Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Startup Cần Làm Gì Để Vươn Ra Biển Lớn?

Thông điệp về chìa khóa thành công khi khởi nghiệp mà ông Saul Singer, đồng tác giả cuốn sách "Quốc gia Khởi nghiệp - Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel" cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đưa ra chính là xây dựng được đội ngũ đồng hành, nhưng phải sáng tạo và bản lĩnh để sải bước vươn ra biển lớn.

Startup đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, góp phần đưa nền kinh tế đất nước vươn tầm thế giới. Ông Saul cho rằng, các bạn trẻ startup phải có suy nghĩ lớn, có ý tưởng mang tính toàn cầu, tiềm năng phát triển trên toàn thế giới và phát triển nhanh.

"Khởi nghiệp là vấn đề khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, chúng ta phải biết chấp nhận những rủi ro, học hỏi từ thất bại để thành công. Cách tốt nhất để có kinh nghiệm khởi nghiệp là bạn hãy làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp khác", ông Saul Singer chia sẻ.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng quy trình làm việc tại các startup là rất khác nhau, nên không thể nào học hỏi và áp dụng chung một quy trình của các doanh nghiệp ấy mà phải có sự sáng tạo.

Chia sẻ về kinh nghiệm tạo sức bật khi khởi nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đặc biệt chú trọng đến tầm nhìn và khát vọng chinh phục toàn cầu.

CEO của Viettel khẳng định, mô hình chỉ là công cụ, điều quan trọng là tầm nhìn. Lấy ví dụ từ câu chuyện Viettel đầu tư rất mạnh vào khu vực nông thôn khi mới bắt đầu đầu tư vào dịch vụ di động, ông cho biết tiền mặt khi ấy có chỉ đủ để xây trạm ở 3 thành phố. Các doanh nghiệp đã kinh doanh trước đó cũng đi theo con đường đầu tư ở các thành phố lớn trước rồi mới mở rộng dần ra. Còn Viettel thì quyết tâm đầu tư rộng, "lấy nông thôn bao vây thành thị". Mô hình ban đầu là thu phí thấp để lấy được khách hàng và độ phủ thị trường.

"Đấy là một quyết định có thể nói là khủng khiếp, nhất là với một doanh nghiệp vốn liếng chỉ có 15 triệu đôla nhưng đã dám đầu tư 1 tỷ đôla vào vùng nông thôn", ông Hùng giải thích cho lý do vì sao Viettel chọn hướng đầu tư "ngược", và sau đó đã thành công rực rỡ khi chiếm trọn phân khúc nông thôn.

Không chỉ dẫn đầu thị trường viễn thông trong nước, những năm qua Viettel tiếp tục gia tăng sức mạnh khi vươn ra thị trường nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á, châu Phi...

"Chúng ta nghĩ rằng, việc đi ra nước ngoài có vẻ khó khăn, to tát, nhưng thực ra, nếu chúng ta có một sản phẩm xuất sắc, thì sẽ đi ra được toàn cầu. Thế giới trước kia đóng, chúng ta chỉ sản xuất để bán trong nước mình thôi, bởi vậy, sản phẩm có thể chưa cần tốt lắm. Nhưng bây giờ, tốt cũng không cạnh tranh được mà phải là xuất sắc, phải là duy nhất", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh để có sản phẩm xuất sắc, điều quan trọng là tự mình phải làm. Ông cho biết rất thích câu chuyện của Facebook, ban đầu đó chỉ là mạng xã hội để phục vụ những người viết ra nó.

"Khi chúng ta làm cho chính chúng ta thì mình sẽ khó tính, khi chúng ta làm hài lòng chính chúng ta thì sản phẩm là xuất sắc", ông nói và cho biết thường các startup hay nghĩ rằng, chỉ có công ty lớn, nhiều tiền thì mới đi ra nước ngoài được. Nhưng thực ra, công ty lớn thì có điểm yếu chết người là to, xoay xở khó khăn. Có hòn đá to thì phải có hòn đá nhỏ lấp vào các khe nhỏ. Và còn rất nhiều chỗ cần những hòn đá nhỏ như vậy. Nhưng nhỏ mà đi ra được toàn cầu là lớn.

