Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Thấu Hiểu Bản Thân – Kỹ Năng Tâm Lý Quan Trọng Để Thành Công

“Tất cả mọi người đều là thiên tài. Thế nhưng, nếu bạn đánh giá khả năng leo cây của một con cá thì cả đời nó sẽ mãi mãi nghĩ rằng mình là một kẻ ngu ngốc” – Albert Estein

Ở bài viết trước “Vì sao người ta chia tay” – bài viết có gửi đến một thông điệp quan trọng rằng “Có HIỂU thực sự mới BIẾT cách yêu” với quan điểm phải HIỂU MÌNH HIỂU NGƯỜI. Tuy nhiên, hiểu mình chưa bao giờ là dễ. Bài này, sẽ phân tích kỹ năng tâm lý thấu hiểu bản thân – một kỹ năng quan trọng để thành công. Nó rộng hơn phạm trù tình yêu đôi lứa.

TẬP TRUNG ĐIỂM MẠNH – LÀ CÁ, KHÔNG LEO CÂY

Howard Gardner là một nhà tâm lý học người Mỹ, ông nổi tiếng với học thuyết về loại hình đa trí thông minh, trong đó chỉ ra rằng con người ta thông minh theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn thông minh logic, thông minh ngôn ngữ, thông minh tự nhiên, thông minh vận động,.. Thế nhưng điều đáng tiếc ở chỗ trường học chủ yếu đánh giá năng lực học sinh qua thông minh logic. Nếu một người vốn sinh ra, đã mạnh sẵn về logic thì sẽ có lợi thế trong phần lớn các môn học trên trường, từ đó mà thi cử thuận lợi. Và chưa bao giờ, những người thông minh về vận động hay hội họa được tuyên dương khen thưởng trong các bài thi về logic ở trường. Lẽ dể hiểu là sẽ chẳng bao giờ có chuyện trường học tuyển sinh bằng hai môn thi “Nhảy xa phối hợp hát quốc ca”.

Với tâm lý đám đông, thì những gì người ta hay làm, sẽ tạo thành định kiến. Chẳng hạn, phải thi vào một trường đại học tốt, sau đó học thật giỏi, sau đó sẽ ra trường tìm việc. Chính vì lẽ đó mà nhiều người cứ đâm đầu vào việc học và thi, mà chưa biết khi sinh ra, mình mạnh gì, yếu gì, và cũng chưa biết khi sinh ra, mình là “cá”, hay là “khỉ”, hay là “hổ”, “báo”,… Thành ra, cuộc thi leo cây quy tụ đủ mọi thành phần. Và nếu như, con cá ấy – cả đời cứ cố gắng chạy theo đám đông của loài khỉ, loài vượn – thì suốt đời nó cứ mãi mãi nghĩ rằng nó là kẻ ngu ngốc.

Giống như cầu thủ đắt giá nhất hành tinh hiện tại – giàu có bậc nhất – nhiều kỉ lục và nhiều danh hiệu nhất: Cristiano Ronaldo – thành công vang dội trong lĩnh vực bóng đá – lại là người từ nhỏ đi học chuyên trốn học, học dốt và bị đuổi học – một điều chứng tỏ rằng anh ta không hề thông minh về logic được. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Ronaldo toàn tâm toàn ý, quyết tâm theo đuổi ngành Toán học? Và ngược lại, chuyện gì sẽ đến nếu như GS Ngô Bảo Châu – người Việt duy nhất đạt được giải thưởng Fields trong Toán học (Tương đương giải thưởng Nobel trong lĩnh vực khác) lại đặt hết tâm huyết theo đuổi nghiệp bóng đá. Có lẽ, khi đó thế giới sẽ không có hai tài năng mà thay vào đó là hai thảm họa. Cho nên, điều quan trọng là theo đuổi điểm mạnh – thứ mình giỏi nhất. Là cá, thì phải tìm đến đại dương, để tự do vẫy vũng – và hãy học cách nói không với những cuộc đua leo cây.

HIỂU MÌNH – BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Đây là một hành trình, không phải một sớm một chiều. Người ta bảo, khi ra trận, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình là đã cầm trong tay 50% chiến thắng. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Có những người, có những tài năng là thiên bẩm, là trời phú cho. Vậy nên, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, tính cách là việc đầu tiên và bắt buộc phải làm.

1. Đám đông không biết nói dối

Khi bạn làm một điều gì đó, nếu một người khen, hay chê bạn – đó là chủ quan. Thế nhưng, nếu mười, hai mươi người đều khen, hoặc chê bạn – thì đó không còn là sự chủ quan nữa. Đám đông sẽ không biết nói dối. Giả sử nếu bạn đam mê ca hát, và bạn hát. Ai nghe cũng bảo bạn hát dở ẹc, và bạn không thành công. Thì tốt hơn hết, đó không phải điểm mạnh của bạn. Ở đây – có rất nhiều bạn nghĩ rằng ngoài kia có nhiều câu chuyện nói rằng bị người khác không tin vẫn thành công, đó là thiểu số. Còn đa số là thất bại. Lẽ nào báo chí lại đăng tin về một người bị nhiều người đánh giá là không có tài năng trong một lĩnh vực và cuối cùng người đó không thành công. Cho nên, hãy tiếp nhận mọi thông tin đó. Giống như ca sĩ, một bài hát hay là bài hát được đám đông khán giả chấp nhận – chứ không phải là người đó nghĩ rằng nó có hay hay không.

