Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Quy Trình Tuyển Dụng Của Các Tập Đoàn Lớn Và Những Kinh Nghiệm Thực Tế Của Người Trong Cuộc

Vinamilk, Prudential, P&G, Unilever, Deloitte, EY, … đều là tập đoàn đa quốc gia có danh tiếng tại Việt Nam và là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên Kinh tế. Tuy nhiên, cách thức và đề thi tuyển của các tập đoàn này mặc dù “ai cũng muốn biết” nhưng “ít ai được biết” bởi tính bảo mật và cạnh tranh cao.

Bài viết này sẽ vén màn bí mật về Quy trình tuyển dụng của các tập đoàn lớn và những gì cần chuẩn bị cho kỳ thi này qua kinh nghiệm thực tế của nhũng người trong cuộc.

Các công ty đa quốc gia kể trên có thể hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhưng đa phần sẽ có 1 quy trình tuyển dụng tương đối giống nhau như sau:

Vòng 1: VÒNG HỒ SƠ (APPLICATION)

Application form, cánh cửa đầu tiên cần bước qua, hay còn gọi vui là “vòng gửi xe.” Mốc thời gian này thường cố định qua các năm, nên khi đã biết trước, bạn hãy sắp xếp công việc hợp lí nhất cho giai đoạn này. Tránh tình trạng sau này tiếc nuối: “Chết rồi, hồi đó bận quá, không kịp nộp đơn.”

Một điều rất quan trọng nữa là khi nộp đơn ứng tuyển trực tuyến cho các chương trình MT thì các bạn không nộp qua 1 trang web thứ 3 (như Careerlink, Jobstreet, Vietnamworks, …) nhé, mà nên nộp thẳng cho công ty mà bạn muốn ứng tuyển.

Những gì cần chuẩn bị: 

- Cập nhật lại CV sao cho đẹp hơn, thông tin chắt lọc, giá trị hơn. Nộp CV kiểu công ty đa quốc gia, bạn nên nộp đúng 1 trang A4 là tốt nhất, sạch sẽ, gọn gàng, đúng trọng tâm chuyên môn của mình, có con số hẳn hoi, hình CV phải sáng sủa, tươi tắn, kiểm tra chính tả chỉn chu, cấm sai một chữ. CV nộp file pdf tuyệt đối không nộp file word để tránh chuyện khác hệ điều hành các kiểu khiến nhà tuyển dụng không mở được file. Phần Reference nên có người uy tín càng tốt. Viết động từ nên dùng thể quá khứ (CV tiếng Anh). Đặc biệt là có con số (100h gọi điện thoại cho khách hàng, bán hàng doanh số 20 triệu...)

- File scan pdf bảng điểm chính thức từ trường Đại học

- Bạn dự kiến sẽ nộp bao nhiêu công ty ? Nộp đại trà hay chỉ chọn lọc? Lựa chọn là do bạn, nhưng ngay từ đầu, hãy tìm động lực cho bản thân thật rõ ràng. Vì sao bạn muốn vào công ty đó? Bạn đánh giá cao điểm nào của công ty kia?- Tự viết ra 1 file word, tạm đặt tên là “Reflection”. Trong 4 năm qua, bạn đã làm những gì, ở đâu, với ai, tham gia cái gì, tổ chức nào... Có những chuyện vui buồn gì đã xảy ra, bạn đã hành động ra sao, mọi người suy nghĩ hoặc nhận xét gì về những điều đó. Để hoàn thành file này, chắc cũng tốn kha khá thời gian để nhớ lại và viết xuống hết.

Vòng 2: Test Tuyển dụng (Aptitude Test)

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài luyện tập trên mạng. Nhưng trang khá uy tín là: https://www.indiabix.com/

 http://www.practiceaptitudetests.com/

hay http://www.numericalreasoningtest.org/

Có rất nhiều dạng câu hỏi trong Aptitude test, nhưng thường gặp nhất là: Numerical reasoning test, Verbal reasoning test, Situational judgement test, Diagrammatic test. Tiêu chí vượt qua vòng này khá đơn giản. Nhà tuyển dụng đã có sẵn mức điểm sàn, vượt lên mức đó thì bạn qua vòng này. Hoặc tùy nhà tuyển dụng muốn lấy bao nhiêu phần trăm thí sinh vào vòng tiếp theo, họ sẽ lấy điểm từ trên xuống dưới.

Với phần này, cách duy nhất để chuẩn bị là luyện tập thật nhiều để quen tay quen mắt thôi. Còn trong lúc thi, Khó ở đây là việc canh thời gian, nhiều bạn vì lo tập trung câu khó mà điền không kịp các câu dễ hoặc quên điền trắc nghiệm các câu mình không biết, bỏ trống uống lắm, nhớ điền hết dù không biết.

