Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Ra Trường Mà Chả Có tí Kinh Nghiệm Gì, Phải Bắt Đầu Từ Đâu?

Học 4 năm đại học, ngoài mấy công việc gia sư và phục vụ bàn ở một số quán ăn, em thấy mình chẳng có kinh nghiệm làm việc gì thực tế hết, làm thế nào để viết vào CV hả anh?

Em tốt nghiệp được hơn 1 năm rồi, cũng có vài kinh nghiệm ở những vị trí khác nhau. Gần đây em bắt đầu định hình rõ hơn mình thích gì, hợp gì. Vấn đề là em chẳng biết phải bắt đầu từ đâu cả? Em có gửi hồ sơ đến hơn 20 công ty mà chẳng thấy phản hồi gì.

Bạn bè em ra trường đứa nào cũng có việc ổn định hết rồi, có mỗi em là vẫn đang loay hoay tìm kiếm, thành ra em hoang mang lắm. 

Ở trên là trích đoạn một vài câu hỏi mình nhận được qua email trong thời gian gần đây. Vấn đề chung của các bạn ở trên là các bạn đều không biết đi đâu về đâu trong công việc, cộng thêm với việc lo lắng khi thấy ai xung quanh mình cũng có việc ngon lành hết rồi. Thi thoảng có thời gian đọc mấy báo kiểu CafeBiz hay Kenh14 mình cũng hoang mang lắm, kiểu đem mấy tấm gương như ‘tỉ phú ở tuổi 20’, ‘kiếm được triệu $ ở tuổi 21’ so với bản thân, thấy bản thân mình thật ăn hại.

Vậy nên là nếu bạn đang so sánh bản thân mình với những đứa bằng hoặc nhỏ tuổi thành công hơn, đang tự ti vì điều đấy, hãy dành thời gian đọc về những người ‘già mới thành công. Ví dụ bảng dưới đây là những người thành công sau tuổi 30, vậy nên nếu bạn mới hơn 20 một tí mà đang lạc lối, đừng lo lắng quá.

Đừng tự ti và nhìn bản thân mình là một người không có kinh nghiệm. Nếu bạn là sinh viên năm 4, chắc chắn có kinh nghiệm hơn tụi năm nhất. Nếu bạn đã ra trường 1-2 năm, kiểu gì cũng phải có kinh nghiệm gì đó hơn đa số tụi sinh viên đang đi học chứ nhỉ?

Nếu bạn đang đi tìm việc mà vẫn chưa hiệu quả, cá nhân mình gợi ý bạn tập trung vào hai thứ sau.

ĐẦU TIÊN

Đầu tiên là tập trung phân tích lại tất tật các công việc và hoạt động bạn đã tham gia từ trước đến giờ. Mọi hoạt động và công việc nhé. Nếu bạn đi làm full-time rồi thì phân tích cái đó, tốt quá. Nếu chưa thì liệt kê các hoạt động trong câu lạc bộ ở trường. Nếu vẫn không có nữa hãy nghĩ đến các hoạt động ngoại khoá, tình nguyện. Rồi nghĩ đến các môn học, các cuộc đi chơi, tụ tập bạn bè làm một cái gì đấy. Tất tật những cái đó đều được coi là kinh nghiệm tuốt.

Ví dụ bạn liệt kê ra một công việc đã từng làm trong quá khứ, đấy là công việc gia sư dạy tiếng Anh đi chẳng hạn. Hãy tự đặt cho bản thân câu hỏi:

  • Công việc này giúp mình có kĩ năng gì? English là 1, Customer Service là 2, Time-Management là 3 chẳng hạn.
  • Mình thấy mình có gì hợp với kiểu công việc này, có gì chưa hợp? Ví dụ mình hợp vì được giúp đỡ người khác, chưa hợp lắm là phải làm việc tối khuya, mình không thích.
  • Bạn có gì thích và chưa thích ở môi trường làm việc này không? Ví dụ mình thích là phòng có điều hoà, chưa thích là dạy 1-1 nên bị chán.

Đó, sau khi trả lời được sơ sơ thì bạn sẽ có một cái nhìn cơ bản về những gì bạn đang tìm kiếm. Ví dụ từ những gì mình thích và học được từ công việc trên, mình sẽ tìm một công việc liên quan đến English hoặc Customer Service, có thể giúp đỡ được người khác, làm theo giờ hành chính, nơi làm việc mát mẻ là mình vui rồi.

Khi các bạn dành nhiều thời gian để phân tích các hoạt động, công việc khác hơn nữa thì tự nhiên sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về bản thân.

Một số bài các bạn có thể đọc để hiểu hơn về chủ đề tìm kiếm đam mê:

  • Thiếu tiền, thiếu tự tin, thiếu kĩ năng: Làm thế nào để theo đuổi được đam mê?
  • Em năm nay 21 tuổi, thích rất nhiều thứ nhưng chả biết mình nên làm gì. Em nên chọn cái nào để làm việc ạ?

CÁI THỨ HAI

Sau khi đã biết được mình thích gì, hợp gì, muốn gì rồi thì việc tiếp theo cũng không kém phần quan trọng đấy là phải làm thế nào để mình được công ty chú ý đến và tuyển mình vào làm. Trong cái mục tiêu này thì có 2 mục tiêu chính là: 1) Viết một bản CV thật xịn và 2) Tăng thêm số điện thoại trong danh bạ (xây dựng Networking ấy).

Một bản CV tốt là bản CV chỉnh chu, đẹp đẽ và đầy đủ thông tin. Tuy nhiên nếu muốn cái tờ giấy mình gửi nó được nổi bật và chú hơn so với 1000 tờ giấy khác trên bàn thì bạn lại phải dành thời gian sắp xếp lại thông tin và hình ảnh trên đó. Thiết kế như thế nào để vừa đọc, sáng tạo mà không bị lố bịch quá? Skills thì viết như thế nào cho hay? Còn ít kinh nghiệm thì ‘bôi’ ra như thế nào cho đỡ sơ sài. Mình có chia sẻ cụ thể ở một số bài này:

Cá nhân mình và nhiều người bạn của mình thì thường có được việc thông qua các mối quan hệ (Networking) hơn là cầm đơn đi rải khắp nơi. Như mình đã nói đi nói lại hàng vạn lần, chỉ có khoảng 20% công việc tốt được đăng tuyển online thôi, còn lại sẽ qua truyền miệng giới thiệu với nhau hết. Vậy nên bên cạnh việc nâng cấp CV lên cho nó xịn xịn, bạn cũng cần dành thời gian nâng cấp việc Networking và xây dựng các mối quan hệ bản thân cho nó xịn hơn.

Không nhất thiết là cứ phải tìm người đúng ngành đúng nghề để chơi đâu, chỉ cần tìm những người đã đi làm, sẵn sàng chia sẻ là được. Ví dụ mình học Truyền thông và Giáo dục, vậy có phải chỉ ai quan tâm đến Truyền thông, giáo dục thì mới nên Networking với mình không? Câu trả lời là không. Chẳng may bây giờ có một bạn kế toán làm quen với mình, đúng lúc đó mình cũng tính mở công ty đang tuyển kế toán chẳng hạn, vậy là bạn kia có cơ hội ngay.

 

Nói tóm lại là, đừng bao giờ nói rằng mình không có kinh nghiệm khi nói với nhà tuyển dụng. Thực tế ai cũng có kinh nghiệm cả, có người sớm người nhiều, có người hợp, chưa hợp với những gì nhà tuyển dụng yêu cầu mà thôi.

Theo anhtuanle.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,993 lượt xem