Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tại Sao Chúng Ta Nên Ngừng Nói “Tôi Hiểu Rõ Bạn Cảm Thấy Thế Nào”

Bài viết sau được dịch từ chia sẻ trên ideas.ted.com của phát thanh viên và nhà văn Cleste Headlee.

Bạn không hiểu! Và bạn cũng đang làm lạc hướng sự chú ý khỏi một người đang cần được lắng nghe. Sau đây là cách để trở thành một người bạn tâm sự tinh tế hơn, theo phát thanh viên và nhà văn Cleste Headlee.

Một người bạn tốt của tôi đã mất đi cha của mình vài năm trước. Tôi đã thấy cô ấy ngồi một mình ngoài văn phòng, nhìn thẫn thờ về phía đường chân trời. Cô ấy đang hoàn toàn buồn khổ, và tôi không biết phải nói gì với cô ấy. Thật dễ để nói ra điều gì đó không đúng với một người đang đau buồn và tổn thương.

Vậy là tôi bắt đầu nói về việc mình đã lớn lên mà không có cha bên cạnh. Tôi kể với cô ấy rằng cha tôi đã qua đời do một vụ chìm tàu ngầm khi tôi mới chín tháng tuổi, và tôi luôn đau buồn vì sự ra đi của ông dù tôi chẳng hề biết mặt ông. Tôi muốn cô ấy hiểu rằng cô không cô đơn, rằng tôi cũng đã trải qua chuyện tương tự nên tôi có thể hiểu được cô ấy đang cảm thấy như thế nào.

Nhưng sau khi tôi kể xong, bạn tôi ngắt lời,” Được rồi Celeste, cậu thắng rồi đó! Cậu còn không có cha, còn tớ có ít nhất là 30 năm được ở bên cha. Hoàn cảnh của cậu còn tệ hơn tớ. Vậy tớ đoán là mình không nên thấy buồn vì cha mình mới mất”

Tôi sững người và thấy xấu hổ. “Không, không, không”, tôi nói, “đó không phải điều tớ muốn. Tớ chỉ muốn nói là tớ hiểu cậu cảm thấy thế nào.”

Và cô ấy đáp, “Không Celeste, cậu không hiểu. Cậu chẳng hiểu tớ đang cảm thấy thế nào.”

“Thường xuyên xảy ra một cách tế nhị và vô thức, sự tự kiêu trong khi đối thoại thể hiện mong muốn được nói nhiều hơn và hướng sự chú ý trong cuộc trao đổi về phía bản thân mình.”

Cô ấy bỏ đi còn tôi đứng đó như một kẻ tồi tệ. Tôi đã muốn an ủi cô ấy, nhưng thay vào đó, tôi lại làm cô ấy thấy tệ hơn. Khi cô ấy bắt đầu chia sẻ những cảm xúc mãnh liệt của mình, tôi thấy không thoải mái, vì vậy tôi chuyển hướng sang chủ đề mà tôi thấy thoải mái hơn: về bản thân tôi. Cô ấy muốn nói về cha mình, muốn kể cho tôi nghe ông ấy là người như thế nào. Cô ấy muốn chia sẻ những kỷ niệm hạnh phúc của mình. Nhưng thay vào đó, tôi lại bắt cô ấy phải nghe câu chuyện của mình.

Kể từ ngày đó trở đi, tôi bắt đầu để ý cách mình thường xuyên đáp lại những câu chuyện về sự mất mát hoặc khó khăn của người khác bằng cách kể về trải nghiệm của mình. Khi con trai tôi kể về việc nó đánh nhau với một cậu bé trong hội hướng đạo sinh, thì tôi sẽ nói về chuyện tôi đã cãi nhau với một cô bạn thời đại học. Khi một đồng nghiệp bị sa thải thì tôi nói với cô ấy về những khó khăn tôi gặp phải khi tìm việc sau khi bị cho thôi việc nhiều năm trước. Nhưng khi tôi chú ý hơn, tôi nhận ra rằng việc chia sẻ những trải nghiệm của mình không bao giờ gây được tác dụng như tôi mong muốn. Điều mà tất cả mọi người cần là sự lắng nghe và nhận thức của tôi về những điều họ đang trải qua. Nhưng thay vào đó, tôi lại bắt họ phải lắng nghe mình.