2. Khao khát nhận phản hồi

Để biết mình làm tốt hay không tốt – thì thói quen quan trọng phải là khao khát nhận phản hồi từ người khác. Người đời nhiều khi tâm lý “sĩ diện” – họ thích được khen và thích được công nhận, từ đó dẫn đến việc sợ bị góp ý hay sợ bị chê. Nhưng thuốc đắng thì giã tật, sự thật thì mất lòng. Lời phản hồi, góp ý từ người khác chỉ ra cho chúng ta biết rằng mình làm tốt ở đâu, chỗ nào chưa tốt. Nếu hỏi ai đó, hãy hỏi những câu như “Có chỗ nào làm tốt?” và cả những câu “Có chỗ nào làm chưa tốt?”. Để biết được điểm mạnh, điểm yếu – thì ngay từ bây giờ chúng ta cần tập thói quen thoải mái với những việc không thoải mái, chẳng hạn như: khao khát nhận phản hồi. Khi nhận phản hồi, phải tiếp cận bằng phương pháp khoa học có tên là 360 degree feedback – tức hỏi tất cả những người xung quanh có liên quan, chứ không phải là hỏi những người mà mình yêu quý. Nói chung, hãy tìm đến những người nói cho bạn điều bạn cần nghe chứ không phải là nói cho bạn điều bạn muốn nghe.

3. Tiếp cận công nghệ khoa học ngay từ bây giờ

Không thể phủ nhận, các nghiên cứu, khoa học về trí thông minh, về tính cách, về điểm mạnh điểm yếu là một đột phá lớn cho thế giới. Chẳng hạn Carl Jung là ông tổ về nghiên cứu các loại tính cách thuộc về The Myers & Briggs Indicator (MBTI) để chỉ ra các loại tính cách cũng như điểm mạnh điểm yếu. Nhờ công nghệ khoa học hiểu tính cách, mà người ta bớt rào cản hơn nhiều trong việc hiểu bản thân: chẳng hạn như hướng nội (Introversion) và hướng ngoại (Extroversion) thì khác nhau điều gì? Tại sao người hướng nội lại có xu hướng sạc pin là tìm kiếm khoảng không gian một mình, nghe nhạc, viết nhật ký, xem phim, tìm vài đứa bạn thân để tâm sự,..mỗi khi stress; còn người hướng ngoại lại có xu hướng lấy năng lượng ở nơi nhộn nhịp, đông người, quẩy,.. Có nhiều công cụ tâm lý để hiểu bản thân. Nó giống như việc người ta đã phát minh ra đèn điện. Thay vì đi tìm hiểu nguyên lí, mày mò để tìm ra một cái đèn dầu, thì tốt hơn hết là hãy tận dụng tính năng ánh sáng của nó để phục vụ cho chính mình. Vậy thì hoặc là tìm đến các bài test hoặc là tìm đến các khóa học để nâng cấp kiến thức cho bản thân mình.

4. Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo

Practice makes perfect!

Khi thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu bản thân thì luyện tập là quan trọng nhất. Giống như một câu nói hoàn hảo của Lý Tiểu Long, rằng “Tôi không sợ những người đá một lần được 10,000 cú đá. Mà tôi sợ những người đá một cú đá lặp đi lặp lại 10,000 lần”. Một khi thấu hiểu điểm mạnh, nó vẫn chỉ là “ngọc thô”. “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học bất tri lí” – Ngọc không mài không sáng, kĩ năng không rèn luyện – không thể hoàn hảo. Nếu không luyện tập, thì điểm mạnh cũng không thể nào trở nên giỏi được. Thể thao là minh chứng hùng hồn cho những điều này. Ronaldo – đằng sau hào quang sân cỏ, là những tháng ngày ở lại cuối cùng trên sân để luyện tập. Và cũng nhiều người, ngay cả khi vô tình đi theo “điểm không mạnh” – nhưng cũng nhờ luyện tập mà tạo ra sự khác biệt không hề nhỏ.

5. Thành công là lặp đi lặp lại những thứ “nhàm chán” nhưng hữu ích

Con người ta dễ có tâm lý “hứng thì làm” đến khi chán thì bỏ. Nhưng thấu hiểu bản thân – như đã nói ở trên, đó là một hành trình. Lặp đi lặp lại mỗi ngày. Liên tục nỗ lực, rèn luyện, liên tục tìm hiểu về chính mình, sau đó liên tục xin phản hồi, liên tục luyện tập để tạo nên sự hoàn hảo. Đó là công thức. Và thành công là lặp đi lặp lại những thứ tưởng như “nhàm chán” nhưng hữu ích. Quy trình ấy không thay đổi. Về mặt tâm lý, một khi đã trở thành thói quen, thì việc thấu hiểu bản thân mang đến niềm vui – nhất là khi việc luyện tập đúng thế mạnh mang lại thành quả.

Trong một cuộc sống nhiều biến đổi, nhiều rủi ro nhưng cũng nhiều cơ hội đến với mỗi người. Chọn việc mình làm, chọn điều mình không làm, hơn hết xuất phát từ việc thấu hiểu bản thân, và từ đó một khi đã tìm ra điểm mạnh, điểm yếu thì kiên định theo những cách để tạo nên sự hoàn hảo cho kĩ năng ấy.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,313 lượt xem