thế là ... out!

5. Đa phần người giới thiệu quá bận rộn không viết được và yêu cầu bạn phải tự viết. Như vậy thì phải làm sao? Các bạn hãy cùng ngồi với họ để trao đổi và thảo luận nội dung lá thư, không được tự mình bịa ra nội dung rồi yêu cầu họ ký như thầy đã tư vấn như trên. Sau đó, bạn soạn thảo nội dung lá thư trên tinh thần đã trao đổi và thống nhất. Cuối cùng, đưa cho người giới thiệu đọc, nếu họ đồng ý lúc đó mới dịch sang tiếng Anh.

6. Vậy nội dung thư nên nói gì? Rất đơn giản và rõ ràng, đó là thư giới thiệu phải làm sao làm nổi bật những ưu điểm, tính cách, cũng như khả năng của ứng viên để tạo ấn tượng tốt đối với Hội đồng tuyển chọn. Mục đích của lá thư giới thiệu là giúp cho Hội đồng tuyển chọn có 1 cái nhìn khách quan và trung thực hơn về ứng viên, thay vì cứ nghe “mèo khen mèo dài đuôi”.

7. Khi dịch thì phải check thật kỹ các lỗi văn phạm và chính tả để không bị loại 1 cách oan uổng! Các bạn có thể nhờ bạn bè hay ai đó giỏi tiếng Anh đọc và góp ý để các bạn chỉnh sửa.

Theo Thầy Vĩnh Huy Fulbrighter

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,974 lượt xem