Nhà xã hội học Charles Derber mô tả khuynh hướng này là “sự tự kiêu khi nói chuyện”. Thường xuyên xảy ra một cách tế nhị và vô thức, sự tự kiêu trong khi đối thoại thể hiện mong muốn được nói nhiều hơn và hướng sự chú ý trong cuộc trao đổi về phía bản thân mình. Derber viết “đây là biểu hiện chính của tâm lý thích được chú ý phổ biến tại Mỹ.”

Ông mô tả hai dạng phản ứng trong các cuộc hội thoại: dạng “đổi hướng” và dạng “hưởng ứng”. Dạng thứ nhất “đổi hướng” sự chú ý về phía bản thân bạn, còn dạng thứ hai “hưởng ứng” ý kiến của người còn lại.

Ví dụ 1:

Kiểu đổi hướng

Mary: Tớ đang bận quá.

Tim: Ừ, tớ cũng vậy. Tớ đang hoàn toàn quá tải đây.

Kiểu hưởng ứng:

Mary: Tớ đang bận quá

Tim: Sao thế? Cậu phải làm gì?

Ví dụ 2:

Kiểu đổi hướng:

Karen: Tớ cần một đôi giày mới.

Mark: Tớ cũng thế. Đôi này của tớ rách quá rồi.

Kiểu hưởng ứng:

Karen: Tớ cần một đôi giày mới.

Mark: Thế à, cậu thích kiểu nào?

Kiểu đổi hướng là dấu hiệu của sự tự kiêu khi trò chuyện – chúng giúp bạn chuyển hướng chú ý liên tục về phía bản thân bạn. Nhưng một lời đáp lại hưởng ứng sẽ khuyến khích người còn lại tiếp tục câu chuyện của họ. Nó cho họ biết rằng bạn đang lắng nghe và hứng thú muốn nghe nhiều hơn.

“Ta có thể che đậy một cách xảo trá nỗ lực đổi hướng sự chú ý – ta có thể mở đầu bằng một lời động viên và tiếp đó là những ý kiến về bản thân mình.”

Trò bắt bóng thường được dùng để ẩn dụ cho một cuộc trò chuyện. Trong một trò chơi thật, bạn buộc phải đổi vai. Nhưng khi trò chuyện, ta thường tìm cách để không cho người khác đến lượt. Đôi khi, ta dùng những cách thụ động để tinh tế nắm lấy quyền chủ động.

Trò kéo co đề giành sự chú ý này thường không dễ theo dõi. Ta có thể che đậy một cách xảo trá nỗ lực đổi hướng sự chú ý – ta có thể mở đầu bằng một lời động viên và tiếp đó là những ý kiến về bản thân mình. Ví dụ, nếu một người bạn nói với ta rằng họ mới được thăng chức, ta sẽ trả lời rằng, “Tuyệt quá! Chúc mừng cậu. Tớ cũng sẽ đề nghị sếp cho tớ được thăng chức. Mong là tớ cũng sẽ được như vậy.”

Đáp lời như vậy có thể coi là ổn, miễn là ta cho phép sự chú ý được trả về cho người còn lại. Tuy vậy, sự cân bằng lành mạnh sẽ mất đi nếu ta cứ liên tục hướng sự chú ý về phía mình.

Mặc dù việc có qua có lại là một phần quan trọng trong bất cứ cuộc nói chuyện giàu ý nghĩa nào, sự thật là việc đổi hướng sự chú ý  về bản thân ta hoàn toàn tự nhiên. Con người có bản năng nói về bản thân mình nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng “phần lớn thời gian giao tiếp được dùng để nói về trải nghiệm cảm xúc hoặc mối quan hệ của chính người nói, hoặc của những người không có mặt”

Vùng thùy não, một phần nằm sâu bên trong vỏ não, nhận thông tin mà người khác nói với chúng ta để tìm kiếm một trải nghiệm tương tự trong ngân hàng bộ nhớ nhằm hình dung ra hoàn cảnh cho thông tin ấy. Nó giúp chúng ta hiểu được thứ mình thấy được và nghe được. Một cách vô thức, chúng ta tìm kiếm những trải nghiệm tương tự và thêm chúng vào những việc đang xảy ra trong hiện tại, sau đó gửi toàn bộ thông tin đến vùng não giữa. Đây là lúc rắc rối xảy ra – thay vì giúp chúng ta hiểu rõ hơn trải nghiệm của người khác, thì những trải nghiệm của chính chúng ta có thể làm biến dạng nhận thức của ta về điều mà người khác đang nói đến hoặc đang trải qua.

