Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sự Hoang Mang Của Người Học Truyền Thông

Bài viết được chia sẻ trên Facebook có tên "Sự hoang mang của người học truyền thông (và một tí tẹo trấn an)" của bạn du học sinh với tên Duong Minh Anh Do gần đây đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ sinh viên trong và ngoài nước đang theo học ngành này. Hãy cùng xem Minh Anh nói gì về Truyền thông nhé !

 

"Mình đang học Communication and Media Studies ở Úc (nôm na là Nghiên cứu Truyền thông). Do đặc thù ngành, nội dung các lecture (bài giảng) thường xuyên được cập nhật xoay quanh các sự kiện mới nhất trên thế giới, và được truyền tải chủ yếu dưới dạng các case studies (nghiên cứu tình huống). Cụ thể là lý thuyết sẽ chỉ chiếm khoảng 20–30%, nằm ở ngay đầu lecture. Toàn bộ phần còn lại của buổi học (và các buổi thảo luận nhóm nhỏ 20–25 người) dùng để áp dụng những khái niệm và quy luật mới học vào phân tích các sự kiện, từ đó kết luận về độ chính xác và các ngoại lệ.

  1. Có một lần kỳ trước, cậu bạn thân mình (học tự nhiên) vào ngồi cùng một lecture môn Media, Art, and Society (tạm dịch: Truyền thông, Nghệ thuật, và Xã hội), về vấn đề Dân chủ (Democracy) (Chú thích: lecture thường rất đông và không có điểm danh nên ai vào nghe cũng được hết). Đến phần case study, mình quay sang nói chuyện một chút và nhận ra cậu bạn cũng biết tất cả những thứ đang được nói đến trong bài học (trong khi ngược lại thì mình thử ngồi lecture Sinh Hóa cùng cậu ấy và chẳng hiểu gì sất). Từ sau hôm đó, mình mới để ý hơn và thấy là tất cả mọi người bất kể ngành học đều có thể thảo luận về tất cả những thứ mình được học trong tất cả các môn.
  2. Cũng trong các tutorial (tạm dịch: giờ học có hướng dẫn, với ngành của mình thường là các buổi thảo luận) của Media, Art, and Society, thảo luận và tranh biện cùng các bạn người bản xứ (mình là sinh viên quốc tế duy nhất trong nhóm tutorial đó) cả tiếng đồng hồ dưới sự hướng dẫn của giáo viên, mình thấy ngợp trước số lượng các cách tiếp cận cùng một vấn đề, đúng thật là chín người mười ý. Giáo viên không bao giờ nói rằng ai đó đúng hay sai, chỉ nhận xét là “góc nhìn của bạn thú vị đấy”, “cách hiểu của bạn rất lạ. nhưng bạn cũng nên thử nghĩ đơn giản hơn một chút xem”, vv. Và đến một thời điểm, mình rất sợ lên tiếng vì cảm thấy mình chưa hiểu “đúng” vấn đề hay ý kiến của mình không đủ thuyết phục. Thậm chí, ngay khi mình vừa có một suy nghĩ thoáng qua và định mở lời thì có một bạn học đưa ra một luận điểm trái ngược hoàn toàn, và đương nhiên là mình im re.

Và mình hoang mang kinh khủng, vậy thì mình học tất cả những thứ này để làm gì khi mà mình còn không có nổi một lập trường vững vàng? Hay sự thật là mình đang không học được gì mới mẻ cả?

Suy nghĩ (khá là bi quan) ấy luẩn quẩn trong đầu mình vài tháng, mình không nghĩ cho thấu đáo được, mà cũng không nói với ai. Có những thời điểm mình thậm chí muốn đổi ngành (bồng bột thiệt), hoặc thấy mình kém cỏi vì đến những kiến thức xã hội mà ai cũng biết mà còn phải học để hiểu mà học xong thậm chí còn không bình luận nổi gì, và nhất là cảm giác cực kỳ mất phương hướng khi mà không thể định hình được chính xác một hệ thống kiến thức mình đang có.

Các môn học của mình hầu như không có sách giáo khoa. Mình có tự hệ thống lại những lý thuyết Truyền thông có nhắc tới trong các giờ học, nhưng luôn cảm thấy quá ít. Trong khi đó, đọc qua một vài quyển sách tự nhiên của bạn mình (những quyển mang tính tổng hợp VD Biochemistry) thì đều rất bài bản và có một phạm vi kiến thức chung nhất định, rộng và chi tiết, trong các sách của tác giả khác nhau (cùng nói đến một vấn đề).

 

Cho đến một ngày, mình skype với đứa bạn thân ở nhà, có nhắc đến chuyện nó học Kinh tế và cảm thấy có những môn học rất “vô định”. Hai đứa huyên thuyên trấn an nhau một hồi thì đột nhiên mình có một giây phút rất là “A, ra là thế!”

Minh họa một cách đơn giản, thì học Truyền thông (và các môn khoa học xã hội nói chung) khá là giống học Văn thời phổ thông. Chúng mình sẽ được học kiến thức Lý luận Văn học, nhưng tỷ lệ lý thuyết so với cảm thụ (đúng hơn là áp dụng lý thuyết thuần túy vào cảm thụ) là rất nhỏ. Tất nhiên, nó cũng đúng với môn tự nhiên, khi chúng mình phải hiểu và dùng công thức để giải bài tập, nhưng giữa hai nhóm môn có hai điểm khác biệt quan trọng, phần nào giải thích được cho lý do mình cảm thấy hai điều đã nói ở đầu bài viết.