 

Các chuyên gia cho rằng, một mình khó có thể khởi nghiệp thành công, mà chìa khoá là cần xây dựng một đội ngũ đồng hành, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh khác biệt.

Ông dẫn chứng, ngành viễn thông, trước đây, cả thế giới chỉ có 6 công ty sản xuất thiết bị viễn thông thôi. Nhưng bây giờ nhiều công ty to ấy đã chết hoặc là bị mua lại, và có hàng nghìn công ty nhỏ, doanh số khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Trong 30 công ty đầu tư quốc tế thì Viettel từ một nước nghèo nhất nhưng vì thế mà kinh doanh ở những thị trường có doanh thu trung bình trên 1 thuê bao (ARPU) thấp thì Viettel vẫn có lãi.

"Người Việt Nam đã quen với vất vả và rất giỏi xoay sở nên khi đưa người sang, một mình quản lý một huyện rộng hơn cả một tỉnh ở Việt Nam, tiếng không biết, không có mối quan hệ nào, tự phải thuê nhà ở, tự tìm cách thuê người làm và chỉ sau 6 tháng là có thể nói được tiếng địa phương và điều hành 40 người sở tại. Trong khi đó, các công ty to thì họ chỉ ở thành phố và phải thuê khách sạn để ở. Chính vì thế, các công ty to chỉ đưa được 5 người sang, còn Viettel thì có thể đưa được hàng trăm người sang, vừa điều hành, quản lý vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai công việc", Tổng giám đốc Viettel bật mí.

Ông Nguyễn Đức Tài - một trong những người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động cũng cho biết, khi mới bắt tay vào khởi nghiệp, ông đã may mắn có được những "người đồng hành". Nhờ đó, ông đã xây dựng được một đội ngũ mạnh, từng bước đưa Thế Giới Di Động từ một cửa hàng di động nhỏ trở thành một trong những nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam và mở rộng thị phần ra nước ngoài.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ cũng cho rằng, việc tìm được những người đồng hành tốt, xây dựng được đội ngũ tập thể vững mạnh là nền tảng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo bà Dung, để đưa một doanh nghiệp đến thành công thì không ai là không nếm trải những thất bại. Nhưng cái quan trọng là dám đối mặt với thất bại và không được buông xuôi mà phải quyết tâm đi tiếp con đường đã chọn để đến thành công.

Nhưng để làm sao vượt qua thất bại là câu hỏi lớn với các startup. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, nguyên Chủ tịch Mỹ Lan Group và là người khởi nghiệp lần thứ ba ở tuổi 60 với Công ty Rynan, đã đưa ra những yếu tố căn cơ để giúp các bạn trẻ ít thất bại hơn.

Trước hết theo ông, các startup phải đảm bảo 4 chữ có: Có sức khoẻ tốt và sức hấp dẫn, có những thói quen tốt (như đúng giờ), có tâm tốt và có nhiều tài. Kế tiếp là biết xác định 4 chữ cần: cần thì giờ, cần kiến thức (phải làm sao chiêu mộ được người tài về cùng làm chung với mình), cần kinh nghiệm và cần tiền.

Sau đó, các startup phải thực hiện được 4 chữ làm: Làm đúng cái đang bị sai; làm hoàn hảo cái đang tốt; làm để có cái chưa có và làm một dấu ấn tốt để lại cho đời sau. Cuối cùng là đáp ứng được 4 chữ biết: Biết đối tượng (khách hàng); biết giá trị tạo ra (sản phẩm); biết truyền đạt (tiếp thị) và biết đổi lấy giá trị (bán hàng).

Theo startup.vnexpress.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,342 lượt xem