Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sơ Lược Lịch Sử Siêu Lạm Phát

Theo Investopedia - Hãy tưởng tượng bạn đang trong một chuyến đi du lịch. Vào buổi sáng, giá của một lon Coca tại cửa hàng tạp hóa đúng bằng 1 đô. Đến lúc chập tối, vẫn lon nước ngọt đó có giá là 3 đô. Điều này nghe thật phi lý nhỉ?

Trong thực tế, hầu như mọi người đều đã từng phải chứng kiến hậu quả của lạm phát, hay nói cách khác những điều xảy ra khi giá của hàng hoá, dịch vụ gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, rất ít người từng kinh qua siêu lạm phát (hyperinflation), thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng giá cả leo thang với tốc độ chóng mặt.

Những chồng tiền được chất đầy bên trong ngân hàng Berlin năm 1922 - hệ quả của việc in thêm tiền của chính phủ.

Định nghĩa Siêu lạm phát

Không có một định nghĩa chính xác cho tỷ lệ siêu lạm phát nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều đồng tình rằng siêu lạm phát xảy ra khi tỷ lệ lạm phát hàng tháng vượt quá 50%, hoặc khi giá hàng hóa tăng gấp đôi chỉ trong vòng một tháng. Chúng ta có thể tưởng tượng ra thiệt hại nghiêm trọng về tài chính mà siêu lạm phát gây ra cho một quốc gia.

Khoản tiết kiệm cả đời của bạn có thể mất trắng chỉ trong vài ngày và khiến chẳng ai còn động lực để làm việc. Và nếu lạm phát kéo dài, người dân có thể đứng lên chống lại chính phủ, nổi loạn, hoặc trong một số trường hợp, gây ra chiến tranh với các nước láng giềng.

Siêu lạm phát ở Đức

Vụ siêu lạm phát nổi tiếng nhất diễn ra ở Đức vào đầu những năm 1920. Chỉ một thập kỷ trước đó, Đức là một trong những bên tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Để chi trả cho chiến tranh, Đức đã mắc vào nợ nần khi phát hành trái phiếu và in tiền. Đức đã lên kế hoạch sẽ buộc kẻ thù đầu hàng phải trả hết nợ cho mình sau khi chiến thắng.

Đầu hàng quân sự, thiệt hại kinh tế

Tuy nhiên, trái lại với dự tính, sau khi đầu hàng, Đức đã buộc phải ký Hiệp ước Versailles. Theo hiệp ước này, Đức phải bồi thường cho các nước Đồng minh và chứng kiến nhiều phần lãnh thổ rộng lớn của mình bị chia cắt. Nhiều người cho rằng việc trừng phạt Đức theo cách đó sẽ ngăn chặn Đức dấn thân vào các cuộc tấn công trong tương lai. 

Tuy nhiên, hiệp ước này cũng gặp phải những ý kiến phản đối. Nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn John Maynard Keynes, người đại diện của Bộ tài chính Anh, đã từ chức khỏi Hội nghị đưa ra các điều khoản trong hiệp ước. Keynes đã cảnh báo rằng hiệp ước này sẽ gây tổn thất hết sức nặng nề cho nền kinh tế Đức và kết cục sẽ chỉ là một cuộc chiến tranh thế giới khác mà thôi.

Tình hình càng trở nên tồi tệ

Vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh, đồng mark của Đức đã giảm 50% so với đồng đô la Mỹ. Thâm hụt của Đức trong thời kỳ này vô cùng khủng khiếp, bằng khoảng một nửa GDP của Anh. Do đó, giá trị của đồng mark tiếp tục giảm. Tệ hơn, vào mùa đông năm 1922 và 1923, Đức đã buộc phải tuyên bố mất khả năng thanh toán những khoản đền bù.

Kết quả là Pháp và Bỉ nắm quyền kiểm soát Ruhr, một nhà máy điện của Đức. Công nhân Đức, dưới sự  xúi giục của chính phủ, đã tiến hành đình công. Để hỗ trợ những người đình công, chính phủ tiếp tục in thêm tiền. Điều này đã đẩy nền kinh tế Đức đến bờ vực sụp đổ.

Tàn cuộc

Một người đàn ông chở tiền bằng xe cút kít trong thời kỳ siêu lạm phát ở Đức.

Giá hàng hoá ngay lập tức tăng vọt, thất nghiệp cũng theo đó gia tăng. Có đầy rẫy những câu chuyện không tưởng về siêu lạm phát: giá của tách cà phê tăng lên gấp đôi ngay sau khi bạn ăn xong, công nhân được trả lương hàng ngày để mua bất cứ hàng hoá gì khi còn có thể, và hình ảnh nổi tiếng những đàn ông chở tiền bằng xe cút kít sớm trở nên phổ biến.

Cuối cùng, Bộ tài chính Đức đã phải in ra 1 tỷ mark, và chúng cũng nhanh chóng mất giá. Các bang và thành phố tạo ra các loại tiền tệ riêng để tránh dùng đồng mark. Như vậy, đồng mark về cơ bản đã mất hết giá trị.

Lời cảnh báo của Keynes đã đúng

Giá cả không ổn định cho đến khi Hjalmar Schacht, thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, đưa ra ý tưởng về một đồng tiền mới. Nó sẽ được đảm bảo bằng giá trị các tài sản của quốc gia và lấy tên là Rentenmark. 