Vòng 3: Phỏng vấn Sơ bộ ( Initial Interview)

Khoảng 1 tuần sau, nếu như bạn đậu, bạn sẽ nhận được email mời phỏng vấn, rớt là sau 2 tuần không có thông tin gì phản hồi và có thư cảm ơn.

Chuyện chuẩn bị cho ngoại hình chắc không cần nói, chỉ cần ăn mặc nghiêm túc, chỉnh tề, lịch sự, đầu tóc gọn gàng, mày râu cũng cạo tỉa cẩn thận.LUÔN! Lời khuyên là LUÔN chuẩn bị tất cả các câu hỏi, câu trả lời có thể xảy ra trước khi đến vòng phỏng vấn này. Bạn phải hiểu mục tiêu vòng phỏng vấn là gì? Bạn nên phải dành thời gian ở nhà để liệt kê tất cả các câu hỏi sẽ có thể xảy ra và câu trả lời của riêng bạn để khi vào đấy, bạn có đủ tự tin để trả lời suôn sẻ.

Trước mỗi buổi phỏng vấn, có 3 thứ bạn sẽ muốn đọc qua: thông tin cơ bản về công ty – sản phẩm – thương hiệu, file những câu hỏi phỏng vấn thường gặp & câu trả lời bạn đã viết nháp ra và application form mình đã nộp trước đó.

Vòng 4: Assessment Center (Group Discussion)

Vòng này sẽ đưa ra bạn một game hoặc một case giải quyết tình huống cụ thể hoặc phỏng vấn THEO NHÓM.

Đối với nhiều thí sinh thì đây là vòng thi khó nhất, vì không chuẩn bị trước được câu hỏi, mà phải tùy cơ ứng biến thôi. Nói vậy, nhưng nếu có thời gian rảnh, thì cũng nên xem qua hoặc suy nghĩ về vài thứ: - Barem và tiêu chí chấm điểm. Mỗi công ty sẽ xây dựng mô hình năng lực (Competencies Model) cho nhân viên của họ, đây cũng sẽ là thước đo để đánh giá, lựa chọn ứng viên. Nói dễ hiểu hơn, có công ty sẽ thích những bạn “hổ báo”, ăn to nói lớn để bảo vệ quan điểm cá nhân.Có những công ty sẽ ưu tiên chọn những bạn biết lắng nghe, từ tốn đưa ra ý kiến riêng. Bạn có thể tìm hiểu sơ lược ở đây https://www.assessmentday.co.uk/ass

...- Khi làm việc nhóm, vai trò bạn có thể đóng góp là gì? Điểm mạnh của bạn là gì?- Thử tưởng tượng xem, nếu bạn gặp một nhóm nói quá nhiều, bạn sẽ làm thế nào? Nếu bạn bị cả nhóm phản bác ý kiến, bạn sẽ theo đuổi ý tưởng đó đến cùng hay nghe theo các bạn còn lại?

Vòng 5: Phỏng vấn chọn (Final Interview/In-depth Interview)

Chúc mừng bạn nếu bạn đến được tới vòng này. Vòng này còn gọi là vòng phỏng vấn chuyên sâu. Khác với vòng phỏng vấn đầu, vòng In-depth Interview sẽ phỏng vấn với những câu hỏi gợi mở để hiểu sâu hơn về tính cách, con người bạn. Bạn có thể cảm nhận họ hỏi những câu hỏi rất đời thường về sở thích này nọ, nhưng thật ra để bạn cảm thấy thoải mái bộc lộ tính cách bản thân hơn. Cả những câu hỏi chung chung như định nghĩa về thành công, tố chất của người lãnh đạo cần gì . Cũng tùy thuộc vào vị trí cần tuyển, họ sẽ hỏi chuyên sâu hơn về công việc.

Tùy vào khả năng “điêu luyện” của nhà phỏng vấn, họ sẽ xoay bạn ít hay nhiều, nhưng điều quan trọng luôn “đề phòng cảnh giác” lí do họ hỏi những câu hỏi và bạn cần đưa ra những câu trả lời như thế nào cho đúng cái họ cần.

Một số câu họ cũng có thể sẽ hỏi như:

– Bạn muốn mức lương như thế nào?

– Bạn có chấp nhận chuyển nơi công tác?

– Bạn mong muốn gì ở công việc này?

– Bạn thấy tương lai bạn ở công ty như thế nào?

Kết,

“Fail to prepare, is prepare to fail.”

Đề bài thì không thể biết trước, khó khăn thì thế nào cũng sẽ có. Thứ duy nhất chúng ta kiểm soát được, chính là sự chuẩn bị của bản thân. Chính vì vậy, trải nghiệm rồi trải nghiệm và trải nghiệm sẽ là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất đến một vị trí trong mơ trong một tập đoàn đa quốc gia.

Theo fanpage HRC

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

11,105 lượt xem