  1. Để giải được một bài Toán hay Lý, chúng mình phải hiểu được các quy tắc và công thức, áp dụng đúng chỗ. Nếu ôn bài, đi thi sẽ làm được, dù điểm có thể không cao; nếu không học một chữ nào, thì không thể làm được một câu nào hết. Còn Văn, đến kể cả không học gì, vẫn có thể viết ra được ít nhất là cách mình hiểu tác phẩm (điều kiện cần là bạn biết đọc hiểu tiếng Việt). Tức là hầu như ai cũng có thể làm một bài tập Văn được. Thế nhưng để học giỏi Văn lại không dễ. Nhắc đến một tác phẩm nổi tiếng, chẳng hạn Chí Phèo, có thể ai cũng biết tác giả là Nam Cao và truyện nói về những gì, nhưng phải là người có kiến thức sâu về Lý luận Văn học mới có thể phân tích rõ ràng ra tại sao câu chuyện lại hay, tại sao ở đoạn này tác giả dùng hình ảnh này, câu từ này, tác phẩm phản ánh vấn đề xã hội như thế nào và tiêu biểu đến mức nào.Khi học Truyền thông, có thể chúng mình sẽ thấy hoang mang khi thứ mình biết thì ai cũng biết, nhưng đấy chỉ là khi chuyện phiếm hoặc không nói sâu vào vấn đề. Còn một khi đi sâu phân tích một sự kiện/hiện tượng, chắc chắn bạn sẽ thấy, à, hóa ra mình có thể nhìn nó theo rất nhiều khía cạnh mà người không học sẽ không biết, và mình hiểu được bề sâu của câu chuyện — chẳng hạn vì sao giới báo chí lại chọn tô đậm những chi tiết nhất định, tại sao lại xuất bản câu chuyện vào thời điểm ấy, những lý thuyết Truyền thông hay Văn hóa nào áp dụng được để giải thích cho sự kiện và cách công chúng đón nhận vấn đề, vv. Đó chính là lý do người học Truyền thông sẽ có chỗ đứng: các câu chuyện luôn cần được hiểu tận gốc rễ ngọn nguồn.
  2. Có thể có nhiều cách giải dẫn đến đáp án đúng cho một bài toán, nhưng rốt cục hầu hết đều có đáp án đúng và sai. Nhưng trong Văn học, tùy vào những giá trị và trải nghiệm của mỗi người mà sẽ có những cách hiểu khác nhau, không có cách hiểu đúng hay sai vì không ai có thể có cuộc sống đủ giống với một người khác để mà đánh giá cảm nhận của họ. Thảo luận về các vấn đề trong Truyền thông và khoa học xã hội nói chung cũng vậy, mà khi không có đúng và sai như thế, hoang mang là cảm giác tất yếu, nhưng rồi chúng mình sẽ vượt qua được thôi. Vì quan trọng không phải là bạn đúng hay sai nữa, mà là có một quan điểm và dũng cảm bảo vệ nó một cách kiên định, nhưng cũng đủ linh hoạt và open-minded để chấp nhận luôn có những quan điểm khác, thậm chí là trái chiều.

 

Tóm lại, viết dài vậy, một phần là vì ngứa ngáy lâu không viết (sợ quên tiếng Việt :)), mình đang kẹt ở giai đoạn tư duy bằng tiếng Anh hẳn cũng không xong mà thuần tiếng Việt cũng bí), cũng là vì mình muốn kể lại một trải nghiệm song song với việc tiếp nhận kiến thức trong mấy kỳ học vừa rồi, để lâu lâu sau đọc lại, chiêm nghiệm xem mình học được những gì vượt ngoài sách vở trường lớp.

Và nhất là nhỡ có ai đang chung nỗi hoang mang, thì mình mong sẽ giúp được mọi người chút chút. Không dám nói là phần lớn, những mình chắc khá nhiều trong số chúng mình, những người học Truyền thông và các ngành khoa học xã hội (hay chỉ đơn thuần đang học một môn tự chọn nào đó thuộc lĩnh vực khoa học xã hội) cảm thấy mất phương hướng giữa cả một vũ trụ khổng lồ toàn kiến thức thay đổi cập nhật liên tục, và tự hỏi mình nắm được bao nhiêu phần trong số đấy, mình có đang học được gì thêm, có đang mãi dậm chân ở một chỗ không.

Chúng mình cứ bình tĩnh nhé, vì thực ra mình thu được nhiều thứ lắm — những thứ không đo được bằng sách vở hay điểm số và rất cần cho nghề nghiệp, chỉ là không phải lúc nào hoàn cảnh cũng thuận lợi để mình ngộ ra chân lý ấy thôi.

Ui còn mình thì vẫn hay hoang mang lắm, Nhưng mà cứ hoang mang đi, để còn hiểu thấu đáo vấn đề rồi lại cho đời thêm một tỷ bài viết dài như sớ thế này này. Càng học, mới càng thấy đúng là

..suy nghĩ vốn là như thế. Không ai có thể suy nghĩ thấu đáo ngay từ đầu. Ngay cả khi [ta] tưởng mọi chuyện đã thấu đáo rồi, thì […] vẫn có thứ còn thiếu. Và [ta] sẽ tiếp tục suy nghĩ về thứ còn thiếu đó. Cuối cùng, suy nghĩ sẽ đem đến cho [ta] những cảm giác thật, vậy thôi. — Katayama Kyoichi."

Theo Duong Minh Anh Do

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

293 lượt xem