“Bạn càng thoải mái bao nhiêu, thì càng khó để đồng cảm với nỗi khổ của người khác.”

Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu về khoa học Não bộ và Hành vi con người Max Planck đã chỉ ra rằng lòng tự trọng của chúng ta làm méo mó cảm nhận của chúng ta về sự đồng cảm. Khi những người tham gia xem một video về dòi bọ, họ có thể hiểu sự khó chịu của những người khác khi cũng xem video đó. Nhưng nếu một người được cho xem ảnh của những chú cún con trong khi những người khác phải xem video về dòi bọ, thì người đó tỏ ra xem nhẹ phản ứng khó chịu của những người còn lại.

Tác giả nghiên cứu -tiến sĩ Tania Singer – đã quan sát thấy , “Những người đang cảm thấy tốt sẽ đánh giá trải nghiệm tiêu cực của người khác ít nghiêm trọng hơn so với thực tế. Ngược lại, những người vừa trải qua một trải nghiệm không dễ chịu thì đánh giá trải nghiệm tốt của người khác một cách ít tích cực hơn.” Nói cách khác, chúng ta thường dùng cảm xúc của cá nhân mình để đánh giá cảm nhận của người khác.

Điều này thể hiện trong các cuộc đối thoại thường ngày của chúng ta như sau: Thử tưởng tượng, cả bạn và đồng nghiệp của mình đều bị cho thôi việc cùng một ngày. Trong trường hợp này, dùng cảm xúc của bạn để đánh giá cảm xúc của người kia sẽ khá chính xác vì cả hai đều trải qua cùng một sự kiện. Nhưng nếu bạn đang có một ngày tuyệt vời và gặp một người bạn vừa mới bị cho thôi việc thì sao? Một cách vô thức, bạn sẽ đánh giá cảm xúc của bạn mình đang trái ngược của cảm xúc của bạn ở mức độ nào. Cô ấy sẽ nói, “Tệ quá. Tớ lo lắng đến phát ốm luôn.” Bạn sẽ trả lời, “Đừng có lo, cậu sẽ ổn thôi. Tôi đã từng bị cho thôi việc 6 năm trước nhưng cuối cùng mọi chuyện đều ổn mà.” Bạn càng thoải mái bao nhiêu, thì càng khó để thấy đồng cảm với nỗi buồn của người khác.

Phải mất hàng năm trời để tôi nhận ra rằng mình chơi trò bắt bóng còn giỏi hơn việc giữ sự cân bằng khi đối thoại. Giờ tôi cố gắng để chú ý tới bản năng thích kể về bản thân mình. Tôi cố gắng hỏi những câu hỏi khích lệ người đối diện tiếp tục cuộc trò chuyện hơn. Tôi cũng cố gắng để nhận thức việc cần nghe nhiều hơn và nói ít đi.

Gần đây, tôi có một cuộc nói chuyện dài với một người bạn mới ly hôn. Chúng tôi nói chuyện gần 40 phút trên điện thoại, và tôi gần như không nói một chữ nào cả. Khi kết thúc cuộc gọi, cô ấy nói, “Cảm ơn lời khuyên của cậu. Cậu đã giúp tớ hiểu rõ nhiều điều.”

Thực tế là tôi chẳng hề đưa ra lời khuyên nào. Gần như tất cả những gì tôi đã nói chỉ là “Nghe thật khó khăn. Tớ lấy làm tiếc vì điều này đã xảy ra với cậu.” Cô ấy chẳng cần lời khuyên hay câu chuyện nào của tôi cả. Cô ấy chỉ cần được lắng nghe thôi.

Được trích dẫn với sự cho phép từ cuốn “Chúng ta cần nói chuyện: Cách để có những cuộc đối thoại ý nghĩa hơn” bởi tác giả Celeste Headlee, NXB Harper Wave.

Tác giả: Celestee Headlee, nhà văn, phát thanh viê.

Link bài gốc: https://ideas.ted.com/why-we-should-all-stop-saying-i-know-exactly-how-you-feel/

(*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trần Minh Hi - Nguồn: YBOX.VN". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ:"Theo Ybox" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại đây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,517 lượt xem