Tuy nhiên, với những thiệt hại đã xảy ra, hàng triệu người đã mất khoản tiền tiết kiệm tích lũy cả đời của họ, họ không còn niềm tin dành cho các nhà lãnh đạo nước này. Năm 1923, đảng Quốc xã đã cố gắng thực hiện một cuộc đảo chính nhưng không thành công. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử sau đó, họ cùng với các đảng phái cực đoan khác, đã giành được một chỗ đứng trong cơ quan lập pháp của Đức. Người tù có tên Adolf Hitler bắt đầu viết "Mein Kampf", trong đó chủ yếu đổ lỗi cho người Do Thái và những chủng tộc khác đã gây ra bi kịch siêu lạm phát. Không lâu sau đó, những cảnh báo của Keynes được chứng minh là đúng.

Siêu lạm phát Hungray

Thật không may, Đức không phải là quốc gia duy nhất chịu ảnh hưởng của siêu lạm phát. Sau Thế chiến II, Hungary phải trải qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử khi mất khả năng kiểm soát tiền tệ. Trong suốt 12 tháng từ năm 1945 và 1946, giá cả tăng trung bình 19% mỗi ngày. Trong tháng Bảy, ở giai đoạn cuối của sự khủng hoảng này, giá cả tại Hungary tăng gấp ba lần mỗi ngày.

Siêu lạm phát định kỳ ở Argentina

Siêu lạm phát không phải chỉ là những tàn tích của quá khứ. Ví dụ, Argentina đã chiến đấu chống lại siêu lạm phát định kỳ trong suốt 30 năm qua, giá tăng 1.000% từ 1975 đến 1983, và vào cuối thập kỷ 80, giá tăng 200% mỗi tháng. Sau khi Argentina tuyên bố vỡ nợ vào đầu những năm 2000, lạm phát lại một lần nữa đạt tới đỉnh một cách bất hợp lý. 

Siêu lạm phát tại Nam Tư

Nam Tư cũ, hiện đã được tách thành một vài quốc gia nhỏ hơn, đã phải chịu đựng cuộc siêu lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử mà thế giới từng chứng kiến. 

Theo một số chuyên gia, hiện tượng này bắt đầu vào năm 1991, khi cựu Tổng thống Slobodan Milosevic ra lệnh cho ngân hàng trung ương cung cấp khoản tín dụng trị giá hơn 1 tỷ USD cho các đồng minh chính trị của ông. Khoản tiền này bằng khoảng một nửa số tiền được dự kiến in ra trong năm đó. Điều này đã mở đầu cho quá trình in tiền tràn lan, và nhanh chóng dẫn tới hậu quả giá cả leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Nguồn cung thực phẩm và nhiên liệu trở nên khan hiêm. Vào tháng Giêng năm 1994, tỷ lệ lạm phát hàng tháng là 313.000.000%. Người ta đứng hàng dài tại chợ đen để đổi cả bọc đồng tiền dinar Nam Tư lấy một đồng đô la.

Siêu lạm phát trong thế kỷ mới

Tờ tiền mệnh giá 100 nghìn tỷ đô la Zimbabwe.

Siêu lạm phát lại một lần nữa trở thành vấn đề nóng hổi trong thập kỷ vừa qua, lần này là ở quốc gia châu Phi Zimbabwe. Khi lạm phát đỉnh điểm, người ta ước tính rằng, cứ sau mỗi 24 giờ, giá hàng hóa lại tăng gấp đôi. Trong năm 2008, 50 tỷ đô la Zimbabwe chỉ mua đươc hai bánh xà phòng. Ba ngày sau, số tiền đó chỉ đủ để mua một bánh. Vào đầu tháng giêng năm 2009, chính phủ đã ban hành một tờ tiền mệnh giá 100 nghìn tỷ đô la Zimbabwe, nhưng giá trị chỉ tương đương với 20 bảng Anh.

Thế mà trong lịch sử, đã từng có thời điểm hai đồng tiền này có giá trị tương đương nhau. Chính phủ Zimbabwe đã nhận tiền từ một nhà máy in có trụ sở tại Đức. Tuy nhiên, máy in cuối cùng đã ngừng in tiền Zimbabwe do áp lực quốc tế buộc phải thay đổi một cách quyết liết trong thể chế chính trị.

Hầu như mọi công dân tại quốc gia này tin rằng đồng nội tệ không còn bất kỳ giá trị gì và họ thường giao dịch bằng đô la Mỹ. Hành vi này được coi là phi pháp và có thể khiến họ phải ngồi tù. Cuối cùng, chính phủ hoàn toàn xóa bỏ đồng nội tệ và cho phép giao dịch bằng ngoại tệ. Quyết định này có hiệu lực vào tháng 3 năm 2009 và đã là một quyết định đúng đắn cho Zimbabwe.

Lời kết

Siêu lạm phát không chỉ là vấn đề trong quá khứ. Đó là một nguy cơ rất thực tế mà các quốc gia và các chính phủ vẫn phải tiếp tục đấu tranh trong hiện tại. Thế nên, lần sau, hãy cầu nguyện mỗi khi bạn cầm hóa đơn thanh toán tại một nhà hàng. Bởi lẽ trong lịch sử, đã có lúc giá vào cuối một bữa ăn gần gấp đôi giá lúc bắt đầu.

Theo saga.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

643 lượt xem